Cái giá của lòng tin

Thứ Hai, 06/07/2015, 11:00
Câu chuyện giữa lão và tôi bị gián đoạn bởi cơn mưa như trút nước giữa tháng 6. Trời mưa, trên người không manh áo, độc chiếc quần lửng, lão ngồi thụt sâu trong lều nhưng vẫn bị nước mưa tạt vào. Để che giấu cái lạnh, cái đói lão rít vài hơi thuốc lào. Lão trầm ngâm: "Tôi không ngờ, lòng dạ con người lại hiểm độc đến thế. Bản chất khó mà cảm hóa trong ngày một ngày hai. Trải qua biết bao chuyện ở đời vậy mà ở tuổi xế chiều vẫn bị cú lừa cay đắng".

"Nuôi ong tay áo…"

Túp lều được che chắn tạm bợ bằng một vài miếng nhựa phế liệu, tấm tôn gỉ sét, không gian bó hẹp tới mức người chui vào trong đó chỉ có thể ở được với hai tư thế: Nằm hoặc ngồi bó gối khom lưng. Đó chính là "thủ phủ" hình tam giác của ông Đinh Viết T. (64 tuổi, ngụ 22H Tân Trụ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).

Người ta gọi ông là lão gàn kể cũng có lí. Lão tá túc trong "thủ phủ" được dựng ngay trước cổng nhà ông Minh hàng xóm và gây ra không ít phiền toái cho gia chủ. Chính quyền địa phương nhiều lần mời lão lên làm việc, ông hàng xóm nhiều lần đuổi khéo nhưng lão vẫn nhất quyết không đi. Bởi lão có lí do riêng: "Vợ tôi bán nhà ôm tiền bỏ về quê hết cả rồi. Giờ tôi không còn nhà cửa để về nên dựng tạm lều ở đây. Tôi ở đây, đèn thì tôi xài tạm ngoài đường, nước thì xin của nhà ông Minh. Khi nào đòi được nhà thì tôi sẽ dọn đi". Lão trả lời như thế khi có người hỏi.

Kể từ đấy, lão bỗng nổi tiếng một cách bất đắc dĩ. Dù đang trải qua cuộc sống chẳng khác nào thời nguyên thủy nhưng khi tiếp xúc, ở lão vẫn toát lên cốt cách của một người từng có cuộc sống sung túc. Rít dài hơi thuốc lào, nhả khói cười nhếch mép, lão thổ lộ rằng, lão quê Bắc Ninh vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1975. Nhờ tích cóp được số vốn kha khá, năm 1990 lão quyết định mở xưởng may tại gia. Công việc làm ăn phát đạt, từ một cơ sở may mặc nhỏ lẻ, lão đã đẩy lên thành một doanh nghiệp tư nhân mang tên Đinh Viết T.

Lão T ngồi trong "thủ phủ" của mình để trú mưa.

Kinh tế khá lên, thì đời sống hôn nhân của lão đi xuống. Mâu thuẫn đỉnh điểm dẫn đến việc hai vợ chồng phải ly thân vô thời hạn. Lão và vợ vẫn sống chung nhà nhưng "hồn ai nấy giữ", cơm ai nấy ăn. Bận bịu công việc làm ăn, lão không còn thời gian tự chăm sóc bản thân. Năm 2004, lão ra Trung tâm giới thiệu việc làm quận Tân Bình tìm người giúp việc. Sau một hồi sàng tới sàng lui, lão cũng chấm được một người phụ nữ tên Nguyễn Thị H. (32 tuổi, quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Cô này nhìn bề ngoài không mấy mặn mòi, người thì đen nhẻm, gầy gò nhưng được cái ăn nói khéo léo, nhanh nhẹn và trông tháo vát.

Từ ngày có cô giúp việc, chuyện ăn uống lão không phải bận tâm. "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", chỉ vài tháng sau, lão và cô giúp việc đã có tình ý với nhau. Lão hào phóng giao cho H. "tay hòm chìa khóa" quyết định mọi việc chi tiêu trong nhà. Cô H. như người "chết trôi gặp phải cọc mục", ngả ngay vào lòng lão.

