Bước chân theo dòng suối

Thứ Năm, 09/02/2012, 14:47

...Thế rồi, cũng vào một buổi chiều đầy nắng, như thường lệ, đám trẻ chúng tôi lại thấy ké Tam Loong ngồi bên bờ Khuổi Slao. Ké ngồi như tượng, mắt vẫn mênh mang nhìn theo dòng chảy của con suối. Từng đàn Slam bơi vòng tròn trước mặt ké. Nhưng buổi chiều đầy nắng hôm đó, ké Tam Loong không còn kể chuyện nữa. Ké ngồi bất động, nắng trải đều lên nước, những tia nắng lung linh lại in lên khuôn mặt rắn rỏi, xù xì của ké....

Thả giấc mơ theo dòng suối nhỏ
Bạn sẽ đến đại dương

Tôi lớn lên bên dòng suối nhỏ. Người Tày bản Pác Thay (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng) của tôi gọi nó là "Khuổi Slao" (Suối Cô Gái). Hồi nhỏ tôi không biết tại sao người bản tôi lại gọi đó là cô gái. Đã nhiều lần tôi hỏi pa mé, nhưng họ chỉ cười rồi bảo: Lớn lên con sẽ biết!

Dòng suối tuy nhỏ nhưng chưa bao giờ cạn. Nó rả rích, bền bỉ chảy qua trước bản tôi. Mùa hè nó mát rượi. Mùa đông nó ấm nóng. Đêm đêm nó rì rầm vào tai người Tày bản tôi bài ca bất tận về tổ tiên người Tày. Nó làm cho con người ở vùng cao trở nên hiền hòa và đi qua bao nhọc nhằn gian khó.

Bất cứ việc gì người bản tôi cũng nhờ dòng Khuổi Slao, những người đàn bà nhỏ bé, đau khổ vì ông chồng say rượu cũng ra Khuổi Slao để khóc, những trai bản thất tình cũng mượn Khuổi Slao để giãi bày tâm sự. Đến các cụ già chậm chạp, tiếc nuối tuổi thanh xuân cũng âm thầm ngồi bên bờ Khuổi Slao sưởi nắng.

Riêng với đám trẻ nhỏ chúng tôi, Khuổi Slao là người bạn vô cùng thân thiết. Ngày nào chúng tôi cũng rủ nhau ra suối. Ở đó là một thế giới vô cùng hấp dẫn, chúng tôi có thể chơi cả ngày với Khuổi Slao mà không biết chán. Những buổi chiều mùa hạ, khi cái nắng đã non dần, dòng Khuổi Slao ánh lên như bạc. Từng đàn cá "Slam" (cá suối) bắt đầu kéo ra từ hốc đá. Chúng nhảy múa vui đùa cùng đám trẻ chúng tôi. Người già trong bản bảo rằng, cá Slam đến từ một nơi rất xa, cứ đi theo đàn Slam sẽ đến một nơi rộng mênh mông. Tại sao lại rộng mênh mông? Đám trẻ chúng tôi thường thắc mắc  như vậy. Nhưng người Tày ở bản Pác Thay cũng không biết cái gọi là rộng mênh mông ấy là gì. Họ chỉ nói, nơi đó toàn nước - tất cả chỉ có nước - nước rộng mênh mông…

Duy nhất chỉ có ké Tam Loong biết cái gọi là mênh mông ấy. Bởi thời trẻ ké Tam Loong từng đi lính cho người Pháp, rồi lại đi lính cho Cụ Hồ và trở thành người cán bộ duy nhất ở bản tôi. Ké là người đặc biệt. Ké sống một mình và chẳng ai biết ké bao nhiêu tuổi. Tôi chỉ nhớ, từ khi mình biết nói, biết đi, biết nghĩ, biết nghịch ngợm… đã thấy ké già như cây nghiến đầu bản.

Ké có dáng người cao lêu nghêu, chân tay khẳng khiu, nhăn nhúm như thớ gỗ nghiến lâu năm. Ké là cán bộ về hưu nên có lương hàng tháng, phải nói rằng ké là người sống đàng hoàng nhất bản Pác Thay. Có những năm mất mùa, cả bản đói xác xơ, ké Tám Loong thường ra chợ huyện mua gạo về chia cho dân bản. Riêng với đám trẻ con thì lúc nào cũng thích quanh quẩn gần ké. Thỉnh thoảng, ké lại rút từ túi áo mình ra một cái kẹo bột đường thưởng cho đứa nào ngoan.

Dù sống một mình và có lương hưu nhưng ké Tam Loong không bao giờ ngơi tay. Lúc nào ké cũng làm việc. Mùa hè, ké lên rừng hái lá chè đắng rồi sao khô đem ra chợ huyện bán. Mùa đông, ké ngồi trước hiên nhà đan những chiếc rổ, để sang xuân sẽ đem bán. Còn những ngày mùa, ké cũng lên nương trỉa ngô như bất cứ người nông dân nào. Trong nhà ké đầy ắp ngũ cốc và thực phẩm. Một mình ké ăn không xuể, ké để cho người nghèo trong bản, hoặc bán lấy tiền. Ké dậy sớm như con gà và ngủ muộn như con trâu. Lúc nào cũng kẽo kẹt làm việc.

