Cần có giải pháp đúng đắn để vỉa hè đẹp hơn

Thứ Năm, 01/06/2017, 12:00
Hơn một tháng qua, khi phong trào trực tiếp chỉ đạo dẹp vỉa hè tạm lắng xuống thì tình trạng tái chiếm vỉa hè tại khu vực trung tâm nói riêng và trên toàn TP Hồ Chí Minh nói chung phức tạp trở lại.


Để chiến dịch không rơi vào cảnh "ném đá ao bèo", nhưng lại giải quyết được vấn đề an sinh xã hội của người dân, chúng tôi đã tìm gặp những người từng buôn bán trên vỉa hè, chủ doanh nghiệp, nhà nghiên cứu kinh tế và được sự chia sẻ, hiến kế… 

Với quyết tâm lấy lại vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ, lãnh đạo quận 1, TP Hồ Chí Minh đã thống nhất giao cho Phó Chủ tịch UBND quận Đoàn Ngọc Hải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Từ sáng ngày 16-1-2017, ông Hải đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng Quản lý trật tự đô thị, CSGT quận 1 xuống đường thực hiện chiến dịch.

Vỉa hè và cả lòng đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 bị một hãng xe chiếm dụng làm bến đón khách.

Mỗi khi ông Hải trực tiếp xuống đường chỉ đạo cho lực lượng chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán, bãi giữ xe, đồng thời cho xe múc những phần công trình mà người dân hoặc các cơ quan đơn vị xây dựng lấn chiếm… đã tạo sự quyết liệt, nóng bỏng.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra trách nhiệm cho những người thực thi công vụ vừa có tình, có lý và xử lý nhanh các trường hợp sai sót nhằm tránh gây bức xúc trong dư luận. Ngoài ra, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh còn giao trách nhiệm việc đảm bảo trật tự vỉa hè ở từng khu vực cho Bí thư, Chủ tịch và Trưởng Công an các phường, nếu khu vực nào để xảy ra tình trạng tái chiếm vỉa hè thì các cán bộ phụ trách ở địa bàn phải chịu trách nhiệm.

Trải qua 45 ngày đêm tăng cường lực lượng trực tiếp xuống đường xử phạt trên 1.000 trường hợp vi phạm, nhiều phương tiện đậu trái phép trên vỉa hè được kéo về trụ sở lập biên bản xử lý, nhiều công trình của các cơ quan đơn vị, các cơ sở buôn bán, bảng hiệu quảng cáo lấn chiếm vỉa hè được tháo dỡ trả lại cho người đi bộ không gian thông thoáng.

Việc làm này không chỉ dừng lại ở khu vực quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng lập tức bắt tay vào cuộc, cùng nhau lập lại trật tự vỉa hè cho người đi bộ.

Tuy nhiên, hơn một tháng gần đây, khi việc lập lại trật tự vỉa hè được giao lại cho các phường chịu trách nhiệm thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn một cách ồ ạt, đẩy người đi bộ xuống lòng đường như trước khi thực hiện chiến dịch.

Phóng viên đã có cuộc khảo sát thực tế và ghi nhận trên nhiều tuyến đường: Trường Sa, Đề Thám, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng thuộc địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh có nhiều chỗ bị chiếm toàn bộ làm bãi giữ xe gắn máy, nơi đậu xe ô tô, quán ăn, quán nhậu, tập kết vật liệu xây dựng…

Vỉa hè các con đường Nguyễn Trãi, An Dương Vương, Lê Hồng Phong, quận 5 cũng bị người dân chiếm dụng để buôn bán, đặc biệt vỉa hè tại góc đường Huỳnh Mẫn Đạt giao cắt với Trần Hưng Đạo còn bị người dân sử dụng để đặt nhà vệ sinh gây phản cảm cho người đi đường.

Vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm (trước cửa quán cà phê Trung Nguyên) bị chiếm dụng làm bãi giữ xe.

Các con đường Thành Thái nối dài, Tô Hiến Thành, Nguyễn Tri Phương, quận 10 thì bị chiếm làm quán nhậu, quán chè... Vỉa hè đường Tân Kỳ - Tân Quý, tỉnh lộ 1, quận Bình Tân bị biến thành nơi trưng bày các loại vật liệu xây dựng và còn rất nhiều khu vực khác vỉa hè bị chiếm dụng một cách thô bạo…

Là người rất có tâm huyết và thường xuyên trích phần lớn lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh tặng cho người nghèo, ông Lâm Tấn Lợi - Giám đốc Công ty sản xuất Duy Lợi chia sẻ: Đối với các công trình lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm các khu vực công cộng, xe ôtô đậu trên vỉa hè… thì cần phải xử lý mạnh tay.

Riêng đối với các loại hình kinh doanh buôn bán thì nên khuyến khích nhưng cần có quy hoạch cụ thể. Trong một lần đến nước Pháp tìm cơ hội làm ăn, ông cùng người bạn tản bộ trên đường phố Paris và thấy có rất nhiều quán ăn, quầy hàng lưu niệm và nhiều loại hàng tiêu dùng khác được bày bán trên vỉa hè nhưng rất trật tự, ngăn nắp và bảo đảm vệ sinh.

