Cần làm rõ thủ đoạn chiếm giữ hàng vạn bình gas trái phép

Thứ Hai, 02/10/2017, 12:45
Chiều 21-9, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) bất ngờ kiểm tra và phát hiện tại Ban quản lý Cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đang tập trung một số lượng lớn vỏ bình gas đã qua sử dụng một cách bất thường. 

Điều đáng nói là sự việc như trên liên tiếp được phát hiện tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây, hé lộ nghi vấn vỏ bình gas bị thu gom, chiếm giữ một cách trái phép…

Hàng vạn bình gas bị chiếm giữ trái phép

Theo đó, qua công tác kiểm đếm sơ bộ ban đầu cho thấy đã có hơn 23.000 bình gas được chia thành nhiều dãy, xếp chồng lên nhau từ 3-4 lớp. Các bình gas này đều có nhãn mác mang thương hiệu Đại Lộc, Vạn Lộc… Với số lượng lớn bình gas như vậy, đến tối cùng ngày Đoàn công tác của lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh mới hoàn tất sơ bộ công tác kiểm đếm.

Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng.

Một cán bộ của Đoàn công tác cho biết, trước đó, nhiều đơn vị kinh doanh phản ánh việc hao hụt lượng lớn vỏ bình, đồng thời phát hiện nghi vấn vỏ bình bị thu gom, chiếm giữ một cách trái phép. Vào thời điểm Đoàn kiểm tra có mặt tại bãi tập kết, lãnh đạo của Ban quản lý Cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ không có mặt, chỉ có một nhân viên được giao nhiệm vụ trông coi số vỏ bình nói trên. Người này cho biết, số vỏ bình gas do hai đại lý trên địa bàn gửi với giá 7 triệu đồng/tháng, tuy nhiên không hề có giấy tờ hợp đồng.

Ngay sau đó một ngày, vào khoảng 21 giờ ngày 22-9, tại kho hàng Dị Sử (xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) đã xảy ra vụ tẩu tán hàng vạn vỏ bình gas có dấu hiệu bị chiếm giữ trái phép. Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, khoảng 40 xe ôtô vận tải gắn thương hiệu "Hồng Hà gas" thuộc Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân (Công ty Trần Hồng Quân) đã được điều động tới kho hàng Dị Sử để mang các vỏ bình gas đi.

Các vỏ bình mang nhãn hiệu như Vạn Lộc, Đại Lộc, ASIA... của Công ty Vạn Lộc được gần 100 người của Công ty Trần Hồng Quân vận chuyển lên xe một cách nhanh chóng. Điều này làm dấy lên mối nghi ngờ công ty này đang có dấu hiệu tẩu tán bình gas khỏi kho hàng khi biết cơ quan chức năng kiểm tra.

Để bảo vệ hiện trường đợi cơ quan chức năng đến giải quyết, nhiều nhân viên của Công ty Vạn Lộc cùng người dân có mặt tại chỗ đã tổ chức ngăn chặn hành vi tẩu tán vỏ bình gas của nhóm người này. Tuy nhiên, cố gắng của những người này bất thành vì số người đến tẩu tán bình gas quá đông.

Thậm chí, một nhân viên của Công ty Vạn Lộc đã dùng xe ô tô chắn ngang cổng kho hàng Dị Sử để ngăn cản các xe hàng của "Hồng Hà gas" nhưng chiếc ô tô này bị các đối tượng nói trên khiêng hẳn sang một bên. Những người tham gia đứng chắn xe tải cũng bị lôi ra ngoài để xe ôtô của "Hồng Hà gas" chở đi hơn 1.000 vỏ bình ra khỏi kho hàng.

Được biết, chiều 25-9, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đã tiến hành kiểm đếm và lập biên bản tạm giữ hàng vạn vỏ bình gas có dấu hiệu bị chiếm giữ trái phép tại kho hàng Dị Sử để phục vụ công tác điều tra. Bước đầu đã xác định có gần 30.000 vỏ bình gas các loại được tập kết tại kho hàng này. Lực lượng chức năng đang tiến hành xác minh làm rõ chủ sở hữu của số vỏ bình gas trên, đồng thời tiến hành điều tra đơn vị đã chiếm giữ trái phép số hàng hoá này.

