Ứng xử với các công trình văn hóa:

Cần Văn hóa

Thứ Ba, 18/06/2013, 10:49

Chưa biết rồi tới đây, Sở tài nguyên- Môi trường Hà Nội sẽ ứng xử thế nào với câu chuyện liên quan đến Phủ Thành Chương, được cho là sai phạm vì xây dựng không có giấy phép trên một diện tích rừng đặc dụng.

Quan điểm của Sở thì đã có, là “xử nghiêm”, "xử đến cùng". Nhưng với một công trình mang đậm đặc tính văn hóa như Phủ Thành Chương, chuyện "xử đến cùng" xem ra vẫn có điều gì đó khiến chúng ta giật mình. Và không thể không suy nghĩ...

Có lần, một họa sĩ nổi tiếng chia sẻ, rằng ông rất buồn là những tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, đặc biệt nhất của giới hội họa thường lại được bán ra nước ngoài. Nhà nước gần như không có ý định bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần ấy bằng cách mua lại hay lưu giữ trong các bảo tàng, trưng bày trong các triển lãm. Thảng hoặc phía Bảo tàng Mỹ thuật mới ngỏ ý mua tranh của ai đó với giá rất rẻ, và cũng không tiêu biểu.

Trong nhiều lĩnh vực văn hóa khác cũng đang xảy ra các câu chuyện tương tự. Nhà nước chưa nhìn thấy những lợi ích của việc giữ gìn các giá trị văn hóa, khuếch đại tầm ảnh hưởng của mỗi tác phẩm nghệ thuật, mỗi công trình văn hóa một cách hợp lý để làm giàu có thêm kho tàng văn hóa của dân tộc, và làm cho nhân dân được hưởng lợi.

Liên hệ với câu chuyện Phủ Thành Chương - một quần thể kiến trúc - văn hóa được họa sĩ Thành Chương tự bỏ tiền ra xây dựng, từ lâu đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhiều  đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Thành phố đã từng đến tham quan và thừa nhận Phủ Thành Chương như là một "di sản văn hóa mới". Phủ Thành Chương đã từng đón tiếp Vua, Hoàng hậu và các nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam. Một số Bảo tàng, các Tổ chức văn hóa lớn trên thế giới cũng đã có hồ sơ về Phủ Thành Chương...

Một góc phủ Thành Chương.

Một cá nhân làm được như vậy, xét một mặt nào đó, là đã biến giấc mơ thành hiện thực, đóng góp to lớn vào việc bảo tồn di sản văn hóa quốc gia. Nếu Nhà nước đã thừa nhận những giá trị văn hóa kết tinh từ công trình Phủ Thành Chương, thì Nhà nước sẽ ứng xử thế nào nếu Phủ Thành Chương bị Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội xóa bỏ?

Liệu có thể ứng xử với một quần thể văn hóa như Phủ Thành Chương như đối xử với một hộ gia đình có dấu hiệu sai phạm về mục đích sử dụng đất, và "xử đến cùng" theo quan điểm của Sở đưa ra?

Sau hơn 10 năm xây dựng, tồn tại, đã bén rễ vào đời sống văn hóa người Việt như một "thiết chế văn hóa", nay Phủ Thành Chương đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ, như một minh chứng cho sự sửa sai của chính quyền cơ sở, nên chăng?

Rõ ràng vấn đề này đang rất cần biện pháp chỉ đạo kịp thời, hài hòa và có lợi, từ phía Nhà nước. Bởi dường như đây không còn là câu chuyện ứng xử với cá nhân họa sĩ Thành Chương, mà đã là câu chuyện ứng xử với văn hóa. Những người từng đến thăm Phủ Thành Chương, đã nhìn thấy khối quần thể văn hóa chứa nhiều tầng bậc, lớp lang mà chủ nhân đã sưu tầm, gìn giữ không thể không cảm thấy tự hào.

