Xung quanh kiến nghị bỏ luyện viết chữ đẹp, tính nhẩm nhanh:

Cần bỏ tư duy thành tích

Thứ Hai, 10/03/2014, 10:00

Hiện nay, việc viết chữ đẹp giống như một cuộc chạy đua lấy thành tích của rất nhiều trường học, khiến cả thầy và trò đều rơi vào tình trạng học quá tải, khi yêu cầu về chữ đẹp rất cao, từ cách đặt bút viết con chữ, điểm dừng bút, uốn lượn, nét thanh, nét đậm, khoảng cách từ chữ này sang chữ kia...

Trước áp lực học hành, thi cử của học sinh tiểu học, nhiều giáo viên tiểu học và nhiều bậc phụ huynh đã kiến nghị bỏ luyện viết chữ đẹp, tính nhẩm nhanh bởi theo họ, việc phải rèn luyện chữ viết hàng ngày cho cả cô trò rất vất vả chiếm khá nhiều thời gian học tập, lại không phải là môn học quan trọng đối với học sinh.  Xung quanh kiến nghị này có rất nhiều ý kiến khác nhau, người ủng hộ, nhưng nhiều người không ủng hộ bởi "nét chữ nết người", quan niệm ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của ông cha ta từ xưa đến nay. Học sinh vẫn cần phải luyện viết chữ, nhưng luyện ở mức độ nào, viết đẹp đến độ dễ đọc, dễ nhìn chứ không phải luyện viết để đi thi lấy thành tích, đó mới là điều đáng nói.

Chạy đua thành tích

Thi đua vở sạch, chữ đẹp vốn là phong trào rất tốt từ xưa của các trường tiểu học. Quả thật nhìn những quyển vở sạch sẽ, đường nét chữ ngay ngắn của các em học sinh, nhiều người cũng không khỏi khâm phục tại sao các em lại có thể viết đẹp đến như thế.

Ông cha ta vẫn nói "nét chữ nết người", nhìn chữ đủ biết người viết cẩn thận, tỉ mỉ, giữ gìn, nâng niu quyển vở đến mức độ nào. Trước mỗi kì thi vở sạch chữ đẹp, cả cô cả trò đều phấn khởi luyện tập với tâm trạng rất thoải mái. Việc luyện chữ cũng không vất vả, phức tạp như ngày nay, bởi trong từng giờ học, từng buổi học, các em học sinh đã tự ý thức được việc giữ gìn sách vở sạch sẽ, viết chữ cẩn thận. Tiêu chí vở sạch chữ đẹp cũng không nặng nề như ngày nay, chỉ cần dễ đọc, dễ nhìn, vở không tẩy xoá, quăn mép là được.

Nhưng hiện nay, việc viết chữ đẹp giống như một cuộc chạy đua lấy thành tích của rất nhiều trường học, khiến cả thầy và trò đều rơi vào tình trạng học quá tải, khi yêu cầu về chữ đẹp rất cao, từ cách đặt bút viết con chữ, điểm dừng bút, uốn lượn, nét thanh, nét đậm, khoảng cách từ chữ này sang chữ kia...

Nên khuyến khích các em nhỏ tập viết chữ đẹp.

Cô V., một giáo viên có thâm niên dạy học lâu năm ở một trường tiểu học khu Đống Đa, Hà Nội cho biết: Nếu trước đây học sinh vào lớp 1 thầy mới dạy nét chữ đầu tiên thì nay trẻ mẫu giáo đã phải mím môi, còng lưng, vẹo cổ... đi luyện chữ. Theo phân phối chương trình hiện tại, trẻ học lớp 1 ngày nào cũng phải tập viết, lớp 2 có 2 tiết chính tả mỗi tuần. Những tiết học này rất vất vả khi trong vòng 40 phút, các em vừa nghe cô giảng, vừa viết vào bảng, vừa viết vào vở thực hành 1 trang giấy, về nhà lại có 1 trang bài tập. Tuy chương trình luyện chữ không nặng lắm, nhưng nếu lớp của giáo viên nào có tỉ lệ vở sạch chữ đẹp không đạt yêu cầu sẽ mất lao động tiên tiến, học sinh không viết đẹp thì mất danh hiệu, bên cạnh đó còn phải ra sức rèn luyện chữ đẹp để đi thi.

