Cần biết "uốn lưỡi 7 lần" trước khi lên facebook

Thứ Bảy, 08/02/2020, 10:58
Ngày 5-2, lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, đã có văn bản đề nghị Sở Thông tin truyền thông Quảng Ngãi mời chủ tài khoản Facebook Lương Hoàng Anh đến làm việc, liên quan đến những thông tin sai sự thật về tỏi Lý Sơn.


Trước đó, ngày 4-2, cư dân mạng xôn xao vì tài khoản Lương Hoàng Anh đăng ảnh chụp đĩa tỏi và loan tin: "Năm nay, toàn bộ giáo dân đảo bé Lý Sơn thu hoạch được 49kg tỏi cô đơn Lý Sơn. Tôi không dùng tỏi đảo lớn nữa vì cả đảo đã nhiễm thuốc trừ sâu, nguồn nước giếng bơm lên tưới giờ cũng toàn thuốc trừ sâu. Nên sản lượng tỏi sạch chỉ có từng này". Tiếp đó, tài khoản này rao bán tỏi với giá 700.000 đồng cho 300gr.

Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, thông tin về tỏi Lý Sơn đã khiến dư luận xôn xao, người dân ở Lý Sơn bức xúc. Chủ tài khoản Facebook Lương Hoàng Anh không hề biết Lý Sơn mới xuống giống vụ tỏi, gần hai tháng nữa mới thu hoạch, lấy đâu ra 49kg tỏi cô đơn mà dân đảo Bé thu bán cho chủ tài khoản Facebook này. Ngoài ra, hơn 22.000 người dân Lý Sơn vẫn sử dụng nước giếng trong sinh hoạt và sản xuất, việc kiểm nghiệm nguồn nước sinh hoạt vẫn nằm trong quy định cho phép, dựa vào cơ sở nào để nói nước nhiễm thuốc trừ sâu.

"Cần phải làm rõ động cơ, mục đích đăng tin bài viết thiếu căn cứ, không chính xác nhằm có biện pháp xử lý phù hợp và đúng quy định. Chúng tôi sẽ làm việc và thông tin cho dư luận trước ngày 15-2", lãnh đạo huyện Lý Sơn khẳng định.

Câu chuyện này một lần nữa cho thấy những thông tin không đúng sự thật sẽ có tác động rất tiêu cực tới hoạt động sản xuất của người dân. Khi số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam ngày càng lớn thì những thông tin trên mạng xã hội cũng tác động rất lớn tới đời sống. Đặc biệt là trên Face book của những người nổi tiếng hoặc có nhiều người theo dõi thì bất kể một thông tin nào được đăng tải cũng lập tức được nhiều người theo dõi, chia sẻ.

Không chỉ Face book của người nổi tiếng hoặc được nhiều người theo dõi, ngay cả facce book của những người bình thường nhưng khi có thông tin bất thường được đăng tải cũng sẽ gây hệ luỵ. Mới đây, Công an huyện Krông Pa (Gia Lai) đã xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Phan Hồng Dung (36 tuổi) vì đưa tin giả "4 người dân uống thuốc trừ sâu tự tử vì dưa" lên mạng facebook.

Ngày 4-2, Công an huyện Krông Pa phát hiện khoảng 14h ngày 4-2, tài khoản facebook "Phan Hồng Dung" đăng thông tin: "Đêm qua tại Đất Bằng _ Phú Túc đã có 4 người dân uống thuốc sâu vì dưa hấu .May là đưa đi cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Xót xa quá!...". Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Công an huyện Krông Pa xác minh, khẳng định trên địa bàn huyện không xảy ra vụ việc trên và triệu tập người đăng tin thất thiệt đến làm việc ngay trong chiều ngày 4-2. Tại trụ sở công an, Phan Hồng Dung, đầu mối thu mua dưa trên địa bàn huyện Krông Pa thừa nhận đã đưa tin không chính xác lên facebook. Nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, Dung đã tiến hành gỡ bỏ bài viết, xin lỗi và đính chính lại thông tin sai sự thật.

Mới đây, ngày 3-2, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, đã quy định rõ mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo trên mạng xã hội. Nghị định mới của Chính phủ quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với nghị định Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây. Một nội dung đáng chú ý trong Nghị định mới đó là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Điều 101 Nghị định mới quy định mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; các thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn. Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội hay cung cấp các ấn phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa được phép lưu hành.

Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời quy định sử dụng các biện phép khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định.

Người xưa có câu "trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần" để dạy sự cẩn trọng khi phát ngôn. Trong thời đại công nghệ này, sự cẩn trọng càng trở nên cần thiết, bởi mỗi người cùng với quyền tự do ngôn luận còn có trách nhiệm công dân với xã hội.

Tân Lương
.
.
.