Cạm bẫy ma túy bủa vây người trẻ

Thứ Sáu, 06/12/2019, 23:55
Khi cuộc ăn chơi thác loạn dần tàn cũng là lúc tấm màn hoang phế của cuộc đời dần hiện ra, xơ xác tiêu điều. Lúc này, họ để mặc số phận cho gia đình và xã hội. Cái kết cũng chỉ dừng lại ở việc đi cai nghiện rồi trở về hòa nhập cộng đồng. Tương lai nào cho những "con nghiện"?

1.Sau khi tốt nghiệp trung cấp, Lê Thị Quý T. (28 tuổi, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) xin được một chân làm đầu bếp cho nhà hàng 3 sao ở quận 1. Lương 10 triệu/tháng, nếu biết cân đối chi tiêu thì hoàn toàn ổn định được cuộc sống nhưng đối với T. từng ấy chỉ đủ cho cô mua sắm quần áo.

T. quay cuồng trong cơn bĩ cực của cuộc sống, tuần nào cũng về nhà ngửa tay xin tiền mẹ. Trong những cuộc chơi đêm, T. được cho thử hít một thứ "bột trắng" rồi mê man theo những cơn phê bất tận. Nhà hàng phát hiện ra T. nghiện ma túy đã đuổi việc. Từ đó, T. lêu lổng và ngày càng chìm ngập trong cuộc "bay đêm" với thuốc lắc, bóng cười và ma túy đá. Gia đình phải bỏ tiền đưa T. đi cai nghiện.

Dù đã quyết chí làm lại cuộc đời nhưng chị T. vẫn bị quá khứ nghiện ngập ám ảnh.

Hai năm sống trong "lò luyện đơn" với chế độ và quy định cai nghiện khốc liệt, cuối cùng T. cũng "hoàn người" và được trở về với cộng đồng. Bước đường hòa nhập của T. gập ghềnh trắc trở và đơn độc. Nhóm bạn chơi chung với T. đã cắt đứt quan hệ vì họ không muốn dính dáng đến một con nghiện. Vài người bạn "ma túy" thuở ban đầu nay đứa đi tù, đứa vào trại cai nghiện bắt buộc, đứa đã "xanh cỏ".

Tương lai nào cho một đứa con gái lầm lạc bắt đầu lại cuộc đời ở tuổi 30? Câu hỏi đó ám ảnh khiến T. ngày càng tự ti, mặc cảm. Đi gõ cửa khắp nơi, cuối cùng một khách sạn tầm trung ở Q. Bình Thạnh cũng nhận T. vào làm. Công việc của T. là đi chợ, nấu ăn ngày 3 bữa cho khách. Trớ trêu thay, mới làm được một tuần thì có một người vào nghỉ tại khách sạn đã phát hiện ra T. vì trước đây ông ta làm quản lý tại nhà hàng T. bị đuổi.

Vị khách là người quen của ông chủ khách sạn và đương nhiên là họ chia sẻ thông tin cho nhau. T. bị đuổi thẳng cổ mặc dù cô làm việc rất chăm chỉ, nấu ăn ai cũng khen. Cái tội của cô chính là để lộ quá khứ đen tối. Người chủ khách sạn không tin con nghiện biện minh giải thích, họ xa lánh và coi thường.

Con trai của chị N. sau cai nghiện trở về lại mắc bệnh trầm cảm.

Chán đời, bất mãn với số phận, T. lang thang vào các quán bar, vũ trường. "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", T. lại "bén" với ma túy rất nhanh. Lần nghiện trở lại, T. bị Công an bắt quả tang đang sử dụng ma túy và phải đi cai nghiện bắt buộc. Gia đình T. quá thất vọng với cô con gái ương ngạnh, ăn chơi trác táng, tàn phá cuộc đời nên đã bỏ mặc cô. Ở trại cai nghiện, T. quyết tâm uốn nắn bản thân, tự nhủ sẽ tránh xa ma túy.

Trở về lần này, con đường hoàn lương của T. thật sự quá mong manh và chông chênh. Cha cô không còn tin con gái nữa. Ông bán đất được 500 triệu đưa cho T., nghẹn ngào nói: "Mày cầm số tiền này đi đâu thật xa, đừng để thiên hạ xâu xé gia đình này nữa. Sau này nếu còn sống mà thành người thì quay về, còn không xem như hôm nay là ngày giỗ của mày".

T. ra Đà Nẵng mở một quán trà sữa nhỏ và "mai danh ẩn tích" suốt một thời gian dài. T. thật sự muốn quên đi quá khứ, khát khao làm lại cuộc đời từ những sai lầm, nông nổi của tuổi trẻ. Tâm sự với chúng tôi, T. nói rằng bản thân dù sau này có tốt đến mấy cũng không thể xóa được "bản án" từng là một con nghiện.

T. muốn kiếm một tấm chồng đàng hoàng, nhưng cô sợ một ngày nào đó anh người yêu hiện tại biết về lý lịch "đen" của mình thì liệu có chấp nhận được không. Nỗi lo ấy lúc nào cũng đeo bám lấy suy nghĩ của T. khiến cô rất nhiều lần muốn từ bỏ tình yêu.

2.Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Nguyệt N. (45 tuổi, ngụ Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) gặp chúng tôi và than khóc về thằng con trai 19 tuổi dính vào nghiện ngập. Chị N. kể, thằng con nghiện từ hồi học lớp 12 nhưng gia đình không biết.

