Cần siết chặt quy trình xe đưa đón học sinh

Thứ Bảy, 10/08/2019, 06:47
Vụ việc một cháu bé lớp 1 của Trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trong ô tô đưa đón ngày 6-8 đã gây chấn động dư luận. Dường như khi xảy ra vụ việc đau lòng ấy, người ta mới thấy cần phải xem xét lại quy trình xe đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Con đã bước lên xe và ra đi mãi mãi

Rạng sáng ngày 7-8, thi thể bé L. đã được người thân đưa về quê nhà ở Thanh Hóa để an táng. Biết tin buồn, rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp của anh Lê Văn Sơn đã đến động viên, chia buồn với gia đình. 

Trước đó, dù cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để làm việc với cơ quan chức năng và những bên liên quan, nhưng đến khi đứng trước linh cữu của cậu con trai bé bỏng anh Sơn đã bật khóc tức tưởi. Anh Sơn bảo, cho đến tận lúc này anh vẫn nghĩ đó là một cơn ác mộng. Anh làm sao có thể ngờ được rằng con mình lại bị chết oan uổng và đau đớn đến vậy. 

Cứ hình dung ra cảnh con loay hoay, hoảng loạn và tuyệt vọng trong chiếc xe mà không thể làm gì để thoát ra được lại khiến tim anh như bị ai bóp nghẹt. Vợ anh từ khi nghe tin dữ về con ngất lên ngất xuống, hễ tỉnh dậy thì lại gào khóc gọi tên con. 

Mọi sự diễn ra quá đột ngột, mới buổi sáng thôi, vợ chồng anh Sơn còn cùng nhau chở con ra điểm đón xe bus ở Yên Hòa (Cầu Giấy). Trước khi lên xe, vợ chồng anh còn tíu tít nói chuyện với nhau rồi còn hẹn buổi tối sẽ chở con đi mua đồ chơi. Vậy mà, con lên xe lần đó để rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Ngay hôm xảy ra vụ việc, buổi họp báo đã được tổ chức, tuy nhiên vẫn chưa có kết luận chính thức.

L. là con trai duy nhất của vợ chồng anh Sơn, ngày 6-8 chỉ mới là ngày thứ 2 cháu bé đi học tại trường Gateway. Bà nội L nói trong nước mắt: "Con về chơi với ông bà và vừa lên Hà Nội được mấy ngày để đi học thôi mà. Vậy mà sao con lại ra nông nỗi này hả con ơi. Sáng nay nó còn mang quả đào ra đưa cho tôi và bảo, cháu mang quả đào tiên cho bà ăn này. Bà ăn vào sẽ được trường sinh bất lão". 

Không giấu được sự căm phẫn, ông Lê Văn Thành, bác ruột của cháu L nói: "Cháu nhà tôi có tàng hình đâu mà cô giáo không nhìn ra nó chứ. Nếu không thấy sự có mặt của nó thì cô giáo phải có trách nhiệm bằng cách nào đó liên hệ với gia đình chứ. Sao lại có chuyện để quên cháu tôi ở trên xe suốt 1 ngày trời. Cháu còn là cháu trai duy nhất trong nhà, nhà trường làm ăn tắc trách, giờ gia đình tôi biết phải làm sao?".

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16h30’ ngày 6-8, trong quá trình đưa học sinh về, đã phát hiện bé Lê Hoàng L, học tại lớp 1 Tokyo nằm bất tỉnh trên xe. Ngay lập tức, 1 cán bộ của nhà trường nhanh chóng đưa cháu bé vào phòng cấp cứu trong tình trạng bị tím tái. Lúc này, nhân viên y tế làm các biện pháp cấp cứu đồng thời liên lạc với phụ huynh gia đình và gọi điện cho 115 và đưa cháu L. đến Bệnh viện E.

Tuy nhiên, bác sĩ kíp trực buổi hôm đó cho biết, cháu L. đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện.

Trường Gateway, nơi xảy ra cái chết đau lòng của cháu bé L.H.L

Thiếu quy tắc nghề nghiệp, thiếu quy tắc hành chính

Cách đây không lâu, trong một lần vô tình tôi được đi nhờ xe đưa đón học sinh đến trường con của người bạn. Ngồi trên xe, suốt chặng đường chưa đầy 4km, nhưng đã có tới 50% các em học sinh ngủ trên xe, nhất là các cháu được đón từ những điểm đầu tiên theo lịch trình. 

Còn cô phụ trách (cô Monitor) luôn ở một trạng thái bận rộn vì mỗi điểm đến đều phải xuống xe để đón học sinh lên xe. Khi đến cổng trường, các em học sinh chạy rất nhanh vào trường mà không hề có sự điểm danh hay sắp xếp vào lớp. 

Chính vì điều này, việc các trường cần phải có một quy trình điểm danh, kiểm soát số lượng của các em học sinh khi đến trường. Trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phụ xe trong việc quản lý học sinh phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt đối với các em học sinh cấp tiểu học.

