Cấm xích lô, dừng hoạt động xe ba bánh ở Hà Nội: Vì sao khó thực hiện?

Thứ Tư, 04/12/2019, 11:02
UBND TP Hà Nội lại đang xem xét dừng hoạt động xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người và quy định dừng hoạt động đối với xe xích lô trên địa bàn thành phố. Điều này sẽ không có gì đáng chú ý nếu như những quy định này không được thực hiện một cách nghiêm túc và kiên quyết, đồng thời sát với thực tế hơn…


Vẫn câu chuyện không quản được thì cấm…

Báo cáo của UBND TP Hà Nội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn 2030" (gọi tắt là Đề án) đã một lần nữa lại nhắc đến vấn đề: “Dừng hoạt động xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người trên địa bàn thành phố. Quy định dừng hoạt động đối với xe xích lô trên địa bàn thành phố”.

Theo UBND TP Hà Nội, xe ba bánh phục vụ đi lại của thương binh và người khuyết tật khi tham gia giao thông phải được đăng ký, đề xuất quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Hà Nội cũng cho biết, đang triển khai việc xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển việc làm đảm bảo đời sống đối với thương binh có xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người đang hoạt động. UBND thành phố cho biết đã giao cho Sở GT-VT triển khai, Sở đã có báo cáo về việc khảo sát thống kê số lượng xe ba bánh của thương binh, bệnh binh và người khuyết tật và chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ, gửi các đơn vị liên quan để hoàn thiện báo cáo. 

Đồng thời UBND thành phố đã có văn bản giao cho Sở Tư pháp thẩm định, hiện nay Sở Tư pháp đang lấy ý kiến liên ngành để hoàn chỉnh việc thẩm định trình UBND thành phố. Sở GT-VT cũng đã tham mưu UBND thành phố có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho phép UBND thành phố cùng Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe cơ giới ba bánh tự sản xuất, lắp ráp để kinh doanh vận chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm hoàn toàn xích lô hoạt động ở phố cổ Hà Nội.

Theo như những gì báo cáo nêu trên thì rõ ràng các nhiệm vụ nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông trong đó có việc cấm xích lô, dừng hoạt động xe ba bánh chở hàng có vẻ đang được thực hiện một cách quyết liệt từ các sở, ban, ngành… Thế nhưng, ghi nhận của phóng viên những ngày gần đây cho thấy, trên nhiều con đường tuyến phố của thủ đô, xe ba gác, xe tự chế ngang nhiên hoạt động. Nơi tập trung nhiều loại xe này nhất là ở các tuyến phố có cửa hàng bán đồ gỗ, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng… hầu hết đó là những xe không được cơ quan chức năng kiểm định.

Phương tiện giao thông không có lỗi

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố có khoảng hơn 200 xích lô được đăng ký. Từng có thời điểm Hà Nội đề xuất dừng cấp phép cho xe xích lô, thế nhưng sau khi các đơn vị kinh doanh du lịch có ý kiến, Hà Nội đã đề xuất cho cấp phép trở lại, song với số lượng giới hạn chừng 20 chiếc/đơn vị. 

Về xe ba bánh, chính thức chỉ có hơn 30 xe ba bánh đã đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh. Tuy nhiên, cả Hà Nội có khoảng hơn 4.300 trường hợp sử dụng xe 3-4 bánh tự chế. Còn theo thống kê của Sở GT-VT Hà Nội và liên ngành, trên địa bàn thành phố tổng cộng có 1.316 người là thương - bệnh binh và người khuyết tật sử dụng xe 3 bánh tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa, trong đó có 964 thương binh, 103 bệnh binh và 249 người khuyết tật. 

Về độ tuổi, số lượng thương binh trên 60 tuổi chiếm 63%; độ tuổi từ 50 - 59 chiếm 32,67%; độ tuổi dưới 50 có 6 người (chiếm 0,69%). Với bệnh binh, độ tuổi trên 60 chiếm gần 70%; độ tuổi từ 50 đến 59 chiếm 30%; độ tuổi dưới 50 chỉ có 1 người (chiếm 1,07%)... 

