Cán bộ thú y - hiểm nguy vì chống tiêu cực

Thứ Bảy, 21/12/2013, 09:00

"Việc theo dõi và phát hiện thực phẩm bẩn, biến chất đã khó, đến khi xử lý cũng khó xác định được chủ hàng để phạt, đó là chưa kể việc bị những đối tượng côn đồ liên quan chửi bới thậm tệ, thách thức, tạt nước dơ vào người rồi rượt đuổi hành hung gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng… Đây là "đặc trưng nghề nghiệp" của các cán bộ thú y như chúng tôi", bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng trạm Thú y quận Tân Bình, phân trần về công việc của mình.

Ngăn chặn tẩu tán thực phẩm bẩn, cán bộ thú y bị đuổi đánh

Một vài năm gần đây, nhờ sức tiêu thụ mạnh nên thị trường Tp HCM đã trở thành "điểm đến" của các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tuồn vào với số lượng lớn. Sau quá trình theo dõi, khoảng 8h50 sáng 11/12, đoàn cán bộ của Trạm thú y quận Tân Bình đã kiểm tra nhà xe Xuân Tùng (678 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình, Tp HCM) và phát hiện xe khách BS 43B-008.53 đang xuống ba thùng xốp chứa tổng cộng 208kg phụ phẩm heo, bò (lòng heo, tai heo, da heo, chân trâu bò) không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, không bảo quản lạnh. Lô hàng có dấu hiệu tím tái, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối...

Khi cán bộ thú y kiểm tra thì một người đàn ông chạy ra quát tháo và ra hiệu cho các nhân viên nhà xe chuyển ba thùng xốp này lên xe máy để tẩu tán. Lúc này, ông D.H.P - Phó Trạm thú y quận Tân Bình yêu cầu nhà xe không được di chuyển lô hàng thì người đàn ông này "chỉ đạo" nhóm năm thanh niên của nhà xe rượt đuổi đánh, hành hung ông P. từ cửa nhà xe ra đến tận lòng đường.

"Lúc nhóm người này chuyển lô hàng lên xe gắn máy tẩu tán, tôi đi đến yêu cầu dừng lại để đoàn liên ngành kiểm tra thì bị họ đuổi ra đường dùng tay, chân đánh vào người khiến tôi bị chấn thương phần mềm và xây xát một số chỗ trên người… Chỉ khi lực lượng liên ngành gồm Công an, cán bộ UBND phường 14 và thanh niên xung phong có mặt, nhóm người này mới chịu dừng lại" - ông P. kể lại.

Sau đó đại diện nhà xe Xuân Tùng vẫn không làm việc với đoàn kiểm tra, những người đuổi đánh ông P. thì bỏ đi nơi khác. Đoàn kiểm tra đã quyết định tiêu hủy lô hàng theo quy định (hình thức không chủ thừa nhận), đề nghị UBND phường 14, Công an phường 14 (quận Tân Bình) lập biên bản để xử lý hành vi hành hung của nhà xe Xuân Tùng.

Nhân viên nhà xe ngăn cản cán bộ thú y để tẩu tán tang vật.

Khi kể lại sự việc với chúng tôi, ông P. nhiều lần nhắc việc không muốn nêu rõ tên tuổi hay nêu cụ thể diễn biến vì ông sợ rằng vợ con ông hay gia đình mình sẽ biết sự việc rồi lo lắng cho sự an toàn của ông. Tuy nhiên, bản thân ông thì luôn hết mình với công việc vì đã quá quen với các kiểu đe dọa, hành hung kiểu này…

Điều đáng nói, theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng trạm Thú y quận Tân Bình, ngoài vụ việc ngày 11/12 như nêu trên, trước đó bãi xe khách nhà xe Xuân Tùng liên tục bị phát hiện là điểm tập kết và vận chuyển thịt bẩn, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc từ các tỉnh vào Tp HCM tiêu thụ và đã bị xử phạt nhiều lần.

