Đảm bảo an toàn khi qua khu vực băng tuyết

Thứ Sáu, 29/01/2016, 11:23
Mấy ngày qua, trong khi nền nhiệt giảm xuống cận âm, giá lạnh bao phủ các tỉnh miền Bắc, thì dư luận lại “nóng” lên trước hình ảnh một lái xe đang cắm cúi đốt lửa hơ… bình nhiên liệu của chiếc xe téc chở xăng đang chết máy.


Nhiều người đã ví hành động đó với việc “cưa bom”, vì nếu bình nhiên liệu phát nổ, lập tức “quả bom” là cái téc đang chứa hàng nghìn lít xăng kia sẽ được kích hoạt, hậu quả thiệt hại về người và tài sản là điều có thể nhìn thấy trước.

Cũng trong đợt lạnh giá này, một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên các cung đường miền núi, làm lộ diện “điểm mù” của cánh tài xế xứ nhiệt đới, đó là thiếu kinh nghiệm xử lý tay lái trên đường băng tuyết. Trao đổi với Chuyên đề CSTC, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm cần thiết để đảm bảo an toàn khi lái xe trong tiết đại hàn.

Khi nhiên liệu "đóng băng"

Chủ đề được bàn tán sôi nổi trên diễn đàn “otofun” và các trang mạng xã hội, Facebook cá nhân mấy hôm nay, là hiện tượng các tài xế xe tải dùng lửa hơ nóng bình nhiên liệu trên những chiếc xe tải chết máy tại các con đèo, đoạn dốc miền núi phía Bắc. Hình ảnh “ghê rợn” đã thu hút hàng nghìn lượt comment (bình luận), là cảnh một tài xế đang lúi húi đốt lửa dưới bình nhiên liệu của chiếc xe téc chở xăng.

Chiếc xe ôtô quay ngang trong băng tuyết.

Có lẽ không phải anh chàng này “điếc không sợ súng”, không nhìn thấy được hậu quả thảm khốc có thể xảy ra khi bình xăng phát nổ. Theo “kinh nghiệm dân gian” của một số tài xế, đó là cách hiệu quả nhất để chiếc xe thoát khỏi tình trạng chết máy hay không khởi động được, do nhiên liệu (chủ yếu là dầu diezel) bị “đông” lại vì trời quá lạnh.

Trao đổi với PV Chuyên đề CSTC, anh Hoàng Đình Lâm (lái xe khách tuyến Hà Nội – Sa Pa) cho biết: “Mấy hôm trước, nhiệt độ ngoài trời tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), có lúc giảm xuống dưới -1 đến -6 độ C. Với nền nhiệt này, các xe ôtô chạy bằng dầu diezel (chủ yếu là ôtô tải, xe khách) sẽ bị chết máy.

Lưu thông khó khăn trên đường phủ băng.

Chỉ cần đỗ xe ngoài trời từ sáng đến trưa, hay qua một đêm là dầu trong bình chứa, trong hệ thống ống dẫn nhiên liệu của xe sẽ bị “đông” lại khiến xe không thể nổ máy, hoặc đang chạy thì bị chết máy. Nếu đang ở đường đèo dốc, không thể gọi cứu hộ thì cánh tài xế chỉ còn cách chất củi đốt lửa bên dưới bình nhiên liệu để làm nóng dầu máy. Cách làm này khá hiệu quả, tuy nhiên cũng rất nguy hiểm vì ta không thể biết đốt đến lúc nào thì dầu sẽ “đủ nóng” để nổ máy.

Đốt “quá lửa” sẽ làm áp suất trong bình tăng cao gây cháy nổ. Nguy cơ này cũng có thể xảy ra nếu bình nhiên liệu hay động cơ bị dò gỉ xăng dầu. Một cách khác an toàn hơn là giội nước sôi vào cốc lọc dầu, vào máy và hệ thống ống dẫn xăng, dầu. Tuy nhiên, giữa đường đèo dốc thì đào đâu ra dụng cụ mà đun nước và lượng nước cần thiết đủ giội làm ấm nhiên liệu?

Với tôi nếu xe có triệu chứng khó nổ máy do nhiên liệu bị lạnh, trước khi đi xa tôi cứ đổ dầu đầy bình rồi cho xe chạy lòng vòng chán chê để nóng máy rồi mới dám lên đường. Lúc dừng xe, cũng không dám tắt máy vì sợ động cơ “nghẻo” luôn. Nói thật, ngoài mấy cách trên thì cánh tài chúng tôi chẳng biết phải làm gì để xử lý các tình huống xe chết máy hay không khởi động được do nhiên liệu bị đông lạnh”.