Vị thế thay đổi, 4 tháng sau, cô giúp việc thông báo cho lão tin động trời: Cô đang mang giọt máu của lão. Lão ngồi bấm đốt ngón tay và nghi hoặc đứa con trong bụng chưa chắc là của mình. Có thể ai "ăn ốc" rồi lão phải "đổ vỏ". Trước khi về làm "ô sin" cho lão, H đã có một đứa con trai 2 tuổi với người tình không cưới. Định kiến nông thôn với gái không chồng mà chửa đã đẩy mẹ con H phiêu dạt khắp nơi. Lão từng về quê thăm họ hàng của H. Thấy cảnh bố mất, một mình H phải lo cho mẹ già, lão động lòng trắc ẩn. Chấp nhận đứa con trong bụng của H. 

Tuy không làm giấy kết hôn, nhưng mọi người đã mặc định, H. chính là vợ hai của lão, chung sống công khai với lão. Vợ cũ ở chung nhà biết rõ mối quan hệ giữa lão và người giúp việc nhưng bà ấy vốn là người điềm đạm nên chưa bao giờ xảy ra chuyện đánh ghen, cãi vã với vợ hai. Dù biết rõ thằng bé không cùng huyết thống, nhưng lão đã thông báo với họ hàng đứa bé chính là con lão.

Những lúc không nói nên lời, lão rít những hơi thuốc lào thật dài.

Lão hớn hở kể: "Khi H. sinh con tôi đã 52 tuổi. Tôi hơn cô ấy đúng 20 tuổi. Thằng nhỏ kháu khỉnh lắm, khuôn mặt sáng sủa trông rất thông minh. Nó cứ quấn quýt bên tôi suốt ngày". Thấy cuộc sống chung chạ phức tạp, lão bán căn nhà cũ chia cho vợ cả và hai đứa con lớn một số tiền. Số còn lại, lão mua được căn nhà tương đối rộng rãi cho "vợ hờ". 

Con lớn, H. có nhiều thời gian rảnh nên bàn với ông T. mở rộng quy mô làm ăn. Trong mắt lão, H là người khéo léo biết tính toán, lão không ngần ngại thế chấp căn nhà đang ở lấy vốn cho H. làm ăn.

"Rước cáo về nhà'

Chẳng hiểu sao công việc làm ăn của H. tuột dốc không phanh. Một ngày thức dậy, lão bàng hoàng không thấy vợ con đâu. Lão cuống cuồng đi tìm. Trong thành phố không thấy, lão phi về quê vợ ở Hà Tĩnh mới té ngửa ra, H. đã "ngốn" sạch số vốn và đã sang Thái Lan. Lão bất lực quay về Sài Gòn. Công việc làm ăn đổ bể, không còn tiền thuê nhân công, lão tự nhận hàng rồi tự may để bán. Thi thoảng, ai thuê sửa máy móc gì lão cũng nhận làm luôn. Lão phân trần: "Không phải hết tiền, nhưng tôi không muốn bản thân thảnh thơi để nghĩ về người vợ bạc bẽo".

Bẵng đi hai năm, lão nhận được tin về H. Hóa ra, nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, H. sang Thái Lan làm biểu tình thuê. Nhưng không phải lúc nào cũng có biểu tình, H. sống trong cảnh đói lăn lóc. H. phải mò về Việt Nam, nhưng không dám liên lạc với lão. Từ ngày đứa con riêng của H bị thiếu máu não, không có khả năng chữa chạy. H. liều mình gọi điện vào cho lão, van lơn não nề. Lão bảo: "Thế thì đem con vào đây".

Lão triết lý rằng: "Con người ngoảnh mặt đi thì dại, ngoảnh mặt lại thì khôn",  khi nghe H. xin lỗi, mong nối lại tình xưa lão đã chấp nhận. Lão còn chút tiền chữa bệnh cho thằng bé, khi "vợ hờ" đem đứa bé vào, lão tức tốc ôm nó đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) chữa trị. Lão còn lo cho hai đứa con của H. ăn học đàng hoàng. Dù không nói ra nhưng trong thâm tâm lão đinh ninh từ nay cô H. sẽ ở bên cạnh lão, ở mãi cho đến khi lão nhắm mắt xuôi tay.