Mỗi lần chuẩn bị cho học sinh đi thi vở sạch chữ đẹp, cô Oanh (Nam Định) thấy thực sự mệt mỏi, khi cả cô cả trò đều phải còng lưng luyện tập: "Nhưng không thể không luyện được, vì trường cử đi mà không mang lại thành tích gì thì ngại lắm. Bản thân các em phải chịu áp lực nhiều nhất khi phải chống tay, mỏi mắt, tập trung căng thẳng để luyện viết".

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh vì lo ngại con cái không theo kịp bạn bè, không đạt được thành tích tốt ở trên lớp nên ép các con đi học chữ từ rất sớm.

Một cuộc thi viết chữ đẹp cấp tiểu học.

Bé Ngân (Láng Hạ, Hà Nội) vừa đi học chính thức ở lớp về lúc chiều, chưa kịp ăn cơm xong, bố mẹ đã giục đi học lớp luyện chữ. Vừa khoác ba lô vừa uể oải cầm hộp sữa, con bé cứ than ngắn thở dài: "Cháu lại phải đi học, suốt ngày đi học, chán quá!". Chị Hà, mẹ Ngân thì bảo: "Không cho đi học chữ thì nó viết chữ xấu lắm, không đọc nổi. Học thì được mà chữ thì xấu thành ra chẳng mấy khi được điểm 10 trọn vẹn. Nhiều khi còn bị bạn bè chế giễu cho vì cái tội chữ xấu ấy chứ".

Chị Hương (Long Biên, Hà Nội) thì cho hay: "Học trước cũng có lợi lắm chứ. Tôi cho con đi học chữ từ 5 tuổi. Nhìn con vào lớp 1 đã biết đọc biết viết mà chữ thì rất đẹp, hãnh diện lắm. Hết năm học lớp 1, cháu được giải vở sạch chữ đẹp của trường, cả nhà tôi rất tự hào về cháu".

Áp lực lên trẻ nhỏ

Như đã nhắc đến ở trên, khi việc học chữ bị gắn với thành tích, với sự tự hào của cha mẹ thì áp lực trên vai trẻ thơ không hề nhỏ. Vậy liệu có phải chính chúng ta đã quên "nét chữ nết người", quên đi việc luyện viết còn là rèn tính kiên nhẫn, cần cù… Cách giáo dục trẻ áp đặt và bệnh thành tích là hai vấn đề đã in rất sâu vào trong từng gia đình, từ những người vừa là bố mẹ vừa là cán bộ ngành giáo dục cho tới các phụ huynh khác. Ngay trong đánh giá xếp loại ở tiểu học, vở sạch chữ đẹp cũng là một tiêu chí. Luyện chữ đẹp dành thời lượng quá nhiều. Giáo viên cũng đặt nhiều kì vọng vào học sinh khi có kì thi viết chữ đẹp khiến các em phải chịu nhiều tầng áp lực, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ. Chính vì thế mà rất nhiều người ủng hộ việc bỏ luyện chữ đẹp, nhưng vẫn ủng hộ việc rèn chữ cho học sinh.

Một cô giáo trường Tiểu học Thực nghiệm ở Hà Nội ủng hộ việc bỏ luyện viết chữ đẹp, bởi theo cô: "Việc luyện mãi nét chữ sẽ làm cho tốc độ viết của học sinh rất chậm. Không cần thiết phải viết quá tỉ mỉ, từng nét từng chữ một, chỉ cần rèn cho học sinh viết đúng cỡ chữ, đúng chuẩn và cẩn thận, sạch sẽ là được. Càng lên cao, học sinh càng viết nhanh, lúc đó không thể viết đẹp, tỉ mỉ từng chữ được nữa.

