Những người lính giữ rừng nơi miền biên ải

Thứ Sáu, 08/02/2019, 07:52
Họ nguyên là những người lính tinh nhuệ ở nhiều đơn vị khác nhau. Sau khi xuất ngũ trở về, họ tiếp tục đem phần sức lực còn lại để cống hiến cho xã hội...


Cách TP Pleiku hơn 60km về hướng Đông Bắc, thôn Phú Danh (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn rừng núi. Khu vực này cũng là nơi một "đội quân" đặc biệt đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ cho màu xanh núi rừng. Họ nguyên là những người lính tinh nhuệ ở nhiều đơn vị khác nhau. Sau khi xuất ngũ trở về, họ tiếp tục đem phần sức lực còn lại để cống hiến cho xã hội.

Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về xã Hà Ra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) để thăm chi hội cựu chiến binh thôn Phú Danh. Những người cựu chiến binh ở Chi hội này nhiều năm qua đã thay nhau túc trực tuần tra bảo vệ cho hơn 250ha rừng không mất một cây. Không khó lắm để tìm ra nhà của ông Thái Văn Cường (Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn Phú Danh), vì người dân trong thôn không ai không biết đến ông.

Nghe tiếng người lạ, ông Cường bước ra chào đón khách vào nhà. Người đàn ông nhỏ thó, nước da đen nhẻm với giọng nói đặc sệt xứ Quảng nhanh nhẹn rót trà mời khách, trông ông trẻ hơn so với cái tuổi 56 của mình. Ông bảo rằng, đang chuẩn bị hành trang cho chuyến đi rừng tuần tra. Các anh em khác cũng đang trên đường đến nhà ông tập trung rồi mới đi vào rừng.

Chất đồ đạc lên chiếc xe chuyên dụng, ông Cường chở chúng tôi lao đi trên những con đường gập ghềnh đá sỏi dẫn vào rừng. Cánh rừng xanh ngắt dần dần hiện ra. Từ quốc lộ 19, chúng tôi vượt qua hơn 5km đường mòn trơn tuột bởi cơn mưa vào chiều hôm trước rồi tiến vào rừng. Đến khu vực bìa rừng, vì đường nhỏ, khó đi nên chúng tôi đành bỏ xe lại và bắt đầu cuốc bộ.

Đường tuần tra, bảo vệ rừng phải lội qua nhiều con suối.

Sau hơn 1 tiếng vượt suối, trèo đèo trong rừng nhưng 4 cựu chiến binh đã ở "bên kia con dốc của cuộc đời" vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát đến kì lạ. Vừa đi, ông Cường vừa chia sẻ: "Từ thôn Phú Danh đến nơi rừng nhận khoán bảo vệ đi xe máy mất gần 1 buổi. Từ đó, chúng tôi tiếp tục băng rừng kiểm tra từng khu vực rừng mà Chi hội đã nhận khoán quản lý, bảo vệ. 

Do vậy, thông thường mỗi chuyến đi kéo dài từ 3-4 ngày. Mỗi khi "hành quân", các anh em đều phải mang theo tăng võng, gạo, thực phẩm, đến bữa thì dừng chân, nấu cơm ăn. Tối thì mắc võng ngủ trên cây, hoặc tìm hang đá trú ẩn... Cứ như vậy, các tổ (3 đến 4 người) thay nhau đi tuần đến khi nào hết khu vực rừng nhận khoán mới trở về".

Tiếp nối câu chuyện của ông Cường, cựu chiến binh Bùi Văn Bức (50 tuổi, thành viên trong đoàn) bổ sung: "Chúng tôi đi tuần bất kể ngày mưa hay nắng, việc nhà cũng đành gác sang một bên hoặc kíp lắm thì mới nhờ anh em trực thay. Tết nhất anh em vẫn phải cắt cử người đi tuần tra trong rừng. Nhiều lúc vợ ở nhà cũng tủi thân vì chồng thích đi rừng còn hơn ở nhà với vợ".

Đi được một đoạn, ông Bức chỉ tay về phía mỏm đá, giới thiệu đấy là nơi ông cùng đồng đội đi tuần và bắt gặp mấy anh "lâm tặc" người địa phương mang cưa máy vào rừng. Mấy thanh niên cứ ngỡ tổ tuần tra là dân làng nên vẫn ngang nhiên cho xe đi tiếp. Ngay lập tức, cả tổ liền lái xe vượt lên trước chặn đầu nhóm thanh niên. 

