Việc một số hộ dân từ chối nhận bò chính sách ở Vân Hồ (Sơn La):

Cả chính quyền và người dân đều kêu "khó"

Chủ Nhật, 27/01/2019, 15:58
Năm 2018, các hộ nghèo của 8 xã thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La được hỗ trợ 3,9 tỷ đồng tiền bò giống để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ nguồn vốn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.


Tuy nhiên, để nhận được bò, các hộ nghèo và cận nghèo phải nộp từ 1 đến 6 triệu tiền đối ứng. Đây là lý do khiến một số hộ nghèo tại đây đã từ chối nhận bò… chính sách. Ngoài ra, theo một số người dân thì việc họ không nhận bò cũng là bởi con bò chỉ to bằng... con bê.

Không có tiền để đối ứng

Gia đình anh Vi Văn Mừng, bản Uông, xã Mường Men là một trong 8 hộ dân nơi đây nằm trong danh sách được nhận bò để phát triển kinh tế, giảm nghèo. Nhưng cùng với việc nhận tin vui ấy thì gia đình anh cũng được cán bộ xã thông báo phải nộp 3.250.000 đồng tiền đối ứng.

Để có được số tiền này, gia đình anh Mừng đã phải đi vay mượn anh em, bạn bè. Tuy nhiên, khi đến nhận bò anh Mừng đã rất hụt hẫng vì con bò được trao cho gia đình anh nhìn nó chẳng khác con bê là mấy.

Người dân bất ngờ vì bò được hỗ trợ chỉ nhỏ bằng con bê.

Anh Mừng buồn bã cho biết: "Cả xã chỉ được hỗ trợ 28 con, bản mình được 8 con, may mắn gia đình mình được 1 con, nhưng thực tế mình thấy con bò mà mình nhận được nó giống con bê hơn. Tiếng là bò chính sách do Nhà nước hỗ trợ nhưng mình vẫn phải nộp thêm hơn 3 triệu. Chưa kể con bò này vừa bé vừa gầy, trong khi ở đây vùng cao, lạnh giá, sợ nó không sống qua nổi mùa đông…".

Cùng tâm trạng như anh Mừng, anh Vì Văn Đải, bản Uông bức xúc nói: "Gia đình mình được nhận bò vào cuối tháng 12-2018. Cán bộ nói chính sách hỗ trợ hộ nghèo là 10 triệu đồng một con, nhà mình xuống nhận thì cán bộ nói phải nộp thêm 1,2 triệu đồng nữa mới được mang con bò này về. Mình thấy không hợp lý vì đã là hộ nghèo rồi mà lại phải vay tiền nộp để nhận bò thì vất vả quá".

Đã thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo thì để vay được một số tiền từ 1 đến 6 triệu đồng là một việc vô cùng khó khăn. Có những gia đình phải đi gõ cửa từng nhà người thân, hàng xóm, bạn bè trong bản để gom đủ số tiền mà cán bộ yêu cầu. Thế nhưng, khi có đủ số tiền theo quy định thì cái mà họ nhận về lại là những con bê. Thậm chí trong số đó còn có cả những con đang bệnh, không đảm bảo về chất lượng giống.

Dời bản Uông, chúng tôi đến bản Chiềng Đi 2, huyệnVân Hồ. Nơi đây cũng có 2 hộ gia đình không nhận bò chính sách. "Nhà nước hỗ trợ 7 triệu, gia đình tôi phải nộp thêm 3 triệu nữa thì mới được nhận bò giống. Nhưng gia đình tôi nghèo lắm, lấy đâu ra từng đó tiền mà nộp nên đành chấp nhận không lấy bò thôi. Khi gia đình tôi quyết định không nhận bò thì cán bộ chính sách cũng đã tới nhà và động viên vợ chồng tôi cố gắng lấy nhưng tôi vẫn không thể xoay đâu ra tiền cả" - anh Vi Văn Đạo chia sẻ.

Để tìm hiểu rõ về việc này, phóng viên đã hỏi Trưởng bản Chiềng Đi 2. Ông này cho biết: "Việc người dân từ chối nhận bò chính sách là có thật, bởi họ không có đủ tiền để nộp đối ứng.

Trước đó, Nhà nước cũng nhiều lần cung cấp bò giống cho người dân nuôi nhưng không bắt nộp bất kể một khoản nào. Lần này, Nhà nước chỉ hỗ trợ nên dân phải bù tiền vào. Có phải nhà nào cũng xoay được tiền để nộp đâu nên họ đành chấp nhận không nhận bò chính sách".

Trong năm 2018, xã Vân Hồ được hỗ trợ 999 triệu để hỗ trợ bò giống cho 101 hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong đó có 1 hộ thuộc diện mới thoát nghèo, 2 hộ cận nghèo và 98 hộ nghèo. Tuy nhiên, trong số này thì có tới hơn 10 hộ từ chối không chịu nhận bò chính sách.