Ở bậc tiểu học, chúng ta dạy và hình thành những kĩ năng ban đầu cho học sinh. Viết đúng chính tả, viết rõ ràng thậm chí đẹp là một trong kĩ năng cần có. Hơn nữa việc nắn nót từng chữ cũng rèn cho các em sự tập trung, cẩn thận, tỉ mỉ, đó là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển của các em. Lên cấp trung học cơ sở, học sinh phải học nhanh hơn, việc nắn nót từng chữ một là không thể. Nhưng những học sinh đã viết đẹp ở tiểu học thì lên cấp 2, cấp 3, các em vẫn giữ được nét chữ. Có em không giữ được hẳn như vậy nhưng chữ vẫn rõ ràng, viết đúng".

Các cô giáo cũng phải luyện viết để dạy cho học sinh.

Chữ đẹp theo quan niệm truyền thống là của cá nhân, thể hiện rõ tính cách, dấu ấn của từng học sinh chứ không phải là kiểu chữ theo đúng quy cách, quy định như bây giờ. Trước đây, nếu nhìn vở sạch chữ đẹp của 100 học sinh thì sẽ thấy 100 kiểu chữ, nét chữ khác nhau. Nét chữ đẹp của mỗi học sinh sẽ là "đặc sản" của chính các em và theo các em đến suốt cuộc đời. Nhưng theo quy định kiểu cách về nét chữ, dòng chữ, khoảng cách các chữ như bây giờ thì có thể thấy rất rõ 100 quyển vở sạch chữ đẹp đều cùng một kiểu chữ và như thế, dấu ấn cá nhân trở nên mờ nhạt. Cách luyện chữ ấy vô hình trung tạo cho học sinh một cách viết máy móc, thiếu sáng tạo.

Chị Ly (Kim Liên, Hà Nội) cho rằng: "Tôi không bao giờ ép con phải rèn chữ thật đẹp như quy định. Chỉ cần cháu viết cẩn thận, dễ nhìn, không tẩy xoá là được. Bản thân tôi ngày nhỏ đi học, thầy cô cũng nhắc nhở chứ không rèn như học sinh bây giờ. Ngày bé chữ tôi cũng rất xấu nhưng càng lớn chữ càng đẹp. Chữ đẹp hay không quan trọng cũng là do ý thức con người. Chỉ cần các cháu học ít, biết nhiều, hiểu nhiều về cuộc sống hơn là tốt rồi". 

Việc duy trì phong trào vở sạch chữ đẹp là rất tốt bởi rèn luyện cho học sinh tính cẩn thận, chu đáo, nhưng chỉ nên thông qua những bài học trong từng giờ, từng ngày trên lớp, kết hợp với phụ huynh nhắc nhở, chấn chỉnh các em học sinh ở nhà. Và quan trọng nhất là phải luyện cho học sinh cách sắp xếp sách vở, giữ sách vở sạch đẹp, không bị nhàu, quăn mép... chứ không phải là đặt nặng vấn đề vào các cuộc kỳ thi đua lấy thành tích rồi làm khổ học sinh.  

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng: "Cái gì làm quá là không nên, nhưng viết chữ cho ngay ngắn, đàng hoàng là điều cần thiết. Còn cháu nào thích viết chữ đẹp thì cũng chẳng cấm làm gì. Nhìn một bài văn thấy chữ rõ ràng thì rất tốt. Người ta nói cái chữ cũng thể hiện tính nết con người. Cho nên cái gì thái quá là không được. Nhưng viết chữ cho chỉn chu, ngay thẳng là cần thiết. Còn việc tính nhẩm nhanh cũng là cách rèn luyện tư duy, bộ óc thì cũng không nên cấm đoán chuyện đó".

Ngọc Trâm - Ngọc Minh
.
.
.