Các hãng thời trang và xe hơi đua nhau chế tạo thiết bị y tế

Thứ Năm, 26/03/2020, 08:41
Trong tuần vừa qua, nhiều hãng sản xuất máy hút bụi, xe hơi, thời trang và mỹ phẩm đã chuyển sang làm máy thở, mặt nạ y tế, áo choàng bệnh viện và thuốc khử trùng tay để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và điều trị COVID-19.


Trước đại dịch COVID-19, các vật tư y tế phổ biến đang trở nên khan hiếm vì các nhà sản xuất vật tư này không thể làm kịp. Vì vậy, trong tuần vừa qua, nhiều hãng sản xuất máy hút bụi, xe hơi, thời trang và mỹ phẩm đã chuyển sang làm máy thở, mặt nạ y tế, áo choàng bệnh viện và thuốc khử trùng tay để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và điều trị COVID-19.

Sản xuất ôtô chuyển sang làm máy thở

Theo tin từ hãng Paultan, từ ngày 21/3 đến 20/4 (tức trong vòng 1 tháng), công ty mẹ Volkswagen của hãng sản xuất xe nổi tiếng Bentley sẽ đóng cửa các nhà máy trên toàn châu Âu để chuyển sang sản xuất máy thở. 

“Máy thở, di chuyển không khí vào và ra khỏi phổi, là cần thiết cho bệnh nhân COVID-19 bị tổn thương phổi và cũng là thiết bị bảo vệ nhằm làm chậm sự lây lan của virus Corona. Chính phủ Anh đã đặt vấn đề với nhà sản xuất ôtô rằng liệu họ có thể giúp thiết kế và sản xuất máy thở không và Bentley tuyên bố sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này”, bài báo trên hãng Paultan viết. 

Trong khi đó, ông chủ của hãng là Adrian Hallmark thì nói với hãng Reuters rằng, Bently có 1.000 kỹ sư và những kỹ sư này sẵn sàng làm mọi công việc trong khả năng của họ giống như hồi Thế chiến thứ 2, Bentley đã chia sẻ kỹ thuật trong việc phát triển động cơ cho các máy bay chiến đấu. 

“Chúng tôi tin rằng có thể thực hiện được nhiệm vụ sản xuất máy thở”, ông Adrian Hallmark nhấn mạnh. Mỗi năm, Bentley xuất xưởng khoảng 11.000 xe ôtô. Hãng này sử dụng tới 4.500 nhân công nhưng hiện cũng đã phải cho một số nhân viên nghỉ do nhu cầu giảm ở một số thị trường. Tại Trung Quốc, nhu cầu mua xe của hãng này đã giảm 50%.

GM phải đóng cửa nhiều nhà máy do tác động của COVID-19 và đang tham gia vào sản xuất máy thở phục vụ y tế.

Theo Telegraph, hiện Chính phủ Anh đã tiếp cận hơn 60 nhà sản xuất xe hơi với một kế hoạch chi tiết cơ bản là mời họ tham gia và chương trình sản xuất máy thở. Trong số các nhà sản xuất được kêu gọi hành động, Honda, Rolls Royce và Dyson đứng đầu danh sách. 

Các quan chức Chính phủ Anh đã hỏi Honda rằng liệu họ có sử dụng nhà máy Swindon của mình để sản xuất máy thở không. Rolls Royce, nhà sản xuất động cơ có trụ sở tại London, đã hứa sẽ sản xuất các thiết bị y tế, bao gồm cả máy thở. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Anh cần ngay 20.000 máy thở và điều này phụ thuộc lớn vào các nhà sản xuất”.

Cùng chung số phận với Bentley là hai hãng xe Ferrari và Fiat Chrysler. Exor, chủ sở hữu hai hãng xe này có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) đang đàm phán để hỗ trợ hãng Siare Engineering có trụ sở tại Bologna đẩy mạnh sản xuất máy thở từ 160 chiếc lên 500 chiếc/tháng. 