 Và không ít người tự hỏi, trên một mảnh đất chưa đầy 1 héc ta, họa sĩ Thành Chương đã sáng tạo ra được một quần thể văn hóa Việt có sức thuyết phục và gợi mở, thì một chút sai phạm, có cần thiết khiến Nhà nước và các Sở ngành phải bận lòng đến vậy?

Và một khi đã bận lòng, sao không nghĩ đến việc giúp họa sĩ Thành Chương bảo tồn, phát triển, quảng bá các giá trị mà ông đã dày công tạo nên, thay vì phá bỏ hay xóa sổ? Ứng xử với các công trình văn hóa, chưa bao giờ là đủ nếu chỉ bằng những quy định cứng nhắc...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Riêng câu chuyện liên quan đến Phủ Thành Chương, cần được đưa ra công khai thảo luận...

Ở ta từ xưa tới nay có một cái lệ là người ta quen việc lấy của Nhà nước về làm của riêng, nghĩa là tư nhân hóa những thứ của Nhà nước, chứ không ai nghĩ đến việc Nhà nước hóa những giá trị mà tư nhân tạo ra, đặc biệt là các giá trị tinh thần. Cho dù, việc Nhà nước hóa những giá trị đó là cực kỳ có lợi cho quốc gia.

Về câu chuyện liên quan đến Phủ Thành Chương, tôi cho rằng, nếu Nhà nước có một chính sách đúng đắn về văn hóa, Nhà nước phải "xắn tay" vào, trợ giúp, phát triển và quảng bá, thì cái lợi mà Nhà nước nhận được sẽ là rất lớn. Vì đây là một quần thể văn hóa, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam bao đời được kết tinh lại.

Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây được rất nhiều khách quốc tế đến viếng thăm. Nó cũng là địa chỉ văn hóa nằm trong rất nhiều chương trình hoạt động mang tính Nhà nước. Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, các Bộ ngành đều đưa khách quốc tế đến đây để giới thiệu với họ về những giá trị văn hóa Việt cô đọng và nguyên khiết nhất.

Vậy thì bây giờ Sở Tài nguyên - môi trường đề cập vấn đề "xử lý đến cùng" Phủ Thành Chương để nhằm mục đích gì? Phải chăng là phá nó đi, để trồng một ít cây thế vào đó? Chúng ta lẽ nào lại ngồi nhìn một sự mất mát như vậy với một tâm thế bàng quan, hoặc là sẵn sàng vứt bỏ một giá trị văn hóa đã được thừa nhận để đổi lấy một sự "đúng" cứng nhắc, muộn màng nào đó của Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội?

Không một cá nhân nào có thể được quyền xây dựng những công trình đồ sộ cỡ Phủ Thành Chương mà không được chính quyền cho phép? Cho nên, nếu sai, thì anh Thành Chương không phải là người sai đầu tiên. Và chúng ta không thể chấp nhận việc "chính quyền" sửa sai bằng cách phá bỏ hoàn toàn mồ hôi, công sức, sáng tạo của một người nào đó trong nhân dân.

Riêng câu chuyện liên quan đến Phủ Thành Chương, tôi đề nghị phải được công khai đưa ra thảo luận, không thể nói chuyện công quyền cứng nhắc. Vì đây không phải là một khu nhà dân bình thường, hay khu vui chơi, giải trí như resort, khách sạn 5 sao... Mà đây là một quần thể văn hóa đã được thừa nhận. Về một nghĩa nào đó đây cũng chính là di sản văn hóa mà nhà nước cần có chiến lược bảo vệ.

Họa sĩ Thành Chương:
                              
Nếu Phủ bị phá đi, thì thiệt cho Nhà nước

Suốt những ngày qua tôi đã chọn thái độ im lặng với báo giới. Tôi không có ý định lên tiếng, không nói bất cứ một điều gì liên quan đến câu chuyện Phủ Thành Chương. Thực chất đến giờ phút này, cũng chưa có một cơ quan công quyền nào đến hỏi tôi về việc này.

