Cần tạo cơ hội cho thí sinh sửa sai

Thứ Sáu, 29/03/2019, 13:11
Những ngày qua, một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là sau nhiều tháng điều tra việc gian lận điểm thi tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, cơ quan điều tra đã xác định được các bài thi nâng điểm và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có danh sách thí sinh.


Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả chấm thẩm định các bài thi bị can thiệp cho thấy, tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã có hơn 200 thí sinh được nâng điểm.

Trong đó, tại Hòa Bình có 140 bài thi trắc nghiệm và 22 bài thi tự luận được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn. Cao nhất có thí sinh có bài thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm. Tại Sơn La, có 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi tự luận được can thiệp nâng điểm. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm. Tại Hà Giang có 330 bài thi của 114 thí sinh được can thiệp nâng điểm, trong đó có thí sinh được nâng đến 29,95 điểm cho ba bài thi.

Cho tới lúc này, danh sách thí sinh gian lận vẫn chưa được công bố. Xung quanh việc công khai hay không công khai danh tính thí sinh được nâng điểm đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần công khai danh sách này để đảm bảo công bằng cho những thí sinh đã bị trượt đại học oan vì hơn 200 thí sinh được nâng điểm đã "cướp" đi cơ hội vào đại học của hơn 200 em khác. Cho tới lúc này, các trường đại học đều khẳng định sau khi buộc thôi học các thí sinh đỗ đại học nhờ gian lận thì cũng không thể gọi các em khác thế chỗ bởi theo Điều 2 của Quy chế tuyển sinh thì các trường có thể tuyển nhiều đợt trong năm và kết quả phải báo cáo Bộ trước ngày 31-12, nhưng thời điểm này đã là tháng 3-2019; các trường đã gần kết thúc năm học thứ nhất nên không thể tuyển bổ sung.

Vì vậy cần công khai danh sách thí sinh bởi trong trường hợp này, các thí sinh đã đủ 18 tuổi, phải chịu trách nhiệm trước tất cả hành vi của mình. Nếu bản thân các thí sinh không muốn làm những việc như thế thì cũng không có ai có thể ép buộc được. Hơn nữa, bản thân mỗi thí sinh sẽ tự nhận thức được những gì mình đã làm, cơ bản sẽ tự đánh giá được kết quả bài thi mình thực hiện đến đâu. Khi làm bài mà thấy điểm của mình chênh lệch quá cao như vậy, nếu thí sinh thực sự là một người trung thực, sẽ phải có ý kiến với hội đồng thi. Còn ở đây, các thí sinh đó đã im lặng và hưởng thụ các kết quả sai đó.

Đề cập tới vấn đề này, PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, với những thí sinh chỉ được nâng một số điểm nhỏ, có thể các em sẽ không biết mình được can thiệp nâng điểm. Tuy nhiên, với những thí sinh được nâng với số điểm lớn, có em đến trên 26 điểm, thì không thể nói mình không biết kết quả bài thi không đúng với bài làm thật.

Nhìn nhận từ góc độ của người phụ trách công tác đào tạo và sinh viên, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, một thí sinh được nâng đến gần 9 điểm/môn, có nghĩa em đó gần như không làm được một câu hỏi nào, nhưng điểm lại cao chót vót, thì em đó đương nhiên sẽ biết đó không phải là điểm của mình.

Tuy nhiên, đề cập tới việc này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và xử lý đến cùng. Theo ông Trinh, việc công bố danh tính ở thời điểm nào, công bố đến đâu, là thẩm quyền của cơ quan điều tra, cơ quan chức năng.

"Tôi rất chia sẻ mong muốn của dư luận, nhưng chúng ta phải tính đến nhiều yếu tố tác động của việc này. Thứ nhất là phụ thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng, thứ hai là phải thực hiện trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép, thứ ba là không thể không tính đến những tác động có thể rất cực đoan của các thí sinh liên quan", ông Trinh nói.

Trả lại công bằng cho tất cả các thí sinh cũng là điều mà cả xã hội mong chờ và cũng là mục tiêu điều tra kéo dài suốt 8 tháng qua của các cơ quan chức năng. Những học sinh được nâng điểm chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Nhưng, sau trả giá cho những sai lầm cũng rất cần tạo điều kiện để các em làm lại bởi tương lai của các em còn rất dài, đừng để sai phạm đầu đời làm thui chột hết ý chí. Vì thế việc công khai danh sách thí sinh được can thiệp nâng điểm ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang cũng chưa phải là giải pháp hữu hiệu để phòng chống gian lận thi cử. Bởi mục đích của xử phạt là giúp cho người sai biết lỗi và khắc phục. Do đó rất cần có giải pháp xử lý nghiêm nhưng cũng có tính nhân văn.

Tân Lương
.
.
.