Nối lại tình xưa được thời gian, H. lại tỉ tê với lão muốn có chút vốn làm ăn, để mong kéo lại cả vốn lẫn lời bị thất thoát trước đây. Lão nghe xong cũng suy nghĩ, đắn đo, lão nghĩ đến khoản nợ kếch xù trước đó còn chưa trả được. Kiếm đâu ra tiền bây giờ, lão thì già rồi không thể đứng ra vay ngân hàng nữa. Chỉ còn cách duy nhất là H đứng tên mới vay được. Muốn vậy, lão phải làm giấy sang tên căn nhà cho H. Đúng một tháng sau khi được sang tên đứng giấy tờ nhà cửa, H. bỗng dở chứng, cô lấy kéo cắt tóc, kiếm cớ sinh sự rồi đùng đùng bỏ nhà đi. Thấy vợ dắt hai đứa nhỏ đòi về quê, lão chạy ra cửa can ngăn nhưng bị xô ngã đến ngất xỉu. Mấy hôm sau, lão tìm về quê vợ để đòi lại giấy tờ nhà nhưng H. không đưa còn đánh lão một trận nhừ tử.

Lão chỉ tay ra phía trước: "Tôi nhớ rõ lắm, hôm đấy trời còn mưa lớn hơn cả thế này nữa. H. bay vào Sài Gòn còn đi cùng với bốn năm người. Cô ấy tuyên bố: "Nhà thì tôi bán rồi, ông không phải chồng tôi, con tôi không phải con ông". Sau lời tuyên bố lạnh lùng, lão bị hất cổ ra đường.

Miếng tôn duy nhất che nắng che mưa cho lão nhiều năm trời.

Từ một người có nhà cửa bề thế, lão bỗng chốc thành kẻ vô gia cư. Con cái của người vợ trước biết chuyện lão đang sống trong túp lều đã đến đưa lão về sống cùng. Nhưng lão nhất quyết không đi. Lão thở dài: "Thực ra trước đây vì chấp nhận đứa con thứ hai của H. là con đẻ nên tôi bất chấp lời khuyên của mọi người. Giờ quay lại sống với tụi nó tôi không còn mặt mũi nào…".

Câu chuyện giữa lão bị gián đoạn bởi cơn mưa như trút nước giữa tháng 6. Trời mưa, trên người không manh áo, độc mỗi chiếc quần lửng, lão ngồi thụt sâu trong lều nhưng vẫn bị nước mưa tạt vào. Để che giấu cái lạnh, cái đói, lão rít vài hơi thuốc lào. Lão trầm ngâm: "Tôi không ngờ, lòng dạ con người lại hiểm độc đến thế. Bản chất khó mà cảm hóa trong ngày một ngày hai. Trải qua biết bao chuyện ở đời vậy mà ở tuổi xế chiều vẫn bị vợ lừa cay đắng".

Trong túp lều tạm bợ, lão chỉ kê được mỗi tấm nệm cũ hoen ố, bên trên trải chiếc chiếu mỏng. Đây đều là những đồ hàng xóm cho vì họ thương lão. Sáng thì lão đi loanh quanh, ai thuê gì làm nấy, đêm thì đi nhặt ve chai cũng được 20 -30 ngàn đồng. 

Lão cười ngượng: "Trưa tôi hay ăn cháo ở quán người chủ quê Quảng Ngãi nấu. Biết hoàn cảnh, họ lấy mỗi bữa có 10 ngàn thôi. Đêm về nhiều khi trời mưa, lạnh, tôi quấn tấm nilon quanh người rồi ngủ". 

Gần 10 năm lão sống trong cảnh "màn trời chiếu đất", ăn đói mặc rách. Lỗi lầm này tại lão mà ra, bởi lão quá nhu mị trước tình cảm của mẹ con H. Theo nhận định, việc đòi lại nhà của lão là rất khó, bởi chính tay lão đã làm đơn sang tên cho người ta rồi.

Ngọc Thiện - Kim Nguyên
.
.
.