Quay lại việc xây dựng Phủ Thành Chương nhiều năm về trước, tôi có thể nói rằng khi quyết định làm một công trình văn hóa lớn như vậy, tôi không có một mục đích gì khác ngoài mục đích tối thượng là bảo tồn các giá trị văn hóa Việt mà bao đời cha ông chúng ta đã sáng tạo ra.

Nếu cá nhân tôi có một sự tính toán nào đó, dù nhỏ, thì chắc chắn Phủ Thành Chương không thể ra đời. Vì đất thì đi thuê trong 50 năm. 50 năm sau mình có còn gì trên đời để mà chứng kiến những chuyện dù tốt dù dở với những thứ mình đã xây dựng nên?

Nhưng với nguyện vọng bảo tồn các giá trị đẹp của văn hóa Việt đang có nguy cơ mất dần đi, tôi vẫn quyết tâm làm. Và cho đến giờ phút này tôi vẫn nghĩ, tôi đã biến giấc mơ thành hiện thực, khi từ một quả đồi hoang hóa, tôi đã dựng lên đó cả một công trình kiến trúc, văn hóa, là nơi để rất nhiều người, từ các nhà chính trị nổi tiếng thế giới, đến lãnh đạo các Đảng, Nhà Nước, các Bộ ban ngành từ Trung ương tới địa phương và người dân dù ở tầng bậc nào cũng đều có thể ghé thăm và để lại những dòng lưu niệm đầy cảm tình, trân trọng.

Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, mặc dù những giá trị kinh tế là của gia đình Thành Chương (chúng tôi đổ tiền đổ của để xây dựng), nhưng giá trị tinh thần mà công trình tạo ra  thì là của chung toàn xã hội. Nên khi có ai đó hỏi tôi rằng cảm xúc của tôi ra sao nếu Phủ Thành Chương bị đập đi trong nay mai, thì tôi trả lời rằng tôi cũng sẽ không có gì bận lòng. Vì cái thiệt nếu có, thì là thiệt cho đất nước, cho nhân dân, là sẽ mất đi một địa chỉ văn hóa từ lâu đã thành quen thuộc.

Tôi cũng nói rõ hơn là toàn bộ khu Việt Phủ Thành Chương không phải được xây dựng trên đất rừng. Bởi nếu là đất rừng cần bảo vệ thì không chính quyền nào để cho tôi làm, và tôi cũng không dám làm. Đất của tôi được thuê là đất liền kề, là đất lưu không giữa đất rừng và thổ cư.

Hơn chục năm về trước, khi tôi xây dựng Việt Phủ, quả đồi này rất trơ trọi, lơ thơ vài bóng cây. Người ta trồng rừng không hiệu quả thì bỏ hoang, rồi chính quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, cho phép người dân có thể dùng vào mục đích kinh doanh, làm kinh tế. Tôi xây một cái Phủ rộng lớn, không phải một con kiến mà bảo chính quyền làm ngơ, không cho phép mà cứ làm...

Thanh tra Sở Tài Nguyên - Môi trường Hà Nội kết luận về một số trường hợp chuyển nhượng đất, xây dựng công trình không phép trên đất rừng do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn quản lý.

Theo đó, vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh bị cho là xây nhà trái phép tại xã Minh Phú, còn họa sĩ Thành Chương được cho là đã xây dựng Việt Phủ Thành Chương trên khu đất có diện tích là rừng đặc dụng.

Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội kết luận, để xảy ra tình trạng này là do Công ty lâm nghiệp Sóc Sơn ký hợp đồng không đúng quy định pháp luật khi cho thuê đất; thiếu giám sát trong quản lý đất lâm nghiệp dẫn đến các hộ gia đình mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Cán bộ địa chính và thanh tra xây dựng xã bị cáo buộc buông lỏng quản lý.

Chiều 7/5, trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Sở Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay, đã có văn bản xin ý kiến cuối cùng của UBND thành phố. Ông Nghĩa cũng cho hay, quan điểm của Sở là xử nghiêm những trường hợp vi phạm.

Hội Quân
.
.
.