Buồn vui nghề Osin bệnh viện

Chủ Nhật, 19/04/2020, 08:16
Nghề chăm sóc bệnh nhân, ra đời từ nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Ở thời điểm cách ly xã hội bởi dịch bệnh COVID-19 thì nghề này bỗng dưng được “săn lùng” nhiều nhất.


Bệnh tật đến với chúng ta bất cứ lúc nào và không chừa một ai. Nghề chăm sóc bệnh nhân, còn gọi osin bệnh viện, ra đời từ nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Ở thời điểm cách ly xã hội bởi dịch bệnh COVID-19 thì nghề chăm bệnh bỗng dưng được “săn lùng” nhiều nhất.

1.Gió chiều mát rượi sau cơn mưa đầu mùa phả vào hành lang Khoa Tim mạch - Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), bà Lan cầm cuốn sách “Ký ức thời gian” của cựu binh Hoàng Minh Duyệt thỏ thẻ đọc những mẩu chuyện về chiến tranh cho ông Mười nghe.

Ông Lê Văn Mười (83 tuổi) từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Buôn Ma Thuột. Những ngày nhập viện điều trị bệnh tim của ông vào trúng thời điểm dịch bệnh COVID-19, xã hội cách ly, hạn chế tối đa giao tiếp gặp gỡ nên người nhà cũng không thể vào thăm ông thường xuyên. 

Ở bệnh viện chỉ có một mình ông và bà Lê Thị Thúy Lan (48 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội) tối ngày thủ thỉ, bầu bạn. Biết tính ông Mười thích nghe chuyện chiến tranh nên bà Lan đã sắm sẵn vài cuốn sách để phục vụ. Không chỉ chiều lòng ông chủ, bà Lan còn thấu hiểu nỗi đau bệnh tật và sự cô đơn của người già.

Bà dự định đầu tháng 4 sẽ về quê giỗ bố rồi ở nhà luôn vì chồng bà vừa đi xuất khẩu lao động về. Gia đình ông Mười không thể tìm được người chăm bệnh và không thể tin tưởng bất cứ ai vào lúc này nên năn nỉ bà ở lại, sẽ trả lương gấp đôi. Ông Mười cũng quý bà, hứa khi nào xuất viện sẽ lấy tiền riêng bồi dưỡng thêm. 

Dù lương cao (500 ngàn/ngày) nhưng bà Lan vẫn không muốn ở lại. Ngày giỗ bố đã cận kề, bà phải về. Đang lưỡng lự thì có quyết định giãn cách xã hội, con đường về quê của bà Lan trở nên khó khăn và gần như là không thể.

Mỗi ngày, con dâu ông Mười mang đồ ăn vào rồi vội vã trở về, đến cái nắm tay cũng phải dè chừng. Vợ ông Mười qua đời đã gần 10 năm, ông sống cùng gia đình con trai tại căn hộ chung cư ở quận 7 (TP HCM). 

Dù được con cái chăm sóc chu đáo nhưng ông Mười luôn cảm thấy cô đơn, trống vắng và lạc lõng. Mấy năm nay, ông bị bệnh tim cộng với huyết áp, tiểu đường phải đi bệnh viện thường xuyên. 

Đã lâu lắm rồi ông không tìm được một người phụ nữ ấm áp và dịu dàng như bà Lan. Ông nửa đùa nửa thật nói với bà Lan: “Hay cháu ở đây chăm ông cả đời”. Bà Lan đùa lại với ông: “Ông khỏe đi rồi cháu sẽ ở cả đời với ông”.

Bệnh ông Mười ngày càng phức tạp, cộng với tuổi cao nên thần trí của ông nhiều khi lẫn lộn, không kiểm soát được bản thân. Giữa đêm, ông mê sảng thế nào mà đái ra quần, ướt hết chăn, ga. Bà Lan lấy đồ thay thì ông mắng, cứ khăng khăng nói mình không đái dầm. 