Từ ngày 27/11/2013 đến nay, nhà xe này 3 lần bị lập biên bản vi phạm, nhưng đến nay vẫn tái diễn. Theo đó, lúc 9h10 ngày 27/11, Trạm Thú y Tân Bình kết hợp tổ kiểm tra liên ngành phòng chống dịch quận, UBND phường 14, Công an phường 14, quận Tân Bình đã kiểm tra xe khách mang biển số 43B-00853 (tuyến Đà Nẵng - Tp HCM) tại bến xe khách Xuân Tùng do tài xế Võ Lực điều khiển, dưới gầm xe có 14 bao tải chứa da, mỡ heo với trọng lượng lên tới hơn 1 tấn không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không bảo quản lạnh, tím tái, rỉ dịch, có mùi hôi thối. Lô hàng này do khách từ Quảng Nam gửi vận chuyển vào Tp HCM để kinh doanh. Trạm Thú y Tân Bình đã kết hợp với các ban, ngành lập hồ sơ xử phạt mức 3,5 triệu đồng, xử lý tiêu hủy lô hàng theo quy định. Sau đó không lâu, lúc 9h10 ngày 4/12, Trạm Thú y Tân Bình tiếp tục kết hợp tổ kiểm tra liên ngành phòng chống dịch quận, UBND phường 14, Công an phường 14, quận Tân Bình kiểm tra bến xe khách này thì phát hiện ba bao tải chứa 246kg da, mỡ heo không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch, không bảo quản lạnh, tím tái, rỉ dịch, có mùi hôi thối…

"Những vụ việc vi phạm nêu trên, nhất là vụ ngày 11/12 mang tính chất rất nghiêm trọng, vì đây là hành vi vận chuyển, kinh doanh khối lượng lớn sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh, hôi thối, biến chất, được vận chuyển từ các tỉnh vào Tp HCM để sử dụng làm thực phẩm cho người, nguy cơ cao cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, hành vi chống đối, hành hung người thi hành công vụ dưới sự chứng kiến của nhiều người dân trong khu vực của người nhà xe Xuân Tùng cho thấy ý thức chấp hành kém, xem thường pháp luật của người kinh doanh", bà Nga nhấn mạnh.

Năm thanh niên hung hãn rượt đánh cán bộ thú y.

"Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ mình"!

Đồng thời với vụ việc ngày 11-12 xảy ra trên địa bàn quận Tân Bình nêu trên, cùng ngày, trên địa bàn huyện Bình Chánh cũng xảy ra một vụ việc vận chuyển sản phẩm động vật không giấy chứng nhận kiểm dịch và cản trở người thi hành công vụ nghiêm trọng.

Theo đó, trưa 11-12, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh chốt tại khu vực đường Bùi Thanh Khiết - quốc lộ 1 (xã Bình Chánh) đã phát hiện ông Huỳnh Văn Tuấn (ngụ tại Long An) vận chuyển trái phép 98 con gà sống bằng xe tải nhỏ từ Long An về TP. Hồ Chí Minh. Đoàn liên ngành yêu cầu xuất trình giấy tờ lô hàng nhưng ông Tuấn không chấp hành. Vì thế, chiếc xe của ông Tuấn bị đoàn áp tải về trạm xử lý, tuy nhiên  ông Tuấn đã nhấn ga bỏ chạy, vượt cả đèn đỏ.

Khi đến khu vực Big C An Lạc (quận Bình Tân), do kẹt xe nên ông Tuấn mới chịu dừng lại. Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Hồng Triệu - Phó trạm Thú y Bình Chánh và Cảnh sát kinh tế Lê Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu quay lại thì ông Tuấn tiếp tục cho xe chạy leo lên lề đường, không cho cán bộ thú y và Cảnh sát xuống. Trong lúc di chuyển, ông Tuấn gọi điện thoại cho nhiều đối tượng "thống nhất" địa điểm tẩu tán số gà lậu. Đến khu vực chợ Trần Chánh Chiếu (quận 5), hàng chục đối tượng tập trung chửi bới, lao lên xe kéo cán bộ Cảnh sát xuống và tẩu tán sạch gà trên xe rồi tiếp tục cho xe chạy trốn. Ông Triệu phải gọi điện khẩn cấp cho Đội Cảnh sát giao thông Chợ Lớn hỗ trợ, bắt ông Tuấn về trụ sở Công an phường 14 (quận 5) xử lý. Sau đó, Trạm thú y huyện Bình Chánh đã ra quyết định xử phạt ông Tuấn số tiền gần 7 triệu đồng…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng Trạm thú y quận Tân Bình, rất nhiều lần cán bộ thú y và đoàn kiểm tra bị những người vận chuyển thực phẩm bẩn, kinh doanh gà, trứng vịt lậu, tổ chức giết mổ lậu… chống đối như vậy. Thậm chí có không ít trường hợp cán bộ thú y bị những đối tượng này chửi rủa, đe dọa, hành hung... Đó là chưa kể các cán bộ thú y còn bị đối phó, cản trở công việc bằng mọi cách như đặt chướng ngại vật, "nhốt" cán bộ thú y trong nhà, trong xe…

Lô thực phẩm bẩn thu giữ tại nhà xe Xuân Tùng.

