Cái ác từ bàn phím

Thứ Tư, 22/07/2020, 10:03
"Tại sao em lại bị mắng chửi như vậy? Em cảm thấy có rất nhiều người mang thành kiến nặng nề với duy nhất một mình em. Xin hãy hiểu em hơn một chút. Bạn bè khán giả xin hãy yêu quý em thêm một chút, các phóng viên xin hãy yêu thương em một chút".


Đấy là lời cầu cứu tuyệt vọng của Sulli Choi, một nữ thần tượng nổi tiếng của Hàn Quốc. Lời cầu cứu công khai ngay trong một chương trình truyền hình. Cô bé thường xuyên nhận được những lời bình luận tàn bạo, đánh thẳng vào giá trị của bản thân như "bệnh hoạn, ngu xuẩn, vô học..".

Khi tôi biết tới cô, và đọc được lời kêu cứu được tường thuật lại trong một bài báo, cô bé đã treo cổ tự vẫn bằng một sợi dây móc vào chùm đèn trần tại nhà riêng sau một thời gian dài chống chọi với trầm cảm vì bạo lực mạng xã hội.

Tôi chưa hề biết đến Sulli cho tới bài báo ấy. Vài tấm ảnh chân dung đẹp của Sulli được đăng kèm bài báo, đó là một cô bé trong trẻo, đôi mắt toả ra thứ ánh sáng mỏng manh yếu đuối. Cô bé thực sự đẹp, một vẻ đẹp hiếm hoi, không chỉ ở đường nét, cái đẹp của cô nằm ở cảm giác trong sáng và dịu dàng cô đem lại. Nhưng cô bé đã chết!

Sau đó sáu tuần, một cô bé khác có đôi mắt to như búp bê, khuôn mặt như đóng băng trong một thời khắc thanh xuân vĩnh viễn cũng lựa chọn cách ra đi như Sulli. Cô bé ấy là Goo Hara. Goo Hara cũng là một nữ diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, cô bé cũng phải chịu đựng tổn thương kéo dài vì những lời bình luận, chỉ trích cay độc từ cộng đồng mạng vì bê bối đời tư, dù cô vốn là nạn nhân của bê bối ấy. Cô bé ra đi khi mới 28 tuổi.

Tôi từ bỏ sử dụng mạng xã hội khoảng nửa năm, sau khi đọc tin về hai cái chết trẻ ấy. Tôi có quá nhiều suy nghĩ. Hai cô bé dường như sở hữu tất cả những gì người trẻ có thể ao ước: sự nổi tiếng với hàng triệu người hâm mộ, sự giàu có với tài sản nhiều triệu đô, sự hoàn mỹ với vẻ đẹp được liên tục lên trang bìa, hay trở thành đại diện các thương hiệu lớn. Hai con người rất trẻ, rất đẹp, đang rất thành công ấy lại lựa chọn cho mình cách ra đi đau đớn và đơn độc.

Và điều đáng buồn, một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh trầm cảm, gián tiếp dẫn đến quyết định tự kết liễu chính mình của hai cô bé lại là những lời bình luận ác ý, được gõ vội từ bàn phím điện thoại hay máy tính nào đó, từ những kẻ hoàn toàn xa lạ trên mạng xã hội.

Điều gì đang xảy ra với thế giới này từ khi xuất hiện các loại mạng xã hội? Chúng ta dường như gần nhau hơn, kết nối dễ dàng hơn. Chúng ta được trao quyền lên tiếng, quyền phán xét bất cứ đâu, trước bất cứ việc gì, chỉ cần có trong tay một thiết bị có kết nối mạng internet. Tự đăng tải trạng thái, bài viết, ảnh lên trang cá nhân, để lại bình luận khắp mọi nơi chúng ta muốn, hàng ngày hàng giờ ngụp lặn trong cơn lũ thông tin, hình ảnh từ bạn bè, bạn của bạn bè, từ những người nổi tiếng, và cả những người xa lạ, chúng ta có hạnh phúc và văn minh hơn chính tổ tiên của mình hay không?       

Đáng tiếc là không.

Đã có quá nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội tới con người. Người ta tự nguyện phô bày toàn bộ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, từng góc nhà, từng thói quen, từng thành viên trong gia đình lên mạng xã hội, gồng mình xây dựng một hình ảnh đẹp nhất có thể, và ám ảnh về mong muốn có được sự quan tâm của người khác tới tất cả những gì riêng tư nhất ấy. Sự dễ chịu, hạnh phúc, thư thái không xuất hiện khi sử dụng mạng xã hội khi những hình ảnh đẹp nhất có thể của người khác luôn khiến con người ta cảm thấy bất an, khó hài lòng với cuộc sống thực của chính mình.

Hãy dừng ngay những bình luận ác ý, đừng vì để thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình mà làm tổn hại đến người khác.

