Bữa ăn ở trường học: Con ăn, bố mẹ lo

Thứ Tư, 27/12/2017, 16:00
Bữa ăn an toàn cho trẻ em ở các trường học bán trú chưa khi nào khiến các bậc phụ huynh thực sự yên tâm, dù ở nông thôn hay thành thị.


Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học những năm trở lại đây đã gióng một tiếng chuông cảnh báo toàn xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục, các nhà quản lý xã hội về việc làm sao để đảm bảo cho trẻ em những bữa ăn sạch, không còn bị đe dọa bởi thực phẩm bẩn.

Hoang mang hôm nay ở trường con ăn gì

Trên mạng xã hội, một bà mẹ có con học lớp 3 ở Hà Nội viết: “Ngày hôm nay ở trường con mình học có một vụ ngộ độc thức ăn. Các con, trong đó có con mình, sau khi đi học về có hiện tượng đau bụng âm ỉ, rồi tiêu chảy, nôn rất nhiều. Con đã được đến cơ sở y tế. Nguyên nhân do các con ăn đồ ăn ở trường học không an toàn. Mình hoang mang kinh khủng. Bây giờ bố mẹ nào cũng bận, chỉ biết gửi con đến trường học bán trú, đóng tiền và trông đợi vào sự chăm nom của các thầy cô, nhưng xem ra mọi thứ ít an toàn quá. Những vụ việc bạo hành trẻ mầm non, học sinh đánh nhau, bị cô giáo đánh đã đau đầu nhức nhối phụ huynh rồi, giờ thêm thực phẩm bẩn nữa thì càng đáng sợ. Mình đưa con đến trường chỉ biết giao con cho nhà trường, không biết ngày hôm đó con được ăn những món gì, nấu nướng hương vị ra sao, và đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc từ đâu, có sạch hay không?”. 

Ảnh minh họa.

Nỗi lo lắng hoang mang của bà mẹ này cũng là tâm trạng chung của rất nhiều ông bố bà mẹ khác, những người đang có con ở độ tuổi cắp sách đến trường. Thực phẩm bẩn đang là nỗi lo chung của toàn xã hội. Ngay cả người lớn bước chân ra đường, vào ăn quán xá hay mua rau thịt ở chợ, thậm chí ở siêu thị cũng không không yên tâm về chất lượng thực phẩm, thì nỗi lo trường học thiếu an toàn thực phẩm chắc chắn cũng là thường trực hàng ngày. 

Vụ việc tai tiếng gần đây nhất là các phụ huynh học sinh đã phát hiện xe chở nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn của Trường Tiểu học Lý Nhân, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) chở toàn thực phẩm đã thối rữa, chất lượng kém, có cả giòi bọ bên trong. 

Cũng thời điểm đó, dư luận tiếp tục lên tiếng về việc 31 trẻ em ở Trường Mầm Non Lại Yên huyện Hoài Đức (Hà Nội) có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi được gửi tại trường, trong đó có 9 em nặng hơn bị rối loạn tiêu hóa, 5 em phải nhập viện điều trị và 4 em điều trị tại nhà. Tiếp sau đó, lại xảy ra vụ việc khay đựng thức ăn của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám Hà Nội có giòi.

Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm cung cấp trong trường học có dễ?

Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT/BYT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. 

Trong đó đã nêu rất cụ thể quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường, đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở trong các cơ sở giáo dục gồm: nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm, tiếp đến là khâu chế biến, nấu nướng, bảo quản, vận chuyển và nhà ăn của các cơ sở giáo dục. 

Theo đó, nếu trường nào để xảy ra tình trạng thực phẩm kém chất lượng thì hiệu trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. 

Quy định thì như vậy nhưng trong thực tế, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường học rất đa dạng, khó kiểm soát một cách triệt để. Một số trường tổ chức bếp nấu ăn, thì ngoài việc nguyên liệu tốt, còn phụ thuộc vào khâu chế biến của các nhân viên làm bếp có an toàn hay không. 

Một số trường khác thì không tổ chức bếp nấu, mà chủ trương đi đặt các suất ăn từ các cơ sở cung cấp bên ngoài. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn hiện nay rất nhiều, quy mô to nhỏ khác nhau nhưng về cơ bản điều kiện chế biến thủ công là chính, khó mà đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm (như phương tiện, dụng cụ chế biến, các điều kiện bảo quản thực phẩm, thời gian vận chuyển thực phẩm...).

Ảnh minh họa.

Những khó khăn đó trong công tác thanh kiểm tra chất lượng thực phẩm trường học cho thấy mọi quy định phải tăng cường hơn nữa vai trò của nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng mỗi trường. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng phải gắn chặt trách nhiệm của hiệu trưởng với việc đảm bảo thực phẩm sạch cho học sinh. Những vi phạm nếu bị phát hiện sẽ phạt thật nặng hiệu trưởng trường học. 