Có thể bị xử lý hình sự

Nói về vụ việc này, ông Dương Văn Bách, cán bộ Công ty Vạn Lộc cho biết sau khi công ty nhận thấy số lượng vỏ bình gas có dấu hiệu bị thất thoát, cho đến nay là khoảng 30.000 vỏ, đơn vị đã xác minh và nhận thấy Công ty Trần Hồng Quân đã cố tình chiếm giữ các loại vỏ bình của công ty Vạn Lộc.

Cưa đôi vỏ bình đã phát hiện sai phạm.

Việc chiếm giữ vỏ bình gas trái phép này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh của Công ty Vạn Lộc. Chính vì thế, công ty này đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Công ty Trần Hồng Quân trao đổi vỏ, nhưng doanh nghiệp này đã không hợp tác và có ý định chiếm dụng.

Theo một đại diện của công ty Vạn Lộc cũng cho biết thêm, sau khi phát hiện hàng vạn vỏ bình gas có dấu hiệu bị chiếm giữ trái phép, công ty này cũng đã trình báo với Công an huyện Mỹ Hào và Công an xã Dị Sử về sự việc trên và đề nghị cơ quan Công an vào cuộc để làm rõ sự việc.

Trả lời về vụ việc, Thượng tá Lê Kế Họa, Trưởng Công an huyện Mỹ Hào cho biết, hiện vẫn tồn tại tình trạng một số công ty kinh doanh gas bị một đơn vị thu gom bình gas chiếm giữ, hủy hoại hoặc giả nhãn mác của nhau. Sau khi báo cáo sự việc trên, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các đơn vị tiếp tục điều tra sự việc.

Ngày 25-9, đoàn liên ngành (gồm cơ quan Công an, Quản lý thị trường…) của tỉnh đã kiểm đếm được 28.560 vỏ bình gas các loại đang được tập kết tại kho hàng Dị Sử.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh làm rõ chủ sở hữu của số vỏ bình gas trên, đồng thời điều tra đơn vị đã chiếm giữ trái phép số hàng hoá này. Chọn ngẫu nhiên 2 vỏ bình gas trong số gần 3 vạn vỏ bình, cơ quan chức năng bước đầu phát hiện nhãn mác bên ngoài và thương hiệu bên trong hoàn toàn khác nhau.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc chiếm dụng bình của các hãng gas khác biến thành của mình là sai pháp luật. Nhưng đáng nói là tình trạng này diễn ra khá phổ biến, một số hãng gas đã chiếm giữ bình của nhau, sau đó cắt đai phần phía trên bình, sơn rồi gắn logo của mình vào. Làm thế này thì tiết kiệm được rất nhiều chi phí, rẻ hơn nhiều so với việc sản suất ra một bình gas mới.

Theo một số luật sư cho rằng, các hành vi thu gom, chiếm giữ vỏ bình gas trong các vụ việc nêu trên là các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gas trên thị trường. Đặc biệt là hành vi chiếm đoạt, hoán cải, lưu giữ vỏ bình gas của thương nhân kinh doanh gas không thuộc sở hữu, vi phạm về sở hữu trí tuệ, sang chiết gas trái quy định của pháp luật.

Xe tải tẩu tán vỏ bình gas.

Thêm nữa, tình trạng thu gom và chiếm dụng bình gas trái phép là hành vi trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh và gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp khác, đặc biệt là người tiêu dùng, được quy định tại khoản 4, Điều 3 - Luật Cạnh tranh 2004.

