Những người trẻ dùng bằng “Tây học” để phát triển cộng đồng ở vùng cao

Thứ Hai, 25/06/2018, 14:47
Bằng tình yêu núi rừng tha thiết, muốn đem ánh sáng tri thức tới những trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số không có cơ hội đến trường, đi du học trời Tây, những người đi du học trời Tây đã cùng nhau sáng lập ra một mô hình giáo dục vì cộng đồng.


Nhiều người ác khẩu vẫn nói với họ rằng “đã mất công đi du học trời Tây, không tranh thủ mà kiếm tiền lại đi làm cái việc bao đồng”. Quả đúng thật, với những tấm bằng “Tây học” ấy, không hề khó để những người trẻ như họ tìm được một việc làm với mức thu nhập cao.

Thế nhưng, bằng tình yêu núi rừng tha thiết, muốn đem ánh sáng tri thức tới những trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số không có cơ hội đến trường, họ đã cùng nhau sáng lập ra một mô hình giáo dục vì cộng đồng.

Chúng tôi đến Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang vào những ngày đầu tháng 6. Tiếp chúng tôi là vị nữ giám đốc có tuổi đời còn rất trẻ Hoàng Diệu Thúy. Chị là một trong những thành viên đồng sáng lập nên mô hình giáo dục đặc biệt này.

Một buổi học tiếng Anh của các em tại Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang.

Thúy sinh ra và lớn lên tại TP Hà Giang, nhưng gốc gác lại là người Tày ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình (Hà Giang). Vào mỗi dịp nghỉ hè hay lễ tết chị đều được bố mẹ đưa về quê chơi.

Thế nên không gian văn hóa cộng đồng của người dân tộc thiểu số như ngấm vào máu thịt chị, khiến chị luôn ấp ủ sau này lớn lên sẽ phải làm được điều gì đó ý nghĩa cho nơi này. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị Thúy về công tác tại Công viên Địa chất toàn cầu (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang).

Ai cũng mừng cho chị vì hiếm người nào mới ra trường lại xin được một công việc ổn định trong một cơ quan Nhà nước. Thế nhưng, chị đã không chịu an phận làm một công chức đơn thuần, năm 2012, sau rất nhiều nỗ lực, chị đã xuất sắc giành được suất học bổng thạc sỹ toàn phần của Chính phủ Australia. Chị đã lựa chọn theo học ngành văn hóa và phát triển.

Sau 3 năm tu nghiệp trời Tây, năm 2015, chị Thúy trở về Việt Nam. Với tấm bằng “Tây học” loại ưu, chị thừa khả năng để lựa chọn một công việc đem lại thu nhập đáng mơ ước. Nhưng, quyết định cuối cùng của chị đã khiến nhiều người bất ngờ bởi chị đã không nghĩ cho bản thân mà lựa chọn xây dựng mô hình giáo dục vì cộng đồng.

Dạy dỗ các em nhỏ ở đây luôn cần sự kiên trì.

Khi Thúy chia sẻ ý tưởng cho mấy người bạn từng học cùng mình ở Australia, chị không ngờ lại được họ nhiệt tình ủng hộ đến thế. Hai trong số những người bạn ấy là cô gái trẻ Dương Thu Trang (người dân tộc Tày, quê Hà Giang) và anh Đỗ Quyết Tiến (quê Hà Nội). Ngồi lại với nhau cả 3 cùng bàn bạc và đi đến quyết định sẽ xây dựng đề án để triển khai mô hình giáo dục vì cộng đồng ở tỉnh Hà Giang.

Tuy nhiên, giữa ý tưởng và thực tế là một khoảng cách rất xa nhau. Trong lúc đang vấp phải nhiều khó khăn và thử thách, chị đã đánh liều vào Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang rồi lấy địa chỉ email của Bí thư Tỉnh ủy.

Sau đó, chị viết thư trình bày về những dự định của nhóm mình. Chị Thúy nhớ lại: “Thực sự lúc đó bí quá nên mình làm liều và nghĩ gửi thì cứ gửi vậy thôi chắc gì đã nhận được hồi âm. Hôm mình gửi thư là chiều thứ 7. Vậy mà thật không ngờ, ngay sáng chủ nhật mình nhận được điện thoại của Bí thư Triệu Tài Vinh. Ông nói mời nhóm mình đầu tuần lên gặp ông để bàn cụ thể về việc đó, cảm giác của mình khi ấy như đang trong mơ vậy”.

Theo lời chị Thúy chia sẻ thì trong buổi gặp đầu tiên ấy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đã tỏ ra rất vui mừng trước việc nhóm của chị muốn đóng góp công sức cho quê hương. Ông Vinh hứa sẽ tạo mọi điều kiện để đề án được đi vào hoạt động.

Không chỉ được học mà các em còn thường xuyên có sự giao tiếp với nhau qua các trò chơi.

Nhận được sự ủng hộ từ tỉnh Hà Giang, nhóm của chị Thúy đã phối hợp cùng các ban, ngành địa phương hoàn tất đề án “Mô hình thí điểm Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang”. Mô hình này được ra mắt vào tháng 8-2017, hiện Trung tâm có 14 thành viên, đến từ nhiều địa bàn khác trên cả nước.

