Cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn tội phạm chống người thi hành công vụ

Thứ Ba, 02/07/2019, 15:39
Thời gian vừa qua, tội phạm chống người thi hành công vụ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước diễn biến phức tạp.


Ngoài việc gia tăng số vụ tài xế cố tình ngăn cản Cảnh sát giao thông (CSGT) trong lúc thực thi nhiệm vụ thì gần đây nổi lên những băng nhóm giang hồ, một số doanh nghiệp làm ăn gian dối và nhiều cá nhân còn ngang nhiên bao vây, ngăn cản, chống đối, thậm chí đập phá phương tiện của người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự. Một số trường hợp người thi hành công vụ bị tấn công bất ngờ, dẫn đến thương tích nặng, tử vong.

Cụ thể, trường hợp Đại úy Chu Quang Sáng, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong lúc làm nhiệm vụ đã bị xe ôtô bán tải đâm thẳng vào người gây tử vong. 

Theo Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kể lại, vào lúc 8h sáng ngày 17-4-2019, tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên quốc lộ 51 (đoạn ngã tư chung cư Đạm Phú Mỹ) thì phát biện xe ô tô tải BKS 51C-952.29 do tài xế Huỳnh Văn Chủng điều khiển chạy theo hướng từ TP HCM đi TP. Bà Rịa với tốc độ 83km/h trên đoạn đường quy định tốc độ tối đa 60km/h nên Đại úy Chu Quang Sáng đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm tra. 

Tại thời điểm trên, tài xế Chủng không những không cho dừng xe mà còn nhấn ga tăng tốc vượt liên tiếp 2 đèn đỏ. Nhận thấy chiếc xe tải này có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào nếu không kịp thời ngăn chặn, Đại úy Chu Quang Sáng cùng một chiến sỹ Cảnh sát cơ động điều khiển xe đặc chủng đuổi theo. 

Phát hiện bị truy đuổi, tài xế Chủng liên tục đánh tay lái ép xe môtô của Đại úy Sáng vào dải phân cách giữa đường hòng chạy thoát thân. Đến khu vực ngã ba Cái Mép, khi xe mô tô của Đại úy Sáng vượt lên trên thì ngay lập tức bị Chủng đánh tay lái tông thẳng vào phía sau khiến Đại úy Sáng cùng chiến sỹ Cảnh sát cơ động ngã văng ra đường gây chấn thương nặng. 

Mặc dù được đồng đội và bà con nhân dân kịp thời đưa vào bệnh viện đa khoa khu vực Bà Rịa cấp cứu, nhưng chỉ có chiến sỹ Cảnh sát cơ động qua khỏi. Riêng Đại úy Sáng do bị đa chấn thương ở dạng quá nặng nên đã trút hơi thở cuối cùng chỉ ít giờ sau đó.

Hiện trường vụ tài xế Huỳnh Văn Chủng gây tử vong cho Đại úy CSGT Chu Quang Sáng trên quốc lộ 51, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một vụ chống đối khác, không chấp hành hiệu lệnh gây tử vong cho một cán bộ CSGT Công an tỉnh Đồng Nai trong lúc đang làm nhiệm vụ xảy chiều tối ngày 15-4-2017. Khi tổ công tác của Thiếu tá Lê Quang Minh đang thực hiện công tác tuần tra kiểm soát trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A thì phát hiện xe ôtô tải BKS 60C-107.62 chạy hướng từ Vũng Tàu về TP HCM có biểu hiện vi phạm về tốc độ nên đã ra hiệu lệnh yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. 

Tuy nhiên, tài xế đã không chấp hành hiệu lệnh của CSGT mà tiếp tục nhấn ga cho xe chạy tiếp. Không thể để cho phương tiện tiếp tục vi phạm, Thiếu tá Minh đã đuổi theo đến trạm thu phí thì bắt kịp và yêu cầu lái xe tấp vào lề để thực hiện lệnh kiểm tra nhưng tài xế này tiếp tục chống đối và cố tình cho xe chạy tiếp trong lúc Thiếu tá Minh đang bám vào kính chiếu hậu. 

Bất ngờ trước hành vi của tài xế, Thiếu tá Minh không kịp phản ứng nên đã bị bánh sau của xe tải cán ngang người gây tử vong. Một ngày sau khi cố tình chống người thi hành công vụ, gây ra cái chết cho Thiếu tá Minh, tài xế xe tải này đã đến cơ quan Công an đầu thú và khai tên Trần Mạnh Thống, 25 tuổi, quê tỉnh Nghệ An (tạm trú phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Mặc dù hành vi phạm tội của Thống là quá rõ ràng, nhưng tại phiên tòa xét xử sau đó 3 tháng, hắn ta vẫn một mực cho rằng vì bị nạn nhân đe dọa nên mới hành xử như vậy chứ bản thân không cố ý. 

