Cai thuốc lá

Thứ Hai, 14/12/2015, 13:58
Mình "bập" vào thuốc lá từ năm 15 tuổi, lúc đang còn là học sinh cấp 3 ở trường huyện. Đến giờ vẫn còn nhớ như in lúc dấm dúi cầm điếu "Tam Đảo" rút trộm trong bao thuốc của bố xuống bếp, châm lửa, rít thử một hơi rồi thấy đầu óc váng vất say…
Mấy năm sau, khi là sinh viên đại học ở Hà Nội, thiếu thuốc lá, đã phải "đá" sang thuốc lào. Mười hai gã trai nhét vào căn phòng hơn mười mét vuông ký túc xá, xé cả thư của bồ (bằng giấy phơ luya thơm) quấn thuốc lào sâu kèn, phun khói ra mù mịt khét lẹt.

Những năm công chức sống trong khu tập thể cơ quan thì chuyển hẳn sang thuốc lào. Xài duy nhất thứ thuốc lào Vĩnh Bảo, sợi vàng, thơm dẻo hồ bột nếp. Hút bằng điếu cày chứ không dùng điếu bát. Một mình có tới 4 cái điếu cày, chốt ở 4 nơi: phòng ở tập thể, phòng làm việc cơ quan, nhà mẹ đẻ và nhà mẹ vợ. Đấy là chưa kể 1 cái cơ động theo xe đạp, để trên đường rong ruổi bất cứ đâu, về quê hay đi công tác tỉnh xa, cũng không bị "đứt bữa" thuốc.

Hơn mười năm thuốc lào ngây ngất đứ đừ, thuốc lá chỉ như gãi ngứa. Thỉnh thoảng có bạn từ TP Hồ Chí Minh ra, chìa bao ba số, mình lịch sự rút lấy một điếu giắt mang tai. Bạn đi, đem điếu thuốc hối lộ cho tay bảo vệ khu tập thể. Tay này điếc lòi, đi đâu lỡ về khuya quá giờ khóa cổng, gọi như hò đò gã cũng chẳng thèm nghe. Vì thế, muốn chắc ăn, trước khi đi phải tỉ tê nịnh gã cho mượn chiếc chìa khóa.

Năm chuyển vào định cư ở Vũng Tàu, việc đầu tiên là đi lùng mua điếu. Dân Nam hình như chẳng mấy ai hút thuốc lào. Sục sạo khắp nơi không tìm được cái điếu cày nào ra hồn. Lại thêm thuốc lào không ngon, vừa khô vừa không có hậu. Thất vọng cả điếu lẫn thuốc, đành chuyển qua thuốc lá. Thời gian đầu hút rặt loại rẻ tiền, "Mai" hoặc "Đà Lạt", "đô" nặng gần giống thuốc lào. Quen thuốc lá dần dần đổi sang thứ khác thơm ngon hơn. Mỗi sáng điểm tâm bát cơm nguội hay gói mì ăn liền, trước khi ngồi vào máy chữ, không thể thiếu một ly cà phê đen và một điếu thuốc.

Thói quen hút thuốc kéo dài thêm chục năm. Bất ngờ bị đợt ho kéo dài. Ho khan, chốc chốc gằn lên một cơn. Nhà mình là căn hộ cấp 4, nằm giữa dãy tập thể gồm 6 căn hộ. Nhà nọ cách nhà kia bức tường mười (xây bằng lớp gạch ống có chiều dày 10cm). Nhà bên này nói gì, nhà bên kia nghe rõ. Ho hắng thì càng không giấu được. Ngại nhất đêm hôm, cơn ho nổi lên làm thức giấc hàng xóm. Đã ho, hút thuốc càng ho.

Một buổi trưa giữa bữa ăn, mình buột miệng:

- Mai, bỏ thuốc!

Vợ không nói gì. Nhưng đứa con gái dài giọng:

- Bố mà bỏ được!

- Mai tao bỏ cho mày xem.

Ăn xong, móc túi lấy ra bao "ba số", thấy còn già nửa bao. Liền cất bao thuốc lên giá sách.

