Bước ra từ Rừng Sác

Thứ Hai, 08/08/2016, 15:23
Rừng Sác nay đã bình yên, những nhánh sông hiền hòa xuôi ra biển. Mặt trận trở thành di tích lịch sử. Vị chỉ huy ngày nào giờ đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm". Những tiếng ho khan khó nhọc của tuổi già luôn cản trở cuộc nói chuyện của ông.

Đôi chân ông không còn nhanh nhạy, đôi mắt không còn tinh tường, nhưng khí phách anh hùng của lính đặc công Rừng Sác thì vẫn còn nguyên vẹn.

1.Lê Bá Ước (Bảy Ước) sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở xã Vĩnh Hòa Hưng (Gò Quao - Rạch Giá, Kiên Giang).

14 tuổi, Lê Bá Ước giắt dao găm thêm cuộn dây thừng buộc ngang lưng gia nhập vào đội Thiếu niên Tiền phong. Bước chân rầm rầm theo cha chú cùng đám trẻ thôn xóm đi biểu tình, mít tinh, đào đường lộ ngăn sông khi giặc Pháp xâm lược lại Nam bộ.

Đại tá Lê Bá Ước đã hoàn thành hai tập sách về đặc công Rừng Sác.

Đi mải miết, hò hét xung phong mải miết, ông trở thành lính vệ quốc quân lúc nào không hay. Bàn chân người lính lặn lội khắp miền Tây Nam bộ, từ U Minh Thượng xuống U Minh Hạ rồi đến Sóc Trăng, đất Mũi Cà Mau… cho đến năm 1954 tập kết ra Bắc.

Khi miền Nam đang rất cần nhân lực, đặc biệt là cán bộ cốt cán, theo tiếng gọi của đồng bào miền Nam, Bảy Ước từ biệt vợ và hai con nhỏ vượt Trường Sơn quay trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

Vào Nam, Bảy Ước được phân công phụ trách bám trụ chiến trường Rừng Sác. Không bao lâu sau ngày chia tay vợ ở ga Hàng Cỏ, Bảy Ước nhận tin người vợ thân yêu của mình đã từ chối quyết định đi học lấy bằng bác sĩ, để vào Nam chiến đấu.

Tiếp nhận tân binh mới bóc tem (nói theo ngôn ngữ chiến trường) từ hậu phương lớn chi viện và cũng là người má ấp vai kề của mình, Bảy Ước hạnh phúc không sao diễn tả được. Vợ chồng gặp nhau, nước mắt lưng tròng.

Chiến trường ác liệt, anh em bị thương nhiều nên y sĩ Mến (vợ Bảy Ước) không có thời gian nghỉ ngơi, chị lao ngay vào công việc cứu thương. Rồi những đêm thức trắng kéo cá nuôi thương binh, đột nhập vào ấp chiến lược lấy gạo, vượt lằn ranh của sống và chết.

Nơi nào có mặt chị Tư Mến là nơi đó các chiến sĩ tìm thấy niềm an ủi, động viên. Các vết thương được chăm sóc cẩn thận, chỉn chu, mau lành. Trong những ngày ác liệt của năm 1969, chị đã sinh thêm một bé trai.

Sau 15 ngày, chị phải mang con vào ấp chiến lược gửi cho một gia đình cơ sở nuôi giùm. Ba tháng sau, trong một đợt phản kích của không quân Mỹ, hầm trú ẩn của chị và các thương binh bị oanh tạc dữ dội. Hàng loạt hỏa tiễn phóng xuống như mưa, cả khu căn cứ xác xơ.

Y sĩ Tư Mến nằm úp mặt sóng soài với một chân gãy nát, bên vai chị vẫn còn nặng trĩu đồ nghề cứu thương. Chị đã ngã xuống giữa màu xanh mênh mông của Rừng Sác.

