Đẩy nhanh chương trình “thay áo mới” cho những dòng kênh đen

Thứ Năm, 08/03/2018, 08:00
TP HCM sẽ di dời và giải tỏa hơn 20 ngàn hộ dân trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, tạo bộ mặt mới cho thành phố.


Theo chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị từ nay tới năm 2025”, TP HCM sẽ di dời và giải tỏa hơn 20 ngàn hộ dân trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, tạo bộ mặt mới cho thành phố, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Tuy nhiên, để làm được điều này, dự kiến tổng vốn đầu tư tổ chức thực hiện di dời khoảng hơn 30 ngàn tỷ đồng. Đây là một con số quá lớn, vì thế cần phải có sự chung tay của toàn xã hội cùng thực hiện và sự trợ giúp của quốc tế.

Áp lực giải tỏa, di dời hơn 20 ngàn căn nhà

Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, một trong 7 chương trình đột phá của thành phố đến năm 2020 là chỉnh trang và phát triển đô thị. 

Trong đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn tất công tác giải tỏa, di dời toàn bộ hơn 20 ngàn căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, thực hiện chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch… 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác giải tỏa, di dời các hộ dân vẫn còn chậm. Điều đáng nói là hơn 20 ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch đang cần di dời tập trung chủ yếu tại quận 8, quận Bình Thạnh, quận 7, quận 4… dọc theo 5 tuyến kênh chính: Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. 

Trong đó, quận 8 có số hộ dân sống ven và trên kênh rạch nhiều nhất, với hơn 12,3 ngàn căn. Đa số căn nhà này xây dựng không hợp pháp, lụp xụp, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Những hộ dân ở đây có đời sống rất khó khăn, chủ yếu mưu sinh bằng việc làm thuê, làm mướn.

Đa số các căn nhà ven kênh rạch ở TP. Hồ Chí Minh được xây dựng không hợp pháp, lụp xụp, kết cấu tạm bợ, chắp vá.

Một trong những nguyên nhân cho việc chậm giải tỏa, di dời là do tâm lý e ngại của người dân khi chuyển về nơi tái định cư mới sẽ không tìm được công việc phù hợp và vì họ đã quen với việc sinh hoạt, buôn bán tại nơi ở cũ. 

Đơn cử như chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), nơi ở tái định cư dành chủ yếu cho những hộ dân di dời từ ven kênh rạch với gần 2 ngàn căn hộ và hơn 500 nền đất. Tuy nhiên, số hộ dân về đây ở chưa đến 15% mặc dù dự án đã hoàn thành gần 5 năm nay.

Tại hội nghị mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị tổ chức vào đầu tháng 2-2018, lãnh đạo TP HCM đưa ra 3 nhóm dự án di dời nhà ở ven và trên kênh, rạch kết hợp chỉnh trang đô thị theo ba cách sử dụng nguồn vốn đầu tư. 

Trong đó có 52 dự án sử dụng vốn ngân sách; 3 dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị và 6 dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo đó, 6 dự án mời gọi đầu tư theo phương thức PPP có quy mô di dời 6.223 căn nhà với kinh phí bồi thường khoảng 19 ngàn tỷ đồng. Nhóm này gồm những dự án lớn như cải tạo rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh; hồ Song Tân, rạch Bần Ðôn (quận 7), dự án bờ nam kênh Ðôi (quận 8) và dự án chỉnh trang rạch Cầu Dừa (quận 4)... 

Các dự án này có thể mở rộng phạm vi thu hồi đất trong vùng phụ cận các kênh, rạch để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao).

Trong 6 dự án thành phố kêu gọi đầu tư, trừ dự án rạch Xuyên Tâm đã được giao cho nhà đầu tư, các dự án còn lại tiếp tục kêu gọi đầu tư có tính chọn lựa cạnh tranh, bảo đảm để chương trình được hoàn thành một cách tốt nhất. Ðối với rạch Xuyên Tâm, nếu nảy sinh khó khăn thì xem xét hỗ trợ để triển khai sớm; năm dự án còn lại tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư. 

Đáng nói là đến năm 2020 (tức là chỉ còn chưa đầy ba năm nữa) cơ bản phải hoàn thiện ít nhất 4 dự án trong tổng số 6 dự án này. Đây có thể nói là thách thức rất lớn với TP HCM.

Về kinh phí, theo Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM, nếu tính chung cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn 2016-2020 là 1,8 triệu tỷ đồng; dành riêng cho phát triển cơ sở hạ tầng là 0,18 triệu tỷ đồng. 

Trong đó, đối với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị khoảng 25.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng khoảng 2.508 tỷ đồng, vì thế cần huy động nguồn vốn xã hội hóa khoảng 23.240 tỷ đồng. 

