Cán bộ dân số bỗng dưng bị "đẩy ra đường"

Thứ Tư, 25/11/2015, 07:50
Gần 10 cán bộ dân số ở Huyện Thạch Thất- Hà Nội bỗng dưng bị ngừng trả lương do không thi đỗ viên chức. Đây là những người đã gắn bó với công tác dân số của huyện, người nhiều nhất cũng đã 30 năm, người ít cũng dăm, bảy năm. Bỗng dưng bị đẩy ra đường, không trợ cấp, họ hoang mang không hiểu lý do.

Cả đời làm việc không có hợp đồng

Sau nhiều năm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ thì vào ngày 28/9/2015, 23 cán bộ dân số huyện Thạch Thất nhận được quyết định số 113/QĐ-UBND về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Theo thông tin từ phía huyện Thạch Thất thì có 2 người đã quá tuổi, 6 người không đúng trình độ chuyên môn (dù họ đã có thâm niên làm công tác dân số trên 5 năm) và một người không dự thi. Số còn lại, 14 người dự thi đã không trúng tuyển và buộc thôi trả lương. Trong đó có những cán bộ đã làm việc từ mức lương khởi điểm chỉ 60 ngàn và đến bây giờ, sau 27 năm công tác, các chị cũng chỉ được hưởng mức trợ cấp hàng tháng 1 triệu 150 ngàn đồng, không được đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội.

Khi được hỏi lý do vì sao những người có thâm niên công tác lâu năm, có cống hiến như vậy lại không được xét đặc cách theo luật viên chức, lãnh đạo huyện Thạch Thất trả lời: "Vì họ thiếu tiêu chuẩn đóng bảo hiểm ba năm liên tục". Nhưng thử hỏi với mức lương vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng, thì sống còn chưa đủ nói gì đến chuyện đóng bảo hiểm.

Trong hồ sơ gửi kèm đơn thư phản ánh có những quyết định ký hợp đồng với các cán bộ dân số này từ những năm 1986, 1993, 1996 và cả năm 2010. Tuy nhiên, đã hết hạn hợp đồng nhưng huyện Thạch Thất vẫn không tiếp tục ký với các cán bộ, cũng không đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho người lao động mà cứ tự động sử dụng các cán bộ này vào công việc chuyên trách dân số như trước đây vẫn làm.

Chị Chiều bên chồng và con gái.

Được biết, năm 2012, Sở Nội vụ có ban hành công văn đề nghị các Ủy ban quận, huyện tổ chức thi tuyển viên chức cho các cán bộ phụ trách dân số. UBND huyện Thạch Thất xây dựng kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 30/11/2012 về việc tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện Thạch Thất. Nhưng sau đó, theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất thì do một số văn bản thay đổi nên việc thi tuyển đã không diễn ra, cho đến tận ngày 19/12/2014, UBND huyện Thạch Thất tiếp tục xây dựng kế hoạch số 200/KH-UBND về tuyển dụng viên chức.

Đến lúc này thì 9 trong số 23 người từng làm cán bộ phụ trách dân số không đủ điều kiện dự thi. Theo tìm hiểu của phóng viên, đề thi theo yêu cầu phải có phần liên hệ thực tế công tác dân số. Nhưng trong đề thi của huyện Thạch Thất chỉ hỏi những câu chung chung về các quy định, nghị định chứ không liên quan gì đến chuyên ngành mà họ cần tuyển. Khi được hỏi về đề thi, lãnh đạo huyện Thạch Thất khẳng định đã có cái riêng, nhưng chỉ ra cái riêng ở đâu thì họ lúng túng không biết.

Những tiếng kêu tuyệt vọng

Hầu hết các cán bộ phụ trách dân số của huyện Thạch Thất đều là những phụ nữ có hoàn cảnh đáng thương. Họ là những người lao động chân chất, mộc mạc, thực sự hoang mang vì bỗng dưng bị đẩy ra đường sau nhiều năm làm việc và cống hiến. Nhiều chị được nhận kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp dân số. Dù chỉ với mức thu nhập thấp, 1 triệu 150 ngàn đồng một tháng, nhưng với nhiều chị, đó là nguồn sống hàng ngày của cả gia đình.