Bên cạnh đó, hành vi thu gom, găm vỏ bình gas, chiếm đoạt trái phép vỏ bình gas có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến doanh nghiệp bị chiếm đoạt. Do vậy, doanh nghiệp bị hại khi nhận thấy tình trạng bị thất thoát vỏ bình gas phải ngay lập tức báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp ngăn chặn. Tuỳ vào mức độ, tính chất nghiêm trọng, đối tượng chiếm giữ vỏ bình gas có thể bị xử lý hình sự hoặc có thể bị xử phạm vi phạm hành chính bằng tiền.

Cách đây không lâu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã phát hiện một vụ việc tương tự khi kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Dương (có địa chỉ tại số 167, Quốc lộ 22, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), ngành nghề chiết xuất, kinh doanh gas. Công ty này đang sử dụng trái phép hàng nghìn chiếc vỏ bình đựng gas, nhãn hiệu khác nhau để tái chế lại thành vỏ bình mang nhãn hiệu Thái Dương.

Vào thời điểm kiểm tra tại trụ sở chính của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Dương và phân xưởng tái chế tại ấp An Lợi, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, lực lượng chức năng phát hiện có trên 6.000 chiếc bình gas các loại, có khối lượng chứa từ 12 kg đến 45 kg mang nhãn hiệu của các hãng gas khác như: TTA GAS, TOTAL GAZ, VIMEXCO GAS, SHELL GAS, V-GAS, SIAM GAS... được tái chế bằng cách thay tay xách, thay đế bình, đục bỏ nhãn hiệu cũ, sơn, hàn, thay số, nhãn hiệu mới... và biến những bình gas này thành bình đựng gas mang nhãn hiệu Thái Dương, sau đó chiết xuất gas vào bình, bán cho khách hàng, đại lý trong, ngoài tỉnh.

Đáng chú ý hơn cả là những bình gas tái chế kể trên của Công ty Thái Dương đều không có giấy phép kiểm định tại kho và chứng nhận về kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Theo Công an tỉnh Tây Ninh, việc làm kể trên của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Dương là hành vi gian lận, chiếm đoạt mẫu mã, thương hiệu của các hãng gas khác để trục lợi.

Hơn nữa những sản phẩm vỏ bình gas được tái chế như vậy sẽ không bảo đảm an toàn về chất lượng, gây nguy hiểm cho người sử dụng những bình gas loại này. Cách đây không lâu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã phát hiện một vụ việc tương tự khi kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Dương (có địa chỉ tại số 167, Quốc lộ 22, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), ngành nghề chiết xuất, kinh doanh gas. Công ty này đang sử dụng trái phép hàng nghìn chiếc vỏ bình đựng gas, nhãn hiệu khác nhau để tái chế lại thành vỏ bình mang nhãn hiệu Thái Dương.

Vào thời điểm kiểm tra tại trụ sở chính của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Dương và phân xưởng tái chế tại ấp An Lợi, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, lực lượng chức năng phát hiện có trên 6.000 chiếc bình gas các loại, có khối lượng chứa từ 12 kg đến 45 kg mang nhãn hiệu của các hãng gas khác như: TTA GAS, TOTAL GAZ, VIMEXCO GAS, SHELL GAS, V-GAS, SIAM GAS... được tái chế bằng cách thay tay xách, thay đế bình, đục bỏ nhãn hiệu cũ, sơn, hàn, thay số, nhãn hiệu mới... và biến những bình gas này thành bình đựng gas mang nhãn hiệu Thái Dương, sau đó chiết xuất gas vào bình, bán cho khách hàng, đại lý trong, ngoài tỉnh.

Đáng chú ý hơn cả là những bình gas tái chế kể trên của Công ty Thái Dương đều không có giấy phép kiểm định tại kho và chứng nhận về kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Theo Công an tỉnh Tây Ninh, việc làm kể trên của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thái Dương là hành vi gian lận, chiếm đoạt mẫu mã, thương hiệu của các hãng gas khác để trục lợi. Hơn nữa những sản phẩm vỏ bình gas được tái chế như vậy sẽ không bảo đảm an toàn về chất lượng, gây nguy hiểm cho người sử dụng những bình gas loại này.

Nhóm PV
.
.
.