Hôm sau, bà đề nghị đeo bỉm thì ông xấu hổ quát bà: “Cháu nghĩ ông là trẻ con à”. Những lúc bình thường thì ông lại cực kỳ vui vẻ và dễ gần. Ông có thể kể cho bà nghe cả ngày về chiến tranh, những trận đánh mà ông đã từng tham gia. Hôm nay kể, mai lại kể. Bà Lan nghe đến thuộc lòng nhưng vẫn phải nghe.

Bà Lan bảo, nếu cứ phân chia ranh giới giữa chủ tớ thì công việc của bà chỉ làm cho qua ngày để lấy tiền. Nhưng bà thì không, bà chăm ông bởi thật sự thấu hiểu, xem ông như cha của mình. 

Bà Lan cho biết, trong các đối tượng chăm bệnh thì người già là khó và khổ nhất, chịu nhiều áp lực và ức chế, không phải ai cũng làm được. Thế mới có rất nhiều vụ bạo hành người già đau lòng xảy ra.

“Xã hội bây giờ, con cái giàu có thì dùng tiền để yêu thương cha mẹ. Tất cả mọi chuyện đều thuê mướn, vậy nên người già càng sống trong nhung lụa càng thấy cô đơn”.   

Những lúc ông chủ ngủ, bà Lan ngồi một mình đọc sách cho khuây khỏa.

2. Đồng nghiệp của bà Lan là chị Hoàng Thị Thủy (40 tuổi, quê Khánh Hòa), có thâm niên chăm sóc người bệnh khoảng 3 năm nay. Năm 2017, chị Thủy vào TP HCM kiếm việc làm. Chị được người quen giới thiệu chăm sóc cho cụ bà 92 tuổi tại quận Bình Thạnh. Cụ bà bị liệt phải ngồi xe lăn, vệ sinh cá nhân và ăn uống đều phải có người phục vụ. 

Chị Thủy mất mẹ từ sớm nên rất đồng cảm và yêu thương bà cụ. Trước khi vào làm, ông chủ thẳng thắn cho biết, là từ trước đến nay, chưa có người chăm bệnh nào ở với bà được quá 2 tháng. Nếu chị Thủy trụ vững qua cái mốc ấy, ông sẽ tăng thêm 30% lương. Chị Thủy nhụt chí, có chút buồn chán nhưng dặn lòng sẽ cố gắng xem sức chịu đựng của mình đến đâu. 

Cụ bà cực kì khó tính và khó chịu, bà hầu như không ngủ vào ban đêm. Đến bữa ăn thì cả tiếng đồng hồ chưa xong. Hễ không thấy mặt chị Thủy một chút là bà kêu thét lên rồi chửi bới um sùm. Bà chỉ im lặng khi thấy con trai đến bên cạnh. 

Chị Thủy nản quá, tính bỏ cuộc nhưng hình ảnh người con trai 70 tuổi, đầu bạc trắng hằng đêm nằm bên cạnh kể chuyện cho mẹ ngủ cứ ám ảnh lấy đôi mắt của chị. Đời chị, cho đến lúc mẹ qua đời vẫn chưa một lần chăm sóc cho bà, nghĩ đến điều đó, chị thấy tim mình đau nhói.

Chị lại ráng, riết mà thành quen, tình cảm lâu ngày hóa tình thân. Bà cụ đã quen với khuôn mặt, giọng nói của chị, không còn chửi bới, cào cấu chị nữa. Ông chủ thì tốt bụng, giữ đúng lời hứa tăng lương cho chị. Thu nhập đều đặn của chị là 9 triệu đồng, đã được bao ăn ở. 

Cuối năm 2019, cụ bà trở bệnh phải nằm bệnh viện mấy tháng trời rồi bác sĩ cho về. Cụ ra đi vào đúng ngày 30 Tết. Lo xong hậu sự cho cụ, chị tất tả bắt chuyến xe cuối cùng trở về quê.

Hiện nay, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân đã phổ biến ở hầu hết các bệnh viện.

3. Quê chị Thuỷ ở Bình Ba (Thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa). Nơi đó chị có 2 đứa con gái 15 tuổi và 12 tuổi, đều sống cùng ông ngoại và cậu. Nếu như cuộc hôn nhân của chị không tan vỡ thì chị đã chẳng phải tha phương như vậy. Chị không nói về chồng, có lẽ đó là nỗi đau nên chị muốn chôn giấu.

