Cả đời nhặt rác

Thứ Năm, 09/05/2013, 14:43
Nghĩ mãi 1 hồi lâu, với khoảng thời gian tỉnh táo, minh mẫn, ông mới nhớ ra, mình nhặt rác từ năm chưa đến 30 tuổi, "đến nay đã hơn 40 năm có lẻ rồi, đời tôi gắn với nghề này không biết từ khi nào nữa", câu trả lời nhẹ nhàng nhưng xoáy sâu vào lòng người của ông Nguyễn Thìn (trú tại K222/21, Trần Cao Vân, Đà Nẵng) làm bất kì ai, chỉ cần nhìn thấy ông 1 lần, đều nhớ mãi cái dáng người gầy guộc, thấp nhỏ, đôi bàn tay chai sần vì xách rác mỗi ngày của ông.

Tay phải tật nguyền, 1 đời cô độc không vợ, không con, vò võ mẹ già nay đã ngoài 90 tuổi. Có thể nói ông là 1 số phận đặc biệt.

Ai lại vác tù và hàng tổng như thế

Ngày nào cũng vậy bắt đầu từ 2h sáng, ông lang thang khắp các ngõ phố, trong cái lạnh của sương đêm và sự vắng vẻ có phần lạnh lẽo của thành phố khi chưa thức giấc. Chân trần, tay không, ông bắt đầu công việc của mình với 2 chiếc xô. Xô nhỏ thôi, nhưng, nếu tính ra mỗi xô phải có đến 8 kg rác chứ không hề ít. Từ thức ăn thừa, đến giấy vệ sinh, đồ đạc bị vỡ, túi nilong.v.v.

Khi biết có người chụp ảnh mình, ông nhanh lắm, rửa mặt, chải lại tóc cho ngầu rồi mới đi làm. Rõ ràng, người bình thường sẽ không như ông, nhưng trong khu phố và mọi con hẻm nơi ông thường đi qua, không ai nhắc đến điều này vì 1 lẽ: "xã hội này, có người không bình thường nào làm được nghề như ông ấy và làm tốt như ông ấy đâu?"

Người dân phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) nói chung và người dân tổ 43,44 nơi đây nói riêng, không ai không biết đến ông. "Nói là làm vào buổi sáng vậy thôi, chứ tôi làm việc nhiều khi 12h đêm mới về đấy, người ở đây không ai không biết tôi đâu, họ nhiều khi còn mời tôi vào nhà uống nước hay café sáng nữa kia" bà Nguyên Sương, mẹ ông Thìn cho biết.

Thấy ông nhiều người nói: "cái ông này ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng à!" cũng có khi lại nói: "ai mượn ông làm đâu, mà sao chăm chỉ dữ vậy?".  Thế đấy, nhưng "Tôi vẫn làm vì tôi thấy nên như vậy thôi, có ai trả lương cho tôi đâu, họ nói gì kệ họ thôi". Quả thật, ông không phải công nhân công ty môi trường đô thị, hay nhân viên vệ sinh của địa phương, mà chỉ đơn giản, như ông nói: "tôi là người nhặt ve chai, bán và kiếm sống".

Thật khác với những người nhặt ve chai bình thường, chỉ nhặt những thứ có thể bán được, có ích cho mình. Ông Thìn vẫn thu gom cả những rác thải thông thường để đem đến nơi tập kết rác.

Ông tiến hành gom rác rồi phân loại chúng. Có 2 loại: phế liệu bán được, và rác thải thông thường. Ngày nhiều thì vài bao, ngày ít thì 1 bao, vì làm nghề đã lâu nên ông có bạn hàng thân thiết từ nhiều năm qua, đến tận nhà thu mua phế liệu, cũng vì thế mà cuộc sống gia đình ông ổn định hơn. "Công việc của tôi tuy có phần vất vả, đi nhiều nhưng sống được và sống ổn định lắm", với thái độ rất hào hứng ông nói.

