Bức xúc vì rác quảng cáo

Thứ Hai, 24/04/2017, 11:13
Một căn nhà mới vừa lăn sơn, chỉ qua một đêm trên bức tường còn nguyên mùi sơn ấy xuất hiện các dòng chữ: "Khoan cắt bê tông", "Thông tắc bể phốt", "Cho vay không thế chấp"…!


Ở các đô thị lớn, rác quảng cáo được dán chi chít nơi cột điện, cổng trường, tường nhà dân, thậm chí cả những chốn linh thiêng như: Đền, chùa, miếu, phủ… làm mất mỹ quan và gây bức xúc trong nhân dân.

Rác quảng cáo gây mất mỹ quan

Đã hơn một tháng Hà Nội và các thành phố lớn đồng loạt ra quân xử lý vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Kết quả, nhiều vỉa hè các tuyến phố chính đã thông thoáng trở lại.

Nhưng hình ảnh của các đô thị vẫn chưa hoàn toàn đẹp trong mắt người dân, đặc biệt là du khách nước ngoài khi "nạn rác quảng cáo" vẫn còn tràn lan trên khắp các tuyến phố gây mất mỹ quan. Khó có thể tìm được một bức tường nơi công cộng hoặc nhà dân mà trên đó không có những tờ rơi được dán, quét sơn… một cách nhếch nhác và phản cảm.

Tờ quảng cáo làm bẩn bức tường của khu dân cư

Chia sẻ với chúng tôi, anh Văn Hải ở quận Hà Đông, Hà Nội bức xúc: "Gia đình tôi vừa xây một căn nhà, bốn bức tường bao quanh đẹp đẽ. Nhưng chỉ qua một đêm, sáng ra xung quanh tường bị dán đủ các kiểu tờ quảng cáo, rao vặt như hút bể phốt, khoan cắt bê tông, cho vay lãi suất thấp, bán đất nền, học lái ôtô…, hôm đó nhà tôi lại chuẩn bị mấy mâm cỗ để mời tân gia.

Mọi người đến khen nhà đẹp và không khỏi bức xúc bởi những vết bẩn mà nhân viên quảng cáo dán, quét lên đó. Trong lúc bia, rượu, chú em trai bực quá lần gọi theo số điện thoại mắng chửi um lên, làm bữa tiệc mất vui!".

Nhiều người dân vừa bực, vừa nản và ví tường nhà mình như "bản tin quảng cáo" của tổ dân phố. Đã nhiều lần họ cố xé bỏ các tờ quảng cáo rồi sơn sửa lại tường nhưng được một hai ngày thì người ta lại dán chi chít. Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy họ nản quá nên mặc kệ luôn, muốn dán gì thì dán!

Với ông Toản ở quận Thanh Xuân, Hà Nội thì cứ đến cuối năm ông "tổng kết" sơn sửa một lần rồi đón Tết luôn, ông cho biết thêm: "Không hiểu sao thời đại này người ta lại quảng cáo theo kiểu "tra tấn" như vậy. Dù tôi lớn tuổi nhưng khi có nhu cầu về những dịch vụ trong gia đình, tôi lên mạng tìm là có ngay, chứ quảng cáo kiểu "vô văn hóa và phản cảm" như thế này vừa nhếch nhác, gây mất mỹ quan, vừa không hiệu quả. Khổ nỗi các vết dán giấy lột đi quét lại còn đỡ, chứ bọn họ quét sơn, mầu khác và đậm lên thì chỉ có cách nạo tường ra, trát lại rồi lăn sơn lên mới hết được. Năm vừa qua, tôi quyết định ốp gạch men cả mặt tiền ngôi nhà, thế mà tuần nào cũng phải mang chậu nước và dẻ ra lau vết quảng cáo trên tường!".

Nhiều nhà dân ốp gạch men tường ngoài nhưng vẫn bị rác quảng cáo tấn công.

Từ khi dọn về ở tại khu chung cư Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai - Hà Nội, chị Hà gần như ngày nào cũng nhận được vài tờ rơi tiếp thị gas, khuyến mãi của siêu thị, chăm sóc sắc đẹp... Nhưng phiền nhất vẫn là đội quân tiếp thị gas.

Chị cho hay: "Lịch sự thì họ chỉ để tờ rơi trước cửa, còn phần lớn đều bấm chuông, gõ cửa để tiếp thị. Bực nhất là lúc ru con ngủ, ru mãi con mới ngủ, họ bấm chuông mấy lần làm con thức giấc, ra mở cửa thì thấy ngay ông tiếp thị gas nhoẻn miệng cười! Lắm lúc đang ngồi trong nhà mà họ gọi mình như là quen lâu lắm rồi. Nào là chị còn nhớ em không, em tới hỗ trợ, tư vấn gas... rồi xông thẳng vào nhà".

Chị cho biết thêm: "May mà hôm đó chồng tôi về kịp chứ không thì tôi bị lừa. Cậu tiếp thị bật bếp gas rồi bảo bếp không lên lửa, mặc dù tôi vừa quấy bột cho con ăn trên bếp gas nhà mình, tôi đến bật bếp cũng không lên lửa.