Những câu chuyện được kể lại đầy xót thương. Có chị làm công tác dân số từ những ngày còn rất nghèo. Vận động chị em đặt vòng, nhiều khi các chị phải rút những đồng tiền cuối cùng để mua sữa, mua thuốc bồi bổ cho người dân, để động viên họ làm tốt công tác dân số.

Chị Nguyễn Thị Nhài, người có thâm niên 30 năm làm công tác dân số lo lắng không biết mình sẽ làm gì để duy trì cuộc sống gia đình mẹ góa con côi. Chị Nhài học chuyên ngành y sĩ tại Trường trung cấp Y Hà Nội về công tác tại trạm y tế xã Bình Phú. Năm 1995, một tai nạn rủi ro khiến chồng chị qua đời. Trong tình cảnh hoang mang tột độ, suy sụp cả về sức khỏe lẫn tinh thần, chị không còn khả năng làm việc tại trạm y tế xã.

Tháng 9/1996, chị Nhài được UBND xã Bình Phú cử làm cán bộ chuyên trách ngành Dân số- Kế Hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). "Từ đó đến nay, tôi luôn cố gắng trong các phong trào của địa phương để vơi đi nỗi buồn của bản thân và nuôi dạy hai con trưởng thành. Trong quá trình công tác, tôi được các cấp lãnh đạo khen thưởng nhiều giấy khen và kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp dân số. Cứ như vậy, tôi miệt mài công tác đến tháng 11/2012.

Lúc này UBND huyện Thạch Thất xây dựng kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 30/11/2012 về việc tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện Thạch Thất. Tôi là một trong số 12 người được xét tuyển để trở thành viên chức nhà nước". Nhưng thực tế, cuộc thi tuyển đó đã không diễn ra và chị Nhài vẫn làm công tác dân số cho đến ngày 19/12/2014, UBND huyện Thạch Thất tiếp tục xây dựng kế hoạch số 200/KH-UBND về việc tuyển dụng viên chức thì chị Nhài lại bị gạt ra ngoài vì quá tuổi 45. Sau đó, chị lần lượt nhận được công văn yêu cầu bàn giao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách mới kèm với những quyết định thôi trả lương cho chị của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thạch Thất kể từ ngày 1/10/2015.

"Sau gần 30 năm công tác và cống hiến cho sự nghiệp Y tế - Dân số, tôi bỗng nhiên bị UBND - Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thạch Thất "đuổi ra đường không thương tiếc". Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi mà còn khiến bản thân tôi cảm thấy vô cùng hoang mang, thất vọng tột độ. Tôi đã gửi đơn kiến nghị này phản ánh đến UBND thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ, Chi cục Dân số thì đều nhận được câu trả lời là đã chuyển về UBND huyện Thạch Thất. Tuy nhiên, UBND huyện Thạch Thất không trả lời đơn thư của tôi mà còn có những biểu hiện né tránh, che lấp sự việc", chị Nhài nói.

Chị Nguyễn Thị Chiều cũng là một trường hợp đặc biệt. Bởi sau kỳ thi tuyển viên chức, chị không đạt. Nhưng hiện tại địa bàn mà trước đây chị Chiều phụ trách không có người thi đỗ viên chức. Vì thế, chị Chiều được chính Giám đốc Trung tâm Dân số và KHHGĐ gọi điện mời đến ký hợp đồng với điều kiện: "Chị phải rút đơn khiếu nại mới được ký hợp đồng".

Chị Chiều làm công tác dân số đã hơn 12 năm, từ mức lương tối thiếu 170 ngàn đến 1 triệu 150 ngàn đồng. Suốt 12 năm đi làm, chị không được ký hợp đồng, lúc đầu do xã trả lương nhưng đến tháng 7 năm 2010 thì chị được chuyển toàn bộ lương xuống trung tâm và huyện trực tiếp chi trả. Chị Chiều hoang mang vì một mình gồng gánh gia đình với hai đứa con thơ. Chồng bị tai nạn lao động, cụt một tay, sức khỏe yếu.  Hàng ngày, chị phải nhận may gia công, mỗi ngày thu nhập 60 ngàn đồng, kiếm sống qua ngày.

