Cần mạnh tay xử lý các đối tượng chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông

Thứ Ba, 22/12/2015, 15:00
Ở một nền giao thông còn đậm chất…"hoang dã", thì áp lực công việc luôn đè nặng lên vai những người chịu trách nhiệm giữ gìn TTATGT trên từng tuyến đường, con phố. Áp lực ấy, không chỉ đến từ khối lượng công việc họ phải giải quyết mỗi ngày, mà còn bắt nguồn từ thái độ "khinh nhờn phép nước" của một bộ phận người tham gia giao thông. 

Thống kê từ hoạt động xét xử cho thấy, những vụ án "Chống người thi hành công vụ" có bị hại là… Cảnh sát giao thông (CSGT) luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Mới đây nhất, vụ tài xế Đoàn Văn Chuyên đâm thẳng xe ô tô vào Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt rồi bỏ chạy (sáng 12-12-2015), đã gây công phẫn cao độ trong dư luận xã hội. Sự việc đã báo động về tình trạng nguy hiểm của CSGT khi làm việc trên đường.

Góc nhìn chuyên gia

Gõ cụm từ "CSGT bị hất lên nắp capo" trên công cụ Google, chỉ trong trong 0,45 giây đã cho 96.900 kết quả là những tin bài có nội dung liên quan, còn nếu tìm nội dung "CSGT bị đánh" có tới 851.000 kết quả trong 0,39 giây. Điều này phản ánh một thực tế, đó là hành vi chống trả, tấn công lại CSGT trong khi thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến đường, đã vượt qua mức cảnh báo "đáng lo ngại", mà trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động. Có nhận thức đúng thực trạng, mới có thể xây dựng lên hệ thống các giải pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này.

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 - Công an TP Hà Nội thăm hỏi Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt.

Đã một tuần trôi qua nhưng thông tin về vụ tài xế Đoàn Văn Chuyên (SN 1991, trú tại xã Văn Khê, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) điều khiển xe ô tô tải BKS 89L-8211 đâm thẳng vào Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt (cán bộ Đội CSGT số 5, Phòng PC67, CATP Hà Nội), kéo lê anh đi khoảng 20 m rồi bỏ chạy, vẫn chưa làm dư luận nguôi ngoai. Trên các diễn đàn mạng, người dân bày tỏ thái độ căm phẫn trước hành động bạo ngược, hung hãn của tên "quái xế", mong muốn y bị trừng trị thích đáng. Đồng thời, những lời chia sẻ cảm thông với công việc và sự vất vả, hiểm nguy của CSGT… cũng đầy ắp các mục thảo luận.

Sau khi nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về tính chất nguy hiểm trong hành vi phạm tội của lái xe Đoàn Văn Chuyên, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã quyết định khởi tố bị can, tạm giam y về hành vi "Giết người". Đây là một quyết định chính xác, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và giới luật học.

Nhận xét về vấn đề này, Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc công ty luật Nay&Mai) cho biết: "Theo thông báo của Công an TP Hà Nội thì Đoàn Văn Chuyên đã có hành vi điều khiển xe ôtô tải BKS  89L - 8211 tông thẳng vào Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt, khi  anh bước xuống lòng đường ra hiệu lệnh dừng xe. Để tránh bị đâm ngã và xe chèn bánh qua người, Thượng úy Đạt đã phải nhao lên bám vào cần gạt nước và tai gương của chiếc xe ôtô tải.

Biết chiến sỹ CSGT đang ở tình thế hết sức nguy hiểm đến tính mạng, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra ngay tức khắc, nhưng Chuyên vẫn nhấn ga cho xe chạy với tốc độ rất cao một đoạn rồi phanh gấp để hất Thượng úy Đạt xuống đất. Chiếc xe đã kéo rê chiến sỹ này thêm một đoạn khoảng 20 m nữa. Sau đó Chuyên tiếp tục tăng ga bỏ chạy. Hậu quả làm Thượng úy Đạt bị đa chấn thương, gãy 3 xương sườn, tràn dịch màng phổi….

Hành vi của lái xe Đoàn Văn Chuyên thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu trong mặt khách quan và chủ quan của tội phạm "Giết người", bởi lẽ y có đủ lý trí (khả năng nhận thức tính chất nguy hiểm của hành vi) và ý chí (khả năng đưa ra quyết định làm hay không làm một việc theo đòi hỏi của xã hội).

Thượng úy Nguyễn Quốc Đạt tại hiện trường vụ án.

Khoa học hình sự đã chứng minh "Cái ở bên trong sẽ được bộc lộ ra bên ngoài bằng hành vi", nghĩa là suy nghĩ nội tâm (ý chí chủ quan) sẽ được hiện ra trên thực tế bằng các hành động cụ thể. Trong trường hợp này, căn cứ vào tình tiết Chuyên cho xe đâm thẳng vào anh Đạt, rồi bỏ chạy với tốc độ cao mặc dù anh Đạt vẫn đang bám ở đầu xe; tình tiết Chuyên phanh gấp để anh Đạt ngã xuống và tiếp tục bỏ chạy, bất chấp khả năng các bánh xe có thể chèn qua người nạn nhân gây tử vong…

Có thể thấy Chuyên có "ác tâm", coi thường mạng sống của người khác hoặc mong muốn gây thiệt hại với chiến sỹ CSGT này. Việc Chuyên nói vì "cuống" nên làm liều… là một sự ngụy biện, nhằm che giấu mục đích thực sự của hành vi.