Ăn Tết được 10 ngày, chị lại khăn gói vào thành phố kiếm việc. Người ta hỏi chị có kinh nghiệm gì, chị nói chỉ có 2 năm chăm người già. Trung tâm môi giới đưa chị tới một gia đình có cụ ông 60 tuổi, bị tai biến ở quận 8. Tuy bị liệt một bên người, miệng méo nhưng cụ ông vẫn còn “máu dê” trong người. Ông ta bắt chị phải xoa bóp thân thể của mình. 

Khi nào chán, thì ông ta quay sang mò mẫm chị. Dù biết là ông sẽ không thể làm gì được nhưng cứ sờ soạng như thế thì chị cảm thấy khó chịu đến ghê tởm. Được đúng một tuần, chị xin phép chủ nhà nghỉ việc. Người ta nói chị phá vỡ hợp đồng nên không trả tiền.

Chị đang tính sẽ kiếm một gia đình nào đó đàng hoàng để làm việc lâu dài thì dịch bệnh kéo đến, các trung tâm môi giới ngừng hoạt động, đầu mối kiếm việc làm không có, chị như cá mắc cạn. Chị không thể về quê, đành ở lại thành phố sống lây lất qua ngày. 

Đang vật vờ tìm kế sinh nhai thì có cô bạn điện thoại, hỏi có muốn đi chăm người ở bệnh viện không. Chị Thủy không cần suy nghĩ, đồng ý ngay. Cô bạn thòng thêm câu: “Bây giờ dịch bệnh rất nguy hiểm, có sợ lây nhiễm không?”. Cũng chẳng suy nghĩ gì, Thủy nói “không sợ”.

Ngay hôm đó, Thủy gặp con gái của bệnh nhân để trao đổi công việc. Theo đó, Thủy sẽ ở bệnh viện chăm sóc cho bà cụ 82 tuổi, bị tim mạch, thận, tiết niệu. Người ta đồng ý trả cho chị 500 ngàn/ngày, bao ăn. 

Đây là công việc làm thời vụ, khi nào cụ ra viện thì sẽ chấm dứt nên không có hợp đồng, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Tuy nhiên, có một điều khoản là trong suốt thời gian chăm bệnh, chị Thủy không được gặp ai, kể cả người thân để phòng tránh dịch bệnh.

Yêu cầu cũng không phải quá đáng nên chị Thủy đồng ý. Cụ bà bị nhiều loại bệnh, sức khỏe rất yếu nên chỉ nằm một chỗ, lúc vui thì nói dăm ba câu, buồn thì cau có khó chịu. Cả ngày, chị Thủy phải xoa bóp chân tay cho cụ đỡ mỏi. Cực nhất là lúc cụ đi vệ sinh, mỗi lần phải gần 1 tiếng và lúc nào chị Thủy cũng phải ngồi túc trực ngay cạnh, không dám rời đi nửa bước.

Chị Thủy cho biết, nhờ cái nghề này mà chị cảm thấy thương gia đình của mình thật nhiều. Nhìn bà cụ, chị lại nghĩ đến người mẹ đã mất của mình chị có thêm tinh thần, thêm lòng bao dung. 

Khi cụ bà ngủ, chị Thủy ngồi vạ vật hành lang chán thì vào phòng trải chiếu dưới gầm giường nằm. Chị không dám ngủ mà luôn phải nghe ngóng từng hơi thở, tiếng ho, từng cử động của bà, biết cần gì để mà hầu.

“Làm nghề này nó kìm nén cho mình rất nhiều bản năng như, nóng nảy, tức giận, hằn học... Rồi lâu dần, mình thay đổi được cả tính tình, làm cho con người trở nên dịu dàng, sâu lắng và điềm tĩnh hơn. Nếu mình không thay đổi để thích nghi sẽ chẳng ai thuê mướn mình cả, không có việc làm thì lấy tiền đâu mà sống”, chị Thủy chia sẻ. 
Ngọc Hoa
.
.
.