Liên tiếp các vụ tài xế bị sát hại, cướp tài sản:

Các hãng xe cần đảm bảo quyền lợi cho tài xế

Thứ Tư, 09/10/2019, 07:35
Từ trước đến nay đã xảy ra nhiều vụ giết người, cướp tài sản mà nạn nhân là các tài xế xe ôm, taxi, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp nào ngặn chặn hữu hiệu. Để thoát được những tình huống xấu, đa số phụ thuộc vào ý thức cảnh giác của cánh lái xe. Tuy nhiên, dư luận cho rằng để giảm thiểu tình trạng đó, cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể để yêu cầu các hãng taxi, xe ôm công nghệ đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm cho các lái xe.


Không ít tài xế hoang mang, tính bỏ nghề

Vụ án nam sinh Nguyễn Cao Sang, SN 2001, quê Thanh Hóa chạy Grab bị 2 kẻ xấu sát hại đã gây rúng động giới tài xế cả nước. Trước đó cũng từng xảy ra nhiều vụ cướp tài sản của tài xế.

Cụ thể, đêm 4-9-2018, anh Bùi Văn Nam, SN 1982, trú tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) đã nhận chở 2 nam thanh niên là Bùi Văn An (SN 1997) và Bùi Văn Hiền (SN 1999) cùng ở xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình từ Vụ Bản đi theo hướng xã Chí Thiện, huyện Lạc Sơn.

Các hãng taxi, xe ôm công nghệ cần phải có chính sách để đảm bảo quyền lợi cho lái xe.

Đến khoảng 2h sáng, xe anh Nam đi đến đoạn ngầm, thuộc xóm Anh, xã Thượng Cốc thì An nói dừng xe để xuống đi vệ sinh. Ngay khi An mở cửa xe đi ra ngoài, lợi dụng nạn nhân sơ hở, Hiền dùng dây thừng siết cổ anh Nam.

Tiếp đó, An chui vào khống chế đến khi nạn nhân tắt thở, không còn động đậy mới buông ra. Gây án xong, Hiền lái xe ôtô lên khu vực đèo Thung Khe, xã Thượng Cốc cùng An giấu xác nạn nhân tại đây. Cả hai sau đó quay trở lại huyện Tân Lạc bán chiếc điện thoại của nạn nhân được hơn 1 triệu đồng, lấy tiền đổ xăng rồi lái ôtô xuống Hà Nội bán nhưng không được do thiếu giấy tờ tùy thân.

Lúc này, cả hai lái xe quay về, tạm thời giấu xe trong rừng. Sau khi lấy được giấy tờ tùy thân, cả hai nghi phạm tiếp tục mang xe xuống phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm được 15 triệu đồng, rồi chia nhau chơi game và sử dụng ma túy đá.

Tháng 4-2019, ông Nguyễn Trọng Đến (67 tuổi, trú khu 5B, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) hành nghề lái xe ôm ở thành phố Uông Bí cũng đã trở thành nạn nhân của vụ cướp táo tợn do một đối tượng nghiện ma túy gây ra.

Do thiếu tiền, Cao Văn Tình (27 tuổi, trú thôn Yên Dưỡng, xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) nảy sinh ý định cướp của những người hành nghề xe ôm.

Thấy ông Đến đang đứng đón khách, Tình yêu cầu ông chở đến khu vực thôn Khe Sú 2. Tại đây, đối tượng dọa dẫm, "xin đểu" ông Đến 200 nghìn đồng. Ông Đến kiên quyết không đưa, Tình lấy gậy gỗ và đá hành hung ông Đến bất tỉnh sau đó cướp xe máy mang đi bán.

Gần đây nhất là vụ tài xế Hoàng Hương Hoa (42 tuổi) bị khách hàng kề dao vào cổ, cướp đi 9 triệu đồng và 3 chiếc điện thoại di động. Theo lời anh Hoa kể thì anh nhận chở 2 nam thành niên từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) về Bình Dương.

