Mua bán thông tin cá nhân trên mạng:

Cần mạnh tay với loại tội phạm mới

Thứ Hai, 27/02/2017, 07:50
Trong kinh doanh, việc tiếp cận khách hàng tiềm năng là vô cùng quan trọng, nắm bắt được những thông tin của khách sẽ đảm bảo thắng lợi nhiều phần trăm. Vì vậy việc tiết lộ thông tin cá nhân của khách hàng diễn ra rất phổ biến.


Những thông tin này dần trở thành một loại hàng hóa đặc biệt và rao bán rất công khai trên mạng Internet. Pháp luật đã có những quy định xử phạt nhưng tình trạng mua bán thông tin cá nhân vẫn diễn ra rất công khai. Để tránh những phiền toái, sự lo sợ của người dân, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn để ngăn chặn và xử lý kịp thời.

1. Nhiều người vẫn thường thắc mắc tại sao mình lại hay nhận được những cú điện thoại từ một công ty, một hãng nào đó tư vấn về sản phẩm. Thậm chí còn tư vấn về việc học thêm của con cái. Đặc biệt hơn nữa, những nhân viên này có thể nói rõ, cụ thể tên tuổi, nơi ở, thậm chí cả thu nhập hằng tháng của bạn.

Rõ ràng, thông tin cá nhân của bạn đã bị lộ, bạn vô tình rơi vào danh sách là khách hàng tiềm năng cho sản phẩm của họ đang bán. Chỉ cần lên mạng gõ vài từ như “data khách hàng”, hay “khách hàng VIP”, “khách hàng tiềm năng” sẽ ra hàng loạt trang web công khai bán thông tin cá nhân như: Danh sách khách hàng VIP, danh sách khách hàng tiềm năng, danh sách khách hàng có thu nhập tốt…

Đĩa CD lưu trữ thông tin cá nhân được sử dụng khá phổ biến.

Điều đặc biệt, danh sách này được sắp xếp theo từng tiêu chí khác nhau, như ngành nghề, mức thu nhập, vị trí địa lý… Thậm chí về thân nhân, gia đình có người già, có trẻ con đang theo học cấp mấy… để người có nhu cầu sẽ dễ dàng lựa chọn đối tượng khách hàng mình cần tiếp cận. Các thông tin này có thể được lưu trữ tại các đĩa CD.

Tùy theo dung lượng, mà các đĩa CD này có giá khác nhau, đĩa chứa khoảng 5.000 khách hàng được bán với giá 90.000 đồng. Có những đĩa với dung lượng khủng chứa khoảng 10.000 khách hàng thì được bán giá rất cao, dao động từ 5 đến 10 triệu đồng.

Một người có số điện thoại 0975894xxx (chủ một trang web rao bán thông tin cá nhân) quảng cáo: “Những thông tin bên em là tương đối chính xác, có thể lên tới 80%. Tuy nhiên bọn em không bán đĩa mà khi nhận được tiền bọn em sẽ gửi lại cho bọn anh qua tài khoản mail. Bên em không như những nơi khác, họ làm ăn chớp nhoáng rồi thôi. Làm vậy để kín đáo, bọn anh có nhu cầu thì bọn em bán, còn làm ăn về lâu về dài nữa mà. Các anh có được thông tin này đảm bảo sẽ tiếp cận khách hàng đơn giản hơn rất nhiều”.

Với những gì người này chia sẻ thì người mua có thể nắm bắt được toàn bộ thông tin của khách hàng như: số điện thoại, địa chỉ email, số chứng minh nhân dân, thu nhập hằng tháng.

Nói về vấn đề này, anh Phạm Văn Minh (một công chức tại Hà Nội) cho biết: “Thực sự nhiều khi mình phải giật mình. Họ gọi điện đến tư vấn về bảo hiểm, tư vấn về nhà đất, rồi cả việc học thêm tiếng Anh của con. Nó không còn là sự phiền toái nữa, nó khiến chúng tôi thấy lo sợ vì thông tin của mình bị đánh cắp một cách trắng trợn. Bản thân chúng tôi cũng không hề biết thông tin của mình rò rỉ ra từ đâu. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này”.

