Trở về từ biển khơi - Những cuộc hồi sinh kỳ diệu

Thứ Sáu, 08/02/2019, 07:07
Tưởng rằng mình và thủy thủ phải nằm lại nơi biển khơi đầy giận dữ của bão tố, người thuyền trưởng ấy đã bật khóc khi kể lại giây phút sinh tử nơi đại dương. Họ đã sống sót trở về từ lòng biển cả, hồi sinh ngay trên biển quê hương từ bàn tay của những người lính Cảnh sát biển.


Không quản ngại mưa gió, bão bùng trong những ngày biển động, những ca cứu nạn thót tim trên biển mà lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (CSB) thực hiện đã khiến bao gia đình thoát khỏi cảnh chia lìa mất người thân.

Trở về từ lòng biển

Trong những ngày cuối năm 2018, chúng tôi nhận được tin vui khi hành trình trở về từ biển khơi của nhiều ngư dân trên tàu cá gặp nạn ở vùng biển Việt Nam, mỗi câu chuyện là một sự xúc động sâu lắng. 

Kể về mình và 8 thuyền viên được cứu trong lúc tuyệt vọng ở vùng biển Quảng Bình, cách bờ 80 hải lý, anh Nguyễn Văn Độ (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), thuyền trưởng tàu cá ĐN 90917 TS luôn cảm kích trước nỗ lực sự cứu mạng mà CSB đã dành cho họ. Tàu cá của anh Độ đi đánh bắt hải sản từ ngày 2-12-2018, bị hỏng máy chính, tàu mất khả năng cơ động trôi dạt ở ngoài khơi vùng biển Quảng Bình. 

Liên tục sóng gió ở cấp 5 khiến tàu trôi dạt lênh đênh nhiều ngày trên biển, lương thực cạn kiệt, các thuyền viên mệt mỏi, sức khỏe sa sút do ảnh hưởng của thời tiết. Trước tính mạng của cả đoàn bị đe dọa, thuyền trưởng đã phát tín hiệu cấp cứu. 

Lúc này, tàu CSB 4037 của BTL Vùng CSB 2 đang thực hiện tuần tra kiểm soát ở phía Đông Nam đảo Cồn Cỏ nên được huy động ngay vào việc cứu nạn. Thời tiết bất lợi khi có mưa, sóng to và gió lớn. 

Phải 2h sau tàu CSB mới đến được khu vực tàu cá của anh Độ. Sóng liên tiếp đánh vào tàu cá khiến con tàu trôi dập dềnh, lực lượng CSB phải dùng nhiều phương tiện, vật lộn dưới trời mưa nhiều giờ mới chằng buộc lai dắt được tàu vào bờ.

Cảnh sát biển cứu tàu cá ĐN 90917TS gặp nạn trên biển.

Sống sót qua những trận bão biển

Chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện xúc động về cuộc gặp gỡ của những người CSB với thuyền trưởng tàu cá HP-90021TS Đinh Khắc Thương ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) sau lần cứu anh thoát chết. 

Một tháng sau vụ cứu nạn trên biển, đoàn công tác của BTL Vùng CSB 1 đã trở về xã Lập Lễ, trong chuyến đi này có đồng chí Đinh Văn Thành, chính trị viên tàu CSB 1012 – một trong những người đã cứu anh Thương và 2 thuyền viên trên tàu cá bị hỏng trong điều kiện sóng cấp 7. 

Ngôi làng mà gia đình anh Thương sinh sống ở Cảng Mắt Rồng, nơi người dân kiếm kế sinh nhai nhờ vào nghề đi biển. Mẹ anh Thương, bà Đinh Thị In nhận ra anh Thành đã xúc động reo lên: “Chú Thành, chú Thành đến chơi”. 

Với gia đình bà In, anh Thành không chỉ là ân nhân mà còn giống như người thân từ sau vụ con trai bà gặp nạn trên biển. Mẹ anh Thương kể, gia đình bà nhiều đời làm nghề đi biển, chồng bà không may mất sớm, để lại cho bà 6 người con, 3 trai, 3 gái. Ba người con trai đều có tàu cá, quanh năm suốt tháng lênh đênh ngoài biển. 

Mỗi khi trời có giông gió, bà như ngồi trên đống lửa lo cho các con. Sau nhiều năm đi biển, anh Thương tích cóp và vay mượn thêm được 500 triệu đóng mới con tàu nhỏ để ra khơi xa. Chuyến đi biển trên con tàu mới khiến anh và 2 thuyền viên không thể quên khi gặp phải giông gió cấp 7, chết máy ở khu vực biển Đông – Đông Bắc cách Cồn Vành (Giao Thủy, Nam Định) 25 hải lý.