Ngoài các hoạt động sản xuất, các nhà sản xuất ôtô có quyền truy cập vào vật tư nhựa, kim loại và điện tử. Ferrari, nhà sản xuất xe hơi hạng sang có trụ sở tại Italia, đã cử nhân viên chuyên môn đến hỗ trợ Siare, nhưng họ cũng đang lên kế hoạch sản xuất các bộ phận máy thở trong nhà tại trụ sở Maranello.

Trong khi đó, nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Italia Magneti Marelli, trước đây thuộc sở hữu của Exor, sản xuất phụ tùng xe hơi cho Volkswagen, PSA và Fiat Chrysler đã đình chỉ sản xuất tại hầu hết các nhà máy ở châu Âu từ ngày 13/3 đến ngày 27/3 do COVID-19. Nhưng họ có thể mở lại nhà máy sớm hơn vì cũng đang đàm phán với Siare để hỗ trợ sản xuất máy thở.

Nhiều hãng sản xuất xe hơi hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ Anh và Mỹ, giúp đỡ sản xuất máy thở phòng chống dịch COVID-19.

Còn tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Đạo luật Sản xuất quốc phòng ủy quyền cho ông việc ủy quyền hợp pháp sản xuất hàng hóa từ các công ty tư nhân có hiệu lực từ ngày 20/3. 

Các nhà nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins ước tính rằng có khoảng 160.000 máy thở được sử dụng bởi các bệnh viện ở Mỹ ngay bây giờ. Chính phủ liên bang cần thêm 12.000 hoặc hơn trong một kho dự trữ khẩn cấp. 

Điều đó có thể không đủ nếu tốc độ lây nhiễm của COVID-19 ở Mỹ không giảm. Các nhà sản xuất xe hơi có trụ sở tại Michigan gồm General Motors và Ford đã liên lạc với Nhà Trắng để được tham gia sản xuất thiết bị y tế, bao gồm cả máy thở. 

"Là nhà sản xuất xe lớn nhất và là chủ nhân hàng đầu của Autoworkers, Ford sẵn sàng giúp chính quyền bằng mọi cách có thể, bao gồm cả khả năng sản xuất máy thở và các thiết bị khác. Chúng tôi đã thảo luận sơ bộ với chính phủ Mỹ và đang xem xét tính khả thi”. Ford cho biết trong một tuyên bố đưa ra tối 19/3.

Đến ngay cả Elon Musk trong một tweet đăng tải hôm 18/3 cũng khẳng định, Tesla sẽ chế tạo máy thở nếu có sự thiếu hụt. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã ngay lập tức trả lời rằng New York đang bị thiếu và ông Elon Musk nên tham gia các cuộc đàm phán từ bây giờ. 

Bên trong một nhà máy sản xuất khẩu trang ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Ngành thời trang sẽ sản xuất khẩu trang y tế

Một liên minh giữa các công ty dệt may và thời trang ở Mỹ đã được hình thành để bắt đầu sản xuất khẩu trang y tế từ ngày 16/3. Mục tiêu của liên minh này là đạt sản lượng sản xuất 10 triệu khẩu trang y tế mỗi tuần trong tháng đầu tiên. 

Khẩu trang y tế này sẽ được cung cấp cho các y bác sĩ và nhân viên trong bệnh viện trên khắp nước Mỹ nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang trong bối cảnh ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19. 

Hãng tin CNN cho hay, 9 công ty trong liên minh này gồm: American Giant, Fruit of the Loom, Hanesbrands, Parkdale Inc., Los Angeles Apparel, AST Sportswear, American Knits, Beverly Knits và Riegel Linen. Parkdale, công ty sản xuất sợi lớn nhất ở Mỹ có trụ sở tại Bắc Carolina, dẫn đầu nỗ lực này sau khi Nhà Trắng nói rõ rằng có nhu cầu cấp thiết đối với các vật tư y tế như mặt nạ y tế. 