Hung tin nhận được như sét đánh bên tai, không dằn nổi lòng mình, Bảy Ước đã chui xuống hầm địa đạo ôm ảnh người vợ thân yêu khóc nghẹn.

Còn chút sức lực tuổi già, ông mải miết đi tìm hài cốt đồng đội.

Là một người chỉ huy, dù ông có can trường bao nhiêu, vững lòng bao nhiêu cũng không thể tránh khỏi cú sốc về tinh thần quá lớn khi người vợ một thời đầu ấp tay gối với mình đã mãi mãi nằm lại nơi Rừng Sác hoang lạnh.

Hai đứa con ở quê sẽ vĩnh viễn không được gọi mẹ, còn thằng bé mới sinh được hơn ba tháng cũng chẳng bao giờ biết mặt mẹ mình như thế nào.

Chiến tranh chẳng chừa một ai, người mẹ của ba đứa con khi ra đi mang theo niềm tin cháy bỏng vào ngày toàn thắng, nhưng ngày trở về lại là liệt sĩ Rừng Sác.

Vài năm sau, cái gì đến rồi cũng đi qua theo thời gian. Có hai cặp vợ chồng cùng là đồng đội ở Rừng Sác bị "gãy mất một cành" để lại mỗi bên ba đứa con. Đứa thì cha hy sinh, đứa mẹ liệt sĩ. Họ tìm nhau trong cùng cảnh ngộ, xác định gánh vác trách nhiệm thay người đã mất.

Quân y sĩ Tuyết Vân có chồng hy sinh tại chiến khu Rừng Sác. Một bữa cơm thân mật trong đơn vị trên chiếc sạp nước giữa rừng, anh em vui vẻ đọc mấy câu thơ: "Thủ trưởng nhìn em thủ trưởng cười/ em xin đồng ý thủ trưởng ơi". Vậy là một sự lắp ghép mới vào hai tổ ấm gia đình đã bị mất đi một nửa.

Hòa bình, Lê Bá Ước ra Bắc đón hai đứa con vào Nam, Tuyết Vân cũng về quê gom ba con của mình về chung sống một nhà. 9 đứa con trong đại gia đình ấy có đủ các hệ phái: "Con anh, con em, con chúng ta" nhưng họ gắn bó mật thiết, yêu thương và quý mến như ruột thịt.

2.Vào một buổi chiều mưa rơi nặng hạt, chiếc taxi màu xanh đỗ xịch ngay trước cổng nhà Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước - Nguyên Trung đoàn trưởng đặc công Rừng Sác. Trên xe bước xuống có một người Việt và một người nước ngoài to cao, da trắng.

Sau màn chào hỏi, người nước ngoài tự giới thiệu, ông nguyên là Tổng giám đốc kho xăng Nhà Bè, thời chiến tranh đã bị lính đặc công Rừng Sác đánh cho tan tành. Sau cuộc chiến, ông đã đi tìm người chỉ huy trận đánh suốt 30 năm.

Nay gặp được, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt vị khách cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Câu chuyện của họ nhanh chóng biến thành cuộc phỏng vấn nóng bỏng tái hiện lại sự kiện đốt cháy kho xăng Nhà Bè.

Ông Tây hỏi: "Tại sao kho xăng ESSO, CANTEX nằm bên ngoài dễ đánh hơn, các ông không đánh mà lại đánh kho SHELL nằm giữa?".

Đại tá Lê Bá Ước: "Là Tổng giám đốc chắc ông hiểu rõ hơn tôi. Kho SHELL chứa lượng xăng rất lớn. 50% sử dụng cho quân đội Sài Gòn, 50% phục vụ cho dân sự và một phần còn lại dự trữ cho chiến trường ở Phnôm Pênh, vì vậy chúng tôi bắn một viên đạn mà trúng nhiều đích".

Ông Tây cười vui vẻ gật đầu và tiếp: "Có người của chúng tôi cung cấp thông tin và dẫn đường không? Phía các ông có bao nhiêu người tham gia và có bị thương vong nhiều không?".

