Cần dạy cho trẻ kĩ năng bơi lội và cấp cứu người đuối nước

Thứ Tư, 27/05/2015, 14:00
Mùa hè nắng nóng là thời điểm nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt hoạt động bơi lội của trẻ em tăng cao. Bể bơi là nơi trẻ em, người lớn tìm đến nhiều nhất, nhưng cũng không thiếu trẻ em lựa chọn sông, hồ, kênh, rạch… là nơi tập bơi. Việc thiếu chỗ bơi an toàn và kỹ năng bơi lội, cộng với sự lơ là, chủ quan của người lớn là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tai nạn đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao. 

Những tai nạn thương tâm

Dù mới vào hè chưa lâu, nhưng không khí nóng bức, ngột ngạt khiến nhiều trẻ em tìm đến sông hồ, kênh rạch để giải nhiệt. Tuy nhiên, do thiếu sự quản lý của người lớn, nhiều vụ chết đuối thương tâm đã xảy ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Mới đây nhất, ngày 10/5, nhóm nữ sinh gồm 7 em của trường THCS Đồng Tường (Thanh Chương, Nghệ An) rủ nhau ra sông Lam tắm. Trong khi tắm, 2 học sinh là Nguyễn Thị Cẩm Tú và Lê Thị Hà My đều học lớp 6 của trường bị nước cuốn trôi. Cũng trong ngày 10/5, cháu Hồ Hữu Tạo (4 tuổi) ở Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu, Nghệ An bị sảy chân xuống ao khi sang nhà hàng xóm chơi cùng ông. Một lúc sau, ông nội không thấy cháu mới đi tìm thì phát hiện cháu Tạo đã chết đuối.

Cách đó không lâu, vào ngày 29/4, 3 cháu Nguyễn Thị Hạnh, Phan Thị Ngân Trang, Phan Thị Thu Trang quê xã Kiến An, Chợ Mới, An Giang rủ nhau tắm ở kênh Cầu Dện. Tuy nhiên, khi tắm, nước dâng, dòng chảy xiết nên 3 cháu bị chết đuối. Cuối giờ chiều, bà của 3 cháu đi tìm mới phát hiện quần áo của 3 cháu. Tới tận 21h30 cùng ngày mới tìm được thi thể 3 cháu Hạnh, Ngân Trang, Thu Trang.

Ngày 27/4, bé Võ Sỹ Dũng (Nghi Kim, Nghệ An) được mẹ đưa đi tập văn nghệ ở nhà văn hóa xã Nghi Kim. Khi mẹ bé Dũng tập múa, ở ngoài, bé ra hồ nước chơi và bị sẩy chân dẫn đến đuối nước. Không thấy con đâu, mẹ bé mới đi tìm và thấy dép nổi trên mặt nước. Dù được cấp cứu nhưng cháu Dũng tử vong. Còn nhớ năm 2010, một học sinh tiểu học cũng bị chết đuối tại hồ nước này.

Bên một bờ kè ven Hồ Tây.

Theo số liệu thống kê năm 2013 và 2014 của Tổng cục Thống kê thì so với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển. Hơn nữa, tỷ lệ tai nạn chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%.

Tai nạn đuối nước đang gia tăng, nhất là vào mùa hè và mùa mưa lũ, đang thực sự là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi người dân và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối. Gần như ngày nào trên báo chí cũng có những thông tin về tai nạn đuối nước của trẻ em. Đặc biệt là trong những tháng nghỉ hè và những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ chết đuối càng tăng cao.

Với trẻ em thành phố, do có điều kiện nên các em được cha mẹ đưa đến bể bơi có người lớn giám sát, tai nạn ít xảy ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi số lượng bể bơi không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, vào mỗi dịp hè nhất là đợt nắng nóng, bể bơi luôn trong tình trạng quá tải.

Còn tại các vùng nông thôn thì sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt là "bể bơi" lý tưởng nhất cho các em nhưng cũng là môi trường không an toàn nhất cho trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước… không có nắp đậy cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước… có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước.

Nắng nóng khiến nhiều người đưa cả gia đình ra sông... giải nhiệt.