Đại diện Parkdale cho hay, liên minh đã được hình thành chỉ sau một đêm thảo luận và một ngày sau thì thiết lập được chuỗi cung ứng, và theo dõi nhanh việc sản xuất khẩu trang y tế. Peter Navarro, Giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất Nhà Trắng, đã làm việc với đại diện liên minh này. Theo hãng tin NCTO, khi đã hình thành quy trình khép kín, các công ty dự kiến sẽ sản xuất tới 10 triệu chiếc khẩu trang/ tuần cho Mỹ và các quốc gia Trung Mỹ.

Cũng theo NCTO, hôm 20/3, nhà thiết kế thời trang Chritsian Siriano cho biết ông và đội ngũ nhà thiết kế của mình bắt đầu sản xuất khẩu trang. Nhóm của ông đang sử dụng vải có thể giặt được với hy vọng công nhân sẽ nhận được nhiều hơn một lần sử dụng và sản lượng dự kiến sẽ có khoảng 1.000 chiếc khẩu trang trong vài ngày tới. Christian Siriano cũng hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất áo choàng y tế vào chậm nhất là cuối tháng 3. 

“Một khi chúng tôi có được thông tin thực tế thì chúng tôi rất vui lòng giúp đỡ hết mức có thể”, ông Sir Siriano nói. Tương tự, nhà thiết kế Brandon Maxwell cũng cho hay, nhóm của ông hiện đang nghiên cứu các loại vải và yêu cầu đối với áo choàng và khẩu trang y tế.

Các hãng thời trang quay sang sản xuất khẩu trang.

Hãng nước hoa sẽ sản xuất nước khử trùng tay

COVID-19 cũng đang tác động khá mạnh tới các nhà sản xuất nước hoa trên thế giới. Tạp chí phố Wall ngày 22/3 đưa tin, LVMH, Prada, Armania và một số thương hiệu nổi tiếng toàn cầu đã tham gia vào các hoạt động hỗ trợ phòng chống COVID-19. 

Cuối tháng 2 vừa qua, Louis Vuitton Mot Hennesy, hay tập đoàn LVMH đã quyên góp 2,2 triệu USD cho Hội Chữ thập đỏ ở Trung Quốc. Sau đó, họ tiếp tục viện trợ bằng cách đưa ra một tuyên bố kêu gọi tất cả các nhà máy sản xuất nước hoa và mỹ phẩm ngừng sản xuất các sản phẩm làm đẹp và thay vào đó bắt đầu sản xuất nước khử trùng tay để gửi đến các bệnh viện trên toàn thế giới. 

Vài giờ sau, Prada đã tặng 6 đơn vị chăm sóc chuyên sâu để ba bệnh viện riêng biệt ở thành phố Milan (Italia), quốc gia hiện đang có đợt bùng phát tồi tệ thứ hai sau Trung Quốc, trưng dụng làm nơi cách ly và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Tại Mỹ, 48 giờ đồng hồ sau thông báo của Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio, nhà thiết kế Kerby Jean/Raymond của Pyer Moss có trụ sở tại NYC đã lên Instagram để chia sẻ hai hành động lớn mà ông có thể làm là chuyển đổi các văn phòng Pyer Moss Manhattan thành một trung tâm quyên góp khẩu trang N95, găng tay và các vật tư cấp y tế khác. 

Kerby Jean/Raymond viết trên tài khoản cá nhân của mình: “Một trong những tin nhắn đáng báo động hơn từ một người bạn là bác sĩ ở Philadelphia nói rằng cô ấy và các đồng nghiệp của mình đã sử dụng thuốc tẩy để rửa lại khẩu trang y tế của họ. Tôi không muốn những điều đó xảy ra. 

Tôi mong các bạn đang theo dõi trang cá nhân của tôi hãy gửi khẩu trang N95 và găng tay cao su đóng gói hoàn toàn mới đến văn phòng tại 242 W. 27th Tầng 7 ở New York, NY 10001. Bản thân tôi cũng quyên góp 5.000 USD để mua vật liệu bổ sung. Chúng tôi hy vọng rằng thậm chí nhiều thương hiệu thời trang sẽ có những phương pháp độc đáo để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19”.

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.