Brexit - Lợi ít hại nhiều?

Chủ Nhật, 26/03/2017, 10:29
Ngày 14-3 vừa qua, với tỷ lệ 274 phiếu thuận và 11 phiếu chống, Thượng viện Anh đã thông qua dự luật về việc Anh rời châu Âu (Brexit), chính thức mở đường cho chính phủ của Thủ tướng Theresa May thông báo với các nhà lãnh đạo EU về kế hoạch rời khỏi khối này. Liệu đây là tin vui hay khởi đầu cho các cuộc khủng hoảng của xứ sở sương mù?


Hiện có 2 luồng ý kiến trái ngược về nỗ lực Brexit của Anh. Phái ủng hộ cho rằng việc thoát khỏi “gọng kiềm EU” sẽ giúp Vương quốc Anh tự do phát triển, vươn lên lớn mạnh để vượt qua Đức và Pháp. Trong khi đó, những người phản bác cho rằng đây là một nước cờ sai lầm, sẽ dẫn xứ sở sương mù vào mù sương khi mất đi sức mạnh hỗ trợ từ các nền kinh tế khác trong lục địa già.

Sống khỏe?

Theo ước tính chính thức được Chính phủ Anh công bố hồi tháng 1-2017, GDP của nước này trong quý 4-2016 đã tăng trưởng 0,6% so với quý 3-2016. Đây là quý thứ 3 liên tiếp kinh tế Anh có mức tăng trưởng 0,6%. Trong cả năm 2016, toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng 2%, giảm từ 2,2% năm 2015 và 3,1% năm 2014.

“Mỗi lĩnh vực chính trong nền kinh tế đều tăng trưởng trong năm ngoái, đây là bằng chứng về sức mạnh và khả năng phục hồi cơ bản của kinh tế Anh. Có thể sự thiếu chắc chắn đang ở phía trước trong quá trình chúng tôi điều chỉnh quan hệ mới với EU, song chúng tôi sẵn sàng nắm bắt cơ hội để tạo nền kinh tế cạnh tranh có lợi cho tất cả các bên”, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho hay.

Bất chấp Brexit, tăng trưởng kinh tế Anh vẫn có thể nhanh hơn Đức, Pháp. Nền kinh tế Anh được lên kế hoạch để tăng trưởng dài hạn và sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong vòng 3 thập kỷ tới. Đó là nhận định của các chuyên gia thuộc Công ty Tư vấn tài chính PricewaterhouseCoopers (PwC).

Trong báo cáo mới công bố đầu tháng 2 vừa qua, PwC đã xếp hạng 32 quốc gia tăng trưởng mạnh bằng chỉ số GDP toàn cầu dự kiến của họ về Ngang giá sức mua (PPP). Những nhà kinh tế học vĩ mô đã sử dụng PPP làm công cụ xác định năng suất kinh tế và mức sống giữa các đất nước trong một giai đoạn nhất định. 32 quốc gia trong bảng xếp hạng của PwC hiện nay chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng tới năm 2050, nước Anh chỉ bị tụt một bậc từ vị trí thứ 9 xuống thứ 10 trong danh sách 32 nước do PwC chọn lựa. Bên cạnh đó, nền kinh tế Anh sẽ tăng trưởng nhanh hơn cả một số nền kinh tế lớn mạnh ở châu Âu như Pháp, Đức, Ý như một kết quả của "các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi và một nền kinh tế tương đối linh hoạt theo tiêu chuẩn châu Âu”.

Báo cáo trên cũng dự đoán tác động chính của việc rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) đối với kinh tế Anh sẽ diễn ra trong khoảng từ hiện tại tới năm 2020. Sau năm 2020, tăng trưởng kinh tế Anh được giả định trở lại với xu hướng dài hạn của nó khi được xác định bởi các nguyên tắc cơ bản của việc tăng độ tuổi dân số, đầu tư vào nguồn nhân lực và vật lý và tiến bộ công nghệ". Các chuyên gia của PwC nói thêm rằng, tăng trưởng của Anh phụ thuộc vào việc quốc gia này "tiếp tục mở cửa cho những người tài năng từ khắp nơi trên thế giới sau Brexit”.

Hay khốn đốn?

Đó là dự báo dài hạn, nhưng trước mắt đồng bảng Anh giảm 15% giá trị so với USD kể từ ngày trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016. Bảng Anh giảm giá hỗ trợ các nhà xuất khẩu song gây tổn thất cho người tiêu dùng trong nước. Giá một loạt mặt hàng tiêu dùng, từ sôcôla, bia cho đến điện thoại iPhone và đồ chơi, đang tăng.