Bên cạnh đó, có 544 trường hợp (chiếm 41,34%) có nguyện vọng giữ lại phương tiện sử dụng; 93 trường hợp (chiếm 7,07%) có nguyện vọng chuyển đổi xe; 39 trường hợp (chiếm 2,96%) có nguyện vọng chuyển đổi nghề; 114 trường hợp (chiếm 9,04%) có nguyện vọng hỗ trợ việc làm; 12 trường hợp (chiếm 0,91%) có nguyện vọng hỗ trợ 1 lần, 395 trường hợp (chiếm 301,01%) có nhu cầu khác hoặc không nêu ý kiến nhu cầu cụ thể)…

Khi nghe thông tin Hà Nội sẽ quyết liệt “cấm xích lô, dừng hoạt động xe ba bánh”, không ít người dân, thậm chí cả chuyên gia về an toàn giao thông đều tỏ vẻ ái ngại.  Bởi việc này đã được bàn cách đây gần chục năm, và chính thức đưa vào Đề án của Hà Nội từ năm 2017, nhưng đến nay câu chuyện cấm xe ba bánh, chuyển đổi nghề ra sao; cấm hẳn xích lô hay chỉ cấm không cho hoạt động tại một số khu vực vẫn là một bài toán mông lung, mà ngay cả chính Sở GT-VT, đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề này, vẫn chưa thể đưa ra mốc thời gian cụ thể. Phải chăng đây là những chính sách “trên trời” nên khó thực hiện?

Hà Nội hiện có hơn 30 xe ba bánh được cấp đăng ký chính thức.

Ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng: Trên thực tế phương tiện giao thông không có lỗi mà là người sử dụng và người quản lý khai thác phương tiện ở thời điểm đấy, không gian đấy có đúng hay không mà thôi. 

Theo ông Minh, xe ba bánh tự chế có số lượng lớn không qua đăng kiểm chở hàng cồng kềnh ngang nhiên lưu thông gây nguy hiểm cho người đi đường và phương tiện khác là điều cần xử phạt nghiêm. Thế nhưng đó cũng là phương tiện của những thương binh. Nếu chúng ta quản chặt việc cấp phép cho những thương binh thật, đồng thời sớm đưa ra giải pháp chuyển đổi nghề phù hợp thì không cớ gì mà họ từ chối. Hay như vấn đề cấm xích lô, đứng từ góc độ quản lý về giao thông, có lẽ chủ trương trên là đúng. Nhưng đứng từ góc độ của du lịch, lệnh xóa bỏ này chưa hoàn toàn đúng. 

Trước sự xuất hiện của nhiều loại phương tiện giao thông hiện đại như xe điện, taxi… nhiều du khách vẫn chọn xích lô làm “bạn đường” để thong dong thăm thú phố phường Hà Nội. Bản thân xích lô là một nét văn hoá đặc trưng của Hà Nội như tàu điện ngày xưa. Những thành phố cổ kính như Thủ đô Hà Nội với 1.000 năm văn hiến, việc xoá bỏ nét văn hoá xưa là vô cùng đáng tiếc. "Thay vì xoá bỏ, các cơ quan chức năng nên quy hoạch lại những tuyến phố mà xích lô có thể hoạt động phục vụ cho du lịch", ông Minh bày tỏ quan điểm.

Từng nhiều lần được hỏi về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng quản không được thì cấm là do lịch sử để lại chứ đây không còn là vấn đề tầm nhìn nữa. Đây là thực trạng, hậu quả của “bệnh” quản lý theo nhiệm kỳ. 

Ông cũng không quên phân tích tầm quan trọng của xích lô du lịch: "Khách du lịch đến Hà Nội đều mong muốn được trải nghiệm với xích lô giống như việc họ thích đi cày ruộng khi đến Việt Nam vậy. Như Malaysia cũng có xích lô du lịch, thậm chí họ còn đầu tư trang trí cho phương tiện này đẹp hơn để kinh doanh du lịch. Vì thế, sự tồn tại của xích lô là để cho du lịch Hà Nội có thêm dịch vụ hấp dẫn khách du lịch. Có lẽ chính vì vậy mà các cấp quản lý vẫn chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, mà chỉ là những đề xuất trình lên chưa rõ đáp án bởi vì hai chữ "thận trọng, dung hòa".

Không chỉ có chuyên gia giao thông, một Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội UNESCO TP. Hà Nội cũng từng cho biết: “Từ lâu xích lô được ví như một nét văn hóa rất đẹp của thủ đô, cần đượcgìn giữ! Tôi đã làm nhiều chương trình với khách du lịch quốc tế, hầu hết họ rất thích tour đi xích lô tham quan phố cổ của ta. Đi xích lô rất thuận tiện, ngồi trên xích lô du khách vẫn có thể quay phim chụp ảnh, sống chung, hòa vào với khung cảnh xung quanh. Rất sôi động mà lại an toàn. Ngồi trên xe, có cảm giác như đang ngắm một sân khấu sống động... Bên cạnh đó, đây còn là loại phương tiện rất sinh thái, không gây khói, bụi, thân thiện với môi trường thì tại sao lại bỏ đi?

 “Nếu thành phố xóa bỏ loại phương tiện này, rất nhiều lao động đang hành nghề đạp xích lô sẽ mất việc, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình. Do đó, thành phố nên quy hoạch riêng tuyến phố cho xích lô hoạt động, vào những giờ nhất định”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Phạm Huyền
.
.
.