Các trường đại học sẽ được gì khi lọt vào bảng xếp hạng quốc tế?

Thứ Sáu, 26/06/2020, 12:02
Ngày 24-6, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và ĐHQG TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên lọt vào Top 101-150 Bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 dành cho các trường đại học trẻ chất lượng nhất thế giới.


Đây không phải lần đầu tiên hai trường đại học quốc gia của Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng danh giá toàn cầu, cho thấy vị thế của giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, những bảng xếp hạng này sẽ giúp ích gì cho các cơ sở giáo dục đại học? Liệu đây có là “cú hích” để kéo chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam “thăng hạng”?

Vào bảng xếp hạng là kết quả quá trình phấn đấu

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN cho rằng, trước hết cần khẳng định ĐHQGHN không lấy xếp hạng làm mục tiêu tối thượng, mà xem đó là kết quả tất yếu của quá trình phấn đấu liên tục vì chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Khoa Y dược, ĐHQGHN trong một giờ thực hành khám, chữa bệnh.

Trong chiến lược phát triển của mình, ĐHQGHN luôn đặt ra những định hướng, chỉ số phát triển bền vững gắn với sứ mệnh của một trường đại học (đào tạo, nghiên cứu, phát triển cộng đồng), đồng thời cũng tích hợp trong đó những chỉ số gắn với những tiêu chí cốt lõi, phổ biến trong các bảng xếp hạng (như chỉ tiêu về tỷ lệ đội ngũ cán bộ khoa học/sinh viên; tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ trở lên; tỷ lệ gia tăng bài báo quốc tế trong các cơ sở dữ liệu ISI hoặc Scopus …).

Những chỉ số như vậy không những giúp ĐHQGHN tạo được tiềm lực khoa học công nghệ mạnh mẽ, mà còn làm gia tăng các chỉ số xếp hạng của ĐHQGHN. Như vậy, quá trình triển khai Chiến lược sẽ vừa giúp ĐHQGHN thực hiện được những mục tiêu phát triển, vừa đem lại những ưu thế trong việc tham gia các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Trong những năm gần đây, ĐHQGHN chủ trương gia tăng sự gắn kết với các nhà khoa học trong công bố chung, thúc đẩy ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào thực tiễn. “Trong Bảng xếp hạng QS Thế giới 2021, mặc dù thuộc nhóm 801-1000 nhưng từ thuộc nhóm top 74,9% năm 2019, ĐHQGHN đã vươn lên nhóm top 67,5% trong đó uy tín học thuật được cải thiện đáng kể. Đây cũng là một lý do để ĐHQGHN lọt vào nhóm 101-150 của Bảng xếp hạng đại học trẻ này cũng như lọt vào top 801-1000 của Bảng xếp hạng THE, 201-250 của Bảng xếp hạng THE châu Á”, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy cho biết.

Bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 lần này dành cho các trường đại học trẻ (thành lập trong vòng 50 năm trở lại đây) là một cách tiếp cận hợp lý của tổ chức QS (QS là một trong số ít tổ chức xếp hạng có uy tín nhất toàn cầu), nhằm tạo không gian đối sánh công bằng cho các trường đại học mới thành lập.

Thực tế, đây là những cơ sở giáo dục không có bề dày truyền thống phát triển, phạm vi lan toả học thuật còn khiêm tốn so với các đại học lâu đời như Harvard, Oxford, MIT, Cambridge... nhưng lại có sự năng động, đổi mới trong chiến lược phát triển. Có thể thấy, mặc dù là sân chơi riêng nhưng các trường đại học thuộc top 50 của bảng này đều có mặt trong top 400 của bảng QS Thế giới. Điều này chứng tỏ việc ĐHQGHN lọt vào Bảng xếp hạng này là không dễ, vượt qua nhiều thách thức.

Giữ vững vị trí và thăng hạng – bài toán rất khó!

Có ý kiến cho rằng,  ĐHQGHN là đại học đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều trường, khoa thành viên, nên chỉ cần “phép cộng” của các hoạt động khoa học của các trường, khoa thành viên là có thể “mang chuông đi đánh xứ người” và chiến thắng. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy cách hiểu này chưa thấu đáo. Trước hết, ĐHQGHN không phải là “phép cộng thô sơ” các cơ sở đào tạo.