“Dữ liệu bán lẻ của tháng 12-2016 cho thấy chi tiêu người tiêu dùng đang chậm lại và nếu số liệu của tháng này cũng có cùng hướng, chúng ta có thể vướng vào rắc rối nghiêm trọng”, nhà phân tích thị trường Naeem Aslam tại Think Markets ở Anh cho hay.

Chính phủ Anh dự kiến vay thêm 58,7 tỉ bảng Anh, tương đương 72,6 tỉ USD, trong 5 năm tới vì kinh tế sụt giảm. Một cơ quan độc lập của chính phủ dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ hạ xuống mức 1,4% năm nay, yếu nhất kể từ năm 2009. Thủ tướng Anh Theresa May cho hay bà muốn bắt đầu quá trình chính thức rời khỏi EU từ cuối tháng 3 này.

Trong khi đó, khảo sát của Hãng thăm dò Ipsos Mori công bố ngày 6-2 cho biết 58% doanh nghiệp Anh cho rằng Brexit đã tạo ra tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp của họ. Ngoài ra, 10% chủ doanh nghiệp cho biết đang chuẩn bị di chuyển việc kinh doanh ra khỏi nước Anh, đặc biệt là các nhà băng.

Theo CNN, các ngân hàng và hãng dịch vụ tài chính có trụ sở ở Anh đang có kế hoạch di chuyển hàng ngàn việc làm và hoạt động ra khỏi Anh đến các nước EU khác, nhằm đảm bảo họ có thể tiếp tục kinh doanh tại 27 nước thành viên còn lại của khối.

“Thật kinh khủng cho các hãng dịch vụ tài chính. Việc này sẽ dẫn đến rất nhiều sự gián đoạn trong cộng đồng tài chính”, Giám đốc điều hành Mujtaba Rahman tại Hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group nói. Các động thái đầu tiên của giới tài chính đã xuất hiện.

Sẽ có tới 1.000 trong tổng số 5.000 nhân viên thuộc Ngân hàng UBS ở Anh sẽ được chuyển về châu Âu, Chủ tịch UBS Axel Weber nói tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). HSBC, nhà băng lớn nhất Anh, cũng cho hay họ có thể dời 1.000 việc làm đến Paris (Pháp). CEO HSBC Stuart Gulliver cho hay số nhân viên bị ảnh hưởng tạo ra khoảng 20% doanh số giao dịch tại Anh của ngân hàng.

Lung lay vị thế trung tâm tài chính

Chuyên gia Rahman nói: “Ban đầu, các tác động có thể nhỏ nhưng theo thời gian, thêm nhiều dịch vụ có thể tiếp tục di chuyển theo hướng đó”. Nhiều ngân hàng đang chạy đua thực hiện các kế hoạch dự phòng vì chiến lược của bà May trong chuyện Brexit có thể không cho họ “quyền passport”, vốn cần thiết để làm ăn ở một số mảng trong EU.

Nhiều công ty bảo hiểm cũng không ngồi yên. Inga Beale, CEO của Hãng Lloyd's ở London, cho biết bà được yêu cầu nhanh chóng dời đi để thành lập một công ty con tại EU nhằm bảo đảm 11% doanh số của hãng đến từ khu vực này. “Chúng tôi sẽ không còn được cấp phép, chúng tôi sẽ không còn có thể cung cấp dịch vụ cho các chủ hợp đồng bảo hiểm EU. Chúng tôi sẽ vượt qua chuyện này và chúng tôi đã có kế hoạch”, CEO của Hãng Lloyd's nói. London được xem là trung tâm của khu vực tài chính châu Âu, song tương lai của nó đang bị đe dọa bởi Brexit.

Điều này cực kỳ nguy hiểm cho nước Anh, vì dịch vụ tài chính chiếm gần 12% kinh tế Anh và ngành công nghiệp này sử dụng 2,2 triệu người. Một số nhà phân tích cho rằng “passport” dịch vụ tài chính có thể được thay thế bằng các yếu tố khác tương đương, chẳng hạn như một thỏa thuận cho phép giới doanh nghiệp Anh có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới.