Để tránh rủi ro, các tài xế không nên chở khách đến những nơi vắng vẻ trong đêm tối.

Đến thị xã Tân Uyên, lợi dụng đoạn đường vắng vẻ, 2 hành khách đã nhoài người lên, kề dao vào cổ anh. Anh Hoa phản ứng bằng cách chụp lấy con dao rồi nhanh chóng đạp cửa xe taxi chạy vào nhà dân cầu cứu. Rất may, sau đó anh Hoa đã được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hại đến tính mạng.

Sau những vụ án liên tiếp xảy ra, một số tài xế tỏ ra hoang mang và tính đến chuyện bỏ nghề. Ông Nguyễn Văn Lâm (50 tuổi, quê Nam Định) là tài xế xe ôm khu vực bến xe Mỹ Đình cho biết: “Tôi hành nghề xe ôm đã hơn chục năm. Mặc dù bản thân tôi cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm để giảm thiểu những rủi ro đến với mình. Nhưng không ai nói trước được điều gì. Dạo này thấy báo chí đưa tin nhiều vụ tài xế bị cướp, thậm chí là bị giết khiến tôi hoang mang lắm. Tôi đang tính bỏ nghề rồi về quê làm thuê hoặc đi phu hồ cho an toàn”.

Cũng mang tâm trạng hoang mang như ông Lâm, Lê Ngọc Nam, 19 tuổi, là sinh viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Em là sinh viên nhưng vì gia đình nghèo nên cố gắng mua chiếc xe máy cà tàng, thời gian rảnh thì chạy thêm Grab kiếm thêm chút tiền cho bố mẹ đỡ khổ. Nhưng làm nghề này thực sự nhiều rủi ro. Có lần chạy thêm buổi tối, em nhận một cuốc khách từ phố Vọng xuống Văn Điển.

Nhưng đi dọc đường em thấy người khách đó nói chuyện điện thoại với giọng rất giang hồ, toàn “xử” với mang theo “hàng” làm em hãi quá. Em giả vờ nhận một cuộc điện thoại rồi bảo với khách là có người thân phải đi cấp cứu nên không thể chở tiếp. Anh ta chửi em như hát hay nhưng em kệ, cứ chuồn cho yên tâm”.

Tài xế công nghệ vẫn lộ những nhược điểm

Rõ ràng, những người hành nghề lái xe ôm truyền thống và công nghệ là “con mồi” béo bở cho các đối tượng đi cướp tìm đến. Các đối tượng này dễ dàng dẫn dụ “con mồi” đến những nơi hoang vắng, nghĩa trang, cánh đồng, bờ đê, xa khu dân cư, ít người qua lại sau đó chọn thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi phạm tội.

Anh Lê Văn Bình, người có thâm niên chạy xe ôm khu vực bến xe Mỹ Đình chia sẻ: “Hơn ai hết, chúng tôi là những người lường trước được sự nguy hiểm, tuy nhiên vì ham nên nhiều người đã dính lừa. Theo tôi thì các anh em cần lưu ý không nên dừng, đỗ, đón trả khách ở những nơi hẻo lánh, vắng người qua lại, hoặc những địa chỉ bản thân không thuộc đường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải gửi hình ảnh của khách hàng về trung tâm để tránh sự cố đáng tiếc.

Còn nếu đi khách đêm, đặc biệt lưu ý trang phục, đầu tóc, thái độ của họ thế nào mới quyết định đi hay không. Có người đi xe ôm mà không cần hỏi giá, thậm chí còn cho thêm tiền thì tốt nhất không chạy. Rất có thể họ có âm mưu hoặc cũng có những hành tung không tốt”.

Từ vụ nam sinh viên làm tài xế Grab bị sát hại, có thể thấy nam sinh này đã lường trước được sự việc, anh đã gửi tin nhắn, hình ảnh những đối tượng khách hàng có nghi vấn cho bạn bè với nội dung: “Có gì thì báo công an”. Thế nhưng tất cả đều vô nghĩa khi những đối tượng này đã quá manh động, cướp đi sinh mạng của anh.