Thái độ hung hãn đó, không chỉ là sự khinh nhờn luật pháp, mà có thể đến từ một nguyên nhân sâu xa khác, đó là thái độ thù tức, hằn học với lực lượng thực thi pháp luật, vì y đã từng bị bắt và xử lý trong 2 tiền án trước đó. Do đó, tôi rất tán thành với quyết định khởi tố bị can Đoàn Văn Chuyên về tội "Giết người", và hành vi này có các tình tiết tăng nặng định khung, quy định tại Điểm d, Điểm n, Khoản 1, Điều 93: "Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân"; "Có tính chất côn đồ".

Cần những chế tài mạnh

Hành vi chống người thi hành công vụ trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức đó. Thực tế cho thấy, các vụ chống người thi hành công vụ chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực: công tác giải phóng mặt bằng, trong công tác tuần tra kiểm soát TTATGT, trật tự đô thị; trong đó, lực lượng bị chống đối chủ yếu là CSGT.

Hiện tượng người điều khiển ô tô hất CSGT lên nóc ca pô không còn là mới. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, trong cả nước đã xảy ra hàng chục vụ việc tương tự. Cũng tại Hà Nội vào ngày 5-2, tài xế Nguyễn Thành Luân (hãng Taxi Group) điều khiển xe ô tô BKS 30P-4406 lưu thông trên phố Tuệ Tĩnh (Phường Bùi Thị Xuân), do chạy vào đường cấm nên bị Thiếu úy CSGT Phùng Duy Tân ra hiệu lệnh dừng xe. Luân không những không chấp hành mà còn tăng ga  bỏ chạy, hất Thiếu úy Tân lên nắp capo.

Cuộc trốn chạy chỉ dừng lại khi chiếc xe bị người dân và Cảnh sát 113 truy đuổi quyết liệt. Ngày 25-8, lái xe Nguyễn Văn Dũng trong khi điều khiển xe đã vi phạm lỗi dừng đỗ đón trả khách tại khu vực Hai Bà Trưng-Hỏa Lò (Hà Nội). Thượng úy Phạm Quốc Long (Đội CSGT số 1) ra hiệu lệnh dừng xe và bị Dũng đâm hất lên nắp ca pô rồi bỏ chạy với tốc độ cao. Tới ngã tư Quán Sứ - Hai Bà Trưng, Thượng úy Long bị ngã xuống đường…

Làm gì để ngăn chặn thực trạng nguy hiểm này? Luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) kiến nghị: "Theo chúng tôi, mọi hành vi chống đối bằng cách tấn công lại CSGT đều phải bị xử lý về hình sự. Đặc biệt, với tất cả những vụ đâm xe ô tô vào CSGT, hất họ lên nắp ca pô rồi tiếp tục bỏ chạy với tốc độ cao, đánh võng lạng lách để làm văng người xuống đất, vì tính chất đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng người thi hành công vụ, cần phải khởi tố hình sự về hành vi Giết người. Có như vậy mới đủ tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Luật sư Đỗ Quốc Quyền.

Tính mạng người lính khi làm nhiệm vụ trên đường cần được bảo vệ, trước hết là ở phương diện luật pháp. Đó có thể là việc tăng nặng các chế tài xử phạt, xử lý hành vi tấn công, chống đối CSGT, nhưng điều quan trọng nhất là phải làm sao để không một hành vi "Chống người thi hành công vụ" nào thoát khỏi bị trừng trị.

Tôi biết trên thực tế, việc xử lý hành vi chống đối, tấn công CSGT, nhiều khi chịu sự tác động can thiệp từ "n" các mối quan hệ. Áp lực đối với cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc không phải là nhỏ, và đã có những vụ việc bị "chìm xuồng" do bên vi phạm bồi thường hay xin lỗi, phía "bị hại" cũng dễ dàng thông cảm, bỏ qua…Chính điều này làm cho luật pháp bị xem thường. Tôi nghĩ cứ làm rốt ráo, xử án điểm vài vụ chống đối, tấn công CSGT, sẽ tác động mạnh tới ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông".

Vẫn theo Luật sư Quyền, hành vi "Chống người thi hành công vụ" hiện nay được quy định tại Điều 257 - Bộ luật hình sự và tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…Tuy nhiên đến nay việc xác định ranh giới giữa xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự vẫn chưa được hướng dẫn. Điều này dẫn đến trong nhận thức và thực tiễn áp dụng pháp luật có sự không thống nhất và thiếu chính xác.

Trên thực tế, chỉ có những vụ chống đối, tấn công CSGT gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, còn đâu thì thường chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính, hoặc không xử lý. "Luật pháp là công cụ hữu hiệu nhất để bảo vệ mọi người, kể cả với người thi hành công vụ. Cần sử dụng tối đa công cụ này để người lính ra đường làm nhiệm vụ được an toàn" - ông Quyền kiến nghị.

Tích cực bảo vệ mình

Nhìn nhận những nguy cơ đe dọa sự an toàn đối với lực lượng CSGT, luật sư Lê Hồng Hiển tư vấn: "Từng cán bộ CSGT cần phải tự ý thức bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe cho mình. Việc dừng xe, kiểm tra xử lý phương tiện của CSGT phải tuân thủ đúng quy trình, quy tắc an toàn, chứ không nên liều mình đứng đón đầu phương tiện đang chạy tới.

Với những trường hợp tài xế có dấu hiệu bất tuân hiệu lệnh, thì CSGT  ghi lại biển số, đặc điểm xe để truy tìm và xử lý sau, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải truy đuổi theo, dễ gây tai nạn cho mình và người lưu thông trên đường. Ngành CSGT nên thường xuyên tập huấn bồi dưỡng các kỹ năng làm việc cho CBCS khi làm nhiệm vụ, trong đó thái độ ứng xử với dân rất quan trọng. Làm tốt điều này sẽ tháo ngòi nổ cho những xung đột không đáng có giữa các bên".

Đào Trung Hiếu
.
.
.