Cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu: Cần nhưng phải có lộ trình

Thứ Bảy, 01/10/2016, 15:53
Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tiếp tục đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Song để tìm ra những phương án điều chỉnh hợp lý, hài hòa giữa ổn định quỹ bảo hiểm xã hội với phát triển kinh tế và tận dụng được nguồn nhân lực là điều cần đặc biệt quan tâm.


Còn nhiều ý kiến trái chiều

Nhu cầu điều chỉnh tuổi về hưu là cần thiết trong khi nước ta phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, cần thiết phải huy động những người còn khả năng lao động tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động, Xã hội: Chúng ta không nên chần chừ việc tận dụng nguồn lao động dồi dào. Phải nói lại thời gian có thu nhập là thời gian từ lúc người lao động bắt tay vào làm việc cho tới lúc nghỉ hưu, khoảng đó người lao động trích một phần tiền công để đóng bảo hiểm.

Khi nghỉ hưu, tức là không còn tạo ra thu nhập nữa, mà lúc này là hưởng tiền từ quỹ bảo hiểm. Xét về vấn đề kinh tế khi tăng tuổi nghỉ hưu thì có nghĩa sẽ tăng thời gian làm việc, đóng góp vào nền kinh tế đất nước mà trong khi đó thời gian hưởng tiền từ quỹ giảm đi. Điều này có lợi cho Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Bà Lan Hương nhấn mạnh: “Đóng BHXH thực chất là sự chia sẻ cùng xã hội, một số người đóng tiền vào quỹ để một số khác được hưởng”.

Tăng tuổi nghỉ hưu thế nào cần lộ trình hợp lý.

Thực tế, việc cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu đã diễn ra từ năm 2006 nhưng chưa được chấp thuận. Năm 2014, LĐ-TB và XH tiếp tục đưa ra dự thảo Luật BHXH sửa đổi, có kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Dự thảo đề xuất từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức (nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi).

Từ năm 2020 trở đi thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm lao động còn lại, mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên dư luận đã phản ứng dữ dội, và được chỉ ra sẽ ảnh hưởng đến những đối tượng được quy hoạch cán bộ, các doanh nghiệp, người lao động trong một số lĩnh vực không muốn tăng tuổi lao động…

Bởi thế, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật BHXH giữ nguyên quy định về tuổi hưu như cũ, 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi với nữ (trừ một số trường hợp đặc biệt được tăng tuổi hưu).

Qua tìm hiểu, Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục trình dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó có mục kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu là dựa vào căn cứ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, tuổi thọ bình quân tăng, trong khi đó Quỹ BHXH đang đứng trước nguy cơ mất cân đối do thời gian chi trả lương hưu kéo dài, cộng với quyền bình đẳng giới, nhu cầu tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao...

Nhưng dư luận vẫn chia ra hai hướng rõ rệt, đồng tình và không. Các chuyên gia đồng tình cho rằng, sẽ thật lãng phí nếu rất nhiều người có trình độ, năng lực, khả năng cống hiến phải nghỉ hưu. Thậm chí không ít ý kiến cho biết sức khỏe người lao động cũng được cải thiện, đây là thời điểm cần thiết đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian cống hiến của người có năng lực.

Một số ý kiến khác cho rằng, thời gian tới người trong độ tuổi nghỉ hưu sẽ lớn, một lực lượng đó vẫn còn khả năng làm việc, vậy mà nghỉ làm và hưởng quỹ, người đóng bảo hiểm ít đi, sẽ gây ra tình trạng vỡ quỹ. Chúng ta chỉ có hai giải pháp, một là tăng tiền đóng bảo hiểm, hai là tăng thời gian làm việc. Nhưng tăng tiền đóng bảo hiểm đến thời điểm này đã là cao rồi.

Có chuyên gia phân tích tăng tuổi nghỉ hưu làm mất cơ hội của người trẻ.

Xét về khía cạnh xã hội, mỗi ngành nghề thì người lao động có khả năng khác nhau. Những người là giáo viên, giáo sư, người nghiên cứu khoa học có thể làm việc lâu hơn.

Luồng ý kiến ngược lại cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động lớn, khó lường về xã hội, chính trị, nguồn nhân lực trẻ. Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp cho biết, đối với người lao động trong các ngành đặc thù, hoặc những việc đòi hỏi sức khỏe dẻo dai thì không thể tăng tuổi nghỉ hưu.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân- Công đoàn cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Thế nhưng 10 năm nữa mới tính đến bởi nguồn nhân lực trong nước còn dồi dào và đến hơn 400 nghìn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp.

Ông Thọ nhấn mạnh: “Một số lượng lớn lao động trẻ đang cần chỗ làm việc, nếu người đến tuổi nghỉ theo quy định mà ở thêm thời gian thì sẽ mất cơ hội của người trẻ. Sự thất nghiệp của người già không quan trọng bằng của người trẻ, đó là sự an nguy của lực lượng lao động trẻ”.