Theo lời nhân viên tiếp thị thì tôi phải thay khóa van an toàn và kim đánh lửa gì đó, giá cả hai thứ là 400.000 đồng. Tôi định thay cho xong để chuẩn bị bữa cơm chiều. Đúng lúc đó chồng tôi về, anh hỏi chuyện rồi mở tủ dưới bình gas kiểm tra…

Anh phát hiện, nhân viên tiếp thị đã dán hai tờ quảng cáo gas bên cánh tủ và bẻ gập dây dẫn ga, kẹp vào cạnh bình. Cậu tiếp thị lo sợ, xin lỗi rối rít rồi biến mất. May mà có tôi can ngăn kịp thời!".

Không cần để ý đến biển cấm, họ vẫn ngang nhiên dán tờ rơi.

 Tình trạng tiếp thị dán, phát tờ rơi kiểu ép người tiêu dùng đang diễn ra khá phổ biến ở khắp các ngõ ngách trên địa bàn các thành phố lớn, đặc biệt là các dự án chung cư giá rẻ mới đi vào hoạt động, thiếu quản lý chặt chẽ của đơn vị tòa nhà.

Không ít bà nội trợ đã dính bẫy của nhân viên tiếp thị bởi những lời dụ dỗ ngọt ngào.

Nhiều người dân còn lo ngại tới tình trạng lộn xộn và mất cắp có thể xảy ra. Việc tiếp thị dán tờ rơi gây ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan cũng như sự xuống cấp của chung cư, nhà riêng và các công trình phúc lợi khác.

Tại các ngã ba, ngã tư nơi phố thị, thường có các nhân viên phát tờ rơi, card visit khai chương nhà hàng, quán bas, giảm giá… khi đoàn người dừng xe đèn đỏ đi qua, chúng ta dễ nhìn thấy dưới mặt đường phố nhếch nhác những tờ rơi mà mọi người vứt lại. Một hình ảnh thật xấu xí trong mắt nhiều người dân, đặc biệt là với du khách nước ngoài.

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một "chàng Tây" tự tay sơn sửa lại con ngõ 50 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chỉ cần vài thùng sơn nhỏ, nam thanh niên này đã biến các bức tường đơn điệu, rêu phong và xấu xí với nhiều vết dán, sơn quảng cáo… thành những bức tranh sinh động và đầy màu sắc. "Chàng Tây" sơn lại các bức tường cũ kỹ vì muốn tạo sự khác biệt cho con ngõ, để mọi người đi qua thích thú với nó.

Việc làm của chàng trai nơi đất khách chắc hẳn sẽ làm lay động suy nghĩ về ý thức giữ gìn vệ sinh chung của nhiều người để góp phần tạo nên đô thị xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Cần xử lý nghiêm khắc

Trên thực tế, khi chúng tôi hỏi nhiều người dân là tại sao không gọi theo số điện thoại trên tờ rơi, tờ dán bẩn trên tường nhà và báo cáo cho tổ dân phố hoặc các cơ quan chức năng để giải quyết.

Phần lớn họ trả lời là phiền hà và rồi đâu lại vào đó. Có nhiều trường hợp bắt được quả tang người đang dán trên cổng tường nhà mình nhưng vẫn tha vì sợ bị trả thù.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nhân viên tiếp thị, phát tờ rơi hay nhắm thời gian trong giờ hành chính để vào nhà dân, khi đó mọi nhân lực chính trong gia đình đều đi làm, ở nhà chỉ có trẻ con, người già và giúp việc.

Còn nhân viên dán tờ rơi, quét sơn số điện thoại lên tường nhà dân… thường đi làm vào khoảng 12h đêm về sáng khi mọi gia đình đã đi ngủ nên rất khó phát hiện. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bị bắt quả tang và bị chủ nhà đánh và rất có thể xảy ra án mạng khi chủ nhà quá bức xúc. 

Kể lại một lần đi dán quảng cáo thuê cho một cửa hàng cầm đồ, Tuấn Long sinh viên Trường Cao đẳng Bách Khoa vẫn còn run sợ: "Hôm đó, vào khoảng 12h đêm, em đang loay hoay, một tay xách xô hồ, tay kia quét và dán tờ rơi lên tường nhà một người dân ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội thì bị bắt quả tang. Số em đen, dán ngay vào nhà một tay "anh chị" người "toàn mực", nhà lại gắn camera an ninh, em bị đánh chảy máu mồm, sau đó chủ nhà bắt em lau rửa sạch bức tường đó. Cũng may vừa mới dán, hồ chưa khô nên dễ lau, em bị đánh đau về phải ăn cháo mấy ngày!".

Phần  lớn các trường hợp đi dán rao vặt, phát tờ rơi là sinh viên, người lao động nghèo nên chính quyền địa phương đã linh động cảnh cáo và bắt khắc phục lại thực trạng ban đầu.

Lột bỏ tờ quảng cáo hôm nay, ngày mai lại bị tờ khác dán đè lên.

Hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng là một trong những hành vi quảng cáo bị cấm theo khoản 16 điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012.

Theo khoản 1 điều 51 Nghị định 158 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì những hành vi nói trên sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Hiện nay, UBND các phường, quận trên các đô thị lớn đã triển khai kế hoạch khuyến khích, thưởng cho người dân phát hiện trường hợp phát tờ rơi, dán rao vặt trên địa bàn, bước đầu đã thu hút được sự đồng tình của người dân và các đoàn thể tại địa phương.

Chủ trương này rất tốt, sẽ khuyến khích người dân và chính quyền cùng nhau ra quân dẹp "nạn rác quảng cáo". Chúng ta không thể "bó tay" với rác quảng cáo làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân, cần phải xử nghiêm khắc và tới cùng.

Tuấn Trình
.
.
.