26 người giàu nhất sở hữu số tài sản bằng của 50% người nghèo trên thế giới

Thứ Năm, 07/02/2019, 16:42
Trong khi một nửa tổng số người nghèo nhất của nhân loại chứng kiến tài sản của họ bị giảm 11%, thì các tỷ phú lại được gia tăng tổng tiền của mình lên mức 12%. Những người giàu có cũng đã trở thành một nhóm tập trung hơn và hiện 26 người giàu nhất đang sở hữu 1,4 nghìn tỷ USD, tương đương với tổng giá trị tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất.


Đây là một phần trong báo cáo hàng năm được tổ chức phát triển Oxfarm công bố hôm 22-1, trong bối cảnh Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 (WEF 2019) diễn ra tại Davos, Thuỵ Sĩ từ 22 đến 25 tháng 1. 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông đã tới dự hội nghị.

Phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng

Và báo cáo hàng năm này của Oxfarm một lần nữa đã nhấn mạnh rằng sự bất bình đẳng ngày càng tăng này đang làm tổn hại cuộc chiến chống đói nghèo. Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam International nói: “Quy mô tài khoản ngân hàng của bạn không cho biết con bạn dành bao nhiêu năm ở trường hay bạn sống được bao lâu. Và đây là thực tế đáng buồn ở quá nhiều quốc gia trên toàn cầu. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính gần một thập kỷ trước, số lượng tỷ phú đã tăng gần gấp đôi.

Đặc biệt, khoảng thời gian giữa năm 2017 và 2018, cứ 2 ngày lại có một tỷ phú mới xuất hiện. Đồng thời, các tập đoàn giàu có đang hưởng mức thuế thấp hơn so với doanh thu của họ trong nhiều thập kỷ qua cũng tạo nên sự bất bình đẳng. Khoảng cách giàu nghèo càng lớn cũng đang cản trở cuộc chiến chống đói nghèo. Thêm vào đó, tăng thuế tài sản thêm 1% sẽ tăng khoảng 420 tỷ USD/một năm - đủ để giáo dục mọi trẻ em không đi học và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, ngăn ngừa 3 triệu ca tử vong”.

Oxfam cho biết, sự giàu có của hơn 2.200 tỷ phú trên toàn cầu đã tăng thêm 900 tỷ USD trong năm 2018 - tương đương 2,5 tỷ USD/ngày. Sự gia tăng 12% trong sự giàu có của những người giàu nhất tương phản với sự sụt giảm 11% trong số tài sản của một nửa dân số nghèo nhất thế giới.

Báo cáo kết luận, số tỷ phú sở hữu khối tài sản nhiều bằng một nửa dân số thế giới đã giảm từ 43 tỷ phú năm 2017 xuống còn 26 tỷ phú vào năm 2018. Năm 2016, con số là 61 tỷ phú. Cụ thể, người đàn ông giàu nhất thế giới, Jeff Bezos, ông chủ hãng Amazon, đã thấy tài sản của mình tăng lên 112 tỷ USD.

1% tổng tài sản của ông Jeff Bezos tương đương với toàn bộ ngân sách y tế cho Ethiopia, một quốc gia có 105 triệu dân. "10% người nghèo nhất ở Anh đang trả mức thuế cao hơn 10% người giàu nhất một khi các khoản thuế đánh vào tiêu dùng như VAT được tính đến”, Matthew Spencer, Giám đốc chiến dịch và chính sách của Oxfam nói: "Sự sụt giảm lớn về số lượng người sống trong nghèo đói cùng cực là một trong những thành tựu lớn nhất của thế giới nhưng bất bình đẳng gia tăng đang gây nguy hiểm cho sự tiến bộ xã hội.

Hệ thống kinh tế của chúng ta được tổ chức có nghĩa là sự giàu có ngày càng tập trung và không công bằng giữa một số ít đặc quyền trong khi hàng triệu người gần như không có cái ăn. Phụ nữ đang chết vì thiếu sự chăm sóc thai sản đàng hoàng và trẻ em đang bị từ chối giáo dục.

Các cô gái bị đuổi ra khỏi trường trước tiên khi tiền không có sẵn để trả phí, và phụ nữ phải mất hàng giờ làm việc không được trả tiền để chăm sóc người thân bị bệnh khi hệ thống chăm sóc sức khỏe thất bại. Không ai nên bị kết án trước một cái chết sớm hoặc một cuộc sống mù chữ đơn giản chỉ vì họ sinh ra đã là nghèo khó”.

Báo cáo của Oxfarm cũng nhấn mạnh, nhiều chính phủ đang làm cho bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn do không đầu tư đủ vào các dịch vụ công cộng. Năm 2018, khoảng 10.000 người chết vì thiếu chăm sóc sức khỏe và 262 triệu trẻ em không được đi học, thường là vì cha mẹ của chúng không đủ khả năng chi trả các khoản phí, đồng phục hoặc sách giáo khoa.

Vì thế, Oxfarm khuyến cáo các chính phủ cần phải làm nhiều hơn để tài trợ cho các dịch vụ công cộng phổ biến, chất lượng cao thông qua việc giải quyết trốn thuế và đảm bảo đánh thuế công bằng hơn, bao gồm cả các tập đoàn và sự giàu có của những cá nhân…

“Có đủ sự giàu có trên thế giới để cung cấp cho mọi người cơ hội công bằng trong cuộc sống. Chính phủ nên hành động để đảm bảo rằng thuế thu được từ người giàu và các doanh nghiệp được sử dụng để tài trợ miễn phí dịch vụ công cộng chất lượng tốt, có thể cứu và thay đổi cuộc sống của mọi người”, báo cáo có đoạn viết.

Trong khi đó, nhà kinh tế học người Pháp Thomas Guletty đã kêu gọi một loại thuế tài sản toàn cầu. Thomas Guletty chỉ ra rằng, báo cáo bất bình đẳng thế giới 2018 do ông làm đồng tác giả cho thấy rõ, từ năm 1980 đến năm 2016, 50% người nghèo nhất chỉ chiếm được 12 xu trong mỗi USD tăng trưởng thu nhập toàn cầu.

Ngược lại, 1% những người giàu nhất chiếm được 27 xu cho mỗi USD. Do đó, ngoài việc giải quyết bất bình đẳng trong nước, các quốc gia phát triển hiện không đáp ứng các cam kết viện trợ ở nước ngoài có thể tăng thuế đối với những người cực giàu để có thể hỗ trợ giải quyết tình trạng nghèo cùng cực ở các nước nghèo nhất. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tỷ lệ giảm nghèo đã giảm một nửa kể từ năm 2013. Riêng ở khu vực châu Phi cận Sahara, nghèo đói gia tăng một cách chóng mặt.

Khánh Chi
.
.
.