"Hết ngày hôm nay là hết việc, tôi cũng chưa biết tính thế nào với tương lai, cả chuyện học của hai đứa con. Nếu gọi tôi đến ký hợp đồng rồi chỉ được 1 năm lại chấm dứt thôi trả lương thì cũng không có ý nghĩa gì, vì điều tôi cần là một sự đảm bảo lâu dài".

Những người phụ nữ này vẫn chưa hết bàng hoàng vì bị buộc thôi việc.

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại, ở Thạch Thất có hơn 20 người gắn bó lâu năm với công tác DS-KHHGĐ, có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có người thuộc diện hộ nghèo của xã. Một số trong họ đã được bố trí sang làm những công việc khác như Hội chữ Thập đỏ, Hội phụ nữ. Còn lại 9 người, vẫn không có việc làm khi họ đang ở độ tuổi lao động và từng có nhiều năm cống hiến, làm việc. Trong đó có trường hợp chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Chàng Sơn có hợp đồng lao động được chính Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất ký từ năm 1996. Và theo luật sư Trần Đình Triển, với văn bản này, chị Huyền được hưởng mọi quyền lợi của người lao động như một viên chức nhà nước. Thế nhưng, khi PV đưa quyết định của chị Huyền ra, thì cả Ban Lãnh đạo huyện Thạch Thất lúng túng cho rằng, không biết đến quyết định này.

Bỗng nhiên bị mất việc càng khiến cuộc sống của các cán bộ dân số rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Không nhận được câu trả lời xác đáng, những người phụ nữ tội nghiệp này lại tìm đến các cơ quan báo chí để mong có một giải pháp, một cứu cánh nào đó cho thời gian mấy chục năm cống hiến và hi sinh vì sự nghiệp của họ. Hơn lúc nào hết, gần 20 con người đang phải đối diện với những khủng hoảng, bế tắc khó có thể giải quyết nếu không có sự quan tâm thực sự từ các cấp có trách nhiệm và thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thạch Thất

Huyện có tổ chức một kỳ thi viên chức vào các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện Thạch Thất, tuy nhiên hơn 20 cán bộ này đã không đáp ứng được kỳ thi và theo quy định thì chúng tôi đã ngừng chi trả lương cho hơn 20 người này - nhận bàn giao theo yêu cầu của UBND huyện. Trước khi UBND huyện Thạch Thất tổ chức kỳ thi viên chức, tôi cũng có góp ý là những người đáp ứng đầy đủ yêu cầu để đặc cách thì chỉ có 8 người, số còn lại thì bằng cấp không phù hợp hoặc không có chứng chỉ dân số. Họ chỉ có thâm niên công tác. Chính vì thế huyện đã tổ chức xét tuyển theo hình thức vừa thi vừa xét điểm tốt nghiệp. Và những cán bộ nào thi không đỗ thì sẽ chính thức bàn giao công việc và nghỉ làm.

Về việc xét đặc cách, khi tôi tiếp nhận vị trí Giám đốc Trung tâm thì tôi được biết hơn 20 cán bộ này không được ký hợp đồng, không được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì không có căn cứ để xét đặc cách. Nhưng bản thân tôi chỉ là Giám đốc Trung tâm và nguồn chi trả lương từ trên huyện, huyện không có thông báo thì chúng tôi không thể thực hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng- Phó chủ tịch huyện Thạch Thất trong cuộc làm việc với báo chí sáng ngày 18-11-2015 vẫn khẳng định những việc làm của huyện là đúng. Tuy nhiên khi được hỏi cụ thể về việc sử dụng lao động không có hợp đồng và chế độ chính sách cho những người làm công tác dân số, ông Hồng hứa sẽ giải quyết công việc cho các cán bộ y tế bị sa thải theo 3 hướng, tìm cho họ một công việc khác phù hợp, hoặc sẽ thực hiện chế độ chính sách đối với những người làm công tác dân số với mức bồi thường 350 ngàn một năm theo thâm niên lao động. Tuy nhiên, đến bây giờ, sau hơn nửa năm từ kỳ thi tuyển, thì huyện vẫn chưa có một động thái nào đối với những người bỗng dưng bị đẩy ra đường.

Nhóm PV
.
.
.