Bức bình phong trong đời sống tinh thần người Việt

Thứ Năm, 23/01/2020, 14:57
Du xuân đầu năm nhiều người vẫn rủ nhau đến đình, chùa, miếu mạo... để cầu bình an, may mắn. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy ở phần lớn những nơi linh thiêng này đều có một thứ ngay ở bên ngoài: bức bình phong. Không chỉ vậy, bình phong còn có thể tìm thấy trong cả những ngôi nhà vườn xưa của người dân Việt.


Với ý nghĩa như là vật che chắn phong thủy, dùng để ngăn chặn những gì xui xẻo, cũng như thể hiện sự kính trọng đối với các vị thần được thờ trong đình, chùa..., thuở ban đầu bình phong được làm rất đơn giản bằng các vật liệu dễ kiếm như tre nứa, gỗ, phiến đá, thậm chí bụi cây cũng được. 

Nhưng càng về sau, bình phong ngày càng được chú trọng làm bằng vật liệu bền vững như xây gạch, đắp đá; hình thức của bình phong cũng ngày càng cầu kỳ, phong phú và thường được trang trí cả hai mặt bằng kỹ thuật đắp khảm sành sứ hoặc tô vẽ những chủ đề muôn thuở như cá hóa rồng, hình hổ, long tàng vân, phượng hoàng xòe cánh và long mã tải đồ...

Bình phong ở đình Thới Thạch (Ô môn).

Có 2 loại bình phong là triều và án, trong án cũng có 2 loại: ngoại án và nội án. Chúng ta thường gặp ở đình chùa là các loại bình phong một tấm cố định kiểu cuốn thư, được làm chắc chắn, có chân cố định, khi di chuyển phải di chuyển nguyên tấm.

Bức “Bình phong long mã” nổi tiếng ngay cổng Trường Quốc học Huế được xây dựng từ thời vua Thành Thái (1896)

Khu vực phía Bắc và cố đô Huế là những nơi còn giữ lại được nhiều kiểu bình phong nhất. Các bình phong ở đây thường có ba phần khác nhau. Phần đế được xây cao bằng bể cạn đặt phía trước, nếu không có bể cạn thì có thể xây thấp hơn và được xây thành khối chữ nhật đơn giản hoặc thêm hình vân mây sóng nước. 

Ngoài bể cạn, chúng ta cũng thấy đi cùng với các bình phong còn là những hòn non bộ trang trí khá cầu kỳ. 

Trên phần đế, phần thân thường được xây dựng đối xứng, trên đó thường ghi câu đối với các biểu tượng theo mô típ tứ quý, bát quả,... ở giữa ghi chữ Thọ, chữ Phước hoặc hình tứ linh (long, lân, quy, phụng). Phần đỉnh có thể có hoặc không, nhưng nếu có thường có họa tiết “song Long chầu nhật”. 

Điểm đặc biệt là các bình phong không dùng để cầu lộc, tiền tài mà chỉ cầu sự may mắn, trường tồn. Do đó, trong các bức bình phong chúng ta không thể tìm thấy được chữ Lộc.

Một đặc điểm dễ nhận thấy nữa là phần lớn các bình phong được trang trí, chạm trổ công phu bằng cách ghép sành sứ. Những mảnh gốm sứ, mảnh chai được cắt tỉa theo hình dáng và màu sắc khác nhau sau đó được các nghệ nhân gắn lại bằng những chất kết dính như vôi hàu, mật mía tạo nên những hình tượng cầu kỳ, đẹp mắt. Do đó, ngoài ý nghĩa về mặt phong thủy, bình phong còn kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật trong kiến trúc nhà cổ truyền thống.

Bức "Bình phong Long mã" (Ngựa hóa rồng).

Với các bình phong ở đình chùa, miếu mạo, hình tượng Long mã được sử dụng nhiều vừa để trang trí vừa có ý nghĩa phong thủy trừ tà, khử trược. Hơn nữa Long mã còn được xem là linh vật báo hiệu điềm tốt lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ, sự nguy nga đường bệ, hạnh phúc vô song.

Với bình phong có gắn chữ Thọ, được lồng vào hình tròn nằm chính giữa trung tâm, vẫn được sử dụng ở nhà của người dân. Đây là điểm nhấn vừa trang trí vừa là cái gương, qua đó người khách có thể báo trước với chủ nhà về sự hiện diện của mình. Đồng thời, người chủ nhà khi đã sửa soạn xong việc đón tiếp, sẽ đứng trước cửa, người khách nhìn qua ô tròn đó và biết mình nên đi vào, tránh sự cập rập cho việc tiếp đón. Chi tiết này là một sự tinh tế trong văn hóa ứng xử.

Bia ông Hổ, đình Thông Tây Hội, Gò Vấp.

Đơn giản hơn ở khu vực phía Bắc, thần Hổ là một trong các thần linh dân dã được tích hợp vào đình Nam bộ. Bình phong ở đây vẫn được người dân quen gọi là “Bia ông Hổ” vì nhất thiết trên mặt tấm bình phong ấy phải vẽ hoặc tạo hình “ông” hổ vàng, bởi màu này gắn với trung ương, có thể thay thế cho cả ngũ phương. Trước bình phong ông Hổ, một chiếc bàn thờ nhỏ là điều không thể thiếu. Bàn thờ cũng chỉ là một bệ thấp, để đặt các loại đèn nhang, bình bông cùng các phẩm vật cúng mỗi khi đình vào lễ kỳ yên hoặc cầu bông.

Với người dân Nam bộ, tấm bình phong trước hết là để che chắn những gì không hay, tạo sự kín đáo cho công trình phía trong; đồng thời là diện rộng để đắp vẽ trang trí những hình có tính chúc tụng. 

Mà cọp là con vật có trang sử thứ nhất của vùng đất Nam bộ. Khi tới vùng đất này khai phá lập làng, ngoài việc gặp những cánh đồng, đầm lầy, rừng rậm bạt ngàn; họ còn gặp khá nhiều thú dữ, cọp là mối đe dọa thường xuyên. Chính thực tế lịch sử ấy đã tạo ra trong tâm thức con người cả hai thái cực: vừa sợ hổ, vừa sẵn sàng chinh phục hổ. 

Tâm lý ấy tạo ra việc thờ cúng ông Hổ trong đình làng. Vì thế trên bình phong hướng từ cổng vào có vẽ hay đắp nổi hình hổ để canh giữ bảo vệ đình miếu. Hoặc cảnh rồng cọp vờn nhau tượng trưng cho âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa... Cũng có đình đắp hình cá vượt vũ môn hay hình long mã chở cuốn thư nhằm đề cao sự học.

Bình phong ở đình Thới Thạnh (Ô Môn).

Tuy nhiên, mặt sau của bức bình phong ở Nam bộ luôn có bệ thờ Thần Nông với ý nghĩa vừa trừ tà, vừa để thờ Thần Nông và Thần Hổ.

Nhiều ý kiến cho rằng các ông Hổ trong bình phong ở Nam bộ có dáng hình dũng mãnh và uyển chuyển với những đường lượn cong ở lưng và đuôi, gương mặt đầy biểu cảm với răng nhe, mũi lớn như phập phồng, tai vểnh, hai mắt đen tròn xoe như đang chiếu ra một ánh nhìn mê hoặc, nhưng cũng chỉ là những bức vẽ khá sơ sài, chưa toát lên vẻ dũng mãnh của chúa sơn lâm như trên thực tế.

Anh Kiệt
.
.
.