Cần phạt nặng những kẻ trục lợi từ thiên tai, dịch bệnh

Thứ Hai, 26/10/2020, 15:22
Ngày 21-10, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã có công văn gửi Đội trưởng các Đội QLTT yêu cầu tăng cường công tác phối hợp, phòng chống thiên tai, lũ lụt. 


Theo đó, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu Đội trưởng các Đội QLTT chủ động nắm bắt diễn biến hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông thương mại trên thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình mưa lũ để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý, mua gom gây bất ổn thị trường.

Trong đó tập trung các sản phẩm, mặt hàng phục vụ công tác phòng chống lụt bão, nguyên liệu khôi phục sản xuất, khắc phục môi trường sau bão lũ như: xăng dầu, chất đốt, vật liệu xây dựng (tấm lợp, đinh vít, dây thép buộc), nhà bạt, áo phao cứu sinh, phao các loại.

Bên cạnh đó còn có những hàng hóa đáp ứng nhu cầu dự trữ như: lương thực (gạo), thực phẩm chế biến (sữa, mỳ tôm, lương khô, nước uống đóng chai và các nhu yếu phẩm khác), thuốc chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch, hóa chất xử lý môi trường sau mưa lũ.

Cục QLTT cũng yêu cầu Đội trưởng các Đội QLTT kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm, bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, trà trộn để bán hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm thu lợi bất chính.

Thực tế những ngày qua đã xảy ra tình trạng tại một số cửa hàng bán áo phao cứu sinh ở Hà Nội tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp ba sau khi xảy ra lũ lụt tại miền Trung do các đoàn cứu trợ tại Hà Nội thu mua áo phao cứu sinh gửi vào miền Trung. Bình thường, một áo phao người lớn chỉ có giá 50.000 - 60.000 đồng/ chiếc, vậy thời điểm này đã bị đẩy lên tới 100.000 - 150.000 đồng/chiếc với lý do không có hàng.

Việc áo phao cứu sinh tăng giá bất thường những ngày qua không khác gì tình trạng "cháy" khẩu trang vào thời điểm tháng 3-2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, giá khẩu trang y tế cũng bị đẩy giá lên cả chục lần khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.

Những ngày qua, trong khi người dân cả nước đang chung tay san sẻ khó khăn với người dân vùng lũ, thì việc một số tiểu thương kinh doanh áo phao thừa cơ trục lợi càng khiến dư luận bức xúc, bởi đây không chỉ là thiếu đạo đức trong kinh doanh mà còn là vi phạm pháp luật.

Tại Điều 31, Điều 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15-10-2020, đã quy định các mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng. Đối với hành vi đầu cơ găm hàng sẽ phạt tiền 5-100 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50 triệu - 1 tỉ đồng trở lên.

Các hành vi vi phạm được quy định rất rõ như: cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng; quy định niêm yết bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa ra thị trường; không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó. 

Ngoài ra, còn các hình thức xử phạt bổ sung đi cùng như tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm. Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3-6 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Tân Lương
.
.
.