Cảm động lớp học Hy Vọng của những đứa trẻ trọc đầu

Thứ Tư, 07/01/2015, 16:34
Lớp học Hy Vọng, được khai giảng từ ngày 16/11/2011 dựa trên ý tưởng của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện với mục đích tiếp thêm hi vọng cho các em nhỏ phải có mặt ở đây trong phần lớn thời gian cuộc đời của mình.

Trong khuôn viên Bệnh viện Nhi Trung ương, có một lớp học đặc biệt, một lớp học không nằm trong trường học, một lớp học mà học sinh thay đổi từng ngày, một lớp học mà thầy cô giáo có thể là bất cứ ai. Trong căn phòng rộng chừng 50m2 với vài chục em nhỏ mái đầu lơ thơ tóc là kết quả của những đợt hóa trị, xạ trị dài đằng đẵng, những đôi môi tím tái, những bàn tay nhỏ xíu chằng chịt vết tiêm, vết truyền, nhưng những ánh mắt vẫn sáng lấp lánh và nụ cười luôn nở trên môi đang ê a đọc bài. Căn phòng được dán đầy những mẩu giấy hồng hồng với những dòng chữ trẻ thơ đầy xúc động: “con muốn khỏi bệnh”, “em mong khỏi ốm”, “con muốn về với ba mẹ”,… được viết nắn nót như chính ước mơ cháy bỏng nơi những tâm hồn nhỏ bé sớm chịu thiệt thòi. Ngoài cửa treo một tấm biển xanh: Lớp học Hy Vọng.

Lớp học Hy Vọng, được khai giảng từ ngày 16/11/2011 dựa trên ý tưởng của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện với mục đích tiếp thêm hi vọng cho các em nhỏ phải có mặt ở đây trong phần lớn thời gian cuộc đời của mình. Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện tuyến đầu về chất lượng, do đó mỗi ngày phải oằn mình tiếp đón vô số những bệnh nhi tìm đến. Tình trạng quá tải xảy ra luôn luôn.

Nói về ý tưởng thành lập lớp học Hy Vọng, bác sỹ Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Tại Bệnh viện Nhi TƯ cũng như tất cả các bệnh viện trong cả nước, rất nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học không được cắp sách đến trường vì phải nằm viện dài ngày hoặc điều trị bệnh hiểm nghèo. Đã từ lâu Ban lãnh đạo bệnh viện khát khao tổ chức được lớp học ngay tại bệnh viện cho các bệnh nhi đang nằm điều trị. Nhìn các cháu trở đi trở lại bệnh viện, phải nằm viện nhiều ngày làm gián đoạn việc học ở trường, bị lưu ban không lên lớp được do nghỉ lâu không theo kịp, rồi những cháu chưa có may mắn được đi học ngày nào vì bệnh nặng, chúng tôi thật sự xót xa”.

Trước ngày khai giảng, trả lời phiếu thăm dò của bệnh viện, có đến 92,68% em nhỏ mong muốn được đến trường, được học tập ngay trong thời gian nằm viện. Đáp ứng mong mỏi đó, lớp học Hy Vọng ra đời là kết quả của tình yêu thương, của những tấm lòng thiện nguyện.

Đến lớp không chỉ để học văn hóa

Ở lớp học Hy Vọng học sinh được học làm toán, viết văn, học vẽ, học nhạc… Nhưng có một bài học bao giờ cũng được dạy ở lớp, đó là bài học về một niềm hi vọng không bao giờ ngừng tắt, về nghị lực sống không bao giờ ngừng chảy. Nhớ những ngày đầu khi lớp học còn mới mẻ với các em, ngày nào cũng có các bạn tình nguyện viên và bác sỹ đến tận giường thăm hỏi, vận động các em xuống lớp. Thời gian trôi nhanh, những bài học thú vị của tình thương mến đã thu hút được lòng vui thích của các em. Không có em nhỏ nào chờ nhắc nhở nữa, hôm nào các em cũng nhờ bố mẹ đưa xuống để tham gia với các bạn.

