Bùa yêu và chuyện chữa vô sinh của linh vật huyền bí Tây Bắc

Thứ Hai, 01/07/2013, 00:34

Theo chủ nhân của những chiếc hi đán, khuây đán thì linh vật này ẩn chứa rất nhiều điều kỳ lạ. Nó có thể bị chết nếu không được nuôi dưỡng, đồng thời đó là thứ bùa yêu thần diệu, là "vị thuốc" chữa vô sinh của người Thái đen...

Vật thiêng cũng... "chết"

Một tập tục lạ của những chủ nhân hi đán, khuây đán đó là phải nuôi vật thiêng này trong một bao gạo, đồng thời thả vào đó vài đồng tiền bạc để vật thiêng được ăn no và được đánh bóng bởi những đồng tiền bạc sáng nhoáng. Sở dĩ phải nuôi trong bao gạo vì người ta cho rằng chúng cũng biết ăn như người, vì thế phải nuôi chúng, nếu bị bỏ đói thì hi đán, khuây đán sẽ chết.

Cách đây gần hai năm, ở xã Pí Tòng có trường hợp gia đình bà Lù Thị Làn không nuôi linh vật này khiến linh vật chết vì đói trước sự ngẩn ngơ tiếc nuối của nhiều người.

Ông Quàng Văn Nhàn, một người dân ở xã Pí Tòng kể lại: Năm 2010, chồng bà Làn là ông Lò Văn Chư lén lút đem khuây đán đến bản khác tán gái. Biết được việc này, bà Làn rất tức giận vì ông đã có vợ có con rồi mà vẫn theo đám thanh niên choai choai đi chơi gái là việc xấu xa, bà cấm ông đi tán gái. Ông hứa quàng hứa xiên với bà vài ba lần rồi cất khuây đán vào một cái hũ gạo để cạnh đầu giường.

Đến cuối năm 2010 cái bệnh máu gái của ông "tái phát", ông lại lén lút đút khuây đán vào túi quần đi sang xã Ngọc Chiến tán gái. Bà Làn biết được tin này liền nổi cơn thịnh nộ. Đợi cho ông đi chơi về bỏ khuây đán vào chỗ cũ, bà liền lấy trộm bộ hi đán, khuây đán cuốn vào cạp váy rồi ném xuống chân núi.

Vài ngày sau, ông Chư mò mẫm lấy vật thiêng đi tán gái không thấy đâu liền hỏi bà, bà bảo là đã vứt xuống chân núi khiến ông ngậm ngùi tiếc nuối. Ông đi tìm khuây đán cả tuần nhưng không được. Khoảng hai tháng sau đó, ông tiếp tục huy động con cháu xuống chân núi tìm lại vật thiêng.

Khi tìm thấy hi đán, khuây đán, ông đã khóc lóc vì thương tiếc và giận dữ vì khuây đán không được nuôi dưỡng nên đã bị phân hủy, đá bị mưa nắng ăn khuyết như có ai đó đổ axít vào, hình dáng bị biến dạng không còn như trước nữa. Khi ông đem về thì không còn cảm nhận được sự tác động của vật thiêng lên người mình nữa.

Bùa yêu miền sơn cước

Anh Giang Trịnh Tuân ở Văn Chấn, Yên Bái cầm chiếc khuây đán trên tay rồi tiết lộ về công hiệu “thần sầu” trong tình yêu của linh vật độc đáo này. Đó là một số người đàn ông Thái bỏ khuây đán vào túi quần để đi tán gái. Chỉ cần đem theo khuây đán đến nhà cô gái mà anh ta thích hai đến ba lần là cô gái sẽ "đổ".