Có người hỏi ké rằng, Tam Loong ơi, ông sống một mình, lại rủng rỉnh tiền lương sao cứ làm việc cặm cụi thế? Tiền nhiều thì để cho ai? Ké chỉ cười và bảo, ta làm việc như con suối Khuổi Slao, ngưng tay thì chết, chúng mày thấy dòng suối có bao giờ ngưng chảy đâu!

Có lần trong đám cưới, chính mắt tôi thấy ké Tam Loong nổi giận. Ké mắng té tát một người vì cứ chê ké dại dột, làm việc lầm lũi, nhiều tiền nhưng chẳng dám ăn chơi. Ké mắng rằng, ta làm việc đâu phải vì tiền. Nếu vì tiền thì ta đã chẳng thèm về cái bản này, ta đã ở cái nơi mênh mông nước… Con người làm việc không phải chỉ vì cái ăn và đồng tiền. Làm việc như con suối, nó sẽ chỉ đường cho chúng mày để sống thế nào. Người chăm chỉ làm việc, lúc chết đi cũng biết đường để về với tổ tiên! Cái loại lười biếng tham ăn như mày, sống một đời chẳng bằng con trâu, con bò. Chết rồi chẳng biết đi đâu, vì chúng mày không bao giờ thuộc đường. Chỉ có kẻ chăm chỉ mới thuộc đường để đi.

Thế rồi ké kể về nơi mênh mông ấy. Nơi ấy người ta gọi là biển - nó rộng lớn vô cùng, nó làm mỏi mắt bất cứ ai muốn nhìn, nó cũng sẽ nhấn chìm bất cứ ai muốn bơi qua nó. Nó xanh ngắt, sâu thẳm, hung dữ và cũng thật quyến rũ.

Cứ buổi chiều mùa hạ, ké Tam Loong lại ngồi bên bờ Khuổi Slao, kể cho đám trẻ con chúng tôi về cái nơi có tên là biển cả. Ké bảo, thời còn đi lính cho người Pháp, ké đã lênh đênh trên biển Đen, đến tận Nam Phi xa xôi. Ké đã thấy nhiều thứ mà có kể - kể cả đời thì người bản Pác Thay cũng không thể hiểu được. Rồi ké xoa đầu chúng tôi và nói: ta chỉ mong mấy thằng nhóc chúng mày lớn lên, cứ đi theo dòng Khuổi Slao này, nó chảy đến đâu chúng mày đi theo đó… rồi một ngày chúng mày sẽ ra đến biển khơi.

Thực lòng hồi ấy, đám trẻ con chúng tôi chẳng hiểu gì, chỉ thích nghe ké kể xong câu chuyện và ăn kẹo bột mà thôi. Cũng có lần ké chỉ xuống đàn cá Slam nói chậm rãi: chúng mày cứ nhìn đàn Slam thì biết, nó bé thế nhưng nó biết đường đi. Còn ở bản mình nhiều người bị mù mắt lắm, cứ nhìn là vướng núi, cứ nghĩ là vướng đất cả đời chẳng đi đâu được. Ké lại thở dài nhìn mênh mang theo dòng Khuổi Slao. Cái dáng cao lênh khênh và xù xì như gỗ nghiến của ké in xuống dòng suối miên mang chảy.

Sau này khi lần đầu tiên tôi đến biển, tôi đã sững sờ vì biển thật vĩ đại, nó cao hơn núi, nó áp đảo thị giác và mọi tư duy của tôi. Tôi đã không thể nào tin nổi lại có một nơi rộng mênh mông như thế, xanh thăm thẳm màu vải chàm như thế, kỳ vĩ như thế… Và khi ấy tôi mới hiểu hết những gì ké Tam Loong nói. Lần đó, tôi đã dùng lòng bàn tay vốc đầy nước biển, tôi đã nếm vị mặn chát đến kỳ lạ của đại dương. Và trong sâu thẳm, tôi tin vị mặn chát đó, sự xanh thẳm đó, cái kỳ vĩ đó có những giọt nước của dòng Khuổi Slao bé nhỏ.

Tôi muốn kể tiếp về loài cá Slam. Nó nhỏ bé khiêm nhường và hiền hậu đến khó tin. Ngày xưa người Tày bản tôi không bao giờ ăn loài cá ấy. Ké Tam Loong bảo rằng, nó là loài cá dọn sạch lòng suối, nó ăn mọi thứ từ rong rêu cho đến phân của trẻ con. Nếu thiếu nó, dòng Khuổi Slao sẽ trở nên bẩn thỉu. Mỗi lần các cô, các chị trong bản bê quần áo ra giặt, chỉ cần thấy nước động thì bầy Slam lại kéo tới. Chúng sẽ giúp các chị, các cô làm sạch quần áo. Vào mùa đông, đàn Slam trở nên chậm chạp, chúng lờ đờ trong những hốc đá, chúng sẽ ăn sạch những đám rêu, chúng cũng sẽ liếm vào bàn chân nếu ta lội xuống nước.