Bệnh nhi tham gia lớp học đa phần là các em nhỏ bị ung thư, suy thận và tiểu đường. Đối với các em hằng ngày phải chiến đấu với đau đớn, bệnh tật là một điều quá sức, quá sức cả với kinh tế gia đình các em. Có không ít gia đình phải bán cả ruộng vườn, nhà cửa chỉ mong sao các em khỏi bệnh. Nhìn những gương mặt cha mẹ vừa nặng gánh lo toan tiền bạc vừa thấp thỏm nỗi lo cho sức khỏe con em mình. Nhưng ngày nào họ cũng cõng con xuống. Bên ngoài cửa sổ phòng học các em là những cái nhìn căng thẳng dõi theo của bố mẹ, chỉ mong sao các em học ngoan, ngày hôm nay và nhiều ngày sau nữa. Từ ngày có lớp học, sau nhiều đau đớn mệt mỏi, nhớ bạn nhớ trường, lần đầu tiên những gương mặt trẻ thơ đã lại vui cười hồn nhiên, trong sáng.

Những bàn tay bé nhỏ mang băng gạc, kim tiêm nắn nót tập viết.

Các em đến đây được các thầy cô giáo hết lòng giúp đỡ, buổi học nào cũng đầy ắp tiếng cười. Các em được nghe kể về những tấm gương vượt lên hoàn cảnh, những bạn nhỏ đồng trang lứa chiến thắng bệnh tật để vươn lên, học hát những bài hát về tương lai, về ngày mai. Không biết từ khi nào, những ám ảnh bệnh tật đã không còn nữa, những hi vọng về ngày mai được thắp sáng.

Thầy cô giáo có thể là bất cứ ai

Lớp học Hy Vọng ngay từ khi thành lập đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Có mặt ở đây để giảng dạy các em có cả từ những người nổi tiếng, đến các thầy cô giáo, các bạn sinh viên, thậm chí là cả những người chưa từng qua trường lớp nào nhưng ở họ đều có chung một tấm lòng dành cho những bệnh nhi dũng cảm. Ca sỹ Thái Thùy Linh dạy nhạc, Hoa hậu Jennifer Phạm dạy vẽ, Hoa hậu Dương Thùy Linh dạy kĩ năng sống, có các thầy cô giáo Trường Nam Thành Công, và màu áo xanh của những bạn tình nguyện viên luôn túc trực bên cạnh các em.

Ở lớp học này, thầy cô giáo nhớ tên từng bạn học sinh, tình trạng bệnh và thường xuyên trò chuyện với các bé. Giáo viên luôn tự nhắc nhở nhau phải biết nắm bắt tâm lý từng em học sinh, có em nào ốm không xuống lớp được sẽ có cô giáo đến tận phòng hướng dẫn học bài. Giờ học luôn thường xuyên được thay đổi không khí, mọi người đều cố gắng làm sao để các em không cảm thấy mệt mà vẫn hăng say xây dựng bài. Các bạn tình nguyện viên luôn ở sát bên từng bệnh nhi, từ hướng dẫn bài đến tiếp nước, theo dõi tình hình sức khỏe để trong tình huống xấu nhất có thể đưa các em đi cấp cứu kịp thời.

Bệnh viện Nhi có bác sỹ, họa sỹ Hoàng Văn Quảng trong những ngày đầu của lớp, dù mang trong người căn bệnh ung thư quái ác song vẫn hằng ngày đến với các em. Những câu chuyện tiếu lâm, ngụ ngôn của thầy khiến các em rất say mê.Thầy không chỉ dạy vẽ mà còn dạy các em biết mỉm cười và mơ ước. Và còn nhiều nhiều nữa những tấm lòng tình nghĩa ngày ngày đến với các em mà không đòi hỏi thù lao.

Nghị lực của chính các em

Lớp học bắt đầu khá muộn, từ 9h30 hoặc 10h, đó là lúc các em đã hoàn tất việc thăm khám, tiêm truyền của buổi sáng. Mỗi ngày hai buổi sáng chiều, từ thứ hai đến thứ sáu, các em đều cố gắng có mặt đầy đủ. Có nhiều bệnh nhi xuống muộn hơn vì vẫn còn mệt, cũng có những em xuống lớp được một lúc lại phải về phòng. Nhưng các em luôn cố gắng mỗi ngày, ăn được nhiều hơn “để mai có sức đi học”, cố gắng tiêm truyền thật ngoan để đem khoe cô giáo.