"Vụ việc ngày 11/12 khi bị đuổi đánh, anh P. đã nhanh chân chạy thoát, nhưng nếu không may cán bộ này bị trượt chân ngã xuống khi các đối tượng đuổi đánh thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra... Tuy nhiên, với đặc thù công việc, chúng tôi vẫn phải làm hết chức trách của mình. Nhưng chúng tôi chỉ buồn khi một số người dân chưa hiểu công việc chúng tôi đang làm cũng vì sức khỏe chung của xã hội, của người dân, nên đã cho rằng chúng tôi cố ý làm khó dễ người buôn bán kinh doanh. Vì thế, chúng tôi rất mong người dân hợp tác và phản ứng mạnh mẽ về việc này để góp phần loại bỏ thực phẩm bẩn, nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân", bà Nga giãi bày.

Bên cạnh việc có thể gặp nguy hiểm vì gặp phải những đối tượng hung hãn, côn đồ, thì cơ chế và thực tế công việc cũng khiến cán bộ thú y gặp không ít khó khăn. Đó là do nhận biết sự nguy hiểm cán bộ thú y có thể gặp phải nên theo quy định chung mỗi lần kiểm tra hay xử lý vi phạm, cán bộ thú y không nên làm việc độc lập mà phải đi cùng lực lượng liên ngành. Tuy nhiên, theo bà Thu Nga, quy định chỉ phù hợp với những cuộc kiểm tra định kỳ, bởi những khi phát hiện sai phạm cần phải kiểm tra, xử lý gấp vì có thể nhà xe hay đối tượng sẽ tẩu tán tang vật thì rất khó chờ đầy đủ ban bệ đoàn thể. Vụ việc ngày 11-12 cũng rơi vào tình trạng như vậy. Khi đó, cán bộ thú y phải nhanh chóng vào cuộc, làm việc hết khả năng, trách nhiệm của mình trong khi chờ lực lượng liên ngành có mặt.

Để bảo vệ mình, mỗi lần đi xuống hiện trường, lực lượng chúng tôi đều phải đội mũ bảo hiểm, đây có thể là biện pháp tối thiểu để tự bảo vệ mình", bà Nga thật thà bộc bạch.

Đồng thời, việc phát hiện loại hàng này cũng khá khó khăn, ngay cả với lực lượng Cảnh sát giao thông cũng không dễ kiểm tra kiểm soát vì loại hàng này thường để bên dưới thùng xe lẫn lộn cùng với nhiều loại hàng khác… Việc tìm chủ hàng để xử lý phạt cũng không đơn giản vì rất khó xác định chủ hàng bởi khi bị phát hiện và bắt giữ, chẳng ai lại muốn đứng ra nhận là chủ hàng lúc đó cả, trong khi nhà xe chỉ thừa nhận là vận chuyển giúp chủ hàng. Nếu không truy được chủ hàng thì biện pháp duy nhất là chỉ có thể tiêu hủy lô hàng.

Qua thống kê của Chi cục Thú y Tp HCM, từ đầu năm đến nay, đơn vị này phát hiện và xử phạt lên tới cả trăm vụ vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ… Trong đó, hình thức vận chuyển thịt bẩn ngày càng tinh vi, việc trốn tránh kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ngày càng tăng. Đó là chưa kể, các loại thịt bẩn hiện được vận chuyển trên xe du lịch, xe khách chất lượng cao nên khó phát hiện. Cũng theo báo cáo của Chi cục Thú y Tp HCM, hiện còn tồn tại gần 80 điểm và khu vực chợ kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn thành phố. Do đó, lực lượng chống giết mổ, kinh doanh gia cầm trái phép của các quận, huyện phải hoạt động thường xuyên, đồng nghĩa với việc luôn đối diện những khó khăn, hiểm nguy.

Phú Lữ
.
.
.