Ở làng tôi cô Sấy - người đàn bà tội nghiệp, lấy phải chồng nghiện thuốc phiện, đánh đập cô suốt ngày. Và đến một buổi chiều mùa hạ đỏ như máu, đám trẻ chúng tôi hốt hoảng thấy xác cô Sấy nổi lập lờ trên dòng Khuổi Slao. Có lẽ cô tự tử vì cả tháng trước, cứ buổi chiều chúng tôi thấy cô khóc ở đây. Xác cô tái xanh, đau khổ. Nhưng kỳ lạ thay, từng đàn Slam cứ bơi quanh xác cô ấy. Chúng bơi thành vòng tròn, như đang khóc cho số phận nghiệt ngã của một người đàn bà miền núi. Chỉ đến khi người bản tôi vớt xác cô ấy lên, đàn Slam mới chịu rời đi. Ai cũng nghĩ chúng bu tới để ăn thịt cô, nhưng không phải. Xác cô Sấy nguyên vẹn, bộ áo chàm trên người cô thật sạch sẽ vì chúng đã "giặt" giúp cô.

Thế rồi ké Tam Loong lại kể: đàn Slam bơi quanh xác cô Sấy là để bảo vệ không cho các loài khác tới rỉa thịt, đàm Slam biết cái gì cần giữ, bởi chúng biết lòng suối phải thật sạch để còn biết đường đi về đại dương. Cái chết của cô Sấy làm dòng Khuổi Slao buồn đi một thời gian rất dài. Nó uể oải chảy. Nó khóc ri rỉ. Bởi nó hiểu về thân phận thiệt thòi người đàn bà miền núi.

Thế rồi, cũng vào một buổi chiều đầy nắng, như thường lệ, đám trẻ chúng tôi lại thấy ké Tam Loong ngồi bên bờ Khuổi Slao. Ké ngồi như tượng, mắt vẫn mênh mang nhìn theo dòng chảy của con suối. Từng đàn Slam bơi vòng tròn trước mặt ké. Nhưng buổi chiều đầy nắng hôm đó, ké Tam Loong không còn kể chuyện nữa. Ké ngồi bất động, nắng trải đều lên nước, những tia nắng lung linh lại in lên khuôn mặt rắn rỏi, xù xì của ké. Chân dung ké Tam Loong lúc này thật sinh động, rạng rỡ như bay theo tiếng rả rích của dòng Khuổi Slao.

Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm đó. Tôi thấy dòng suối nhỏ hoà vào với người già nhất bản Pác Thay và hình như họ đang cùng nhau kể một câu chuyện. Một buổi chiều sẽ đi theo tôi đến hết cuộc đời. Ké Tam Loong đã về với tổ tiên. Ké biết mình phải đi như thế nào và ké chọn con suối nhỏ. Người bản tôi đã rất đau khổ vì mất đi một người già hiểu biết - một con người đầu tiên đến được miền nước mênh mông. Người bản tôi cũng vô cùng xúc động, khi ké đã rất cẩn thận làm di chúc toàn bộ tài sản của mình cho dân bản. Ké đã về miền cực lạc. Ké là người hạnh phúc!

Còn bây giờ, khi tôi đã là một gã đàn ông sống gần nửa đời người. Tôi cũng đã biết biển mênh mông như thế nào, và tôi cũng đã lờ mờ hiểu, thế nào là con suối chỉ đường cho cuộc đời tôi. Nhưng tiếc thay, chỉ sau 10 năm ngày ké Tam Loong mất, dòng Khuổi Slao của tôi cũng biến mất trên cõi đời này. Nó đã cạn kiệt - đau đớn cạn kiệt! Vì người ta đã đào bới núi đồi, chặt hạ cây cối, giết hại đàn Slam. Ôi! Những con cá suối bé nhỏ. Những con cá làm sạch lòng suối, chúng bị tận diệt bởi mốt ăn cá suối của những bợm nhậu. Bây giờ bạn đi bất kỳ đâu ở miền núi, người ta sẽ quảng cáo rằng, đây là món cá suối rán giòn, chấm với nước tương, uống cùng bia Heineken thì tuyệt hảo.

Có lần tôi đã được mời ăn món cá đó. Nhìn những con Slam bé nhỏ, bị rán giòn cong queo trên đĩa, cổ họng tôi đắng ngắt. Tôi đã không thể ăn, vì biết rằng đó là loài cá chỉ đường, chúng từng sống trong những con suối bé nhỏ. Và chỉ đường cho bất cứ ai muốn bước đi trên cõi đời này

A Sáng
.
.
.