Để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui"

Thứ Sáu, 24/05/2019, 14:44
Ngày 21-5, sau khi có chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Hội đồng kỷ luật trường Tiểu học Quán Toan đã họp và đưa ra quyết định buộc thôi việc với cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, "nhân vật chính" của clip cô giáo đánh học sinh trong giờ kiểm tra học kỳ làm dậy sóng dư luận suốt tuần qua. 


Đối với cô Phạm Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A7, dù chứng kiến việc cô Trang đánh học sinh do lớp mình phụ trách nhưng không can ngăn, thậm chí còn tham gia "đánh hôi", 100% thành viên hội đồng kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật là khiển trách.

Trước đó, tại cuộc họp tổ chức tại Trường Tiểu học Quán Toan ngày 16- 5, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đã khóc và nói rằng rất hối hận, muốn gửi lời xin lỗi đến gia đình học sinh, xin lỗi các ban ngành vì bản thân đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, giáo dục, của nhà trường và hình ảnh của toàn thành phố. Cô Trang cũng xin một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Tuy nhiên, với quyết định này, cô Trang đã không còn cơ hội để sửa sai.

Nhìn cô giáo khóc trong buổi họp, khó có thể hình dung được đây lại chính là người đã liên tục tát, dùng thước đánh học sinh trong buổi thi học kỳ ngày 8- 5.

Tôi đã phải rất kiên nhẫn mới xem được hết clip dài hơn 10 phút do camera lớp học 2A7 ghi lại cảnh cô giáo này liên tục quát tháo học sinh, liên tiếp tát vào mặt, vào đầu và dùng thước đánh cháu Đ và một số học sinh trong lớp chỉ vì làm bài chậm. Vụ việc xảy ra khiến 2 học sinh nam phải bật khóc và ôm chỗ đau.

Theo phụ huynh cháu Đ, cháu bị sưng nề, chấn thương phần mềm vùng thái dương 2 bên, lưng (T) sưng và tím nhẹ, cẳng chân (T) có 2 vết bầm tím 3X5cm. Ngày 13- 5, cháu kêu đau tai, khi đưa đến bệnh viện, bác sĩ kết luận Tai trái (T): Màng nhĩ trái xung huyết, phồng nhẹ, hòm nhĩ ứ mủ. Đến ngày 14 - 5, niêm mạc mũi 2 bên của cháu bị nề, xung huyết, khe và sàn mũi 2 bên đọng nhiều mủi đặc máu mũi trái ứ mủ và chảy ra hết gối và ga giường…

Cần phải nhắc lại rằng các cháu bé bị cô giáo đánh mới chỉ học lớp 2, cái tuổi hoàn toàn không có khả năng phản kháng. Ai đã từng có con đi học đều biết ở độ tuổi ấy, các con đều rất sợ cô giáo, vì thế ngay cả khi các con có sai thì giáo viên cũng không được sử dụng vũ lực như vậy. 

Bởi hiện nay, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh và không có hình thức nào cho phép giáo viên được đánh đập, chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh; giáo viên chỉ được thực hiện hình thức kỷ luật cảnh cáo, các hình thức kỷ luật khác do hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng nhà trường quyết định. 

Thầy cô không được phép áp dụng các hình thức kỷ luật ngoài nội quy, quy chế của nhà trường. Vì thế hành vi mắng chửi, đánh đập, sỉ nhục học sinh là vi phạm pháp luật, thể hiện sự tùy tiện và bất lực, thiếu năng lực của giáo viên. Càng khó chấp nhận khi đây lại là cách "giáo dục" học sinh của một cô giáo có thâm niên 10 năm đứng lớp và từng được công nhận giáo viên giỏi của quận nhiều năm liền.

Với quyết định buộc thôi việc, cô Trang không còn có cơ hội sửa sai. Giờ đây, mọi sự ân hận đã quá muộn. Tuy nhiên, từ vụ việc này, một vấn đề nghiêm túc một lần nữa lại được đặt ra với ngành giáo dục. Đó là làm thế nào để đẩy lùi bạo lực học đường. 

Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục có một câu khẩu hiệu rất hay là: "Mỗi ngày đến trường là một niềm vui". Đây cũng là mục tiêu mà giáo dục Việt Nam đang hướng tới. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây, bạo lực học đường đã trở thành vấn đề nóng của ngành giáo dục khi mà năm nào cũng xảy ra những vụ giáo viên đánh học sinh, giáo viên bắt học sinh tát nhau, thậm chí giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng…

Với mỗi đứa trẻ, ký ức những năm tháng đầu đời đến trường rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Bạo lực thân thể không chỉ khiến trẻ đau về thể xác mà còn tổn thương về tinh thần. Trẻ bị bạo lực sẽ ảnh hưởng đến nhân cách và hành vi của mình, có thể trong tương lai, những đứa trẻ ấy lại trở thành những người gây ra bạo lực.

Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ mà còn dạy nhân cách cho con trẻ. Nếu được nuôi dưỡng và đối xử bằng tình yêu thương và sự quan tâm, trẻ em mới nhìn thế giới xung quanh một cách tích cực và đối xử đúng mực với mọi người.

Vì thế, để không còn những cái tát, để "Mỗi ngày đến trường là một niềm vui" không chỉ là khẩu hiệu, hãy bắt đầu sự thay đổi từ chính các giáo viên. 

Tân Lương
.
.
.