Ngược lại, khi người con gái thích người con trai nào đó thì chỉ cần giắt hi đán vào cạp váy rồi đi chơi cùng người con trai và hai người sẽ nên duyên vợ, chồng. Trường hợp cho mượn vật thiêng để làm bùa yêu thì trước khi trao cho người mượn, chủ nhân của khuây đán, hi đán thường dặn dò rằng: "Hôm nay nó đi tán gái, mày phải đi theo nó để giúp nó được toại nguyện". Chỉ khi chủ nhân khuây đán niệm chú rồi thì khuây đán mới phát huy tác dụng khi cho mượn.

Một trong những câu chuyện nói về tác dụng của chiếc khuây đán, đó là trường hợp anh Giàng A Dê, người dân tộc Mông. Năm 2011, Dê phải mất 7 lần đi bắt vợ, nhưng cứ bắt về là cô vợ lại bỏ trốn về nhà mẹ đẻ.

Anh Giang Trịnh Tuân bên chiếc khuây đán đơn độc duy nhất miền Tây Bắc.

Cuối năm 2011, Dê đến bản Thái đi mượn khuây đán và được chủ nhân của chiếc khuây đán ở xã Ngọc Chiến cho mượn. Sau đó Dê đem theo khuây đán đến nhà vợ chơi, không ngờ chỉ sau hai lần đi lại vợ Dê đã ôm quần áo quay trở về.

Quá vui sướng vì bắt vợ thành công, Dê đã đem đôi trâu mộng đến nhà chủ nhân của chiếc khuây đán để tạ ơn. Đến nay đã hơn một năm trôi qua, vợ Dê không còn bỏ trốn về nhà mẹ đẻ như trước nữa.

Ông Quàng Văn Úa, chủ nhân của bộ hi đán, khuây đán ở xã Ngọc Chiến cũng thừa nhận: "Năm 2011 có một đứa con gái 25 tuổi mà chưa lấy được chồng đến đây mượn cái hi đán. Tao cho nó mượn một tuần và dặn nó giắt vào cạp quần đem đi chơi với một thằng con trai trong bản. Nó đi chơi với thằng con trai đó được một tuần thì hai đứa chúng nó lấy nhau. Lấy được chồng rồi, nó bí mật đem một con gà, đùm xôi với mấy gói bánh đến để tạ ơn. Đó là trường hợp gần đây nhất mà tao từng cho mượn hi đán làm bùa yêu để giúp đứa con gái khỏi ế".

Anh Tuân cho biết: Ở vùng này, người dân vẫn thường cho nhau mượn hi đán, khuây đán để đi tìm bạn tình. Nếu người nào thành công thì đem lễ vật đến nhà chủ nhân của hi đán, khuây đán tạ ơn. Tên tuổi của người mượn linh vật này đi tìm bạn tình ít khi được người cầm đầu ma - chủ nhân của những chiếc hi đán, khuây đán tiết lộ. Vật dùng để tạ lễ có thể là cân hoa quả, gói bánh, kẹo, cái thủ lợn hay thậm chí là con trâu, con bò...

Linh vật chữa vô sinh!?

Đang tiếp chuyện chúng tôi thì vợ anh Giang Trịnh Tuân xuất hiện. Anh Tuân tủm tỉm cười khoe: "Đấy! Vợ tôi đấy! Nhờ khuây đán mà vợ chồng tôi mới có con đấy!". Nói rồi anh kể về công dụng chữa vô sinh của chiếc khuây đán.

Theo lời anh Tuân thì anh bị bệnh quai bị biến chứng từ năm lên 14 tuổi dẫn đến vô sinh. Gia đình anh lại chỉ có một mẹ, một con nên anh nghe cái tin này như sét đánh ngang tai, anh đờ đẫn cả người còn người mẹ già thì ngồi khóc thương con. Đến cuối năm 2011 anh lấy vợ và lo chạy chữa khắp nơi chỉ mong có được mụn con để nối dõi tông đường và để mẹ già khỏi lo lắng.