Chỉ đến khi chủ tọa phiên tòa giải thích rằng việc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của tổ tuần tra kiểm soát giao thông để kiểm tra hành chính cho đến khi đồng chí Thiếu tá Minh truy đuổi đến trạm thu phí tiếp tục yêu cầu dừng xe nhưng vẫn cố tình cho xe chạy mà không dừng là cố ý chứ không phải không biết thì Thống mới cúi đầu nhận tội và xin lỗi gia đình nạn nhân.

Không chỉ dừng lại ở những vụ việc chống người thi hành công vụ mang tính bột phát mà gần đây nổi lên tình trạng chống người thi hành công vụ có tổ chức mà chủ yếu nhằm vào lực lượng Công an. 

Điển hình là vụ giang hồ chặn xe ôtô ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đồng thời chống đối, thách thức khi Cảnh sát 113 đến xử lý tình huống và vụ hàng trăm nhân viên Công ty địa ốc Alibaba ngăn cản, đập phá xe cuốc của lực lượng cưỡng chế xảy ra tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và kéo nhau lên vây trụ sở Công an thị xã.

Trưa ngày 12-6-2019, tại nhà hàng Lam Viên, xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa đã xảy ra mâu thuẫn giữa hai nhóm nhậu của các ông Phạm Văn Hiền, Đinh Tú Anh, Nguyễn Quang Trường, Huỳnh Bảo Hùng với nhóm của ông Nguyễn Tấn Lương, Lê Võ Trường Hải và 8 người khác.

Cho rằng ông Hiền trong lúc đi ngang qua quầy tính tiền của quán do quá say đã ói vào người mình nhưng không được xin lỗi mà còn bị chửi mắng, ông Nguyễn Tân Lương đã gọi điện thoại kêu Ngô Văn Giang (trong giới giang hồ gọi là Giang 36), Nguyễn Văn Kỷ (Tuấn nhóc), Nguyễn Văn Căn đến "thanh toán". 

Nhận thấy tình hình bất ổn, nhóm của ông Hiền cùng lên chiếc xe ôtô rời khỏi quán, nhưng chạy được một đoạn thì bị nhóm của Giang 36 chặn lại và yêu cầu tất cả xuống xe nói chuyện. Thấy đám giang hồ quá hung hãn, nhóm của ông Hiền không dám bước xuống mà ngồi trong xe khóa chặt cửa lại rồi gọi điện thoại cho Cảnh sát 113 đến xử lý. 

Tuy nhiên, khi Cảnh sát có mặt, nhóm của Giang 36 không những không tháo chạy mà còn ngang nhiên đứng vây chiếc xe chở nhóm ông Hiền rồi lớn tiếng thách thức trong thời gian gần 2 giờ đồng hồ. 

Vụ việc chỉ được vãn hồi khi một đồng chí chỉ huy Công an TP. Biên Hòa có mặt xử lý. Sau khi củng cố chứng cứ, ngày 17-6-2019, Công an TP. Biên Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt khẩn cấp các đối tượng Ngô Văn Giang, Nguyễn Văn Kỷ, Nguyễn Văn Căn, Nguyễn Tấn Lương để điều tra làm rõ.

Hay vụ xảy ra vào ngày 13-6-2019, khi chính quyền thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lập nhiều tổ công tác, trong mỗi tổ đều có sự hiện diện của Công an địa phương đồng loạt ra quân xử lý 58 trường hợp vi phạm về đất đai tại 10 xã trên địa bàn. 

Trong lúc xử lý, tháo dỡ những hạng mục xây dựng, phân lô bán nền đất trái phép ở xã Tóc Tiên thì hàng trăm nhân viên của công ty địa ốc Alibaba dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, quê tỉnh Tiền Giang (quản lý dự án của Alibaba)) vây quanh để ngăn cản rồi lớn tiếng yêu cầu tất cả các thành viên của tổ cưỡng chế phải rời khỏi hiện trường ngay lập tức. Ngoài ra, cô ta còn chỉ đạo cho nhân viên dùng gạch đá đập vỡ kính chiếc xe múc được tổ công tác sử dụng để tháo dỡ những hạng mục xây dựng trái phép.