Mỗi dịp nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra đồng, sông, suối mò cua, bắt ốc, chăn trâu, bò… nên rất dễ có nguy cơ bị đuối nước. Mặt khác, nhiều gia đình còn thiếu sự quản lý, để con em tự ý đi chơi ra các ao, hồ, sông, suối tắm mà không có người lớn đi cùng, nhiều vùng ao, hồ, sông, suối nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm… Những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi các em gặp nguy hiểm không có sự trợ giúp của người lớn kịp thời. Bên cạnh đó, bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm lý tưởng để mọi người tìm đến sông, hồ, biển... để giải nhiệt và đó cũng là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn chết đuối.

Nên dạy trẻ những kĩ năng cần thiết

Để những tai nạn thương tâm không xảy ra, quan trọng nhất là phải có sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Bên cạnh đó, việc đào tạo cho trẻ kỹ năng bơi lội, ứng phó trong mọi tình huống sẽ giúp trẻ có thể tự cứu được bản thân và những người khác khi gặp nguy hiểm.

Hiện nay, ở các khu vực có nhiều sông, suối và gần biển, những nơi có tỷ lệ đuối nước ở trẻ em vào mùa hè cao, các em đều được học bơi từ cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè khi xuống sông, ao, biển tắm, mà thiếu những kiến thức, kỹ thuật bơi căn bản như khởi động trước khi xuống bơi, bơi thế nào khi bị nước cuốn… nên khi gặp những trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường thấy lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tình trạng tử vong. Thêm vào đó, người lớn luôn luôn phải nhắc nhở trẻ em nên tránh xa các khu vực bãi bồi dễ sụt lún, các khu vực có nước chảy xiết vào từng thời điểm, và đặc biệt phải luôn lưu ý đến các biển cảnh báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên bên cạnh kỹ năng bơi lội thì cần phải đào tạo cả kỹ năng cứu người đuối nước cho trẻ, bởi thực tế, nhiều trẻ sau khi cứu được bạn mình lên bờ nhưng không biết xử lý thế nào khiến bạn có thể chết vì ngạt nước. Khi được hỏi ở lớp, các thầy cô giáo dạy những kỹ năng gì, bé Nam (10 tuổi) hồn nhiên nói: "Ở lớp cháu được học nhiều kiểu bơi lắm như bơi sải, bơi ếch, bơi bướm…" nhưng khi được hỏi các thầy cô có hướng dẫn cách cứu người khác bị đuối nước như thế nào không thì bé Nam lắc đầu quầy quậy.

Anh Thành, một giáo viên dạy bơi ở Nam Từ Liêm cho biết: "Một lớp dạy học bơi nguyên tắc là phải dạy đủ hai bước kỹ năng: kỹ năng dạy học bơi là cách bơi, kiểu bơi và kỹ năng cứu người gặp nạn ở dưới nước. Kỹ năng cứu người quan trọng lắm, bởi đó là những trường hợp mà ta có thể thấy thường xuyên xảy ra. Nước ta ao hồ, sông suối nhiều, lũ lụt thiên tai cũng nhiều nên dạy kỹ năng cứu người bị đuối nước là cần thiết. Cứu người ở dưới nước cũng đòi hỏi phải có kỹ năng cơ bản chứ không phải anh cứ cậy có sức khỏe, bơi giỏi, trông thấy người ta đang kêu cứu dưới sông là nhảy ùm xuống vớt lên đâu. Cứu mà không đúng cách có khi còn chết oan theo đấy. Tuy nhiên, nhiều lớp học bơi không đề cập đến kỹ năng này là một điều rất thiếu sót".

Bể bơi luôn quá tải vào những ngày hè.

Theo anh Nam, kỹ năng cứu người bị nạn ở dưới nước có nhiều nhưng cơ bản nhất là khi thấy người khác đang bị đuối nước, nếu xuống cứu thì vị trí tiếp xúc với người gặp nạn là quan trọng nhất. Nếu nắm tay họ thì họ sẽ kéo cả người cứu chìm xuống theo. Chỉ có thể nắm chân hoặc tóc (đối với phụ nữ) để kéo lên, tuyệt đối không được để tay họ nắm vào người mình. Có trường hợp nạn nhân vùng vẫy mạnh, cần phải "đánh cho họ gục" nhất thời rồi mới đưa vào bờ được.

Tuy nhiên, quan trọng nhất để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất vẫn là sự quản lý chặt chẽ của gia đình và có một khu bơi lội lành mạnh, thiết thực cho các em trong những ngày hè nóng nực, để các em tránh xa cám dỗ và nguy hiểm. Và việc trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội, ứng phó khi có tai nạn xảy ra là vô cùng cấp thiết, cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Ngọc Trâm - Lê Phong
.
.
.