Mỗi ngày, nếu tính theo độ dài các con phố, ông phải đi ít nhất 12km đường bộ, Mỗi 1 lần gom rác chỉ được 2-3 nhà, ông phải xách rác đến nơi tập kết, rồi lại quay về chỗ cũ gom rác của những hộ khác, rồi lại mang đi mang về. Cứ như thế, đường ngắn cũng thành đường dài.

Trong những lần nhặt rác của mình, không ít lần ông đã thu gom các bơm kim tiêm vứt bừa bãi. Có không ít các club hay tổ chức hoạt động tình nguyện cũng tổ chức thu nhặt bơm kim tiêm, nhưng cũng chỉ tiến hành theo đợt. Riêng với ông Thìn thì đã thu nhặt bơm kim tiêm trong nhiều năm qua để tiêu hủy, góp phần loại bỏ những hình ảnh không đẹp.

Ông Thìn nhặt rác với đôi chân trần, không dày, dép, hay ủng cao su, ông nhặt rác đã 30 năm nay. Nguyên nhân ông Thìn không đi dép là bởi vì, ông toàn… đi bộ và mang vác. Đi bộ với 2 xô rác xách trên tay, dày dép nào có thể chịu nổi.  Dày, dép nhanh hỏng, ủng cao su đi thì nóng chân, lại bí hơi, khó chịu nên ông Thìn cũng không sử dụng. Khi trời mưa lớn, nếu đi ủng cao su nước sẽ vào đầy trong ủng nên khá khó chịu cho việc di chuyển đường dài. "Đi chân không sướng hơn thế nhiều", ông cười nói.

Đường Đà Nẵng mỗi khi mưa lớn kéo dài thường bị ngập. Thời gian ngập dù không lâu lắm  nhưng than ôi, đó lại là thử thách không nhỏ với người như ông Thìn. Trời mưa, rác trôi lềnh bềnh, lại phải đi… vớt. Đặc biệt là các vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt vốn hay nổi lên mặt nước. Vì là trời mưa nên có nhiều loại rác nặng, nằm lại dưới nước ngập, ông lại phải … mò rác, kéo chúng lên trong khi trời dông bão, đổ mưa ầm ầm.

Ngày nắng chang chang, đường trải nhựa, bê tông nên mặt đường nóng hơn ngày thường. Người không quen sẽ cảm thấy khó chịu khi đi chân không, còn với ông vì đã làm việc lâu năm nên mặt đường nóng cũng chẳng thành vấn đề, chân ông đã chai sạn vì đi bộ và xách rác hơn 30 năm nay.

Vào mùa lễ hội pháo hoa quốc tế hàng năm tại Đà Nẵng, ông vẫn thường xuyên tham gia dọn vệ sinh, nhặt rác tại các địa điểm bắn pháo hoa. Lượng rác thải vào dịp này luôn cao hơn ngày thường gấp hàng chục lần.

Ông Thìn đang thu gom rác thải đi đổ.

Ông nắm rõ quy luật thải rác của từng hộ gia đình, tổ dân phố. Điều này, đến cả những người thải rác cũng không chắc nhớ được, "vì chính họ nhiều khi cũng không để ý đến thói quen của mình" rảo bước nhanh nhanh, 2 tay xách 2 thùng rác đi đổ, ông chia sẻ. Cũng vì nắm rõ quy luật thải rác của từng hộ gia đình, nên ông có thể nhanh chóng thu gom các loại rác mình cần.

Cuộc sống chầm chậm trôi đi, ông đã qua cái tuổi 60 năm cuộc đời. Ngày mới làm người ta hay nói tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, giờ thì quen rồi, chẳng còn ai nói nữa, họ ủng hộ ông đã bấy lâu nay rồi. Trong dòng người tấp nập của phố thị, bóng dáng ông đã trở thành điều thân quen, ấn tượng.