Nhận thấy sự việc ngày cành phức tạp, Công an thị xã Phú Mỹ đã tăng cường thêm các tổ công tác xuống hiện trường và mời Nguyễn Huỳnh Tú Trinh cùng 10 người khác có hoạt động gây rối về trụ sở làm việc. Tuy nhiên do Trinh cùng các đối tượng vẫn cố tình chống đối nên Công an thị xã Phú Mỹ buộc phải áp giải những đối tượng này lên xe đưa về giải quyết. 

Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 16-6-2019, ông Nguyễn Thái Luyện, Tổng giám đốc địa ốc Alibaba đã kéo hàng chục nhân viên đến trước cửa trụ sở Công an thị xã Phú Mỹ liên tục la lối hô hoán đòi thả người gây mất an ninh trật tự.

Đối tượng Nguyễn Huỳnh Tú Trinh cầm đầu hàng trăm công nhân tập đoàn địa ốc Alibaba chống người thi hành công vụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo luật sư Phan Hoàn Phúc - Đoàn luật sư TP HCM, tình trạng chống người thi hành công vụ thường xảy ra với Cảnh sát giao thông, Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động và một số đơn vị chức năng khác, mấu chốt của vấn đề nằm ở trình độ văn hóa, nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông còn kém, họ cũng thiếu hiểu biết về pháp luật nên khi vi phạm giao thông thì tìm cách né tránh, không hợp tác, chống đối CSGT. 

Riêng trường hợp nhân viên một số doanh nghiệp mặc dù hiểu biết rất rõ về pháp luật, biết giới chủ của mình làm ăn sai trái, nhưng vì lợi ích trước mắt, họ sẵn sàng đứng ra chống lại những người thi hành công vụ ở nhiều cấp độ khác nhau từ ngăn cản cho đến cố ý gây thương tích, thậm chí có những trường hợp còn giết người…

Cũng theo luật sư Phúc, hiện nay nhiều người dân đã lạm dụng một số quy định trong Hiến pháp 2013 về vai trò giám sát của nhân dân đối với những người thi hành công vụ, đặc biệt là đối với CSGT. 

"Theo quy định của ngành Công an và qua thực tế ghi nhận của tôi trong nhiều năm qua cho thấy mỗi cán bộ chiến sỹ CSGT mỗi khi làm nhiệm vụ trên đường theo kế hoạch hoặc chuyên đề đều chỉnh tề về quân phục, quân hàm, quân hiệu, bảng tên trên ngực áo và đặc biệt còn phải đeo thêm một tấm thẻ tuần tra kiểm soát có ghi rõ họ tên, số hiệu, đơn vị công tác do Cục trưởng CSGT hoặc Giám đốc Công an tỉnh ký. 

Tuy nhiên, rất nhiều người khi bị dừng phương tiện do vi phạm Luật Giao thông đã cố tình cản trở CSGT thi hành công vụ bằng cách đòi được xem bản kế hoạch hoặc chuyên đề có đóng dấu đỏ của lãnh đạo thì mới hợp tác. 

Trong trường hợp này, nếu nghi ngờ, người dân có thể yêu cầu CSGT cho kiểm tra giấy CMCAND chứ hỏi được tận mắt nhìn thấy bản kế hoạch, chuyên đề của người vi phạm Luật Giao thông là quá đáng, cố tình gây cản trở đối với người thi hành công vụ…"- luật sư Phúc nói. 

Cũng theo luật sư Phúc, trong Bộ Luật hình sự 2015 có phần nêu rõ 3 hành vi khẳng định việc chống người thi hành công vụ từ nặng đến nhẹ gồm: Hành vi dùng vũ lực cản trở người thi hành công vụ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái luật. 

Hành vi đe dọa dùng vũ lực làm cho người thi hành công vụ sợ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái luật. Hành vi dùng thủ đoạn khác (lăng mạ, bôi nhọ, vu khống…) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái luật. 

Tuy nhiên trên thực tế nhiều người trong lúc thi hành công vụ do nhiều điều kiện khác nhau đã tỏ ra nhẹ tay đối với những hành vi vi phạm, đồng thời các biện pháp xử lý và chế tài của pháp luật đối với đối tượng chống người thi hành công vụ còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe khiến cho tình trạng này ngày càng trở nên phức tạp, khó lường. 

Cuối cùng luật sư Phúc cũng kiến nghị ngoài vấn đề trang bị ngay kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho những người thực thi công vụ thì rất cần phải đưa vào Luật thêm những điều khoản quy định về hành vi chống người thi hành công vụ và cho phép họ có những biện pháp xử lý cứng rắn hơn, quyết liệt hơn để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. 

Đức Cương
.
.
.