Bước vào lớp giữa giờ học, người lớn không khỏi giật mình bởi những gương mặt xanh xao non nớt, những cái đầu lơ thơ tóc, nghiêng nghiêng nắn nót từng nét chữ, những bàn tay nhỏ xíu nhằng nhịt dây truyền. Ở cửa sổ có cậu bé đầu còn quấn băng gạc sau ca phẫu thuật trước đó một ngày, ở góc lớp có cô bé say sưa tô vẽ bằng một tay, tay kia được cố định với một dây dịch từ một chai thuốc treo ở bên cạnh, và những nỗi đau, những tiếng rên xuýt xoa… Nhưng tuyệt nhiên không em nào muốn ngừng.

Kể về những học sinh của lớp học đặc biệt này, mọi người đều nhớ đến trường hợp của bé Tiến Anh. Tiến Anh được phát hiện ung thư máu và giấc mơ đi học của bé phải dang dở vì những ngày vào viện điều trị. Nỗi vất vả như dồn hết lên vai người mẹ đơn thân trước căn bệnh quái ác của con. Hai mẹ con phải bán nhà, cầm cố đồ đạc đến thuê phòng tạm gần bệnh viện để tiện việc ngày nối ngày chữa bệnh cho con. Chị Hiền, mẹ bé Tiến Anh đã tiêu đến những đồng bạc cuối cùng mà ngày con trai chị khỏi bệnh vẫn chưa đến. Đôi mắt chị trầm buồn mỗi lần nhìn con quằn quại trong đau đớn. Từ ngày bé Anh tham gia lớp học Hy Vọng, bé cười nói nhiều hơn, kể cho mẹ nghe những chuyện vui ở lớp. Ngắm nụ cười hồn nhiên vô ngần của con, chị như được tiếp thêm hy vọng.

Hay câu chuyện của em bé Nguyễn Thị Thủy, 14 tuổi, ở Nam Đàn, Nghệ An đến giờ nhắc lại các cô giáo vẫn còn ngậm ngùi. Thủy học đến lớp 7 thì phải ngừng học vì căn bệnh u não. Vốn là một cô bé thông minh, học giỏi nên khi phải vào viện Thủy rất buồn, nhớ trường nhớ lớp đến bần thần cả người. Phần vì chữa trị quá sức, phần vì buồn chán, Thủy héo hắt từng ngày trong sự xót xa của cha mẹ. Từ ngày đến với lớp học Hy Vọng, Thủy hoạt bát hẳn dù sức khỏe vẫn còn yếu. Thủy nói, ngày nào cháu cũng cố gắng ăn nhiều hơn để sáng mai còn đi học với bạn. Niềm vui long lanh trong đôi mắt cô học trò nhỏ.

Đó là hai trong rất nhiều trường hợp các em bé dũng cảm của lớp học Hy Vọng hằng ngày chiến đấu với bệnh tật mà vẫn thi đua học tốt trong Bệnh viện Nhi TƯ. Ca chiều vừa kết thúc cũng là lúc các em bước vào đợt truyền hóa chất, tiêm thuốc khác. Có đau đớn, có tiếng khóc và những mái đầu thêm lơ thơ nhưng bài học về niềm hi vọng sẽ ở lại trong trái tim những bệnh nhi bé bỏng này.

Lớp học thường xuyên thay đổi sĩ số

Đó là chuyện thường ngày ở lớp học Hy Vọng. Ngày nào cũng có thể có thêm các em từ ngoài vào vì mới nhập viện, cũng có em nghỉ học vì bệnh nặng thêm. Mỗi một lần tăng giảm sĩ số đều làm các thầy cô giáo, những bạn tình nguyện viên thấp thỏm. Ấy là niềm vui vô bờ bến khi một em bé khỏi bệnh và được trở về nhà. Chia tay với lớp học khi đó là niềm vui, là hạnh phúc. Cũng có khi lớp học thêm vắng vì có một bệnh nhi đã phải dừng bước trước căn bệnh quái ác em mang trong mình. Đó là nỗi đau, của không chỉ bố mẹ các em mà còn của các y bác sỹ, của các thầy cô giáo.

Dẫu có những thay đổi của số lượng các em học sinh hằng ngày, hằng giờ. Lớp học Hy Vọng vẫn chưa bao giờ ngừng lại. Không ngừng hy vọng, không ngừng tin tưởng, không ngừng chiến đấu… của những chiến binh bé nhỏ và dũng cảm vô cùng!

Yến Thanh
.
.
.