Đại tá Lê Bá Ước: "Phải thừa nhận là các ông tổ chức bố phòng rất nghiệm ngặt. Tầng tầng lớp lớp hàng rào bảo vệ lại còn lính gác dày đặc.

Sau nhiều ngày do thám vất vả, hiểm nguy, chúng tôi đã tìm được một kẽ hở là nhằm vào tốp lính gác thuộc diện con ông cháu cha do sợ phải điều ra vùng I chiến thuật ác liệt nên chạy chọt vào làm lính gác kiểng ở cổng phía Đông.

Chúng tôi chỉ có 8 chiến sĩ đặc công dũng cảm, ngoan cường thực hiện việc đột nhập và hai trong số đó đã hy sinh".

Ông Tây gật gù bắt tay thật chặt Đại tá Ước.

3.Quang cảnh hội trường Thống Nhất ngày giải phóng miền Nam nhộn nhịp cờ và hoa. Nụ cười nở rộ trên môi những người lính trở về sau cuộc chiến  khốc liệt. Đại tá Lê Bá Ước hiên ngang đứng dưới gốc cây cổ thụ rợp bóng mát trả lời phỏng vấn trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.

Trung đoàn trưởng Đoàn 10 Lê Bá Ước (áo đen, giữa) chỉ huy trận đánh tại Rừng Sác.

Từ xa có mấy người nước ngoài tiến tới cùng một phiên dịch, ông ta nhỏ nhẹ nói: "Chúng tôi là phóng viên của thông tấn xã Reuter. Xin phép Đại tá cho tôi được phỏng vấn đôi điều nhân ngày kỷ niệm này"?

- Thưa đại tá, kỷ niệm ngày giải phóng năm nay theo ông thì thắng lợi của dân tộc Việt Nam như thế nào?

+ "Là người nước ngoài đến, có lẽ ông nhận xét khách quan hơn người trong cuộc. Nhưng ông đã hỏi thì tôi xin nói, thắng lợi to lớn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại của đất nước là chúng tôi đã có được hòa bình thống nhất thật sự.

Nhờ có hòa bình mà đất nước chúng tôi đang từng bước đổi mới đi lên vững chắc. Nhờ có hòa bình trong lao động mà dân chúng tôi có cơm ăn áo mặc, được học hành, cuộc sống ngày một cải thiện".

- "Theo ông thì người Mỹ hiện nay hiểu về Việt Nam như thế nào?"

+ "Tôi chưa có điều kiện sang nước Mỹ nhưng qua bà con Việt kiều về nước kể lại và qua thông tin trên báo chí biết rằng nhân dân Mỹ và cả trong chính giới Mỹ đều rất đồng tình với quan điểm của Đảng và Chính phủ của Việt Nam là khép lại quá khứ, tập trung phát triển cho tương lai".

- "Là một sĩ quan chuyên nghiệp, hiện giờ ông còn cảm thấy hận thù quân đội Mỹ không?".

+ "Là người lính trong cơ chế, tôi vẫn đang hằn sâu những vết thương đồng bào, đồng chí tôi đã ngã xuống, thì làm sao không suy nghĩ. Nhưng đã chấp nhận khép lại quá khứ thì cùng nhau bắt tay thân thiện cho hòa bình, hữu nghị vì quyền lợi của hai dân tộc.

Tôi nghĩ những quân nhân Hoa Kì từng tham chiến tại Việt Nam thì hơn ai hết họ hiểu được suy nghĩ của chúng tôi về chiến tranh".

Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với người chỉ huy chiến trường Rừng Sác đã nói lên được nhiều thứ. Đó là tình cảm chân thành của người lính Việt Nam với bạn bè quốc tế. Là sự nhân ái, bao dung, sẵn sàng để quá khứ ngủ yên để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngọc Thiện
.
.
.