Bởi theo suy nghĩ của những người này thì đã được nhận hỗ trợ mà phải bỏ tiền ra nộp thì họ sẽ không đồng ý. Một người dân từ chối nhận bò lý giải: "Ở một số nơi khác, hộ nghèo được nhận bò theo Nghị quyết 30a nhưng không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Trong khi đó bò ở xã tôi vừa nhỏ, vừa yếu mà lại phải đóng thêm vài triệu thì ai chịu nổi. Đằng nào nghèo thì cũng nghèo rồi".

Huyện khẳng định làm đúng chính sách

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Ngô Văn Dự, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ xác nhận toàn xã hiện còn 11 hộ nghèo không chịu nhận bò. "Trước khi xây dựng đề án, chúng tôi có họp dân để triển khai nhưng đến lúc sắp nhận bò thì người dân lại hủy đăng ký.

Nguyên nhân do bà con bảo không có tiền đối ứng cũng không muốn ký nợ. Ý họ muốn là Nhà nước cấp không cả con bò, trong khi đề án chỉ hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng. Nếu con bò có giá trị cao hơn thì các hộ phải nộp thêm tiền đối ứng. Xã hợp đồng với đơn vị cung ứng thực hiện đề án, khi các hộ không lấy bò thì sẽ không quyết toán phần ấy nữa và sẵn sàng trả lại kinh phí cho Nhà nước" - ông Dự cho biết.

Việc người dân ở đây không nhận bò là có thật, lý do vì họ không có đủ tiền để đối ứng.

Cũng theo ông Dự, sau khi qua các bước thẩm định giá và kiểm tra quy chuẩn chất lượng, xã mới làm hợp đồng với đơn vị cung ứng bò giống để cấp cho người dân. Theo như giá bò giống đã được phê duyệt là 125.000/kg, 10 triệu đồng sẽ được con bò khoảng 80kg. Tuy nhiên con bò 80kg thì quá nhỏ, cho nên để cung ứng bò giống theo quy chuẩn tối thiểu phải là 90kg trở lên, cho nên đối ứng tối thiểu của hộ gia đình là phải rơi vào khoảng 10kg/con…

Ông Dự cũng cho biết thêm: "Trước khi tham gia dự án, chính quyền địa phương đã giải thích rõ với bà con là phải đối ứng và các hộ cũng đã cam kết vào tờ đăng ký. Khi đăng ký có yêu cầu phải đảm bảo về chuồng trại, phải có diện tích trồng cỏ, chăn nuôi và có người chăn dắt, và cam kết các hộ mang bò về phải nuôi chứ không được thịt.

Đây không phải là dự án cho không bò mà có định mức hướng theo quy định của tỉnh rồi, chúng tôi không thể làm khác được và chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức".

Khi nhiều người dân thắc mắc giá bò giống mà Nhà nước cấp cho họ cao hơn giá thị trường thì ông Dự lý giải: "Những con bò này đều có nguồn gốc rõ ràng. Đó là của một doanh nghiệp, họ mua bò về nuôi, tiêm phòng đầy đủ. Tất cả mọi quy trình đều đảm bảo.

Giả sử nếu trong quá trình phát bò cho người dân, nếu bò mắc phải những bệnh nghiêm trọng thì người dân sẽ được trả lại tiền hoặc thay thế bằng con bò khác. Ngược lại, nếu người dân tự ý mua bò bên ngoài thì sẽ không được kiểm dịch bệnh.

Và nếu chẳng may bò bị bệnh thì người dân sẽ phải tự gánh chịu. Vậy nên giá của con bò do Nhà nước hỗ trợ có thể chênh lệch lên 1 vài triệu so với bò bán trôi nổi ngoài thị trường cũng là dễ hiểu".

Trả lời cho những thắc mắc của phóng viên, ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ khẳng định: "Việc người dân nộp tiền đối ứng để được nhận bò hỗ trợ giảm nghèo là đúng quy định. 10 triệu thì đúng thật là con bò cũng bé, nhưng do ngân sách cũng chỉ được cấp có vậy nên cũng chỉ được con bò ở mức thế thôi.

Vì con bò 10 triệu thì chỉ tương ứng khoảng được 80kg, những con to hơn thì bà con phải đối ứng theo thực tế. Đề án cũng đã giao cho các xã là phải tuyên truyền cho bà con hiểu việc đối ứng là để được bò chất lượng tốt hơn, có sức sống tốt hơn".

"Vừa qua, thấy xã báo cáo lại là có những hộ không lấy bò vì bò phải to hơn mới lấy. Nếu các hộ không lấy thì chính quyền sẽ xem bổ sung danh sách hộ khác. Thực ra hướng hỗ trợ này cũng rất là khó, hỗ trợ bà con bằng tiền thì bà con lại không làm.

Tới đây, huyện sẽ hướng theo 1 cách làm khác như là bà con sẽ tự làm, sau đó chính quyền nghiệm thu rồi mới trả tiền. Trước kia đã đưa tiền cho các hộ tự mua rồi, nhưng họ lại đi mượn bò của người khác để lấy tiền, nghiệm thu xong, họ lại mang đi trả, vậy mới trớ trêu" - ông Huy cho biết.

Phong Anh - Nam Hải
.
.
.