Anh Nguyễn Tuấn Hải (kỹ sư cơ khí, chủ gara ôtô trên đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) giải thích: “Khác với động cơ chạy xăng, động cơ chạy bằng dầu diesel có đặc điểm không dùng nhiệt từ bugi để đốt cháy nhiên liệu. Khi động cơ hoạt động với áp lực nén khoảng 20:1, hỗn hợp khí và dầu sẽ tự phát nổ làm nhiệt độ trong buồng đốt nóng lên và đốt cháy dầu.

Ở các nước châu Âu, dầu dieselcó thành phần chống đông, nhưng ở ta thì không. Ở nhiệt độ dưới 4 độ C, lớp dầu diesel sẽ kết tủa đóng màng ngay trên bề mặt bầu lọc, che kín hết bề mặt lọc, làm giảm lượng nhiên liệu cấp cho buồng đốt, dẫn đến có nổ máy được cũng sẽ lịm ngay. Cũng có thể dầu vẫn chảy vào trong buồng đốt, nhưng ở đây nhiệt độ cũng rất thấp do thời tiết lạnh.

Nên mặc dù đã được nén nhưng nhiệt độ sẽ không đủ để đốt cháy nhiên liệu. Đây là nguyên nhân chủ yếu, phổ biến khiến xe khó nổ máy ở động cơ công nghệ cũ. Với loại xe công nghệ mới, sẽ có bộ phận sấy dầu trước khi dẫn vào buồng đốt. Khi nhiên liệu được sấy nóng thì sẽ dễ nổ máy hơn”.

Nói về cách xử lý tình huống dầu bị đông sánh, anh Hải khuyên không nên đốt lửa dưới bình nhiên liệu vì rất nguy hiểm, dễ dẫn đến cháy nổ. “Gặp phải trường hợp đó, lái xe nên đun sôi nước rồi đổ từ từ vào khu vực bơm cao áp và bầu lọc nhiên liệu, để tăng dần nhiệt độ của dầu, giúp cho việc lưu thông và bay hơi của nhiên liệu dễ dàng hơn. Nếu cần thiết thì tháo bầu lọc dầu ra vệ sinh. Để khắc phục triệt để tình huống dầu bị đông đặc, cần lắp thêm vào xe chiếc bugi sấy.

Thiết bị này tương tự như bugi đánh lửa của động cơ xăng, nhưng tác dụng của nó là cung cấp nhiệt lượng để làm nóng hỗn hợp, tạo điều kiện cần thiết kích nổ. Ngoài ra, có thể lắp đặt thêm thiết bị làm ấm nhiên liệu, làm ấm khối động cơ, làm ấm ắc-quy... giúp xe dễ khởi động hơn. Trong những ngày nhiệt độ quá thấp, nên chọn mua loại dầu đã pha thêm những chất phụ gia cần thiết để hạ thấp nhiệt độ đông. Để phòng tránh tình trạng khó khởi động ôtô trong thời tiết lạnh, không nên đỗ xe ở ngoài trời và đổ đầy nhiên liệu vào bình chứa”- anh Hải tư vấn. 

Trên đường băng tuyết

Trải nghiệm trong tuyết trắng là mong ước của nhiều bạn trẻ ở xứ nhiệt đới như nước ta. Mấy ngày vừa qua, khi nền nhiệt độ xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua, tuyết đã rơi và băng phủ trắng Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và các tuyến giao thông miền núi… Trên các nẻo đường Đông Bắc, Tây Bắc, “phượt thủ” thập phương đã đổ về đây bằng đủ loại phương tiện, khiến tình hình TTATGT thêm phức tạp.

Hãi hùng cảnh hơ lửa bình xăng xe téc.

Đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, điển hình như vụ tai nạn trên đèo Pha Đin (tại km365 + 500 quốc lộ 6). Nguyên nhân được xác định là do mặt đường bị băng, tuyết phủ, chiếc xe tải Hyundai biển số 88C-07339 bị trơn trượt đã ép Trung tá Trần Văn Hinh (Trạm trưởng Trạm CSGT khu vực Tuần Giáo, Phòng PC67- Công an tỉnh Điện Biên) vào thành cầu, khiến anh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy giải tỏa ách tắc giao thông do thời tiết băng giá.