Song các chuyên gia cho rằng một yếu tố tương đương như trên là thỏa thuận mong manh, đòi hỏi sự phối hợp điều tiết cẩn trọng. Thỏa thuận này chỉ bao gồm một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp và có thể được EU thu hồi chỉ với 30 ngày thông báo trước.

Vẫn còn một vấn đề khác: Phần lớn thương mại thế giới bằng đồng euro diễn ra ở London. Thành phố này xử lý các giao dịch trị giá hàng ngàn tỉ euro, gồm tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu và các hợp đồng tài chính khác. Một số hoạt động trên giờ đây chắc chắn sẽ di dời về EU.

Chuyện các ngân hàng “ra đi” có thể tác động đến cả nền kinh tế Anh, Giáo sư tài chính Jon Danielsson tại London School of Economics nhận định, nguồn thu thuế và nhu cầu dịch vụ sẽ giảm mạnh nếu Anh mất hẳn quyền tiếp cận đầy đủ vào thị trường tài chính châu Âu.

Thâm hụt tài chính công

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết Anh sẽ đối mặt với khoản thâm hụt tài chính công lên tới 59 tỷ bảng (73,1 tỷ USD) trong 5 năm tới do hậu quả Brexit.

Theo Văn phòng Trách nhiệm giải trình ngân sách (OBR), Bộ Tài chính Anh sẽ phải vay thêm 122 tỷ bảng trong 5 năm tới, trong đó 59 tỷ bảng do hậu quả của Brexit. Do vậy, chính sách tiết kiệm sẽ được tiếp tục duy trì cho đến tận nhiệm kỳ quốc hội khóa sau.

OBR đưa ra cảnh báo Brexit dẫn đến tăng trưởng chậm lại và thuế thu ít đi. OBR cũng cho rằng việc đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với EU và các nước khác sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng cả nhập khẩu và xuất khẩu của Anh trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, OBR còn điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh từ 2,2% xuống còn 1,4% trong năm 2017.

OBR nhận định những yếu tố chính khiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm lại trong năm 2017 và 2018 là do ảnh hưởng của vấn đề Brexit, đó là việc đồng bảng giảm giá mạnh, điều này khiến chi phí nhập khẩu của Anh tăng lên. Tăng trưởng kinh tế Anh được dự báo ở mức 1,7% và 2,1% trong năm 2018 và 2019.

Sẽ thay đổi để thích ứng?

Tuy nhiên, tin tốt là Anh đã chuẩn bị sẵn những kế hoạch dự phòng. Trong trường hợp rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận chung để tiếp cận thị trường rộng lớn này, Anh sẽ thay đổi mô hình kinh tế của nước này nhằm giành lợi thế cạnh tranh.

 Theo Bộ trưởng Tài chính Phillip Hammond, trong khả năng mong manh, Anh có thể phải sử dụng thuế doanh nghiệp làm "đòn bẩy" trong các cuộc đàm phán về Brexit. Tuy nhiên, Anh vẫn sẽ duy trì mô hình kinh tế châu Âu, bao gồm hệ thống thuế và các quy định khác.

Nếu giữa Anh và EU vẫn tồn tại những bất đồng và London không thể tiếp cận thị trường EU thì nước này buộc phải thay đổi mô hình kinh tế để vượt qua các nguy cơ trong ngắn hạn, ông Hammond khẳng định.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng tuyên bố rằng EU sẽ xem xét việc hạn chế Anh tiếp cận thị trường này nếu London không chấp nhận nguyên tắc "4 tự do" cơ bản trong quá trình đàm phán về Brexit.

Nguyên tắc "4 tự do" cơ bản của khối thị trường chung châu Âu được bà Merkel đề cập ở đây là sự tự do di chuyển trong khối đối với hàng hóa, vốn, dịch vụ và con người. Thủ tướng Đức khẳng định rằng Anh không thể chỉ lựa chọn những gì tốt nhất cho mình trong quá trình đàm phán Brexit. Theo bà Merkel, việc đàm phán phải dựa trên sự tôn trọng những nguyên tắc cơ bản nói trên, nếu không EU sẽ đặt ra những giới hạn dành cho London.

Phản ứng trước tuyên bố cứng rắn của người đứng đầu Chính phủ Đức, trong bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Anh Theresa May đã nhấn mạnh rằng, London sẽ gây khó dễ về mặt kinh tế cho EU nếu nước này không tiếp cận được thị trường chung châu Âu và giành được quyền kiểm soát về tình trạng nhập cư.

Ước Lễ (tổng hợp)
.
.
.