Nhớ lại thời khắc kinh hoàng mà anh Thương gặp nạn trên biển, bà In mắt đỏ hoe. Bà kể, đêm đó bà không tài nào ngủ được, như có điềm báo trước. 4h sáng bà nhận được điện thoại của anh Thương, sóng phập phù nhưng bà nghe được tàu của anh bị chết máy từ 3h chiều hôm trước, không tài nào sửa được, bây giờ mới có sóng điện thoại. 

Anh Thương mếu máo nói: “Tàu đang trôi vào gần cửa Cát Bà, cách 24 hải lý, nếu có người cứu thì con sống, nếu không có người cứu thì con làm mồi cho cá ăn. Mẹ nhờ ai cứu con đi, mẹ ơi”. Bà In rụng rời chân tay, bấm máy gọi cho cậu con trai cả ở Hạ Long tìm cách cứu em. 

“Nó bảo với tôi con cũng mới nhận được tin, nếu giờ chạy từ Hạ Long ra chỗ gặp nạn thì mất khoảng 8 tiếng không kịp, nên con đã gọi điện cầu cứu với Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển rồi. Tôi chỉ biết thắp hương kêu ông nhà tôi phù hộ cho con. 

Mãi đến trưa thì nhận được điện thoại nói thằng Thương đã được Cảnh sát biển cứu rồi. Tôi đi mua con gà, vội vàng thu xếp nhờ đứa cháu chở sang Hải Phòng để đi tàu cao tốc ra Cát Bà gặp con. Tới nơi, mẹ con ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Cảm ơn các chú Cảnh sát biển làm phúc đã cứu con tôi” – bà In xúc động kể lại.

Ngôi nhà tuềnh toàng ở giáp đê của anh Thương chẳng có mấy vật đáng giá. Cuộc sống đi biển chỉ đủ mưu sinh, càng khó khăn gấp bội khi gặp bão phải neo đậu vào bờ. Ngoài 30 tuổi nhưng gió biển mặn mòi đã làm cho anh già hơn tuổi rất nhiều. 

Vết chai sần, rám nắng, tóc đỏ quạch đặc trưng của ngư dân quanh năm bám biển. Ở giây phút sinh tử, anh Thương và những người trên tàu nghĩ rằng phải nằm lại đáy biển. Nhưng khi nhìn thấy tàu CSB, hy vọng sống đã bừng lên. 

“Khi tiếp cận tàu của Thương sóng to lắm, phải cập hai lần mới được. Anh em trên tàu nhanh chóng nhảy sang để kiểm tra tình hình sức khỏe của các thuyền viên và phương tiện. Sau đó đưa dây mồi sang để buộc tàu và tiến hành lai dắt về khu vực đảo Cát Bà an toàn”- anh Đinh Văn Thành kể lại. 

Cuộc hội ngộ đầy niềm vui sau một tháng thoát nạn khiến anh Thương luôn tâm niệm: “Em luôn cảm ơn các anh đã sinh ra em lần thứ hai để được trở về với vợ con, với gia đình”.

Cuộc gặp gỡ giữa anh Thành và gia đình anh Thương.

Điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Do nước ta nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, có nhiều tuyến hàng hải quốc tế đi qua và đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế nên tình hình thiên tai, tai nạn, sự cố ở vùng biển xảy ra với tần suất cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng. 

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Ngô Minh Tùng, Trưởng Phòng cứu hộ cứu nạn và Bảo vệ môi trường biển (BTL CSB Việt Nam) cho biết, tàu thuyền gặp nạn trên biển hầu hết đều xảy ra trong điều kiện thời tiết phức tạp, sóng to, gió lớn và xa đất liền. 

Xác định tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là nhiệm vụ chính trị thường xuyên phải quyết tâm hoàn thành tốt, nên lực lượng CSB đã tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống cứu nạn trên biển. 

Thời gian qua, CSB Việt Nam đã tổ chức trên 30 lượt tàu, xuồng thực hiện gần 30 vụ việc tìm kiếm cứu nạn, cứu được 160 người và 12 phương tiện. Có những vụ cứu nạn cứu được 12 thuyền viên trên tàu cá BĐ – 95066 TS bị chìm tại vị trí cách Tây Nam đảo Phú Quý khoảng 34 hải lý trong tình hình gió Đông Bắc cấp 9-10, biển động mạnh.

Trần Hằng
.
.
.