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, việc đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước là cần thiết, cấp bách, góp phần giải quyết các khó khăn về nguồn vốn ngân sách để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Để huy động nguồn vốn đầu tư hiệu quả nhất, nhiều hình thức đầu tư mới được thành phố kêu gọi như đầu tư theo đối tác công - tư PPP; thanh toán bằng quyền kinh doanh khai thác khu vực liền kề dự án hay bằng quỹ đất gắn liền với sự phát triển của dự án; đầu tư theo hình thức tái cơ cấu quyền sử dụng đất trên cơ sở nhà nước và người dân cùng thực hiện; sử dụng các nguồn hỗ trợ tài chính từ nước ngoài…

Lấy người dân làm trung tâm khi thực hiện các dự án

Một tín hiệu lạc quan hy vọng có thể gỡ được “nút thắt” về vốn cho chương trình di dời nhà ở trên, ven kênh rạch hiện nay là Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang sửa đổi những quy định về đầu tư theo phương thức xã hội hóa, rút ngắn thủ tục, đa dạng hình thức thanh toán nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố chủ động lựa chọn. Các quy định mới còn nhằm giảm rủi ro cho nhà đầu tư, tăng trách nhiệm của Nhà nước, giảm tiêu cực, tránh đội vốn trong các dự án PPP...

Ngoài ra, tại hội nghị mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị kể trên, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, tổ chức này sẽ tập trung vốn cho khu vực tư nhân để thực hiện dự án cải tạo kênh rạch. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cam kết sẽ đồng hành với chính quyền TP HCM trong chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch.

Hình ảnh sạch đẹp, thông thoáng của một đoạn kênh Tàu Hủ - Bến Nghé hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, quyết tâm của Thành ủy thành phố là tìm cơ chế mới, kinh nghiệm của quốc tế và của bản thân TP HCM để giải quyết vấn đề đặc thù nhà ở ven và trên kênh, rạch của người dân. Đặc biệt, khi Chính phủ ban hành các nghị định thay thế các nghị định cũ, thành phố sẽ có cơ chế tài chính rõ ràng, cụ thể để kêu gọi tham gia đầu tư.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, một điều cần lưu ý là thành phố phải lấy người dân làm trung tâm khi thực hiện các dự án. Người dân phải có chỗ ở tốt hơn, điều kiện việc làm tốt hơn, thoát nước được giữ vững, có thêm điều kiện để phát triển giao thông, thêm nhà và những cơ sở đô thị phục vụ người dân… Phương châm là ở đâu chỉnh trang ở đó, không dời dân đi chỗ khác, nhưng kết quả cuối cùng là đất được sử dụng hiệu quả hơn, giá trị đất tăng thêm, thêm hồ nước, thêm cây xanh…

Đặc biệt, có thể mời các chuyên gia nước ngoài tư vấn thêm, hay có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong cải tạo đô thị, bởi TP HCM và Nhật Bản giống nhau về áp lực nhà đất, chỗ ở. 

Bài học của Nhật Bản là không di dời người dân đi chỗ khác, mà cải tạo đô thị ngay trên chính phần đất hiện hữu. Ngoài ra, có thể mời các chuyên gia Hàn Quốc tư vấn thêm về kinh nghiệm sắp xếp cho dân ở tại chỗ, sử dụng đất hiệu quả, làm cho giá trị đất tăng lên.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thực tế tại một số khu vực kênh rạch ở TP HCM, nhiều hộ dân cho biết họ vẫn chưa nhận được kế hoạch giải tỏa cũng như giá đền bù. 

Ngoài ra, nhiều căn nhà nằm trong lộ giới mở rộng kênh nên không thể sửa chữa gây nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt. Và đặc biệt theo nhiều hộ dân nếu có giá bồi thường cũng sẽ khá thấp, như vậy với họ sẽ rất khó khăn trong việc tìm mua nơi ở mới.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện có khoảng 50% hộ dân ở trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện để lo nơi ở mới, hoặc được bồi thường nhưng cũng không đủ để tạo dựng nhà mới. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển nguồn nhà tái định cư, Sở Xây dựng cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp theo chủ trương để mọi người dân khi di dời đều phải có nhà ở.

Trong năm 2018, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND các quận - huyện phát triển 11.000 nhà ở xã hội để bố trí tái định cư cho các hộ có đủ điều kiện bồi thường nhưng giá trị bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại hoặc các hộ không đủ điều kiện bồi thường, không còn nơi ở nào khác.

Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở thương mại, bảo đảm cung cấp khoảng 38.500 căn hộ và nền đất cho các hộ được bồi thường có thể chủ động và tự lựa chọn nơi ở mới.

Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP HCM, để di dời và tổ chức lại đời sống của người dân sống trên và ven kênh, rạch, thành phố đã chuẩn bị sẵn quỹ nhà ở cho người có thu nhập thấp nhằm hỗ trợ những trường hợp nhận tiền hỗ trợ, bồi thường thấp. 

Thành phố cũng đã có các giải pháp tích cực để ổn định đời sống người dân sau khi di dời, đồng thời nghiên cứu giải quyết bài toán về giá bồi thường có độ chênh lệch so với giá thị trường thực tế để nhanh chóng được người dân đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng…

Có thể nói, việc di dời, giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch là chương trình lớn của thành phố nhằm chăm lo, ổn định và nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời cải tạo, chỉnh trang và hiện đại hóa bộ mặt đô thị. 

Để thực hiện thành công dự án này, cần sự cố gắng và chung tay từ nhiều phía. Nhất là người dân cần hiểu và ủng hộ chủ trương này của thành phố và những nhà đầu tư khi tham gia thực hiện dự án cũng cần chia sẻ khó khăn vì mục tiêu chung phát triển TP HCM văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt. 

Phú Lữ
.
.
.