Các trung tâm đào tạo kỹ năng sống có phải là phương thuốc thần kỳ?

Thứ Năm, 31/10/2013, 18:16

Cuộc sống càng hiện đại, các bậc phụ huynh càng lo lắng về kỹ năng sống của các cô chiêu, cậu ấm. Họ tìm đến các cơ sở đào tạo với hy vọng, con mình sẽ hoàn thiện được kỹ năng sống. Kỹ năng sống được quảng cáo giống như một loại vitamin, tuy ít ỏi nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Theo đó chi phí của mỗi khóa học luôn ở mức "ngất ngưởng". Nhưng các khóa đào tạo đó, thực sự có phải là phương thuốc thần kỳ làm thay đổi một đứa trẻ.

Đào tạo "kỹ năng" siêu tốc

Không khó để các bậc phụ huynh có thể tìm một khóa học kỹ năng sống cho con mình, chỉ một cú click chuột, hàng trăm khóa học quảng cáo ngập tràn các trang mạng. Chị Nguyễn Thanh Tâm ở Đống Đa, Hà Nội đã chọn cho cô con gái học tiểu học của mình một lớp học kỹ năng sống dạy về tính tự lập. Sau một vài buổi học, chị phấn khởi khoe với bạn bè rằng cô con gái chị đã thay đổi hoàn toàn, từ một cô bé chỉ biết nũng nịu mẹ, sống cuộc sống của một cô công chúa nhỏ luôn được phục vụ từ những điều nhỏ nhất từ mặc quần áo, vệ sinh cá nhân đến ăn uống, đã có thể tự lập, biết gấp chăn màn mỗi khi ngủ dậy, lăng xăng giúp mẹ làm bếp. Chị cho rằng: "Bỏ một đống tiền cho con đi học trong thời gian rất ngắn mà đạt được kết quả như vậy là không hề phí phạm".

Gần đây những khóa học "Chúng em làm chiến sĩ" cũng được rất nhiều phụ huynh quan tâm khi quan niệm rằng môi trường rèn luyện với mệnh lệnh, chỉ huy đúng giờ giấc không chỉ giúp con em mình nâng cao tính tự giác mà còn rèn luyện được kỹ năng lãnh đạo, tự tin. Chị Mai - phụ huynh của Nam cho biết, chị muốn con trưởng thành sau một tuần xa nha. Còn cậu con trai thì nói: "Cháu chỉ học được gấp chăn màn, còn những thứ khác, cháu quên hết rồi".

Số lượng các trung tâm dạy kỹ năng sống mọc lên như nấm tỉ lệ thuận với nhu cầu của các bậc phụ huynh luôn muốn con mình được giáo dục một cách tốt nhất. Theo anh Nguyễn Huy Hùng, không thể đánh giá được những dịch vụ giáo dục là đắt hay rẻ vì khi những khoản đầu tư cho con người luôn là đầu tư "có lãi".

Các hoạt động được tổ chức ở những khóa học kỹ năng.

Với tâm lý đó của các bậc phụ huynh, giá cả của các khóa học kỹ năng sống dù cao hơn rất nhiều so với thu nhập của hầu hết các bậc phụ huynh, nhưng họ vẫn "chịu chi". Theo điều tra của phóng viên, khóa học kỹ năng sống có giá thấp nhất hiện nay là 1,5 triệu đồng một khóa. Các khóa học quân sự khoảng 10 buổi có giá hơn 5 triệu đồng được tổ chức ở các trung tâm huấn luyện tại Vĩnh Phúc hoặc Ba Vì. Đắt đỏ nhất là khóa học ''Tôi tài giỏi'' với mức giá gần 5 triệu đồng vỏn vẹn 3 buổi học. Thế nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn đổ xô cho con đi học, với kỳ vọng, con sẽ thành tài, khi tham gia các khóa học ngắn hạn như vậy.

Có thực sự kì diệu?

Theo Tiến sỹ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, cố vấn Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt: "Hiện nay, thuật ngữ kỹ năng sống được sử dụng khá phổ biến nhưng có phần bị "lạm dụng" khi chính những người huấn luyện hay tổ chức và các bậc cha mẹ cũng chưa thật hiểu gì về nó".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa kỹ năng sống là "khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày". Do vậy sự thích nghi của các em trong môi trường của các lớp học kỹ năng sống tạo ra chỉ mang tính chất tạm thời, không nói đến các trung tâm giáo dục mở ra chỉ với mục đích kinh doanh "trục lợi", kể cả đối với các khóa học kỹ năng sống được tổ chức một cách bài bản với các nghiên cứu được chứng minh là có hiệu quả cao.

Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh nói: Học kỹ năng trong một thời gian ngắn, có ngây thơ quá không? Bởi kỹ năng sống được hình thành từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày, từ ý thức của bản thân về hành vi đó.

Sau khi kết thúc khóa học của cô con gái nhỏ chừng một tháng, chị Tâm lại thẫn thờ kể rằng cô bé lại chứng nào tật ấy vì vừa rồi có bà ngoại xuống chơi. Bà cưng chiều cháu gái nên bất cứ việc gì bà "không cho" cháu tự làm, ăn cơm cũng phải có bà bón cho con gái chị mới chịu ăn. Hay đối với em Nguyễn Hoàng Nam, thói quen gấp chăn màn của em chỉ làm vì thấy thích, nhìn vui mắt chứ không bắt nguồn từ ý thức tự thân, giúp đỡ bố mẹ hay vì lợi ích nào đó của bản thân.