Không vợ con, người mẹ già 1 đời nước mắt

Khi còn nhỏ, ông Thìn bị chứng kinh phong, nên tay bị tật. Nhìn ông, người mẹ già luôn rơi nước mắt, thương cậu con trai kháu khỉnh thuở nào, "phần vì bệnh tật, phần vì không có tiền thuốc thang nên mới thành ra như vậy". Vì không muốn làm người thừa thãi của xã hội nên ông đã nhặt rác kiếm sống.

Tình cảm bà con dân phố dành cho ông Thìn luôn được thể hiện rất rõ ràng. Nhiều người cho tiền ông. Nhưng rồi ông cũng không nhận, vì ông không muốn lấy những đồng tiền không phải do mình làm nên. Cô Nguyễn Thanh  Lan, cho biết: "nhiều người đưa tiền cho bác ấy, nhưng bác ấy không lấy, thương cũng đành thôi, chỉ biết đặt rác đúng chỗ để bác ấy đến nhặt mà thôi".

Rửa mặt mỗi buổi sáng.

Cánh tay phải đã tật nguyền vì đau ốm, nhưng cũng không ngăn được ông. Bên dòng đời tấp nập, ông vẫn ngày ngày lặng lẽ làm công việc của mình, không hề nhận được bằng khen, giấy chứng nhận công lao hay thành tích gì, nhưng với ông Thìn đó là niềm vui, là cuộc sống nên sống và đáng sống.

Ai cũng thương ông tuổi cao, tay bị tật mà làm việc vất vả thức khuya dậy sớm, môi trường độc hại, trang bị lao động không có gì. Có nhiều lần ông trả lại những vật dùng còn có thể sử dụng tốt nhưng bị người dân bỏ nhầm, làm rơi như: chìa khóa xe, giấy tờ, vật dụng cá nhân.v.v.

Đà Nẵng là 1 đô thị lớn, đang phát triển từng ngày, dân số ngày càng đông hơn, kéo theo đó, lượng rác đưa ra môi trường cũng lên nhiều hơn. Việc thu gom rác vốn là công việc được giao của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng. Nhiều thời điểm, nhân viên dọn vệ sinh đến khu dân cư, thì ông Thìn đã dọn rác sạch sẽ từ trước đó.

Những khi rảnh rỗi, ông lại cùng làm với công nhân dọn vệ sinh, đẩy xe, gom rác cùng với họ. Ông Dương Văn Minh, tổ trưởng tổ dân phố 43, có lời về ông Thìn như sau: "Dường như, người ta nhớ về ông với thân phận 1 công nhân nhặt rác đặc biệt. Ông đã giúp làm sạch khu phố, kiệt đường, mà không hề lấy tiền công, trợ giúp của địa phương dành cho ông là 200.000 đồng/ tháng".

Theo nghề nhặt ve chai, phế liệu đã gần hết đời người, nhưng ông chưa từng đi cùng 1 ai. Trải bao nắng mưa, dông bão, 1 mình len lỏi qua các góc phố, con hẻm, ông đã cô đơn từ thời trai trẻ.

"Đầu óc tôi thế này, nghèo lại bị dị tật nên chẳng cô nào yêu", ông gượng cười với ánh mắt vô hồn nói về đời mình. Có lẽ ngoại hình và việc ông bị dị tật đã khiến ông không lấy được vợ, nhưng người đàn ông này luôn cười.

Trong căn nhà cấp 4 khá khang trang, ông ngày ngày vẫn chăm sóc mẹ già đã ngoài 90 tuổi. Tuy đã già, nhưng bà vẫn luôn động viên con trai mình: "Nó không vợ, không con, tôi là kẻ làm mẹ đau khổ lắm, nhiều đêm khóc không ngủ được. Nhưng biết làm sao, số phận nó đã lỡ mất rồi, đành thôi. Tôi ủng hộ việc làm của nó vừa tốt cho xã hội, vừa nuôi được thân"

Đức Thọ
.
.
.