Brazil điều máy bay giội nước dập cháy rừng Amazon

Thứ Ba, 27/08/2019, 11:37
Bắt đầu từ ngày 24-8, Bộ Quốc phòng Brazil điều máy bay vận tải C-130 Hercules giội hàng nghìn lít nước vào đám cháy rừng Amazon ở bang miền Tây Rondonia. C-130 Hercules có khả năng mang 12.000 lít nước mỗi lần cất cánh để tham gia chữa cháy rừng.


Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đã ra lệnh điều động lực lượng quân đội ở 7 bang đối phó với cháy rừng Amazon. Đây được cho là động thái tích cực sau khi Brazil bị cộng đồng quốc tế phê phán về việc chậm trễ trong chữa cháy rừng.

Rừng Amazon tiếp tục bốc cháy dữ dội, với hàng trăm đám cháy mới bùng lên riêng vào ngày 24-8 trên khắp miền Bắc Brazil. Trước đó, Viện Nghiên cứu Không gian Brazil xác định là từ ngày 22, 23-8 đã có 1.663 vụ cháy mới. Trước áp lực quốc tế cũng như quy mô khủng khiếp của vụ cháy rừng, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ra lệnh cho quân đội tham gia chữa cháy và bảo đảm trật tự trị an.

Cùng với việc điều máy bay chữa cháy, Bộ Quốc phòng Brazil đã điều 44.000 binh sĩ đến các bang Roraima, Rondonia, Tocantins, Para, Acre và Mato Grosso để tham gia chữa cháy rừng theo yêu cầu của giới chức các bang này. Nhiệm vụ đầu tiên của quân đội Brazil là triển khai 700 binh sĩ tới khu vực ngoại ô thành phố Porto Velho, thủ phủ bang Rondonia. 

Theo sắc lệnh của Tổng thống Brazil, quân đội sẽ có thể hành động ở vùng Amazon đến ngày 24-9, kể cả tại các khu vực của thổ dân, cho đến nay vẫn cấm quân đội không được vào. Các binh sĩ sẽ can thiệp trên cả hai mặt: cứu hỏa và duy trì trật tự.

Khu vực rừng mưa Amazon ở Brazil, nơi được coi là "lá phổi" quan trọng của thế giới chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Lưu vực sông Amazon, nơi sinh sống của khoảng 3 triệu loài thực vật và động vật, và một triệu người bản địa - rất quan trọng trong việc điều chỉnh sự nóng lên toàn cầu, với những khu rừng hấp thụ hàng triệu tấn khí thải carbon mỗi năm. Nhưng khi cây bị chặt hoặc đốt, lượng carbon mà khu rừng lẽ ra sẽ hấp thụ được thải vào khí quyển.

Tuy nhiên, khu vực này đang trải qua nạn cháy rừng kỷ lục. Theo dữ liệu vệ tinh của Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil (INPE), mức độ các vụ cháy rừng ở Amazon đã tăng 85% so với cùng kỳ năm 2018.

Máy bay của quân đội Brazil phun nước dập lửa chữa cháy rừng Amazon. Ảnh: AP.

Các số liệu chính thức cho thấy, hơn 75.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong 8 tháng đầu năm 2019, cao nhất kể từ năm 2013. Trong khi đó, cả năm 2018 có 39.759 vụ cháy rừng. 

Hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở phía bắc Brazil, các bang Roraima, Acre, Rondônia và Amazonas đều chứng kiến số vụ hỏa hoạn gia tăng đáng kể khi so sánh với mức trung bình trong 4 năm qua (2015-2018); Roraima đã tăng 141%, Acre 138%, Rondônia 115% và Amazonas 81%; tại Mato Grosso do Sul, xa hơn về phía Nam, đã tăng 114%; Amazonas, tiểu bang lớn nhất ở Brazil, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. 

Cháy rừng thường xảy ra ở Amazon trong mùa khô, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10. Chúng có thể bùng phát do các hiện tượng tự nhiên như sét đánh, hay bởi nông dân và tiều phu dọn đất để trồng trọt hoặc chăn thả. Việc người dân đốt rừng lấy đất canh tác cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy rừng kỷ lục ở Brazil.

Không chỉ Brazil, một số quốc gia khác trong lưu vực sông Amazon - một khu vực trải rộng 7,4 triệu km2 - cũng chứng kiến một số lượng lớn các vụ cháy trong năm nay. Venezuela đứng thứ hai, với hơn 26.000 vụ hỏa hoạn, tiếp đó là Bolivia có hơn 17.000. Các nước Bolivia và Paraguay cũng đang nỗ lực khống chế những đám cháy rừng đang lan rộng, trong đó có nhiều trường hợp do tình trạng đốt rừng làm rẫy của nông dân gây ra.

Theo Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (Cams), khói đã bay đến tận bờ biển Đại Tây Dương; thậm chí đã che phủ một phần Sao Paulo - cách đó hơn 3.200km. 

Các vụ hỏa hoạn đã giải phóng một lượng lớn khí thải carbon dioxide, tương đương với 228 megaton trong năm nay, theo Cams, mức cao nhất kể từ năm 2010. Chúng cũng đang thải ra carbon monoxide - một loại khí được giải phóng khi gỗ bị đốt cháy và không được tiếp cận nhiều với oxy. Các bản đồ từ Cams cho thấy carbon monoxide - rất độc hại - được di chuyển xa hơn ra ngoài bờ biển Nam Mỹ.

Tình hình cháy rừng Amazon đã nguy kịch và đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế. Giáo sư Marcondes cho biết nồng độ các hạt bụi ô nhiễm trong nước mưa cao hơn mức trung bình trong những trường hợp tương tự, tức là mưa sau nhiều ngày khô hạn. Nhưng điều làm bà rất hoảng sợ đó là mùi gỗ cháy từ các hạt đó.

Tình hình rừng Amazon đã nguy kịch đến mức đây không còn là chuyện nội bộ của Brazil hay các nước Nam Mỹ nói chung, mà đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn các lãnh đạo G7 thảo luận về cuộc khủng hoảng cháy rừng. Ông mong muốn các nước giúp đỡ Brazil và các quốc gia láng giềng dập lửa và bảo vệ khu rừng "mà tất cả chúng ta đều cần đến vì nó là kho báu với đa dạng sinh học và khí hậu". 

Minh Khuê (tổng hợp)
.
.
.