Quay trở lại vụ việc bé trai bị bỏ quên trên xe ôtô trường Gateway, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "vô ý làm chết người". Tuy nhiên, xét về trách nhiệm, hiện phía Trường Gateway vẫn đang quanh co, chối bỏ trách nhiệm, gây nên sự bất bình rất lớn trong dư luận xã hội. 

Như trường hợp xe đưa đón học sinh của Trường Gateway là do hợp đồng giữa nhà trường với nhà xe đưa đón học sinh, và người chịu trách nhiệm đón học sinh là nhân viên của nhà xe chứ không phải giáo viên phụ trách đưa đón học sinh của nhà trường. 

Điều này lại cho thấy, liệu Trường Gateway có đảm bảo quy trình quản lý? Tính trách nhiệm và nghiệp vụ sư phạm của nhà trường có được đảm bảo trong trường hợp này?

Rất nhiều học sinh còn ngủ gật trên đường đến trường. (ảnh có tính minh họa)

Qua tìm hiểu của phóng viên, thông tin từ các trường có dịch vụ đưa đón học sinh trên địa bàn Thủ đô thì hầu hết đều ký kết sử dụng dịch vụ được cung cấp từ các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải. Các trường hợp ký kết hợp đồng với các bên cung cấp chứ không bỏ tiền mua xe, thuê người lái. Và, tại Trường quốc tế Gateway cũng không ngoại lệ. 

Hiện chưa có bất cứ một quy định cụ thể nào của pháp luật liên quan đến khái niệm "xe đưa đón học sinh". Chính vì thế, việc đảm bảo an toàn cho học sinh vẫn chính là những nội quy, quy định của nhà trường. Các phụ huynh cần cân nhắc thật kỹ để tránh những sự việc không may mắn xảy ra với con em mình.

Sau khi xảy ra vụ việc tại Trường quốc tế Gateway, rất nhiều chuyên gia đã đồng loạt lên tiếng phân tích. Các chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc, khi giáo viên đến đón các cháu học sinh với số lượng cố định theo danh sách thì khi đưa đến trường, xuống xe phải bàn giao đủ số cháu đã đón, trừ những trường hợp lý do nghỉ học sẽ phải được phụ huynh thông báo. 

Vụ việc này có thể thấy rõ ràng giáo viên thiếu trách nhiệm kiểm tra số học sinh đã đón, hoặc do cẩu thả mà không kiểm tra, đã bỏ quên cháu L ngủ quên trên ôtô, khiến cháu L tử vong. 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: "Tuỳ theo kết quả điều tra, thu thập các chứng cứ thì hành vi của người giáo viên phụ trách đưa đón các cháu bằng xe ôtô sẽ có dấu hiệu phạm tội "vô ý làm chết người" hoặc tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Tội phạm và hình phạt được quy định rất cụ thể tại khoản 1, Điều 128, Bộ luật Hình sự hoặc Khoản 1, Điều 360, Bộ luật hình sự. 

Nếu có đủ căn cứ xác định người giáo viên phạm tội "Vô ý làm chết người" thì thuộc lỗi vô ý vì cẩu thả. Đó là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

Nếu xét thấy hành vi của người giáo viên phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thì thuộc lỗi vô ý cẩu thả do không thực hiện nhiệm vụ được giao là phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm đếm các cháu học sinh khi nhận từ phụ huynh đến khi bàn giao đủ số học sinh vào lớp".

Chiếc xe đưa đón cháu bé hoạt động không phép:

Theo một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, các xe chở học sinh hiện nay nhà trường đều hợp đồng với phụ huynh và có thu thêm tiền đưa đón, nên thuộc diện xe hợp đồng chở khách phải đăng ký kinh doanh theo Nghị định 86/CP. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra dữ liệu quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, chiếc xe BKS 29B-069.56 chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Vì vậy, không thể kiểm tra được lịch trình chiếc xe này. Trong khi đó, theo thông tin từ UBND quận Cầu Giấy tại buổi họp báo trưa 7-8, ông Doãn Quý Phiến (SN 1966), lái xe Ford Transit BKS 29B-069.56, là nhân viên của Công ty TNHH Vận tải và du lịch Ngân Hà. Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Vận tải và du lịch Ngân Hà được cấp Giấy phép số 3510/GPKDVT, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, người đại diện theo pháp luật là bà Vương Thị Hường.

Theo quy định tại Nghị định 86, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị/chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng có thể nắm lộ trình xe. Theo số liệu thống kê được Sở Giáo dục - Đào tạo gửi sang Sở GTVT Hà Nội, năm học 2019 - 2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe. Trong đó, loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Đáng chú ý, trong danh sách 17 trường đã nêu trên không có Trường Gateway. Nhưng, đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, có thể danh sách này không đủ, vì hàng năm Sở GTVT đều có văn bản gửi Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội đề nghị phối hợp, cung cấp danh sách các trường học có ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải đưa đón học sinh. Song, số lượng thống kê gửi về Sở GTVT Hà Nội thường không đầy đủ.

Phong Anh
.
.
.