Đến khi nó bị "ngáo đá" ra đường nhảy múa, chửi bới rồi cầm dao dọa chém người ta mới bàng hoàng thảng thốt. Sau khi phát hiện, vợ chồng chị N. nhốt con trong phòng, xích chân tay lại. Vài ngày đầu, thằng bé lên cơn la hét, gầm rú điên cuồng. Nó đập phá tất cả những gì xung quanh, mồm miệng sùi bọt ra, chân tay tứa máu.

Sợ con cắn lưỡi chết, vợ chồng chị N. phải đưa tới trung tâm y tế nhờ can thiệp. Xót con, nhục nhã với thiên hạ, vợ chồng chị N. gửi con đi trung tâm cai nghiện tự nguyện. Mỗi tuần, chị N. lại tay xách nách mang vào thăm con. Chuyện con trai nghiện ngập chị N. giấu nhẹm mọi người, ngay cả anh em họ hàng. Tâm thế của một nhà giáo có con dính vào ma túy đã làm cho chị N. mặc cảm và xấu hổ.

Anh Q. nhiều lần phải đi tìm con trai đang mải mê chơi game và đi vũ trường đưa về nhà.

Chị tự nguyện xin trả lại danh hiệu gia đình văn hóa và cũng từ chức tổ trưởng hội khuyến học. Những ngày con đi cai nghiện là thời gian chị N. nơm nớp lo lắng, hoang mang. Chị sợ sau khi trở về, không biết con trai có bỏ được ma túy hay lại "ngựa quen đường cũ". Ở cái tuổi mà ranh giới sáng và tối, thiện và ác quá mong manh, liệu rằng con trai chị có vượt qua được cám dỗ.

Con trai chị N. hoàn thành giáo trình cai nghiện sau 12 tháng khổ luyện. Nó trở về nhà trong vòng tay yêu thương, chiều chuộng của cha mẹ. Vợ chồng chị N. xin cho con đi học tại một trường trung cấp nghề và thay nhau đưa đón. 20 tuổi, con trai chị N. quay trở về là đứa trẻ lên 10, lúc nào cũng nằm trong tầm ngắm của người lớn. Nhất cử nhất động của nó đều có sự giám sát, ngay cả việc ăn và ngủ.

Nó trở nên lầm lì, ít nói, không muốn tiếp xúc với người lạ. Thỉnh thoảng nó khóa trái cửa rồi la hét, khóc lóc mặc cho cha mẹ ở ngoài van xin con mở cửa. Chị N. đưa con đi bác sĩ tâm thần rồi chuyên gia tâm lý, kết quả con trai chị bị bệnh trầm cảm. Đúng là nghịch cảnh, không có nỗi đau nào giống nhau. Vợ chồng chị N. khóc hết nước mắt vì con, bế tắc, u sầu trong cuộc sống.

3.Bất hạnh không kém là gia đình anh Hoàng Thanh Q. (54 tuổi, TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Anh Q. có 3 người con. Sau khi ly hôn, hai đứa con nhận ở với cha. Con trai 25 tuổi và con gái 17 tuổi. Anh Q. là chủ đại lý phân phối gas nên tối ngày tất bật với các đơn hàng.

Đầu năm 2019, anh Q. cặp kè với một cô gái mới 26 tuổi, chỉ hơn con trai 2 tuổi. Anh Q. xác định sẽ cưới cô gái nên hai người sống chung như vợ chồng. Chứng kiến cảnh "dì ghẻ" đỏng đảnh, quần là áo lượt, son phấn lòe loẹt, hai đứa con của anh Q. căm ghét ra mặt. Cứ đến bữa ăn là chúng bỏ đi ra ngoài chơi game, có gọi cháy máy cũng không về. Có lần, anh Q. bực quá ra tận tiệm game tát cậu con trai một bạt tai.

Từ ngày đó, con trai anh Q. không thèm nói chuyện với bố, có khi đi chơi cả tuần mới về. Cách đây 2 tháng, Công an gọi điện cho anh Q. đến bảo lãnh nhận con về. Anh Q. tá hỏa khi cầm tờ kết quả kiểm tra dương tính với ma túy.

Sau một hồi tra hỏi, con trai anh Q. thừa nhận đã nghiện. Bi kịch hơn, đứa con gái 17 tuổi đang học lớp 11 cũng dính vào "nàng tiên nâu". Chúng nó gào khóc nói với anh là do chán gia đình. Bố mải vui với gái trẻ không quan tâm, yêu thương chúng, còn mẹ cũng chẳng bao giờ thăm hỏi. Từ những ức chế, buồn khổ về người lớn đã đưa đẩy hai đứa con của anh Q. vướng vào ma túy.

Chúng tôi đã gặp nhiều người trẻ, trong đó không ít đã thẳng thừng thừa nhận có "chơi" ma túy hoặc chất gây nghiện. Một bộ phận thanh niên "cứng' thì cho rằng, sử dụng ma túy mới là sành điệu, là đẳng cấp, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các đối tượng sử dụng ma túy.

Thượng tá Hà Văn Huy, Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh, chống tổ chức sử dụng chất ma túy trái phép (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) nhận định, giới trẻ đang trong độ tuổi học tập và cống hiến nhưng lại sử dụng ma túy lâu ngày trở nên nghiện ngập, lệ thuộc vào ma túy.

Từ đây sẽ mất đi khả năng học tập, năng lực lao động, không tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo ra gánh nặng cho gia đình, gây nên tình trạng trộm cắp, cướp của, giết người, thậm chí là giết chính những người thân trong gia đình và các tệ nạn xã hội khác. Theo thống kê, số người nghiện không ngừng gia tăng trong các năm qua, trong đó người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp chiếm tỷ lệ ngày càng cao và xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Ngọc Thiện
.
.
.