Làng và nước mắt thời mở cửa

Thứ Hai, 25/01/2016, 15:35
Làng tôi nhỏ như cái khoẳm bò nằm ôm lấy dòng sông Sinh thơ mộng. Tuổi thơ tôi đã gắn bó với làng tất cả mọi niềm vui và nỗi buồn. Tôi lớn lên, nhờ công ơn nuôi dạy của mẹ tôi là chính nhưng dân làng, cả họ hàng và người khác họ đã giúp chúng tôi rất nhiều. Mẹ tôi đã hơn một lần nói rằng nếu không có bà con dân làng, không biết chúng tôi sẽ ra sao.

Làng tôi nghèo, hồi cải cách ruộng đất chỉ có hai nhà địa chủ- nghĩa là mỗi nhà ấy chỉ có cái sân gạch, vài gian nhà tre với dăm mẫu ruộng. Cũng có cây mít, ao cá đấy nhưng chưa bao giờ tôi thấy những nhà đó là giàu có cả. Nếu so với bây giờ thì người làng tôi thành địa chủ gần hết làng rồi. Họ chỉ thua địa chủ kia mỗi khoản ruộng thôi chứ thóc và tiền, chắc địa chủ xưa không sánh được.

Suốt những năm tuổi thơ cho đến khi rời làng đi học, tôi thấy không khí làng xóm quê tôi đầm ấm lắm. Cả làng chỉ có dăm sáu họ nhưng dù khác họ, cũng vẫn là bà con cả, không họ nội thì họ ngoại, hoặc là thông gia. Thành ra, khi mỗi nhà có việc gì là cả làng cùng đến giúp.  Những ngày Tết nhất, tiếng cười nói, chào hỏi nhau, vui lắm. Nhìn rộng ra xã tôi, vùng tôi ở không khí cũng na ná như nhau cả. Cái thủa yên bình ấy cứ nhạt dần và đến bây giờ thì tôi không còn thấy nữa. Quê tôi giàu lên nhưng những mất mát thì không gì bù đắp được, nhất là những nhạt nhoà về tình người và người ta trở nên thờ ơ với nhau hơn xưa. 

Những ngôi làng trong ký ức.

Bây giờ, khi nhà nào có việc, dân làng vẫn đến nhưng đó là theo những quy định đã thành văn, nó như nghĩa vụ bắt buộc và tôi đọc thấy trong tâm trạng mọi người là điều này đã như " khế ước xã hội", không làm không được chứ trong lòng không có cái tình cảm tự nhiên, nhi nhiên như xưa. Và nếu một nhà nào đó không " đạt chuẩn" thì sẽ có sự bàn tán, bình phẩm theo kiểu sòng phẳng chứ không phải là những lo lắng cho nhau, đầy sự sẻ chia như xưa nữa.

Khi bước vào đổi mới, quê tôi có nhiều người đi các tỉnh phía Nam làm ăn và cũng có những người được nhà nước ưu tiên cho đi xuất khẩu lao động. Ở đâu đó người ta xuất khẩu cán bộ kỹ thuật nhưng quê tôi lạc hậu, nghèo, toàn xuất khẩu lao động giản đơn hoặc phụ nữ đi làm ôsin thôi. Thôi thì cái số mình nó thế, đói bụng, đầu gối phải bò. Làm gì có lựa chọn khác. Bỏ chồng, bỏ con ở nhà, dấn thân vào cuộc sống mới cũng chả sung sướng gì đâu. Tôi cứ nhớ mãi một câu thơ của ông nhà thơ Nguyễn Duy, viết về cảnh ngộ chia tay của những trường hợp này mà ứa nước mắt: "Những cuộc chia ly toe toét cười". Ai cũng cười gượng cả. Chỉ để cho yên lòng nhau nên phải cố. Mà cố thì giả dối nên nụ cười ngày chia ly còn đau hơn những giọt nước mắt.

Tôi về quê, nghe kể chuyện ở mấy xã gần làng tôi có một chị đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cho chồng con, khá lắm, chị khác xây được cả nhà cho chồng không kém gì biệt thự ở thành phố. Người nhà tôi hỏi có quen ai không xin cho người này, người kia một suất. Tôi chỉ lắc đầu.

Và, những điều lo ngại của tôi đã xảy ra. Tôi nghe kể có chị sau vài năm gửi tiền về cho chồng con rồi tìm bến đỗ mới với những người khác, theo kiểu "Thế là mợ nó đi Tây" của Nguyễn Công Hoan. Có người bị cái thằng " hoàn cảnh" nó xô đẩy nên tiếng tăm đồn về nhà. Anh chồng nổi giận ném tất cả đồ đạc của vợ gửi về ra sân châm lửa đốt sạch và tuyên bố " không sống bằng tiền bán trôn của vợ". Anh bắt chị phải bỏ dở hợp đồng, về nhưng chị không chịu, lại còn gia hạn nữa. Thế là anh chán nản, sa vào rượu chè, bỏ bê con cái. Con cái không có người chăm bỏ bê học hành, rồi thành lêu lổng. Có chị khổ hơn, tiền gửi về, chồng đem đi ăn chơi với bồ hết, ngày vợ về, chuyện vỡ lở, lại chia tay và tay trắng lại hoàn tay trắng nhưng nỗi khổ thì không biết bao nhiêu mà kể. Hơn chục người đi như vậy, chỉ có vài ba nhà không xảy ra chuyện to thôi chứ chuyện nhỏ nghe nói đều có cả.

Ông anh họ tôi, ba đứa con nhưng lớn lên, chúng nó bồng bế nhau đi làm ăn xa cả. Nhà chỉ còn hai vợ chồng già lọ mọ trong cái nhà to đùng ( trước làm cho chúng nó ở, giờ càng vắng tợn). Rồi anh ốm, chị chăm. Ruộng nương cho người ta thuê rồi mình lại đi đong thóc ngoài chợ. Có lúc cả hai cùng ốm. Ai dậy được thì cơm cháo phục vụ người kia. Có hôm cả hai ốm quá, đến bữa đành hỏi nhau bà có dậy được không rồi nhìn nhau ứa nước mắt… Ông anh tôi bảo: "Ở nhà thì vài sào ruộng, làm chả đủ ăn. Mà đi thì cứ như đánh bạc ấy. Thôi thì đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Đánh liều với giời vậy thôi. Giá chịu khó ăn tiêu ít đi thì còn đỡ. Đằng này, người ta thế, mình cũng không khác được. Chả biết bao giờ mới hết cảnh này".

Sắp Tết rồi, tôi lại chuẩn bị về quê chạp họ. Mọi năm, cứ độ rằm tháng Chạp, lũ cháu đi làm ăn xa cũng đến lúc phải lo về với bố mẹ chúng, chăm sóc mồ mả ông bà, tổ tiên, để sum họp. Nhưng, năm nào cũng vắng khoảng 1/3. Chả biết năm nay vắng bao nhiêu? Mà ngay mình đây, cũng chả biết còn về được bao nhiêu lần nữa? Không về, không được. Nhưng, về lại chứng kiến những nỗi buồn như thế, lại đâm nghĩ ngợi.  

Phạm Quang Long
.
.
.