Bắt đầu từ lúc đó không hút. Ngày hôm sau không hút. Mấy ngày tiếp theo cũng không. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường: sáng dậy thể dục, ăn sáng, pha một ly cà phê đen, ngồi vào bàn. Được khoảng dăm hôm, bỗng giật mình! Mình vẫn viết đều đều, trang nọ tiếp trang kia, nhưng hình như… hình như… Xe vẫn chạy, nhưng không còn "ngon trớn" như trước nữa!

Ai trong nghề viết lách, hẳn phải hiểu cái cảm giác đột nhiên mất hứng. Mọi thứ viết ra trôi tuồn  tuột. Chữ nghĩa vô hồn, cả một đống chữ thoát ra khỏi ngòi bút biến ngay thành xác chết. Chán chường, hoang mang. Nửa buổi, suýt nữa định châm điếu thuốc. Bao năm sống chung với nhau, đùng phát cắt đứt, làm gì hồn vía chẳng ngẩn ngơ ngơ ngẩn? Khói thuốc kích thích cho đầu óc tỉnh táo, linh hoạt. Thần kinh hưng phấn thì mọi việc lại trôi chảy nhịp nhàng…

Đấy chính là khoảnh khắc hiểm nghèo trong việc cai thuốc. Bỏ được hay không bỏ được chỉ cách nhau sợi tóc. May mắn trong cái chớp mắt ấy, mình sực nhớ đến anh V. Anh V là nhà thơ nổi tiếng. Thơ của anh bài in bài không. Không in không phải là dở, mà chỉ vì chưa hợp thời. Hồi sinh viên, bọn mình từng lùng sục, sưu tầm cho bằng được những bài chưa in của anh để chép kín trong sổ tay.

Một lần may mắn được người bạn rủ đến nhà ra mắt anh V. Đinh ninh thơ hay như anh thì đương nhiên anh phải nghiện thuốc lá. Nhưng không. Trong lúc hai ông trẻ tập tọng vào nghề phì phèo điếu thuốc thì nhà thơ nổi tiếng ung dung nhâm nhi chén nước lọc. Thỉnh thoảng "sư phụ" lại mỉm cười rất hiền, khoe hàm răng trắng tươi…

Từ anh V, mình nhớ thêm vài ba người khác. Toàn những nhân vật lừng danh, nhưng chẳng hề nghiện ngập. Thật xấu hổ khi đổ tội viết dở cho thuốc lá.

Khoảng hai tháng sau cai nghiện, lấy bao thuốc dở trên giá sách xuống. Mở ra. Hơn mười điếu còn nguyên, dính vào nhau, mốc xanh.

Tưởng như thế đã yên chí "ngủ quên trên chiến thắng", nào ngờ "con ma khói" đâu chết hẳn? Nó chỉ tạm ẩn mình đi, và rình chờ cơ hội…

Dịp ấy, về quê, đến chơi với mấy ông anh ở Hội Văn nghệ Nam Định. Mấy anh rủ đi nhậu. Nhậu xong, đi cà phê. Trời rét, nhìn một anh nhâm nhi tách cà phê nóng, điếu thuốc cháy dở kẹp trên tay, mắt mơ màng tận hưởng lạc thú, mình tự nhiên thấy… nhớ!

Bèn xin anh một điếu, bụng nghĩ: thử xem hương vị của nó bây giờ ra sao? Chầm chậm mồi lửa. Chầm chậm rít một hơi. Bỏ thuốc hai năm, tưởng gặp lại sẽ lạ lẫm, cay đắng, thậm chí khó chịu, sốc. Hóa ra nhầm to! Vẫn êm ái, đê mê, thơm phức.

Hoảng hốt như tên trộm bị bắt quả tang, mình dụi ngay điếu thuốc mới đốt vào gạt tàn. Mấy ông anh cười cười, tưởng mình bị sặc khói.

Sau bữa ấy mới thực sự không bao giờ dám bén mảng đến thuốc lá nữa. 

Trần Đức Tiến
.
.
.