COVID-19 đẩy thế giới vào khó khăn chưa từng có

Thứ Tư, 15/04/2020, 12:42
Tính đến sáng 13/4, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số ca mắc đã lên tới 1.849.473 người, trong đó số ca tử vong là 114.053 người và có tới 50.762 người đang trong tình trạng nguy kịch. 

Trong đó Mỹ là quốc gia bị tác động nặng nhất khi vượt ngưỡng 20.000 ca tử vong. COVID-19 làm lộ rõ những điểm yếu của thế giới khi có nguy cơ đẩy 500 triệu người trên toàn thế giới vào cảnh bần hàn, còn hàng loạt quốc gia đang tìm cách đối phó với suy thoái kinh tế. 

500 triệu người rơi vào cảnh bần cùng vì COVID-19

Những nỗ lực đẩy lùi tình trạng đói nghèo của thế giới từ nhiều thập niên qua có nguy cơ trở thành "dã tràng xe cát" vì COVID-19. Ngày 9/4/2020, Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam công bố báo cáo mang tựa đề "Cái giá của nhân phẩm", trong đó cảnh báo tác động kinh tế của dịch COVID-19 có nguy cơ kéo lùi cuộc chiến chống đói nghèo thêm một thập kỷ, thậm chí lên tới 30 năm ở một số khu vực như châu Phi và Trung Đông.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 11-4-2020.

Trích dẫn nghiên cứu của Đại học King's College London và Đại học Quốc gia Australia, Oxfam ước tính có tới nửa tỷ người trên toàn thế giới có thể rơi vào tình trạng nghèo đói vì dịch bệnh, tương đương 8% dân số thế giới. Oxfam nhấn mạnh rằng các chính phủ và thể chế tài chính cần nhanh chóng tiến hành nhiều biện pháp, bao gồm miễn trừ ngay lập tức khoản thanh toán nợ của các nước đang phát triển trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2020 và tạo ra thêm ít nhất 1.000 tỷ USD nữa trong dự trữ quốc tế.

Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 8/4 cho biết, đại dịch COVID-19 có thể khiến dòng chảy thương mại quốc tế đổ vỡ tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào trong thời hậu chiến. Dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp thất thu, thậm chí nhiều công ty buộc phải đóng cửa, hàng triệu người lao động sẽ mất việc làm.

Còn Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra dự báo hơn 1 tỷ người lao động đang phải đối mặt với nguy cơ rất cao bị giảm lương hoặc sa thải. Thực tế cho thấy những đợt bùng phát dịch bệnh trước có xu hướng kéo giảm tiền lương cũng như dòng vốn đầu tư trong nhiều thập kỷ sau đó.

Trong khi đó các ngân hàng trên Phố Wall cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến kinh tế thế giới mất hơn 5.000 tỷ USD trong 2 năm tới, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội hằng năm của Nhật Bản. Đợt suy thoái lần này được dự báo chỉ xảy ra trong ngắn hạn nhưng các nền kinh tế sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi lại. Ngay cả với những biện pháp kích thích tiền tệ và tài chính chưa từng có hiện nay, GDP toàn cầu sẽ khó trở lại đà tăng trưởng như trước khủng hoảng ít nhất cho tới năm 2022.

Thế giới đang đối mặt với một kịch bản kinh tế chưa từng có

Theo các chuyên gia kinh tế, thế giới đang bước vào một kịch bản kinh tế chưa từng có tiền lệ, bởi trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, chúng ta không có kinh nghiệm và chưa có bất cứ sự chuẩn bị nào. Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có thể được ngăn chặn bằng cách bơm vào các nền kinh tế lượng tiền lớn, đại dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng đến nền kinh tế theo một cách khác.

Tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đang bao trùm lên toàn thế giới.

Các cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống của thế kỷ XX như Ngày thứ Năm đen tối năm 1929 hay Sự phá sản của Lehman Brothers năm 2008 xuất hiện từ sự dư thừa đầu cơ trong lĩnh vực tài chính. Cả hai trường hợp trên đều có chung đặc điểm là một mắt xích thiết yếu trong chuỗi liên kết bị sụp đổ đột ngột và sự phá sản nhanh chóng lan rộng.

Cuộc khủng hoảng do đó được kích hoạt một cách bất ngờ và chỉ đến giai đoạn II, khi thị trường tài chính sụp đổ, thiếu tín dụng, cùng các khoản lỗ lũy kế, mới gây tác động lên nền kinh tế thực. Ở đó, nguyên tắc khắc phục tình trạng phá sản rất đơn giản, chỉ cần ngăn chặn không để tình trạng này lan rộng ngay từ điểm ban đầu càng nhanh càng tốt.

Các cơ quan quản lý tiền tệ sớm hành động để cứu các ngân hàng quan trọng, cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế, nhờ đó khôi phục độ tin cậy ở mức chấp nhận được.

Năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã mắc sai lầm khi không làm gì để ngăn Lehman Brothers khi họ nộp đơn xin phá sản, khiến nền kinh tế thế giới phải trả giá đắt. Nhưng ít nhất họ đã chặn được làn sóng phá sản thứ hai từ khi bắt đầu hình thành bằng việc cứu AIG và bơm hàng trăm tỷ USD vào hệ thống ngân hàng.

Nhưng hậu quả do dịch bệnh COVID-19 gây ra lại có bản chất khác. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thực và dòng tiền đang hoạt động, trước khi ảnh hưởng đến tài sản được ghi trong bảng cân đối kế toán. Đồng thời, nó lan truyền khá chậm, từ công ty này sang công ty khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Nhưng nó có thể đi sâu và tấn công bất cứ nơi nào, giống như dịch bệnh, nó rất khó bị ngăn chặn.

Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch COVID-19 đã tạo nên 4 làn sóng lớn liên tiếp đánh vào nền kinh tế thế giới.

Thứ nhất là việc đóng cửa một phần, vì lý do sức khỏe của con người hay địa chính trị, của một trong những nền kinh tế quan trọng nhất thế giới là Trung Quốc. Trung Quốc hiện chiếm hơn 15% GDP toàn cầu và chỉ đứng sau Mỹ. Một phép tính đơn giản, Trung Quốc mất một nửa tốc độ tăng trưởng hằng năm (tương đương khoảng 3%), thì thế giới sẽ mất 0,45%.

Binh sĩ Malaysia đặt rào chắn để thực hiện mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Làn sóng thứ hai liên quan đến tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc trong thương mại quốc tế. Trung Quốc hiện đại diện cho 10% nhập khẩu và liên quan đến 20% GDP toàn cầu. Những khó khăn mà Trung Quốc gặp phải sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà cung cấp của nền kinh tế này. Giả sử nhập khẩu của Trung Quốc giảm 10% do ngừng sản xuất, thiệt hại trên quy mô toàn cầu sẽ tương đương 0,2% GDP.

Theo chiều hướng khác, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, chiếm 13%. Việc đóng cửa một phần các nhà máy dẫn đến tình trạng chậm giao hàng và gây ảnh hưởng xấu đến nhiều chuỗi sản xuất từ điện tử, cơ khí, ôtô đến dược phẩm... Thiệt hại do sự phụ thuộc quá mức của các công ty công nghiệp trên toàn thế giới vào các nhà thầu phụ Trung Quốc rất khó định lượng trong thời điểm hiện tại. Nó có thể rất đáng kể và sẽ cần thời gian để khắc phục.

Làn sóng thứ ba ảnh hưởng đến các lĩnh vực chịu thiệt hại nhiều nhất do sự tan rã của các hoạt động trao đổi do ảnh hưởng của các làn sóng trước đó và đặc biệt là do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế đi lại, ở cấp độ gia tăng theo tốc độ lây lan của đại dịch. Vận tải hàng không (chiếm 1% GDP thế giới), vận tải hàng hải (2%), du lịch (7%)…, khiến ít nhất 10% GDP thế giới đang bị đe dọa. Sự suy giảm hoạt động trong các lĩnh vực này có thể sẽ rất đáng kể và chỉ riêng nó thôi cũng có thể đủ để gây ra suy thoái.

Làn sóng thứ tư do đó lây lan mạnh nhất, khủng khiếp nhất và có ảnh hưởng chưa thể lường trước. Nó kéo dài và sẽ dần xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong tất cả các lĩnh vực, bắt đầu từ những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất, với các vụ phá sản, đặc biệt liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cần hàng chục ngàn tỷ USD để khôi phục kinh tế  

Ngày 26/3, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới và mới nổi (G20) đã cam kết bơm hơn 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu để hạn chế thiệt hại về việc làm và thu nhập do COVID-19 gây ra.

Để đối phó với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, hiện nhiều quốc gia đã công bố các gói kích thích tài khóa cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo thống kê của CNN, tổng giá trị các cam kết của chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu đến nay đã vào khoảng 7.000 tỷ USD. Con số này bao gồm chi tiêu chính phủ, bảo lãnh cho vay, giãn thuế, cũng như chính sách kích thích tiền tệ của các ngân hàng trung ương thông qua mua lại tài sản.

Cùng với việc bơm một lượng tiền mặt đáng kể vào nền kinh tế, các quốc gia này cũng đã đưa ra một loạt các biện pháp khác như hoãn thuế và trợ cấp lương tạm thời. Những chính sách này nhằm ngăn chặn tình trạng thất nghiệp lan rộng và để đảm bảo rằng, công nhân của các doanh nghiệp có thể quay trở lại công việc ngay khi cuộc khủng hoảng được kiểm soát. Theo Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, IMF sẽ đẩy mạnh biện pháp tài chính khẩn cấp sau khi 80 nước đề nghị giúp đỡ và IMF sẵn sàng đưa ra toàn bộ khả năng cho vay 1.000 tỷ USD.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Suma Chakrabarti đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác để chống lại đại dịch COVID-19.

Minh Trang (tổng hợp)
.
.
.