Dường như việc tìm một khóa học kỹ năng sống hiện nay của các bậc phụ huynh chỉ là việc giáo dục con cái một cách máy móc. Cứ phải đến lớp, điều kiện vật chất và giáo viên tốt là con em mình mới có thể phát triển tốt, mà không hiểu rằng kỹ năng sống không thể được hình thành ngày một ngày hai, 3 buổi 10 buổi hay một vài tháng. Mà đó là một quá trình rèn rũa từ chính môi trường sống của đứa trẻ. Trên webtretho, một phụ huynh phản biện rằng: "Gia đình là trường học đầu tiên, ba mẹ là người thầy đầu tiên, vậy tại sao quý vị lại mải mê cho con đi học kỹ năng sống tại nơi khác làm gì cho tốn kém, phải chăng các bậc phụ huynh cũng thiếu kỹ năng sống để truyền lại cho con cái?"

Các khóa học giáo dục kỹ năng sống nếu hiểu đúng thực ra chỉ là một cú hích, một tác động, một trong những phương pháp tiếp cận để bổ sung cho cả trẻ em lẫn người lớn kiến thức. Những kỹ năng "nhỏ" như vệ sinh cá nhân, giao tiếp lễ phép, tự tin hay những kỹ năng "lớn" như vượt qua áp lực học tập, áp lực cuộc sống, kỹ năng đối phó với "yêu râu xanh" cho bé gái hay kỹ năng sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn… trong môi trường gia đình bố mẹ cũng có thể giáo dục con cái từ chính cuộc sống đang diễn ra thường nhật, từ tình yêu thương và quan tâm đến con cái. Một số phụ huynh quá bận rộn, phó mặc con cho nhà trường, cho các trung tâm đào tạo, và cứ nghĩ, bỏ tiền ra là mua được mọi thứ, kể cả kỹ năng sống. Mà không quan tâm đến tâm sinh lý của trẻ hay tạo cho trẻ thói quen xấu từ chính những thói quen xấu của bản thân mình.

Cho nên, hãy bắt đầu dạy kỹ năng sống cho trẻ từ chính môi trường gia đình. Đó mới là hành trang quan trọng nhất cho trẻ bước vào cuộc sống.

Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh: Không thể học kỹ năng sống trong thời gian ngắn

Kỹ năng sống là "khả năng thích nghi và hành vi tích cực" cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hằng ngày". Khả năng ấy, hành vi ấy phải có một quá trình nhận thức và luyện tập mới trở thành thói quen, và từ thói quen làm được thành thạo sẽ trở thành kỹ năng. Vậy thì, làm sao chúng ta có thể ngây thơ đòi hỏi ai đó trong vòng 1, 2 tuần tạo được một kỹ năng cho con mình? Đó là chưa kể những công việc cụ thể như gấp quần áo, quét nhà, rửa bát…, theo tôi, người dạy con hay nhất vẫn là cha mẹ. Mỗi gia đình có một truyền thống, thói quen riêng, thậm chí đến cả việc nấu ăn, cách pha nước chấm, cách quét nhà lia chổi ra sao, cách là quần áo là từ đâu trước - cũng có thể rất khác nhau. Và điều này tạo nên phong cách một con người. Nếu gọi đó là những "kỹ năng sống" thì học đến bao giờ cho hết?

Thêm nữa, để trẻ làm một việc thành thạo, luôn phải có cổ vũ, hỗ trợ, nhắc nhớ lặp đi lặp lại của người lớn. Ngay như người lớn chúng ta, biết làm nên hành động thế này thế kia theo lý thuyết mà vẫn rất khó khăn mới có thể thực hiện được và ta phải cố gắng học, luyện, sửa rất nhiều trước khi có thể biến hành động ấy thành việc được thực hiện thường xuyên, thành thục. Làm sao ta có thể đòi hỏi trẻ có được một kỹ năng trong thời gian ngắn?

Theo tôi, với một đứa trẻ, để có thể SỐNG được, sống mạnh khỏe, an toàn, lành mạnh, ta cần chú ý đến 3 khía cạnh chính của các tập hợp các "hành vi tích cực". Đó là: tự phục vụ bản thân (khả năng tự lập); chung sống hòa hợp, đồng thuận với cộng đồng (có trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ cộng đồng và tuân thủ các thỏa thuận và quy ước chung); khả năng ứng phó và tự bảo vệ và hỗ trợ người khác trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm.

Để có được những hành vi tích cực, hơn nữa, biến chúng thành những kỹ năng tối thiểu đáp ứng được 3 yêu cầu lớn nói trên, trẻ phải được giáo dục một cách có hệ thống và sâu sắc về những giá trị quan trọng của con người và cuộc sống. Chẳng hạn, trong các mối quan hệ xã hội, trẻ cần được hướng dẫn hiểu và cảm nhận được những khái niệm như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình mẹ con, tình cha con, tình anh em…

Mà những khái niệm này lại không nên đặt ra một cách chung chung mà phải do trẻ tự rút ra được kết luận thông qua quá trình học về những khái niệm khác như đồng cảm, chia sẻ, lắng nghe tích cực, đồng thuận, thỏa thuận, đồng minh, hợp tác, hỗ trợ, liên kết, lối sống bền vững… Ngoài ra, trẻ cần được tiếp cận với những khái niệm khác thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội mà thoạt nhìn, người lớn tưởng chúng khó có thể hiểu được, ví dụ: mặc cảm, định kiến.

Huyền – Hà
.
.
.