Những trang mạng rao bán thông tin cá nhân hết sức công khai

Trên trang “Danh sách khách hàng - Database khách hàng 2016 có đầy đủ các danh mục để phục vụ nhu cầu của khách hàng như: Báo giá danh sách khách hàng, danh sách khách hàng theo yêu cầu. Trong đó được chia ra làm rất nhiều mục nhỏ như: Danh sách khách hàng phụ huynh học sinh khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn; Danh sách khách hàng bất động sản; danh sách khách hàng có thu nhập cao; Danh sách khách hàng gửi tiền tiết kiệm; Danh sách khách hàng xe hơi; Danh sách khách hàng giám đốc mới; Danh sách khách hàng CLB thẩm mỹ; Danh sách khách hàng doanh nghiệp…

Tại mỗi mục này có hàng nghìn, thậm chí chục nghìn khách hàng như: danh sách 50.000 khách hàng thu nhập cao tại TP Hồ Chí Minh, trên 20 triệu đồng/tháng; danh sách 17.500 giám đốc mới tại các công ty ở Hà Nội… danh sách 7.600 nhà giàu tại TP Hồ Chí Minh; danh sách 4.000 sinh viên trường đại học tại TP Hồ Chí Minh… mỗi danh sách giá 500 ngàn đồng.

2. Qua tìm hiểu những danh sách này được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Nó có thể do trao đổi giữa các đồng nghiệp, mua từ các trung tâm mua sắm, các công ty bảo hiểm, ngân hàng… Chẳng khó khăn gì để liên lạc với người đàn ông tên Bắc, anh này quảng cáo có danh sách gần 70.000 người tại TP Hồ Chí Minh với đầy đủ các thông tin cá nhân, số điện thoại, chức vụ, công ty làm việc, địa chỉ…

Danh sách tổng hợp các cá nhân được rao bán nhiều.

Khi được hỏi bằng cách nào để có được số lượng thông tin khủng như vậy, Bắc nói với giọng đầy ngạo nghễ: “Đó là cách làm ăn của bọn em, khi mà bọn em cần thì thông tin của ai mà chẳng có. Anh cần khách hàng có nhu cầu tìm lớp học tiếng Anh cho con chứ gì? Nếu như anh cảm thấy “ok” với giá đó em sẽ đẩy cho một số khách, đa số là những người đang có con trong độ tuổi đi học cấp 1 đến cấp 2. Họ là những gia đình có điều kiện cả”.

Lê Văn Thắng, một nhân viên làm việc ở một văn phòng bất động sản tại Hà Nội cho biết: “Tuần nào cũng phải quảng cáo những căn hộ của mình tới hàng ngàn số điện thoại với giá 280 nghìn đồng/lần. Danh sách này được sếp chuyển cho, bên cạnh đó em còn có trong tay hàng nghìn số điện thoại tiềm năng, có thể mua được nhà để điện thoại trực tiếp mời chào.

Thực sự là nghề thì phải làm thôi chứ nhiều lúc gọi điện họ không hợp tác, cảm thấy khó chịu, thậm chí còn chửi bới bọn em. Họ còn nói sẽ kiện bọn em vì khai thác thông tin cá nhân, đời tư của họ”.

Để ngăn chặn việc này, ngày 18/3/2016, Bộ Thông tin – Truyền thông có ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT về việc tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn tình trạng mua bán, lưu thông sim di động trái quy định. Chỉ thị này như để ngăn chặn việc thông tin cá nhân bị tiết lộ do nguồn dịch vụ viễn thông, mua bán sim di động.

Để đảm bảo bí mật, người bán có thể gửi mail cho khách hàng.

Theo đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, các đơn vị trực thuộc và Sở Thông tin - Truyền thông địa phương tăng cường phối hợp với ngành Công an để kiểm tra xác minh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đối với nhà mạng phải phổ biến và giám sát đại lý bán sim, điểm đăng ký thông tin thuê bao nghiêm túc chấp hành quy định bảo mật thông tin cá nhân của người dùng dịch vụ viễn thông; không mua bán, lưu thông sim đã kích hoạt sẵn...

Chính vì vậy mỗi người cần tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình bằng cách khi mua hàng cần cân nhắc thật kỹ trước khi cung cấp thông tin cá nhân cho nhân viên bán hàng. Khi giao dịch tại ngân hàng, khách hàng nên yêu cầu nhân viên không được cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bất cứ ai. 

Việc rao bán thông tin khách hàng cũng là hành vi xâm phạm bí mật đời tư của khách hàng theo quy định tại điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005. Mặt khác, theo tại Điều 22 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 có quy định: Cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân lưu trữ thông tin cá nhân của mình trên môi trường mạng thực hiện việc kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin đó. Tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự đồng ý của người đó. Cá nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân.

Nếu người nào có hành vi vi phạm trên có thể bị xử lý hành chính tại Điều 65 Nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng theo quy định;

+ Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định;

+ Không bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ đối với thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, sử dụng, chuyển giao theo quy định;

+ Không tự điều chỉnh hoặc không có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin không chính xác theo quy định;

+ Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Phong anh
.
.
.