Rõ ràng, xu thế công nghệ thông tin phát triển, tài xế công nghệ một vài năm tới sẽ chiếm đa số, việc các doanh nghiệp đưa ra những chính sách bảo vệ người lái xe là một việc làm cần thiết.

Qua tìm hiểu, hãng Grab không phải là đơn vị sử dụng lao động nên họ không có trách nhiệm bắt buộc phải lo cho sự an toàn của lái xe, tuy nhiên, về đạo đức kinh doanh họ thu tài chính từ người dân nên cần có trách nhiệm hỗ trợ các lái xe – người đã tạo ra lợi ích cho mình.

Grab nên có một tính năng trong ứng dụng của mình đó là cho phép tài xế gửi hình ảnh của khách hàng về công ty công khai. Khi hành khách biết hình ảnh của mình đã được ghi nhận và quản lý thì nhiều khả năng đối tượng sẽ từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội.

Trong trường hợp nếu khách yêu cầu, đề nghị chở lòng vòng, hoặc đi vào những con hẻm tối, những địa điểm vắng người qua lại… lập tức từ chối phục vụ. Cần tìm cách đi vào chỗ đông người, gần nhà dân sau đó yêu cầu khách xuống xe. Trường hợp bị cướp, nếu có thể lái xe rút chìa khoá ném đi rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa hô cướp.

Kể cả cho các đối tượng này lấy xe cộ, tiền bạc nhưng phải đảm bảo tính mạng của bản thân. Sau đó cần báo ngay cho cơ quan công an, chính quyền địa phương gần nhất. Phía đơn vị chủ quản cũng cần có các chính sách, biện pháp quản lý, giám sát hành trình của phương tiện, để kịp thời phát hiện, hỗ trợ các lái xe khi cần thiết.

Xe ôm công nghệ là một loại hình kinh doanh mới, sử dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe môtô. Hoạt động vận tải này có nhiều ưu điểm trong thời công nghệ như: Dễ dàng kết nối giữa khách hàng và lái xe, giá cả rõ ràng, không bị chặt chém, kiểm soát được lộ trình di chuyển…

Thế nhưng vẫn bộc lộ những nhược điểm cần phải có quản lý của nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn của người lao động.

Khi viết bài này, phóng viên đã liên hệ với đại diện truyền thông của Grab nhưng người này không nghe máy. Ngay cả khi phóng viên nhắn tin nói rõ mình là ai và mong muốn được kết nối nhưng cũng không nhận được phản hồi.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: “Đối với các hãng taxi truyền thống, trước khi lái xe hành nghề đều phải trải qua một khóa đào tạo từ văn hóa ứng xử cho đến những dấu hiệu nhận biết rủi ro khi đón khách ở những cung đường vắng hay vào những khung giờ muộn. Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ cướp tài sản của tài xế taxi rất manh động nên Hiệp hội cũng đã chủ động gửi thông báo cho các doanh nghiệp để họ cảnh báo cho lái xe.

Về quyền lợi của tài xế taxi truyền thống thì luật quy định rất rõ ràng, các doanh nghiệp đều phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho tài xế chứ không giống như loại hình Grab, bởi Grab họ không mua bảo hiểm cho tài xế, họ không chịu trách nhiệm cũng như không có mối quan hệ nào đối với tài xế.

Quan hệ giữa họ với tài xế không phải là quan hệ doanh nghiệp với người lao động mà là quan hệ đối tác. Ở Việt Nam quyết định 24 (là Quyết định về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Bộ Giao thông vận tải) đã quá hạn 2 năm nhưng vẫn không tổ chức tổng kết, đánh giá mà cũng không xây dựng các văn bản hành lang pháp lý để khắc phục những yếu điểm của họ. Dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra nhưng không ai chịu trách nhiệm. Cuối cùng thì tài xế sẽ phải gánh chịu những rủi ro”.

Phong Anh
.
.
.