Thắc mắc về một nơi được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng" mà tại sao vẫn tồn tại việc buôn bán trên vỉa hè, ông Lợi được người bạn giải thích rằng buôn bán trên vỉa hè đường phố Paris xuất hiện từ những năm 40 của thế kỷ trước và nó tồn tại cho đến bây giờ, như một nét văn hóa. Hơn nữa, nó giải quyết công ăn việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn người ở thủ đô nên chính quyền thành phố từ lâu đã đồng ý cho tồn tại.

Tuy nhiên, để không làm ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố và nhất là phần không gian dành cho người đi bộ, chính quyền đã tổ chức khảo sát thực tế toàn bộ vỉa hè của các con đường, nếu vỉa hè quá nhỏ thì không được phép buôn bán mà dành cho người đi bộ, còn khu vực nào có vỉa hè rộng từ 4m trở lên thì sẽ dành 1,9m làm hành lang cho người đi bộ, còn lại đem kẻ ô cho người dân thuê để buôn bán nhưng bắt buộc phải ngăn nắp, gọn ghẽ, có mỹ quan và đặc biệt phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nếu kinh doanh ngành hàng ăn uống.

Chính vì cách làm này mà hàng năm, tiền thu phí từ việc buôn bán trên vỉa hè chiếm tới 5% GDP của Thủ đô và số tiền này được Chính phủ ưu tiên để chính quyền thành phố Paris sử dụng vào mục đích chỉnh trang đô thị và các công trình công ích.

Cũng theo ông Lợi, đối với các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và một số thành phố khác trên cả nước, không cần phải dẹp bỏ toàn bộ việc kinh doanh trên vỉa hè mà cho nó tồn tại theo quy hoạch, sắp xếp trật tự như ở các nước phát triển khác đã triển khai một cách hợp lý.

Người thuê vỉa hè phải đảm bảo tuân thủ các quy định về mỹ quan, vệ sinh an toàn thực phẩm và nhất là an ninh trật tự đô thị. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện ai vi phạm lần đầu thì xử phạt vi phạm hành chính, lần thứ hai thì thu hồi vỉa hè giao cho người khác thuê.

Thiết nghĩ với cách làm này có thể thu được nguồn kinh phí kha khá để sử dụng vào các mục đích duy tu, bảo dưỡng đường sá, các công trình công cộng và các loại tiện ích khác phục vụ cho người dân.

Đồng quan điểm với ông Lâm Tấn Lợi, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Thuận cho rằng, việc lập lại trật tự đô thị ở các thành phố lớn như hiện nay là rất cần thiết, bởi nó vừa tạo mỹ quan nhằm thu hút khách du lịch từ các nước trên thế giới và nhất là tạo không gian thông thoáng cho người đi bộ.

 Tuy nhiên việc dẹp bỏ hoàn toàn loại hình kinh doanh vỉa hè là không cần thiết mà cần phải có hướng đi hợp lý để Nhà nước và người buôn bán đều có lợi. Chỗ nào có vỉa hè chật hẹp thì kiên quyết không cho phép, chỗ nào rộng rãi thì cắt một phần cho người đi bộ, còn lại cho thuê có thu phí và tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để xử lý hoặc tước giấy phép đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần và đối với trường hợp xả nước rửa ra môi trường thì cấm vĩnh viễn.

 Hiện tại đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cũng thuộc dạng khá cao, số người từ các vùng nông thôn di chuyển đến các thành phố lớn tìm việc làm rất nhiều, nên quy hoạch tốt để cho phép buôn bán trên vỉa hè sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho phần lớn những người thất nghiệp và những người từ nông thôn ra làm ăn buôn bán.  

Anh Hoàng Ngọc Châu, một thợ sửa chữa quần áo, va ly - túi xách trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 than vãn: lâu nay cả gia đình anh gồm một mẹ già, vợ và hai con nhỏ đều sống nhờ vào những đồng tiền kiếm được từ nghề của anh.

Xe ô tô đậu trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo.

Hàng ngày cứ 6h sáng, vợ chồng anh lại kéo chiếc máy khâu ra đặt gọn trên vỉa hè (áp sát tường) để nhận đồ sửa chữa. Tuy nhiên, kể từ khi quận 1 thực hiện chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ thì đời sống của 5 người trong gia đình anh bị ảnh hưởng khá nặng, nhất là hai con nhỏ đang đi học cấp 1 phải cắt toàn bộ những giờ học thêm vì không có kinh phí.

"Đòi lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương đúng đắn, nhưng đối với người lao động như chúng tôi thì cần phải tạo điều kiện để kiếm chút cháo chứ. Vỉa hè nơi tôi đặt chiếc máy khâu rất rộng, vả lại từ lâu cũng không để xảy ra tình trạng lấn chiếm phần không gian dành cho người đi bộ nên đề nghị các cấp chính quyền nghiên cứu căng dây, kẻ vạch rồi cho chúng tôi thuê lại để làm ăn, chúng tôi sẵn sàng đóng tiền thuê đúng thời hạn theo quy định và bảo đảm an ninh trật tự cũng như giữ sự thông thoáng cho người đi bộ'', anh Châu tâm sự.

Nguyễn Cương
.
.
.