Cần làm rõ việc lãng phí đất công ở TP HCM

Thứ Năm, 24/05/2018, 14:20
Tại TP HCM, hàng trăm địa chỉ nhà, đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý nhiều năm qua bị sử dụng sai công năng, sai mục đích, cho thuê giá bèo, bỏ hoang, góp vốn để liên doanh bị lỗ… đã gây lãng phí lớn và dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Thực trạng này gần đây đã gây bức xúc trong dư luận bởi những hệ lụy của vấn đề trên…

Cần quy trách nhiệm cụ thể vụ giao, cho thuê "khu đất vàng" ba mặt tiền

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM, hiện thành phố có gần 13.000 địa chỉ nhà, đất công, trong đó đa phần sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. 

HĐND TP HCM ghi nhận đa số các quận, huyện đều có nhà, đất công bị bỏ trống, sử dụng kém hiệu quả. Đặc biệt, có không ít lô “đất vàng”, vị trí “siêu” đẹp ở khu trung tâm thành phố đã và đang được bán với giá bèo, hoặc cho thuê giá rẻ, hay liên doanh lỗ…

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao xung quanh thông tin Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận thanh tra gửi Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê (với tên gọi Lavenue Crown) tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM. Cơ quan này kiến nghị thu hồi “khu đất vàng” gần 5.000m2 và thực hiện bán đấu giá theo quy định. Dự án này do Công ty CP Đầu tư Lavenue làm chủ đầu tư.

Khu đất vốn thuộc sở hữu Nhà nước này ban đầu do 4 đơn vị thuộc Bộ Công thương (Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Kim khí thành phố, Công ty CP hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty CP Vận tải xăng dầu - VITACO) thuê làm trụ sở làm việc. 

Đến năm 2010, theo đề nghị của Bộ Công thương, UBND TP HCM đồng ý lập Công ty CP đầu tư Lavenue gồm các cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP HCM (góp 50% vốn) và bốn công ty của Bộ Công thương (góp 50% vốn) để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau đó UBND thành phố lại cho phép Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm được tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn góp trong phần tỷ lệ vốn góp 50% của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố.

Tình trạng bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, cho thuê giá bèo… công sản đã gây lãng phí lớn và dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Cùng thời điểm trên, bốn công ty thuộc Bộ Công thương bất ngờ chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn. Giá chuyển nhượng sau này được tính là 62,5 tỷ đồng/công ty.

Sau khi chuyển nhượng, Công ty CP Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng, gồm ba cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà thành phố (tỷ lệ 20%), Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (tỷ lệ 30%) và Công ty TNHH Đầu tư Kido, chiếm tỷ lệ 50%.

Hình thức sử dụng đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn. 

Trong đó, duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (khoảng 3.400m2) giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng, duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu/m2/năm.

Công ty CP Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30-6-2016 vào ngân sách Nhà nước (hơn 700 tỷ đồng); Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lavenue.

Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc giao và cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn. Trong đó, khẳng định việc UBND TP HCM giao, cho thuê khu đất này không qua đấu thầu, đấu giá, không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn… là vi phạm Luật Đầu tư và Luật Quản lý tài sản Nhà nước cần phải được xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm chung thuộc về Chủ tịch UBND TP HCM, trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011-2015. Ngoài ra còn có trách nhiệm của nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan.

Chưa kể việc khu đất cũng được giao và cho thuê không đúng đối tượng, doanh nghiệp thực hiện dự án được giao không đủ năng lực tài chính… 

Việc làm này dẫn đến bốn công ty chuyển nhượng kiếm lời gây giảm nguồn thu cho ngân sách; giảm tỷ lệ cổ phần góp vốn của Nhà nước từ 50% xuống còn 20%.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (cổ đông sở hữu 30% cổ phần) được đăng ký thành lập năm 2010, tức là không lâu trước khi đề xuất triển khai dự án.

Hơn nữa, công ty này không có chức năng và chưa có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Việc làm trên là trái pháp luật về đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất, kết luận thanh tra đánh giá.

Theo Thanh tra Chính phủ, khu đất 8-12 Lê Duẩn có lợi thế đặc biệt về thương mại, do có ba mặt tiền tiếp giáp các tuyến đường trung tâm quận 1 (đường Lê Duẩn, đường Hai Bà Trưng và đường Nguyễn Văn Chiêm) lại gần kề Hội trường Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà. 

Khu đất này cần thiết phải áp dụng đơn giá cho thuê thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao hơn đơn giá Sở Tài chính đề xuất và trình UBND TP HCM phê duyệt.