"Thái độ của chúng nghênh ngang lắm, không chịu quay ra. Tôi đã giải thích cặn kẽ ảnh hưởng của việc phá rừng nhưng chúng không nghe. Chúng tôi lúc đó cương quyết yêu cầu chúng đi ra khỏi rừng nếu không sẽ lập biên bản xử lý. Thấy không thể trộm cây rừng được, mấy thanh niên liền lên xe rú ga bỏ đi".

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Phước (59 tuổi) tiếp lời: "Sau khi đuổi được nhóm lâm tặc ra khỏi rừng, anh em trong Chi hội về họp lại để tìm lai lịch các thanh niên này. Qua rà soát, anh em cũng nắm được danh tính của nhóm đó. Ngày hôm sau, tôi mang theo 1 con gà và chai rượu xuống làng nhóm thanh niên đó để vận động. 

Khi thấy tôi, các thanh niên đó có vẻ e ngại. Nhưng khi tôi mang gà vào tận nhà làm thịt, đem rượu ra uống cùng thì các thanh niên mới tin tưởng. Tôi khuyên, cưa cây gỗ trên rừng là vi phạm pháp luật, thanh niên đang khỏe tập trung làm rẫy để ổn định cuộc sống lâu dài. Sau chầu nhậu đến gần nửa đêm, nhóm thanh niên tuyên bố sẽ giải nghệ.

Trong 4 năm tham gia bảo vệ rừng, các cựu chiến binh đã nhiều lần đối mặt với hiểm nguy khi giáp mặt bọn lâm tặc, thậm chí bị đe dọa.

Ngoài bị lâm tặc đe dọa, các cựu chiến binh đi tuần còn bị nhiều mối nguy hiểm rình rập.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lộc (61 tuổi) kể lại: Có lần Chi hội nhận được thông báo của người dân về việc có một nhóm thanh niên đi xe độ chế đang tiến vào rừng. Ngay lập tức, ông Lộc và 1 người khác phóng xe đi truy tìm. Đến đoạn dốc gần bìa rừng thì 2 người lính già giáp mặt lâm tặc. 

Nhận thấy nhóm thanh niên này rất manh động, một mặt ông Lộc khuyên nhủ, mặt khác báo cáo cơ quan chức năng đến giải quyết. Thấy động, nhóm thanh niên liền leo lên xe đi thẳng. Trước khi đi chúng còn quay lại đe dọa sẽ trả thù.

Ông Phước tâm sự: Làm nghề này phải đụng chạm nhiều nên bị đe dọa là điều khó tránh khỏi. Thời lính, giáp mặt với địch, đạn bay vèo vèo chúng tôi còn không sợ, giờ chúng chỉ là bậc con cháu, làm gì phải sợ chúng. 

Nhưng cái đích cuối cùng của anh em là phải cảm hóa để ''lâm tặc'' tự nguyện bỏ nghề. Nên dù chúng có đe dọa cũng phải lùng ra được chỗ ở rồi mang chai rượu, con gà đến để vận động. Người dân địa phương muốn nói họ nghe cứ phải nhậu và trải lòng cái đã.

Theo ông Cường, khu rừng này rộng 250ha do Chi hội trực tiếp nhận khoán bảo vệ từ chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra vào năm 2014. Do Chi hội chỉ có 25 người, quá ít so với diện tích rừng quản lý, nên để giữ được rừng, ngoài việc phân công người đi tuần tra theo kế hoạch, Chi hội cũng tập trung xây dựng "tai mắt" để chủ động phòng ngừa ngay từ cửa rừng. 

"Mỗi năm Chi hội nhận được hơn 56 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này dùng vào việc mua sắm võng bạt, thực phẩm, xăng xe. Tuy đời sống của anh em còn nhiều khó khăn nhưng mọi người vẫn tự nguyện nhập số tiền thừa vào quỹ hoạt động của Chi hội. 

Ngoài việc đóng góp Quỹ Nghĩa tình đồng đội, hoạt động hội, số tiền trên còn dùng để thăm hỏi, động viên những gia đình hội viên lúc hiếu hỉ, gặp khó khăn và trích một phần giúp đỡ các cháu học sinh trong thôn vượt khó học tập..." - ông Cường cho biết.

4 người lính già đưa chúng tôi ra khỏi rừng khi mặt trời đã về bên kia mái núi. Họ bước chầm chậm, đưa đôi mắt dò xét khắp các ngả đường xương cá. Trên những mái tóc hoa râm như phủ một lớp bụi thời gian. Đi qua chiến tranh với bao gian khổ, có cả máu và nước mắt, nhưng khi trở về đời thường, những người lính ấy vẫn canh cánh nỗi niềm giữ gìn màu xanh cho thế hệ mai sau.

Nhật Đăng
.
.
.