Cuối năm 2011, anh khăn gói khoác ba lô vào Bệnh viện Từ Dũ - TPHCM để khám bệnh. Sau khi khám, các bác sĩ ở đây kết luận rằng, anh đã bị vô sinh và không còn cách nào để chữa trị. Quá buồn chán, anh lại lang thang trở ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội để khám, các bác sĩ ở đây cũng lắc đầu bó tay và kết luận, bệnh của anh không thể chữa khỏi.

Cận cảnh chiếc khuây đán đơn độc.

Anh thất thểu trở về nhà trong sự hoang mang và kiệt cùng tuyệt vọng. Đến khoảng tháng 2/2012, anh mua được chiếc khuây đán, chủ cũ của linh vật này mách nhỏ: "Cái khuây đán có khả năng cải thiện quan hệ vợ chồng và chữa vô sinh". Nghe đến đây, mắt anh sáng ngời lên như tìm được kho báu. Tia hi vọng lại được nhen nhóm trong anh.

Anh Tuân kể: "Sau khi mua linh vật về được chừng một tháng, tôi "tắm rửa" cho linh vật rồi dùng nước đó tắm. Tôi cảm nhận như có luồng sinh khí tác động qua lại giữa tôi và khuây đán, khả năng quan hệ vợ chồng tăng gấp đôi, rồi vài tuần trôi qua, vợ tôi thông báo là đã có bầu, tôi đi khám lại thì các bác sĩ bảo tôi không bị vô sinh nữa. Đến tết này vợ tôi sẽ sinh con, dù là trai hay gái cũng khiến tôi vui sướng tột cùng".

Khi chúng tôi gặp chủ nhân của những chiếc hi đán, khuây đán hỏi về công dụng cải thiện quan hệ vợ chồng, tất cả họ đều ngần ngừ gật đầu rồi cười khà khà: "Chuyện này mà các chú cũng biết kia à? Đúng là thế! Chỉ cần để cái này bên cạnh mình thì quan hệ vợ chồng không bao giờ chán".

Anh Giang Trịnh Tuân cho biết: "Linh vật huyền bí vậy nhưng không hiểu sao thời gian gần đây có một số người ở Hà Nội biết tin tôi có khuây đán đã tìm đến tận nơi đòi mua với giá 400 - 500 triệu đồng nhưng tôi không bán. Về sau họ bảo chỉ cần được ngủ với khuây đán vài đêm thôi cũng được nhằm tăng cường khả năng quan hệ vợ chồng và chữa vô sinh. Thế nhưng tôi vẫn không đồng ý vì sợ người ta lấy cắp khuây đán. Người Thái đen quan niệm rằng ai có phúc thì mới được ở với vật thiêng, nếu bán đi là bán cả phúc đức của gia đình".

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng, Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, dưới góc nhìn văn hóa, khuây đán và hi đán là khởi nguồn của mọi sự sinh sôi, phát triển. Hai vật này tượng trưng cho âm dương hòa hợp, cuộc sống gia đình hòa thuận, vợ chồng, con cái không chửi bới lẫn nhau. Người dân nuôi khuây đán và hi đán trong một cái bao gạo cộng thêm mấy đồng tiền bạc là nghiêng về ý nghĩa vật chất.

Người ta quan niệm rằng, hạt gạo là hạt ngọc của trời đất, "cơm tẻ là mẹ ruột", vì thế có linh vật này trong nhà còn tượng trưng cho khát vọng giàu sang, no ấm của con người.

Đây là một tín ngưỡng xuất hiện ở một số dân tộc ở Việt Nam như người Khơ Me, các dân tộc ở Tây Nguyên, ở phía Bắc còn có một bộ phận nhỏ dân tộc Mông ở Si Ma Cai, Lào Cai cũng có phong tục này.

Về chất liệu thì linga, yoni có thể được làm bằng đá, bằng gỗ... nhưng tựu trung lại nó vẫn mang một ý nghĩa nhân sinh về sự sinh sôi, phát triển... và nó phải được gìn giữ và bảo vệ.

Cẩm Long
.
.
.