Cần chiến lược bảo vệ cổ thụ di sản

Thứ Năm, 02/07/2020, 14:54
Cổ thụ không chỉ là di sản của mỗi làng quê, là báu vật quốc gia mà hơn thế còn là những chứng nhân văn hóa được giữ gìn từ ngàn đời, đồng thời sẽ bảo lưu những giá trị ấy để làm nên bản sắc Việt Nam.

Theo thời gian, nhiều cổ thụ bị mối xông, bị bão đánh bật gốc hoặc bị mua đi bán lại. Điều đó càng cần lắm những bàn tay che chở, những kế hoạch của các cơ quan chuyên môn, địa phương nhằm giúp cổ thụ có thể thọ hơn, tiếp tục là chứng nhân văn hóa, là một trong những biểu tượng của làng quê Việt Nam.

Người chịu khổ cho cây sướng

Những năm gần đây, việc bảo vệ, gìn giữ cây di sản được quan tâm hơn nhưng cũng phải khẳng định, trước khi có sự quan tâm của các cơ quan chức năng thì ở nhiều vùng quê, người dân đã ý thức giữ gìn. 

Nhiều cổ thụ ở ngay trên đất của những lão nông và được họ hết lòng bảo vệ, coi như báu vật của gia đình, dòng họ, làng xã. Có “đại gia” về trả giá cao để được quyền “bốc” cây mang đi, nhưng họ chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối tiền bạc để bảo vệ cổ thụ.

Tiêu biểu nhất như cây sanh tự nhiên có hình thân rồng, gốc mâm xôi con gà tuyệt đẹp nằm ở vùng miền núi thuộc xã Giai Xuân (Tân Kỳ, Nghệ An). 

Nhiều đại gia sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ đồng mua, nhưng hết lần này đến lần khác phải về tay không vì chủ nhân quá “rắn”! Đặc điểm của cây sanh này là cao khoảng 40m, nhiều cành bện xoắn vào nhau, bao bọc lấy một khối đá tròn, lớn mà nhiều người bảo là “rồng ngậm ngọc”. 

Chủ sở hữu mảnh đất, có cây sanh giá trị này là ông Nguyễn Văn Việt, cũng là người đã chăm sóc, bảo vệ “di sản” này từ tấm bé và được UBND xã Giai Xuân xác nhận chủ quyền, trách nhiệm bảo vệ. 

Ông Việt cho biết, từ mấy năm nay, ông phải từ chối những người từ nơi khác đánh ô tô đến gạ gẫm. Họ tỏ ý ngưỡng mộ cây sanh và trả giá vô cùng thoải mái, nhưng tất thảy đều thất vọng.

Ông Lê Mình Thưởng ở xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An) sở hữu 5 cây cổ thụ được xác định khoảng 600 năm tuổi. Ông cũng nổi tiếng vì “gàn”, bởi đã từ chối lời đề nghị bán với giá 1,5 tỷ đồng. Nếu chấp nhận bán cây, với số tiền đó đủ để ông sống sung sướng đến hết cuộc đời nhưng ông đã khước từ và trở thành một trong những “hiệp sĩ” cổ thụ xuất sắc nhất.

Ông Lê Minh Thưởng (Nghệ An) giới thiệu năm cây thị cổ.

Ông Thưởng tâm sự: “Đó là báu vật của tổ tiên để lại, làm sao tôi bán. Bán đi là mất…”. Cây thị lớn nhất có chu vi gốc lên đến 14m được gọi là cây thị “bố”, cây thị “mẹ” bé hơn tý chút, 3 cây thị “con” bé nhất cũng có chu vi gốc 6m. 

Cả 5 cây thị cổ đều mang dáng vẻ hùng vĩ, tự nhiên với thân tròn chi chít những u, cục, hang hốc. Mỗi cây đầy những múi thịt như những đợt sóng tạo thành những đường gân lớn được bao phủ bởi một lớp tầm gửi. 

Trước đây, vào thời cụ thân sinh ra ông Thưởng cũng có người khuyên nên chặt vườn thị để có đất canh tác, nhưng cụ không cho ai chặt cây. 5 cây thị quý của gia đình đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Đáng mừng, nhưng ông lo là sẽ có nhiều đoàn khách về thăm, nếu không có phụ cấp thì với một gia đình nghèo thì tiền chè nước cũng là một vấn đề.

Ở thôn Yuk Kla (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk) đã có những “cuộc chiến” giữ cây gỗ hương bởi có quá nhiều người nhòm ngó muốn sở hữu riêng. Vào ngày 22-9-2011, nhóm thanh niên gồm 5 người đã mang cưa, cuốc, xẻng đến để “hạ” cây hương đã sừng sững tại đây nhiều đời và là một chứng nhân văn hóa của cả vùng. 