Đảm bảo an toàn khi di chuyển bằng phương tiện cơ giới đường bộ trên những cung đường băng tuyết, là điều mà nhiều lái xe Việt chưa từng có kinh nghiệm để đối phó, đề phòng.

Anh Vũ Đức Trung (ở Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) đã có nhiều năm sống và làm việc tại LB Nga chia sẻ: “Băng tuyết xuất hiện trên đường, làm cho việc điều khiển xe đứng trước rất nhiều nguy cơ tai nạn nguy hiểm. Trước tiên là do đặc tính của băng tuyết nên đường trơn trượt, độ ma sát bám dính giữa lốp xe với mặt đường bị giảm đi rất nhiều.

Nhiều đoạn đường có lớp băng mỏng đóng trên mặt đường, có màu trong suốt lẫn với mặt đường nên rất khó phát hiện; băng tuyết còn che lấp những hố sâu, rìa vực và làm khuất lấp tầm nhìn… Đó là những nguy cơ dẫn đến tai nạn. Nhẹ là đổ xe gây chấn thương, nặng là lao xe xuống vực .v.v. Ở  Nga, người ta bán những loại lốp chuyên dụng để đi trên băng tuyết, nhưng ở ta thì không, toàn loại lốp xe đi mùa hè. Vì thế, để khắc phục rủi ro trên đường, chỉ còn cách thận trọng tối đa.

Trước khi xuất phát đi vào đường có băng tuyết, điều bắt buộc phải làm là kiểm tra kỹ lốp xe, nếu lốp quá mòn phải thay thế ngay. Tiếp đến phải kiểm tra hệ thống đèn, nhất là đèn sương mù, vì nó rất quan trọng để chiếu sáng được đường đi sát phía xe. Đèn sương mù ánh sáng vàng sẽ tốt hơn ánh sáng trắng. Kinh nghiệm của tôi là nên xì hơi cho lốp xe non một chút (giảm áp suất lốp khoảng 10%), để tăng độ ma sát bám đường.

Với các cung đường đèo dốc cao, nên dùng dây nilon loại 3-4 ly, quấn quanh lốp của bánh truyền động theo kiểu rọ lợn. Với “dân phượt” thì nên đi theo đoàn, chứ không đi đơn độc. Dọc đường người này nối tiếp người kia để nếu xảy ra sự cố bất ngờ thì phối hợp cứu viện lẫn nhau. Đoàn xe nên cắm những miếng vải màu sặc sỡ (đỏ, da cam) ở cần đỉnh nóc, mũi xe, đuôi xe… để báo vị trí cho các bạn đồng hành. Vì ma sát trên đường băng tuyết rất thấp, nên cần chạy xe với tốc độ chậm và hạn chế vít ga để tránh gây văng xe.

Trên đường cần hạn chế tối đa việc vượt các phương tiện đi cùng chiều, vì tầm nhìn khi đó rất hạn chế và mặt đường trơn trượt, có nhiều ổ bẫy khó nhận ra bằng mắt thường. Khi di chuyển, lái xe cần bật đèn chiếu gần, chú ý quan sát gương cầu lồi tại các khúc cua, luôn lái xe ở tốc độ an toàn và giữ khoảng cách với xe phía trước lớn gấp đôi so với bình thường.

Ngoài ra, đi vào vùng băng tuyết, nhớ mang theo một can nước sạch, đồ ăn khô dự phòng, bộ “tàu ngầm” đun nước, cốc to, dao. Nhất là các dụng cụ cứu hộ như cáp kéo, hoặc thanh gỗ ván để chèn lốp xe, dây nilon (để quấn lốp khi cần), và cồn (để đổ vào bình phun nước rửa kính ôtô, vì cồn không bị đông đặc trong trời tuyết).

Điều cuối cùng tôi muốn khuyến cáo mọi người là, việc lái xe dưới trời băng tuyết không phải chuyện dễ dàng, dù trình độ tay lái của anh có khá đến đâu cũng chưa đủ, mà cần phải có những kĩ năng cần thiết và phải chuẩn bị chu đáo, từ sức khỏe, tâm lý đến các vật dụng. Quan trọng nhất là không liều lĩnh đi tiếp nếu thấy quá nguy hiểm, đặc biệt là lúc đường đã đóng băng”. 

Đào Trung Hiếu
.
.
.