Các đơn vị thuộc ĐHQGHN có những sứ mệnh, vai trò cũng như thế mạnh riêng nhưng lại cùng gắn kết để thực hiện sứ mệnh chung. Nếu tách độc lập, không phải đơn vị nào thuộc ĐHQGHN cũng có ưu thế về xếp hạng. Nhưng khi kết hợp, các đơn vị thuộc ĐHQGHN đã cùng tạo nên một “hệ sinh thái” của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực.

Sinh viên ĐHQGHN tăng cường làm việc nhóm, nâng cao chất lượng học tập.

Sức mạnh của ĐHQGHN là sức mạnh đến từ sự phát triển hài hoà, nhất quán từ các lĩnh vực khoa học cơ bản đến các lĩnh vực khoa học công nghệ và ứng dụng, từ năng lực quản trị hệ thống luôn bám sát sứ mệnh và chiến lược phát triển đến việc thực hành giảng dạy, quản lý tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng.

“Điểm danh top 100 hay top 1.000 các trường đại học hàng đầu thế giới, tỷ lệ các trường đơn ngành là vô cùng nhỏ, có đến trên 90% các cơ sở giáo dục đại học lọt vào top đó là các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, với năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản ở trình độ xuất sắc”, ông Huy cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, không phải cứ “cộng lại” các hoạt động khoa học của các đơn vị thuộc ĐHQGHN là sẽ tự khắc tạo ra sức mạnh hệ thống. Không có một phép cộng đơn giản trong câu chuyện phát triển một trường đại học. Thậm chí, việc hợp nhất như vậy còn tạo ra thách thức và khó khăn lớn hơn nhiều cho bộ máy lãnh đạo, quản lý.

Một trường đại học lớn, với quy mô đào tạo lớn, mục tiêu, sứ mệnh lớn, đội ngũ khoa học lớn, sẽ đòi hỏi nguồn lực phát triển lớn, năng lực quản trị hệ thống mạnh. Như vậy, thách thức cho sự phát triển sẽ rất lớn. Ngược lại, một trường ĐH với quy mô vừa phải, bộ máy quản lý thống nhất, đồng bộ, bộ máy quản trị gọn gàng sẽ có ưu thế lớn hơn để tăng tốc, vượt lên do tập trung được nguồn lực, rút ngắn được các quy trình ra quyết định, chủ động cao trong triển khai chiến lược.

Hiện nay, không chỉ có hai đại học quốc gia lọt vào các bảng xếp hạng, mà còn có thêm một số trường được ghi danh vào bảng xếp hạng khu vực và toàn cầu như: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau khi lọt vào các bảng xếp hạng, các trường ĐH sẽ có những thay đổi gì?

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi được xếp hạng, uy tín và vị thế trong khu vực và trên thế giới của các trường sẽ tăng lên, góp phần nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam.

“Uy tín khoa học rất quan trọng, tác động tích cực nhiều mặt tới đào tạo và nghiên cứu. Ngay trong công tác tuyển sinh, chúng tôi sẽ tuyển được nhiều học sinh giỏi hơn, điều đó rất tốt cho xã hội. Đối với quốc tế, chúng tôi sẽ mời được nhiều giảng viên nước ngoài đến cùng hợp tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, PGS Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng theo PGS Hoàng Minh Sơn, để lọt được vào bảng xếp hạng danh giá này là một sự nỗ lực vượt bậc của nhiều thế hệ, nhưng để giữ vững vị trí và thăng hạng là rất khó khăn. Nếu so sánh về mức độ đầu tư thì Việt Nam đầu tư cho các trường đại học còn rất khiêm tốn, so với sự đầu tư vào các trường ở nhiều nước tiên tiến là cuộc đua thiếu cân sức. Vì vậy, muốn giáo dục đại học Việt Nam có vị trí cao hơn, có thêm nhiều trường đại học đẳng cấp, thì sự đầu tư của Nhà nước phải rất mạnh.

Còn Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy cho rằng, ĐHQGHN và nhiều đại học sẽ định vị được vị trí của mình trong tương quan với các trường đại học lớn, từ đó có chiến lược phát triển phù hợp. Đồng thời nhận diện được điểm mạnh và điểm yếu của ĐHQGHN về các chỉ số liên quan đến đào tạo, nghiên cứu và nguồn lực phát triển, qua đó có phương án điều chỉnh, cải tiến chất lượng các mặt hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế. “Chúng tôi tạo lập được danh tiếng trong nước và quốc tế, giúp nâng cao năng lực tuyển sinh, thu hút sự quan tâm đầu tư của xã hội”, Tiến sĩ Huy bày tỏ.

Thu Phương
.
.
.