Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp:

Cảm hóa giáo dục phạm nhân bằng việc thu phục nhân tâm

Thứ Năm, 20/07/2017, 11:48
Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân đòi hỏi người làm công tác giáo dục phải sáng tạo ra những phương pháp giáo dục mới, vừa hiệu quả nhưng mang tính nhân văn sâu sắc, chỉ có cảm hóa phạm nhân bằng thu phục nhân tâm, giúp họ nhận ra lỗi lầm thì phạm nhân mới chuyển từ “chống đối” sang tích cực, tự nguyện, tự giác học tập, cải tạo.


Cảm hóa những người phạm tội trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân trong các trại giam ở nước ta. 

Sinh thời, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã nói: “Muốn giáo dục phạm nhân phải nắm được đặc điểm hoạt động, thái độ cải tạo, tâm lý của phạm nhân để có biện pháp thích hợp. Phải hiểu rõ vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục cải tạo và chính sách “trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo” mới làm tốt nhiệm vụ trên”.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Từ lời dạy của cố Bộ trưởng, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nhận thức sâu sắc hai nội dung trong một vấn đề “trấn áp, trừng trị” kết hợp với “khoan hồng, giáo dục cải tạo”, phải làm tốt cả hai nội dung này mới đạt được mục đích của công tác thi hành án phạt tù. 

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), từ ngày sơ khai thành lập trại giam, công tác quản lý giam giữ phạm nhân luôn được coi trọng hàng đầu. Ngày nay, an toàn trại giam ngày càng được đảm bảo nghiêm ngặt, chặt chẽ. Hầu hết các trại giam đều ở cấp độ an ninh, an toàn cao, trật tự, kỷ cương trại giam ngày càng được củng cố, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để phạm nhân học tập, cải tạo tiến bộ.

Hướng dẫn phạm nhân lao động tại Trại giam số 3.

Bản chất của công tác giáo dục cải tạo phạm nhân là quá trình giáo dục lại. Quá trình đó phải thực hiện bằng cả tình yêu thương con người, việc thu phục nhân tâm phạm nhân phải được thực hiện bằng “cái tâm” của người làm công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, phải làm cho phạm nhân tin tưởng, cảm phục vào người cán bộ giáo dục. 

Để làm được việc đó, đòi hỏi bản thân người cán bộ làm công tác giáo dục cải tạo phạm nhân phải tận tụy, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hết lòng, hết sức vì công tác “giáo dục lại” những con người phạm tội. 

Trước hết, phải đảm bảo mọi chế độ của phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhất là chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế; phạm nhân ốm đau, già yếu, bệnh hiểm nghèo, bệnh truyền nhiễm… thường xuyên được thăm hỏi, động viên. 

Kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của phạm nhân để giúp đỡ, chia sẻ, giải đáp, giải quyết đúng pháp luật và thoả đáng mọi khiếu nại, kiến nghị chính đáng, đúng pháp luật của phạm nhân. Tổ chức cho phạm nhân học pháp luật, giáo dục công dân, học văn hoá, học nghề.

Đồng thời không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho phạm nhân như nhiều trại giam duy trì đội văn nghệ “Tiếng hát tình đời”; vào các ngày nghỉ, lễ, Tết mời đoàn văn nghệ của địa phương biểu diễn trong trại giam, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí cho phạm nhân phong phú, đa dạng…

Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân đòi hỏi người làm công tác giáo dục phải sáng tạo ra những phương pháp giáo dục mới, vừa hiệu quả nhưng mang tính nhân văn sâu sắc, chỉ có cảm hóa phạm nhân bằng thu phục nhân tâm, giúp họ nhận ra lỗi lầm thì phạm nhân mới chuyển từ “chống đối” sang tích cực, tự nguyện, tự giác học tập, cải tạo. Đây là con đường duy nhất để giúp phạm nhân trở thành người lương thiện. 

Những năm qua, Tổng cục VIII đã tổ chức nhiều cuộc thi, phát động nhiều phong trào, phạm nhân tham gia tự nguyện, nhiệt tình và có thể khẳng định đã đạt được những kết quả tích cực. 

Cuộc thi viết tự truyện “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, cuộc thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”, phong trào viết thư gửi lời xin lỗi được phát động, thu hút sự tham gia của đông đảo phạm nhân là bằng chứng cụ thể của cảm hóa phạm nhân bằng thu phục nhân tâm. 

Các tự truyện, thư gửi lời xin lỗi của phạm nhân đã được biên tập, in thành sách và phát miễn phí cho phạm nhân, nhiều tầng lớp trong xã hội cũng đã biết và rất hưởng ứng phong trào phát động này, họ thêm hiểu, có cái nhìn thiện cảm hơn đối với người phạm tội.

Hội thi tay nghề giỏi phạm nhân Trại giam số 6. Ảnh: Thiên Thảo

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng nhấn mạnh: “Giúp phạm nhân tự giác cải tạo, tự giác rèn luyện để nhận được sự khoan hồng, giảm án, đặc xá luôn được cán bộ, chiến sĩ trại giam đặc biệt quan tâm. Muốn họ tự nguyện cải tạo, tự nguyện thay đổi từ trong ý thức thì không nên sử dụng các biện pháp cứng nhắc, đôi khi việc ép buộc đối với họ sẽ tạo ra không khí căng thẳng, dễ dẫn đến tư tưởng, thái độ chống đối. Hơn ai hết, những “thầy giáo tâm hồng” đang công tác ở các trại giam phải rèn luyện tính kiên trì, bởi nhiệm vụ cảm hóa phạm nhân trở thành người lương thiện phải là một quá trình, không phải một vài ngày là xong, ngoài vấn đến về thời gian còn là vấn đề phương pháp, lúc khéo léo, nhẹ nhàng, lúc phải cứng rắn, kiên quyết”.

Thực tế cho thấy, nhiều phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về cộng đồng đã vươn lên trở thành người làm kinh tế giỏi, doanh nhân thành đạt, tích cực tham gia vào việc giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, hay tham gia vào công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự nơi mình sinh sống.

“Cải tạo tâm hồn, giúp phạm nhân chuyển biến từ trong nhận thức luôn là công việc khó khăn, gian nan nhất, nhưng người Cảnh sát trại giam cần làm được điều đó và phải cố gắng làm bằng được điều đó, hiệu quả nhất là việc thu phục nhân tâm, giúp người lầm lỗi nhận ra giá trị của cuộc sống. Mỗi con người sinh ra trên cuộc đời này đều bình đẳng và được tôn trọng như nhau, nếu anh (chị) có ý thức hướng thiện, cứ “quay đầu lại”, tự do và hạnh phúc sẽ đến”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng chia sẻ.

Trần - Đinh (ghi)
.
.
.