Hiện nay Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang hoạt động mô hình với 4 hợp phần gồm: Chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em dân tộc thiểu số; chương trình giáo dục đặc biệt; chương trình dạy học theo phương pháp STEM (một chương trình tích hợp 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và chương trình thư viện cho em.

Đối với chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em dân tộc thiểu số, Trung tâm ưu tiên tổ chức tại các địa phương vùng sâu, vùng xa để giảng dạy. Đi cùng với giáo viên của Trung tâm còn có các cộng tác viên, trợ giảng là những người nước ngoài đến Hà Giang.

Các cộng tác viên cũng được Trung tâm tuyển chọn hết sức kĩ lưỡng và được đào tạo nghiệp vụ trong một thời gian ngắn. Chương trình này đã góp phần giúp cho trẻ em dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa này có thể sử dụng khá tốt tiếng Anh qua đó góp phần phát triển du lịch ngay tại địa phương.

Đối với học phần dạy học theo phương pháp STEM, Trung tâm thường xuyên mời các chuyên gia nước ngoài từ những thành phố lớn như Hà Nội lên Hà Giang tập huấn cho các giáo viên tại địa phương.

Kết quả bước đầu, mô hình đã giúp trang bị cho các học sinh trong nhà trường những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đặc biệt, STEM giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể tự tay áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài ra, Trung tâm còn mở một thư viện ngay tại Trung tâm với mục đích khiến cộng đồng trở nên thân thiện hơn. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, hằng tuần cán bộ của Trung tâm còn mang sách đến tận nơi, đọc sách, chiếu phim miễn phí cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Nhưng điều đáng nói nhất trong mô hình giáo dục trên là phần giảng dạy cho những trẻ em đặc biệt. Tại phòng vận động, em Sùng A Thao đang được cô giáo Nguyễn Thiên Nga cho tập chơi đồ chơi lắp ghép.

Thao năm nay lên 3 tuổi, lúc mới vào Trung tâm, Thao mắc chứng tự kỷ rất nặng, thường xuyên la hét hoặc đuổi đánh những người xung quanh. Vào đây, nhờ sự kiên trì dạy dỗ của các cô, giờ Thao đã biết phát âm được 2 - 3 từ, biết tự đánh răng.

Các giáo viên còn được chuyên gia nước ngoài bồi dưỡng thêm về kỹ năng.

Và cái dễ nhận thấy nhất là Thao đã bớt la hét, cáu kỉnh đi nhiều. Cô Nga chia sẻ: “Đối với những trẻ em mắc chứng tự kỷ, điều cần nhất ở các cô giáo chính là sự kiên trì và lòng yêu thương các con chân thành. Một việc vô cùng đơn giản như dạy các con biết vỗ tay có khi cũng phải mất hàng tuần. Dạy con tự biết đánh răng có khi phải mất hàng tháng. Thế nhưng khi các con làm được rồi thì đó như món quà tặng các cô vậy”.

Chị Thúy cho biết, từ tháng 8-2017 đến nay, Trung tâm đã tiến hành can thiệp, trị liệu cho 24 em có hoàn cảnh đặc biệt, với nhiều mức độ dạng tật khác nhau như: rối loạn tăng động, giảm tập trung tự kỷ, rối loạn giao tiếp. Trong đó có nhiều em có hoàn cảnh rất đáng thương.

Như em Mùa A Vàng, ở huyện Yên Minh, cách trung tâm TP Hà Giang hàng 100 cây số. A Vàng sinh ra đã mắc chứng bệnh down nên ông bà nội thường hắt hủi 2 mẹ con. Thương con, mẹ A Vàng cũng chỉ biết ôm con mà khóc thầm.

Vậy mà, không biết được ai mách, tháng 10-2017, mẹ A Vàng bế con tới Trung tâm Giáo dục cộng đồng TP Hà Giang nhờ mọi người chữa bệnh giúp. Khoảng 5 tháng ở lại Trung tâm, A Vàng đã bắt đầu có được những nhận thức sơ đẳng.

Tuy nhiên, trong lúc bệnh tật đang tiến triển khả quan thì cả hai mẹ con A Vàng đã bị nhà nội tìm đến tận Trung tâm bắt về. Hay như trường hợp của em Mùa A Thao, 15 tuổi. Thao vừa phải trải qua một ca phẫu thuật khối u trong não.

Tuy nhiên, việc phẫu thuật chỉ đảm bảo duy trì sự sống cho em còn nhận thức thì lại bị tỉ lệ nghịch. 15 tuổi mà Thao hành động giống như một đứa trẻ lên 3. Sau khi được mọi người giới thiệu, gia đình Thao đã đưa em tới Trung tâm để được mọi người giúp đỡ. Sau một thời gian can thiệp bằng liệu trình trị liệu đặc biệt, bệnh tình của Thao đã có chiều hướng tích cực.

Dù mới chỉ thành lập chưa đầy một năm nhưng Trung tâm Giáo dục cộng đồng thành phố Hà Giang đã bước đầu đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Trong tương lai, mô hình này sẽ còn phát triển mạnh lên rất nhiều bởi lẽ nó được xuất phát từ những con người tràn đầy tình yêu thương với cộng đồng.

Phong Anh
.
.
.