Người dân khi chứng kiến sự việc đã kéo nhau đến bủa vây, bắt các đối tượng xâm hại cổ thụ. Khi UBND xã Đắk Liêng tổ chức họp dân thì mọi người mới vỡ lẽ cây hương thuộc quyền sở hữu của bà HĐlăng Ông (buôn Ranh A, xã Đắk Liêng). Ngày 24-9, một nhóm khai thác gỗ lại tiếp tục tìm cách đào bới gốc. 

Khoảng 60 người dân ngăn cản không cho nhóm này cưa gốc cây. Từ đó, ngày nào người dân cũng cắt cử người bảo vệ cây. Còn nhóm người lạ vẫn tiếp tục tìm đến. Hai bên “đôi co” nhau đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Người làng đã quyết, bằng mọi giá phải giữ cây hương lại, còn hương thì còn làng, hương đổ xuống thì làng cũng xem như mất đi.

Cây muỗm ở Phúc Thọ - Hà Nội.

Thôn Tâm Hòa (Xuân Áng, Hạ Hòa, Phú Thọ) cũng vinh dự đón bằng Cây Di sản cho một “cụ sung” 400 năm tuổi cách đây vài năm. Chủ cây sung là ông Nguyễn Văn Đối vô cùng tự hào và đó là niềm khích lệ để gia đình ông tích cực bảo vệ tốt cho cây di sản hơn, đồng thời nhắc mọi người tích cực bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cổ thụ nơi làng quê. 

Theo thời gian, nhiều cổ thụ khác cũng sẽ được vinh danh, nhưng như thế vẫn chưa đủ cho một chiến lược lâu dài gìn giữ cổ thụ. Ở nhiều vùng quê xa xôi, hẻo lánh vẫn có những “cơn bão” bứng cổ thụ về trồng làm tài sản riêng ở nhiều công sở, cá nhân. 

Những người nghèo, những vùng quê có công bảo vệ, gìn giữ cổ thụ phải được ghi danh, nhận phụ cấp để cổ vũ, động viên và khích lệ tinh thần trong đông đảo quần chúng nhân dân, ra sức chiến đấu với nạn “chảy máu cổ thụ”, tàn phá những “cụ cây” có giá trị.

Cúi mình trước di sản

Hơn 10 năm qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức gắn biển “Cây di sản Việt Nam” cho nhiều “cụ cây”, nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ màu xanh, vẻ đẹp cho các xóm làng và gìn giữ nguồn gen quý hiếm. Cũng phải khẳng định, nhiều vùng quê rất ý thức bảo vệ cổ thụ, ngay từ khi những cây trong vùng mà họ sinh sống chưa được vinh danh.

Tuổi thơ dưới bóng cụ cây (Đường Lâm, Sơn Tây).

Bà con xã Thái Thịnh (huyện Thái Thụy, Thái Bình) ngày nào đi qua đường chính cũng được “cúi đầu kính cẩn” trước cây gạo hình con rồng. Làng Dương Phạm (huyện Ý Yên, Nam Định) có “cụ” đã hưởng tuổi đời gần 600 năm, là cây to thứ hai ở nước ta. 

Hơn chục năm qua, người dân nơi đây đã vất vả chiến đấu với mối, mọt để bảo vệ mạng sống cho “cụ”. Địa phương còn mời Trung tâm Nghiên cứu diệt trừ mối về bơm nước hòa thuốc vào trong thân cây, phun thuốc diệt vi sinh vật gây hại cho thân và lá. Đến giờ, cây đã xanh tốt, tràn trề sức sống.

Ngày 25-2-2011, tại thôn Đại (An Lạc, Chí Linh, Hải Dương), 54 cây lim nhiều năm tuổi đã được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Các cụ già ở thôn cho biết từ thời xa xưa đã thấy những cây lim to như thế và trải qua năm tháng, các “cụ lim” này từng nhiều lần bị đe dọa đốn hạ. 

Chính những cụ già ở đây đã ra sức bảo vệ, ba người ôm một gốc không cho ai cưa. Nhưng cũng đã có 16 cây bị cưa đổ trong tiếc nuối của bao người. Nhờ có công chăm sóc, bảo vệ của các già làng nơi đây mà 54 cây lim mới có ngày hôm nay, những cây lim vẫn sống và vươn cao, thể hiện ý chí kiên cường của người dân xứ Đông. 

Với người dân An Lạc, từ lâu rừng lim đã trở thành rừng thiêng liêng gắn liền với những huyền thoại, những câu chuyện về rừng lim, đã nói lên niềm tự hào của người dân nơi đây.

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, cổ thụ là di sản, cần bảo vệ để bảo tồn nếp quê. Còn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, chia sẻ: Cần tiếp tục vinh danh Cây di sản Việt Nam, từ đó phải cụ thể hóa trách nhiệm bảo vệ, để bảo đảm cây không bị xâm hại bởi môi trường và con người.

Nguyễn Văn Học
.
.
.