Con người vì thế mà nhạy cảm hơn, cô đơn hơn, nhiều ẩn ức hơn, dễ ghen tỵ hơn, bốc đồng hơn, và cũng dễ dàng độc ác hơn khi bị kích động liên tục bởi lượng thông tin khổng lồ tương tác mỗi ngày. Trong rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực, sự ác hoá của con người, với công cụ là bàn phím, đang ngày càng trở nên rõ ràng.

Cái ác đầu tiên nằm ở sự cảm tính. Trong tình trạng cái tôi cá nhân thường xuyên bị kích động, mà không thể tự nhận thức, bị ức chế, mà không thể tự nhận ra khi sử dụng mạng xã hội, con người ta phản ứng nhanh, mạnh hơn bình thường trước mọi thông tin.

Giữa thời đại mà một cuộc đi bộ, vài phút tĩnh lặng ngắm nhìn một cảnh bình minh hay một đêm trăng sáng trở thành xa xỉ, con người bị xô vào guồng công nghiệp, cái gì cũng cần nhanh, nhanh hơn nữa, người ta ngại đọc kỹ, ngại tìm hiểu lật lại vấn đề, gõ phím khi chưa kịp nghĩ sâu, đánh giá khi chưa kịp cân nhắc. Lời dạy "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", những gì trông thấy chưa chắc là thật của tiền nhân đã hoàn toàn không còn giá trị.

Người ta nói bằng bàn phím, phán xét bằng bàn phím mà không cần biết/ không thể biết bàn phím cũng có thể gây ra thương tổn khó lòng đo đếm được. Cái khủng khiếp của giao tiếp bằng bàn phím là người ta không có dịp nhìn vào mắt nhau, nhìn thấy cảm xúc, thái độ, trạng thái của nhau, vì thế mà không có sự hoạt động của trí thông minh cảm xúc, không có thời gian để lý trí khởi động tư duy nhận thức, không phải là giao tiếp đích thực, người ta chỉ kịp xả cảm xúc cảm tính nhất thời vốn đầy ẩn ức của chính mình, một chiều, và độc hại.

Cái ác thứ hai hoàn toàn là cái ác nguyên bản được khởi động, được tạo điều kiện. Ham muốn chứng tỏ quyền lực, chi phối kẻ khác, thực hiện bạo lực tinh thần giờ đây trở nên quá dễ dàng, và đã có cái tên chính thức cho hành vi dùng bàn phím gây bạo lực: bạo lực mạng.

Nhà văn An Hạ, anhavn85@gmail.com.

Qua mạng xã hội, bằng bàn phím, có thể ẩn danh, giả danh, người ta có thể mặc sức làm ác. Bình luận tàn nhẫn, nhận xét ác ý, nói xấu, bóc phốt, hạ nhục nhau bằng bài viết, bằng cách lập những trang, nhóm anti (chống đối vì ghét bỏ), bằng cách chạy quảng cáo bài viết chỉ để đạt được mục đích.

Cả hai cái ác đều xuất phát từ bàn phím mù loà. Vì cảm tính mà mù loà, vì động cơ tàn ác mà mù loà, nhờ bàn phím mà ẩn nấp, trong những cuộc giao tiếp mù loà. Cả hai cái ác đều nguy hiểm, khi những lời tuôn ra từ bàn phím chỉ sau một khoảnh khắc đã trở thành công khai, tuôn theo đường truyền, phơi bày cho hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu kẻ khác cùng đọc, cùng bình luận.

Đôi lúc, tôi thấy rùng mình trước những cơn bình phẩm, tự mặc áo quan toà, những cơn chia sẻ rào rào của cộng đồng bàn phím, kẻ chịu trận, chưa rõ đúng hay sai, không có quyền được lắng nghe khi lên tiếng, không có quyền được xử đi xử lại, lật đi lật lại trắng đen, đã kịp bị vùi dập tơi bời như trong một cuộc xử tội ném đá tới chết man rợ giữa cơn cuồng nộ của đám đông. Hai cô bé nữ thần tượng ra đi cách nhau sáu tuần hẳn nhiên đã gục chết trong cuộc xử tội man rợ ấy.

Đấng toàn năng vĩ đại nào đó đã tạo ra con người, với đầy đủ ưu điểm và khiếm khuyết, để rồi loài người viết nên lịch sử đẹp đẽ lẫn xấu xí suốt hàng nghìn năm qua. Con người, trong mọi định nghĩa, đều luôn đi chênh vênh giữa hai bờ thiện ác, lý trí và dục vọng, thiên thần và ác quỷ, đều mang trong huyết quản tham sân si lẫn mầm giác ngộ.

Trong hành trình gian nan giữa hai bờ ấy, internet, mạng xã hội, bàn phím đang đưa chúng ta tới một phương thức giao tiếp văn minh mới, hay đang đày chúng ta vào cõi cô đơn ám ảnh, kích hoạt tham sân si ở chế độ cực đại, là phát minh vĩ đại hay là sự tụt lùi khủng khiếp của nhân loại trong hành trình làm người?

An Hạ
.
.
.