Căn hộ mà biết nói năng

Thứ Bảy, 25/04/2020, 14:39
Những ngày qua, một câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm là việc lãnh đạo Bộ Xây dựng đã phải ký thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.


12 cựu quan chức đã được Chính phủ giao nhà ở công vụ khi đang đương chức này gồm: 3 nguyên Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 2 nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; 1 nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 1 nguyên Thứ trưởng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 1 nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; 1 nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; 1 nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; 1 nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và 1 nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản. Điều đáng nói là thông báo đòi nhà đã được Bộ Xây dựng gửi tới 12 cựu quan chức này từ 2-3 lần nhưng họ vẫn chưa trả lại nhà công vụ.

Theo Quyết định 27 năm 2015 của Thủ tướng về tiêu chuẩn nhà công vụ, hầu hết các cựu quan chức này đều có hệ số phụ cấp chức vụ khi đang công tác từ 1,3 trở lên, đảm nhận chức danh thứ trưởng hoặc chức danh tương đương hàm thứ trưởng, có tiêu chuẩn thuê căn hộ nhà ở công vụ tại đô thị là căn hộ loại 2, diện tích sử dụng từ 100 - 115m2…

Ngay sau khi thông tin này được báo chí đăng tải đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì sự "lừng khừng" của những vị cựu quan chức. Theo quy định tại Luật Nhà ở, nhà ở công vụ là nhà ở được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác. Điều đó có nghĩa khi về hưu thì đương nhiên các vị không được thuê nữa mà phải trả lại nhà cho Nhà nước. Nhưng cái điều tưởng đơn giản, dễ hiểu như 1+1= 2 ấy vẫn có những người không hiểu.

Sau khi bị báo chí bêu tên (dù đã viết tắt tên nhưng vì cả 12 vị này đều từng là quan chức cỡ Tổng cục trưởng, Thứ trưởng nên dân mạng chẳng khó khăn gì đã có thể tìm ra và tung hết cả họ tên đầy đủ lên mạng xã hội), một số vị đã lên tiếng giải thích.

Trả lời báo chí, bà nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, người đã nghỉ hưu từ đầu năm 2019, đã chuyển vào phía Nam sinh sống, khẳng định bà không vướng bận gì chuyện trả lại căn nhà công vụ. Việc bà chưa trả nhà công vụ vì bà không nhận được thông báo trả nhà lần 1. Đến lần 2 Bộ Xây dựng gửi thông báo đòi nhà bà mới nhận được và khẳng định cuối tháng 4 bà sẽ ra Hà Nội để bàn giao lại nhà công vụ cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản quản lý. Bà cũng nói rằng, nếu cán bộ của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản không thông tin việc đang trình Thủ tướng đề án hóa giá nhà ở công vụ cho các cán bộ nghỉ hưu thì gia đình bà đã trả nhà công vụ cho nhà nước từ lâu.

Còn ông nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì nói mọi người đều vậy (đều giữ nhà công vụ) chứ không chỉ riêng gia đình ông. Sau khi nhận được thông báo từ Bộ Xây dựng, ông đang trao đổi với cán bộ của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản để làm các thủ tục trả lại nhà công vụ cho nhà nước theo quy định.

Quả thực nghe các vị trình bày, người dân càng "ngạc nhiên" bởi cái sự dây dưa của họ. Các vị chắc chắn không thiếu nhà. Không những thế, việc nghỉ hưu là chuyện được biết trước cả năm chứ không phải đột ngột, nghĩa là ai cũng đều biết trước cái mốc mình sẽ rời vị trí công tác để chuẩn bị tâm thế về hưu.

Vì vậy, mọi lời giải thích đều chỉ là ngụy biện khi vẫn muốn vớt vát những đặc quyền mà họ tự cho rằng mình có quyền được hưởng. Bởi một căn hộ có diện tích 100m2 ở tòa nhà này hiện có giá thị trường hơn 3 tỷ đồng, nếu bán thanh lý thì có thể sẽ được mua với giá rẻ.

Trong khi đó, mới đây, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân ủng hộ chính quyền chống dịch COVID-19, ông Hà Khoa, một nông dân ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã viết đơn xin hiến mảnh đất nằm ngay mặt tiền đường Hồ Chí Minh với chiều ngang 15m và chiều dài 45m, hiện có giá khoảng 300 triệu đồng để UBND huyện bán lấy tiền chống dịch. "Không phải khấm khá, dư giả mà mình đi hiến đất. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng sống mà không cống hiến thì sẽ rất tẻ nhạt", ông Khoa đã nói vậy khi được hỏi lý do hiến đất.

Thưa 12 vị cựu quan chức, hãy nghe lời bộc bạch của một người nông dân.

Nguyễn Thiêm
.
.
.