Từ đó, cơ quan Thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM thu hồi toàn bộ khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, tăng thu cho ngân sách. Đồng thời, xem xét, tính toán để hoàn trả chi phí hợp lý cho Công ty CP Đầu tư Lavenue (bồi thường thiệt hại).

Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi đất có thuận lợi là hiện tại dự án chưa triển khai xây dựng mà hiện đang làm bãi giữ xe. Về kinh tế, hiện nay giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn khu trung tâm thành phố có giá trên 400 triệu đồng/m². Nếu đấu giá khu đất này sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng.

Khu đất 8-12 Lê Duẩn, quận 1 hiện đang được sử dụng làm bãi giữ xe.

Cần kiên quyết thu hồi, đưa ra đấu giá

Ngoài khu đất 8-12 Lê Duẩn, trên địa bàn TP HCM còn không ít “khu đất vàng” hoặc nhiều khu đất rộng mênh mông nhưng bị bỏ hoang, hay sử dụng không hiệu quả…

Được nhắc đến khá nhiều là ở đường Kinh Dương Vương, đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến điểm giao với quốc lộ 1 có đến bốn khu đất rộng hàng ngàn mét vuông để hoang từ nhiều năm. 

Trong đó, khu đất ở địa chỉ 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc (quận Bình Tân) rộng hơn 24.000m² do Công ty CP chế tạo máy Sinco (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) đăng ký sử dụng hiện vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. 

Gần đó, khu đất rộng khoảng 9.000m² tại số 620 Kinh Dương Vương phường An Lạc A, do Công ty CP hóa - dược phẩm Mekophar (thuộc Bộ Y tế) đăng ký sử dụng cũng đang bỏ trống…

Tương tự là khu đất hơn 2.500m2 của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 (thuộc Bộ Xây dựng) tại địa chỉ 516 Kinh Dương Vương. Xuống khảo sát tận nơi thì thấy cơ sở vật chất đã cũ kỹ, xuống cấp, chỉ còn một chốt bảo vệ có nhân viên trông coi khu đất.

Ngoài ra, rải rác tại nhiều quận huyện của TP HCM, cũng có thể dễ dàng thấy được nhiều địa chỉ rơi vào tình trạng để không, hoặc cho thuê bừa bãi…

Chẳng hạn như khu đất tại số 162 Nguyễn Thị Định, phường An Phú (quận 2) được báo cáo là đang để trống, chưa khai thác nhưng thực tế đang có người đứng ra cho thuê lại nhà xưởng. 

Nguyên khu đất này là nhà xưởng do Xí nghiệp Thức ăn chăn nuôi An Phú của Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) sử dụng. Xí nghiệp đã dời đi, trên khu đất chỉ còn một số nhà xưởng lâu ngày không sử dụng nên xuống cấp nghiêm trọng.

Khu đất số 538 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân nhiều năm qua bị bỏ hoang.

Theo ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố, trong quá trình thực hiện Quyết định 09/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp nhà, đất công, nhiều khu đất trong số gần 13.000 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được bán chỉ định, không thông qua đấu giá gây thất thoát ngân sách lớn.

Đề cập đến tình trạng này, đại diện Ban chỉ đạo 09 thuộc Sở Tài chính TP HCM cho rằng, khối lượng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố rất lớn, được hình thành qua nhiều giai đoạn, nhiều nguồn quản lý khác nhau, trong khi công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài, hồ sơ nhà đất lưu giữ không đầy đủ. Một số cơ quan đơn vị vì lợi ích cục bộ nên chưa xử lý dứt điểm tình trạng cho thuê, bỏ trống, sử dụng lãng phí nhà đất.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện chính sách pháp luật, đồng thời kiên quyết xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề xuất: “Đối với những khu đất công sử dụng sai mục đích, gây lãng phí thì kiên quyết thu hồi, đưa ra đấu giá để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án ở khu vực đó để khai thác, sử dụng hiệu quả, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê”.

Với những trường hợp đất công, trụ sở cơ quan được tạm thời khai thác cho mục đích thương mại thì phải theo đúng quy định của pháp luật, có đấu thầu công khai, chặt chẽ... để đem lại nguồn thu cho ngân sách. 

Trong khi đó, với các dự án bị trì trệ nhiều năm, cần tìm nhà đầu tư mới nhằm tránh lãng phí nhà đất công…­ tiến tới minh bạch hóa thị trường bất động sản, cũng như tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai. 

Phú Lữ
.
.
.