Tình trạng giá thịt lợn tụt dốc không phanh:

Cách nào để cứu nông dân

Thứ Tư, 03/05/2017, 15:36
Giá lợn trong nước đang trên đà giảm mạnh, người chăn nuôi rơi vào tình cảnh thê thảm nhất từ trước tới nay.

Khắp các vùng quê có truyền thống nuôi lợn đang bao trùm không khí u ám, nặng nề. Mỗi con lợn lỗ tới hàng triệu đồng. Lợn bị bỏ đói, nuôi cầm chừng, nhiều gia đình có nguy cơ bị “lợn ăn mất sổ đỏ”, “lợn ăn mất học phí của con”… thậm chí tán gia bại sản.

Cả làng như có tang

Khi giá lợn đang có dấu hiệu tiếp tục giảm mạnh, chúng tôi có mặt tại một số địa phương có truyền thống chăn nuôi để tìm hiểu tình hình thực tiễn. Bao trùm khắp trong thôn ngoài xóm là một không khí ảm đạm, buồn bã.

Theo như người dân, giá lợn nhiều ngày nay giảm chỉ còn 16.000 đồng/kg (lợn hơi), thậm chí có nơi, các thương lái chỉ trả 12.000 đồng/kg. Mặc dù giá thấp nhưng không phải ai cũng có thể bán được. Hết đường, người dân đành bỏ đói lợn, cho lợn ăn cầm hơi vì không đủ sức mua thêm thức ăn.

Với mỗi gia đình ở nông thôn, con lợn xưa nay như vật nuôi truyền thống, nó không chỉ giúp họ tăng thu nhập mà còn để tận dụng “cơm thừa canh cặn”. Khi nhu cầu ngày càng tăng, các gia đình bắt đầu mở rộng chuồng trại, số đầu con và đã trở thành một nghề.

 Làm nghề chăn nuôi cả chục năm, chưa khi nào anh Tạ Văn Phong (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại rơi vào tình trạng căng thẳng như năm nay. Cả đàn lợn của anh đã bước vào tuổi có thể xuất chuồng nhưng không thương lái nào đến hỏi mua. Mặc dù gia đình đã gọi rất nhiều người nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Độ này nhiều lợn quá, thịt chưa hết!”.

Nhìn đàn lợn gầm rít kêu đói, chị Nguyễn Thị Liên (vợ anh Phong) ngậm ngùi: “Chẳng hiểu vì sao mà giá lợn lại giảm sâu như thế, mà giảm cũng chẳng ai đến mua cho. Gia đình tôi đã điện thoại cho người ta rất nhiều lần nhưng họ đều từ chối, nhiều người còn không thèm nghe máy”.

Tổng đàn lợn tại nhà của chị Liên có 54 con, 15 con đã chuyển đi nuôi nhờ nhà người quen vì quá tải. Với sức ăn của những con lợn đang tuổi lớn thì chi phí mỗi ngày gia đình phải bỏ ra lên tới cả triệu đồng. Khi lợn không thể xuất chuồng, trong khi hàng ngày vẫn phải duy trì, việc vỡ nợ chỉ là vấn đề thời gian với gia đình anh Phong.

Chi phí mỗi ngày cho đàn lợn của gia đình anh Phong, chị Liên lên tới cả triệu đồng.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình bà Tạ Thị Hoa cũng đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Đáng lẽ ra, đây là thời điểm gia đình bà thu hoạch lợn sau một thời gian dài đầu tư, chăm sóc. Hiện tại đàn lợn của bà Hoa lên tới hơn 60 con, trung bình khoảng 90kg/con.

Để duy trì đàn lợn trong tình cảnh giá ngày càng giảm mạnh, bà Hoa chỉ dám cho lợn ăn rau và uống nước lã. Nhìn đàn lợn ngày một gầy đi, bà Hoa nói mà như khóc: “Cả đàn lộc ngộc hết rồi, gọi người ta cũng không mổ cho, giờ chẳng biết làm thế nào nữa. Để đầu tư cho đàn lợn này vợ chồng tôi đã phải vay ngân hàng hơn 50 triệu đồng, rồi vay cả anh em họ hàng để đầu tư. Nếu độ 1 tháng nữa mà không bán được lợn chắc chắn chúng tôi vỡ nợ”.

Nhiều năm nay, xã Mỹ Hưng giàu lên trông thấy nhờ nuôi lợn. Nhà cửa khang trang mọc lên, nhiều gia đình đã có của ăn của để. Theo thống kê thì cả thôn Quảng Minh (xã Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) có khoảng 600 hộ thì có tới hơn 70% số hộ nuôi lợn.

Ông Nguyễn Hữu Có (Trưởng thôn Quảng Minh) chia sẻ: “Dân chúng tôi đa phần là cấy lúa và nuôi lợn. Đúng là những năm gần đây đời sống nhân dân được nâng cao là do nuôi lợn. Bây giờ giá lợn xuống như vậy người dân lâm vào khủng hoảng, cứ thế này chắc chắn có nhiều gia đình vỡ nợ. Do giá lợn xuống quá nhanh mà người dân không biết chuyển đổi làm gì, phần vì vốn liếng đầu tư hết vào lợn, giờ có muốn làm gì cũng không có vốn mà làm”.

Tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng là một điểm nóng của nghề chăn nuôi lợn. Như gia đình ông Nguyễn Minh Giám rơi vào tình cảnh thê thảm nhất trong hơn 10 năm chăn nuôi lợn. Nhằm “cắt lỗ” cho đàn lợn hàng trăm con của mình, vợ chồng ông Giám phải đối phó bằng cách giảm bữa ăn, cho uống nhiều nước, ăn rau cỏ quanh nhà. “Chúng tôi buộc phải làm vậy chứ không còn cách nào khác. Theo tính toán của tôi, với giá thị trường hiện tại khoảng 16.000 đến 17.000 đồng/kg lợn hơi, thì mỗi con lợn chịu lỗ khoảng 1,2 đến 1,6 triệu đồng. Nếu cho ăn đều như trước chúng ăn mất cả nhà cửa, đất đai” – ông Giám nhìn đàn lợn nghẹn ngào.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số các gia đình nuôi lợn đều làm thêm nghề nấu rượu, bỗng rượu lại được tái chế cho lợn ăn. Từ khi giá lợn giảm mạnh, các hộ gia đình cũng ngừng luôn việc nấu rượu, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập hàng tháng của bà con nông dân.

Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Chúc (thôn Cát Ngòi, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) cho biết: “Nhà tôi có khoảng 100 con lợn đều đã quá tuổi xuất chuồng. Vợ chồng tôi vẫn nấu rượu, sau đó lấy bỗng để nấu cho lợn ăn. Đợt này giá cả xuống dốc vậy chúng tôi chỉ biết nhìn nhau. Vợ chồng tôi vẫn bảo nhau, lợn ăn hết cả học phí của con, cứ thế này nó ăn cả sổ đỏ mất. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm có chính sách cụ thể và bằng các hành động thiết thực như kêu gọi các doanh nghiệp thu mua lợn giúp bà con hoặc Chính phủ có thể huy động các ngân hàng cho vay vốn ưu đãi để chúng tôi chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi khác”.

Do không bán được, nhiều ngày nay bà Hoa chỉ cho lợn uống nước lã và ăn rau.

Bất đắc dĩ trở thành thương lái

Những người nuôi lợn đang khóc ròng vì giá lợn hơi bán tại chuồng trại xuống thấp trong khi giá thịt bán lẻ vẫn dậm chân tại chỗ. Người dân tiếp tục chịu điệp khúc giá bán sỉ không liên quan đến giá bán lẻ vì còn qua nhiều khâu phân phối.

Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nhưng không giải quyết được, nếu còn giảm cũng “núp dưới bóng” khuyến mãi với mức giảm rất ít 5-10%. Chính vì điều này mà rất nhiều hộ dân đã bất đắc dĩ trở thành thương lái. Khi gọi không có người đến mổ, họ quyết định tự mình mổ lợn rồi đem ra chợ bán.

“Nhà tôi cũng đã bắt đầu rục rịch thịt lợn của nhà đem ra chợ bán rồi. Họ mua tại chuồng thì rất rẻ trong khi đó bán lẻ ngoài chợ thì giảm không đáng là bao, vậy tội gì mình không tự mổ. Điều khó khăn nhất vẫn là khách mua hàng, dù mình cũng mang ra chợ nhưng người mua không nhiều bởi không có khách quen. Nhiều người mua còn ái ngại vì sợ lợn ốm, nguồn gốc xuất xứ” – bà Tạ Thị Hoa cho biết.

Nếu không bán được lợn, nguy cơ vỡ nợ chỉ là vấn đề thời gian với gia đình bà Liên.

Ngoài cách tự thịt đem đi bán lẻ, nhiều người đã chọn cách rủ bạn bè, hàng xóm chung tiền mua một con lợn, sau đó thịt rồi chia. Có gia đình thịt lợn sau đó chế biến thành phẩm mang đi tiêu thụ. Như phần thịt nạc sẽ được làm giò, mỡ rán lên tích vào can bán lẻ cho các quán cơm.

“Chúng tôi vốn là những người nuôi lợn nên không có thị trường để bán thành phẩm. Thôi thì giải pháp tình thế mà phải làm. Không bán được ngoài chợ thì cho lên xe mang đến nhà người quen mời ăn” – anh Phong cho hay.

Ông Trần Văn Long – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cho biết: “Đó chỉ là những giải pháp tình thế của bà con. Các hộ gia đình trong xã chủ yếu làm nghề chăn nuôi lợn, thu nhập chủ yếu dựa vào con lợn. Những giải pháp ấy chỉ là tình thế, phải có biện pháp lâu dài để cứu người nuôi lợn sớm nhất có thể. Theo tôi việc đầu tiên nhà nước cần làm ngay là chặn đứng nhập khẩu các sản phẩm lợn, gia cầm từ nước ngoài về. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cần kêu gọi các doanh nghiệp, các siêu thị trong cả nước nhanh tay vào cuộc thu mua lợn cho bà con thì may ra tình hình mới có thể cải thiện được”.

*Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường vừa ký Văn bản số 3609/BNN-CN về việc chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Theo đó, nhằm kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn vượt qua khó khăn ổn định sản xuất, vấn đề quan trọng trước mắt là: hỗ trợ tín dụng, giảm giá nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và gia tăng sức mua sản phẩm từ thịt lợn cho người chăn nuôi trong nước.

Được sự thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động chương trình chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn bằng những việc làm cụ thể như: giảm giá các nguyên liệu đầu vào cho người chăn nuôi; có kế hoạch mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm từ lợn sản xuất trong nước; hỗ trợ tín dụng cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chế biến, cấp đông dự trữ các sản phẩm thịt lợn trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, các địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Hiệp hội cùng tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức triển khai bằng các việc làm cụ thể, thiết thực với người chăn nuôi hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp nhận các thông tin, kế hoạch đề xuất cụ thể của mọi tổ chức, cá nhân và kết nối để các đối tác liên quan triển khai thuận lợi, hiệu quả chương trình trên và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phong Anh
.
.
.