Theo tiết lộ của nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, họ phải chi một số tiền phần trăm không nhỏ cho người đứng đầu nhà trường để được quyền cung cấp thực phẩm hàng ngày vào cho bếp ăn của nhà trường. Các cơ sở cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá thành thực phẩm xuống để tăng phần trăm bồi dưỡng cho lãnh đạo nhà trường lên. Giá thực phẩm rẻ đồng nghĩa với nguy cơ học sinh phải ăn những thực phẩm kém chất lượng, hỏng, thối rữa càng tăng. Và lẽ di nhiên, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe học sinh càng tăng.

Phụ huynh học sinh có vai trò như thế nào trong việc đảm bảo bữa ăn an toàn trong trường học?

Hội phụ huynh ở mỗi trường được thành lập ra để bảo vệ quyền lợi cho con em mình. Tuy nhiên, rất nhiều nơi, Hội phụ huynh đã trở thành cánh tay nối dài của Ban giám hiệu nhà trường, chứ chưa thực sự phát huy vai trò thiết thực của mình bảo vệ học sinh. 

Hội phụ huynh có quyền đưa ra các yêu cầu về an toàn thực phẩm với nhà trường và yêu cầu nhà trường nghiêm túc chấp hành các yêu cầu đó. Phải thường xuyên cử đại diện của Hội phụ huynh đến trường không báo trước, kiểm tra tận bếp ăn của trường, phát hiện những nguy cơ thực phẩm thiếu an tàn và có những báo cáo nghiêm túc về vấn đề này. 

Trên các diễn đàn, rất nhiều ông bố bà mẹ kêu ca, bức xúc, lo lắng về bữa ăn của con em mình buổi trưa ở trường, nhưng thực tế số phụ huynh trực tiếp đến trường kiểm tra, xem xét bữa ăn của các con thì rất ít. Theo một thống kê không chính thức của một nhóm nghiên cứu trên mạng xã hội, có đến hơn 90% cha mẹ được hỏi có biết con ăn món gì buổi trưa ở trường, hay đã từng đến trường quan sát bữa ăn của con chưa thì đều trả lời là chưa.

Bên cạnh vai trò của Hội phụ huynh, xã hội cần vào cuộc tích cực với cả một hệ thống giám sát khắt khe cần thiết. Những tờ giấy ký cam kết của hiệu trưởng nhà trường không nói lên gì nhiều nếu việc thanh kiểm tra của các ban ngành không thường xuyên liên tục. 

Ngành Giáo dục, các chính quyền cơ sở phải linh hoạt một kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất các khu vực bếp ăn trong trường học cũng như nguồn gốc xuất xứ thực phẩm được sử dụng ở đây. Những lần kiểm tra không được báo trước, nghiêm khắc với hiện tượng móc nối để giữa nhà trường với cán bộ thanh kiểm tra dễ dàng bỏ qua những sai sót, hay “làm cho xong”.  

Cục An toàn thực phẩm – ATTP (Bộ Y tế) đã đề nghị tất cả các trường phải có hồ sơ ghi chép nguồn gốc thực phẩm từng bữa ăn để nếu có bất cứ điều gì xảy ra dễ dàng truy suất đơn vị cung cấp. Tất nhiên trong mọi trường hợp xảy ra, người đứng đầu trường học vẫn phải chịu trách nhiệm cao nhất. 

Tuy nhiên, điều quan trọng của an toàn thực phẩm trường học là không phải để mọi chuyện xảy ra rồi, ảnh hưởng đến học sinh rồi mới xử lý, mà phải ngăn chặn để những ảnh hưởng xấu không thể xảy ra. Cụ thể là phải đề ra những giải pháp để thực phẩm bẩn không có cơ hội tuồn vào trường học. 

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cung cấp thông tin: “An toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm trong bếp ăn tại trường học đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Mặc dù các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học chiếm tỷ lệ thấp (3,7%) trong tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm nhưng vì đối tượng bị ngộ độc là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng thấp nên thường để lại hậu quả nghiêm trọng hơn”. 

Ðể tiếp nhận thông tin về thực phẩm bẩn trong trường học, Cục ATTP đã lập đường dây nóng 0243.2321556 và 0911811556 (hoạt động 24/24 giờ hằng ngày). Lãnh đạo Cục ATTP cho biết, đơn vị sẽ thanh tra đột xuất tại trường để kiểm tra thông tin phản ánh của người dân mà không thông qua địa phương.

Mong rằng với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, các phụ huynh sẽ bớt đi phần nào nỗi lo an toàn bữa ăn của con em mình ở trường mỗi ngày.

Hội Vũ
.
.
.