Một ý kiến khác từ cơ sở, ông Đoàn Mạnh Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sài Gòn Precision (KCX Linh Trung 1, TP Hồ Chí Minh), cho rằng việc doanh nghiệp có nhận lao động lớn tuổi hay không là vấn đề nan giải. Nếu muốn tăng tuổi hưu thì cần phải khảo sát và nghiên cứu kỹ nên tăng ở ngành nghề nào và tăng bao nhiêu cho phù hợp chứ không nên áp đặt”.

Tăng sao cho hợp lý

Bộ LĐ-TB và XH đang nỗ lực chỉ ra việc cần thiết để xây dựng đề án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động tiếp tục đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, dự kiến năm 2017, bộ luật này sẽ được trình Quốc hội.

Trên quan điểm của người xây dựng chính sách, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB và XH) cho biết, nếu không cân nhắc tới việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Câu hỏi đặt ra là, cơ quan chức năng sẽ làm thế nào để bảo vệ những đề xuất của mình và bảo đảm tính khả thi?

Nên thận trọng từng bước trước khi quyết định tuổi nghỉ hưu.

Ông Bốn cho hay hiện bộ chủ quản vẫn chưa thành lập ban soạn thảo. Nếu được Chính phủ giao, Vụ Pháp chế sẽ lập ra các giả thiết nếu tăng thì theo lộ trình thế nào đồng thời tính đến các phương án giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động, Xã hội nêu ý kiến: Khi xây dựng chính sách hưu trí, chúng ta phải xây dựng thành nhiều mốc: Thời gian làm việc tối đa của con người là bao nhiêu năm? Và thời gian tối đa của một nghề là bao nhiêu?

Nếu những người làm việc nặng nhọc, công việc có tính chất độc hại thì thời gian làm nghề rút ngắn, ta có thể chuyển họ đi làm việc nhẹ nhàng hơn, có nghĩa là tạo điều kiện thuyên chuyển công tác, giúp họ vẫn có môi trường làm việc tốt sau khi không thể đáp ứng được với tình trạng công việc trước đây. Ta không nên đánh đồng tất cả. Hiện nay người lao động lãi, đóng góp ít mà hưởng nhiều.

Theo phân tích, tuổi về hưu còn nói đến năng lực của một con người, do đó phải linh hoạt, áp dụng với mỗi loại hình công việc một chính sách khác nhau để làm sao người lao động phát huy hết khả năng của mình. Đồng thời việc nghiên cứu, đánh giá tăng tuổi nghỉ hưu chính là tính toán cho tương lai. Nhưng muốn làm được sẽ phải đúc rút kinh nghiệm, trên cơ sở đánh giá của những lần đề xuất trước, tìm ra phương án tối ưu nhất.

Chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực người lao động Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Để điều chỉnh tuổi cần có nghiên cứu căn cứ khoa học. Ở Lào, tuổi nghỉ hưu cả nam và nữ là 60; ở châu Âu nam là 65, nữ là 63,5; một số nước Trung Á nam 63 tuổi, nữ 60… Tuy nhiên không thể áp dụng ở Việt Nam bởi sẽ gặp phản ứng của người lao động trực tiếp”.

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một chính sách lớn có ảnh hưởng đến rất nhiều tầng lớp trong xã hội cần được nghiên cứu và điều tra kỹ lưỡng. Các cơ quan liên quan nên ngồi lại với nhau để đi đến một thống nhất chung, nhằm hướng đến hiệu quả an sinh xã hội, bảo đảm sử dụng tốt nguồn nhân lực có chất lượng.

Nguyện vọng của người lao động là được quyền lựa chọn và không nên đánh đồng mọi đối tượng, cũng như đánh đồng tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng hưu. Không ít doanh nghiệp và người lao động kiến nghị nên quy định riêng cho các ngành đặc thù, tạo cơ hội cho những người chịu nghỉ hưu sớm, ưu tiên người có trình độ, năng lực vẫn muốn cống hiến.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương kiến nghị: “Chúng ta cần coi việc luân chuyển nghề là thường xuyên, giúp người hết tuổi nghề ở những công việc đặc thù, độc hại được chuyển làm việc khác. Nhà nước cần tạo quỹ hỗ trợ để luân chuyển nghề”.

Điều quan trọng lúc này không chỉ là chuyện nên tăng hay không mà là công việc cần thiết phải thực hiện theo lộ trình từng bước. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên tăng dần mỗi năm thêm 6 tháng và hướng đến tuổi nghỉ hưu nam bằng nữ là hợp lý. Một phương án hợp lý sẽ nhận được đồng thuận của đông đảo người lao động, triệt tiêu những bức xúc trong dư luận.

Dương Khánh Thảo
.
.
.